
Theo PG con người là một pháp hữu vi, được tạo thành bởi 2 yếu tố cơ bản là Danh & Sắc. Theo thứ tự 12 chi của một chu kỳ tái sinh thì danh-sắc thuộc về chi thứ 4, sinh khởi dựa vào nhân duyên ở chi thứ 3 trước đó là Thức Kết Sinh.
DANH là thuật ngữ dùng để chỉ cho tất cả các pháp thuộc về tâm. Các pháp này không được tạo thành bởi các yếu tố vật chất nên không phải là các đối tượng cụ thể được mắt-tai-mũi-lưỡi-thân nhận biết. Con người chỉ có thể nhận biết thông qua ý thức và tên gọi của chúng. Thí dụ như khi tâm đeo bám một đối tượng nào đó, và muốn đối tượng đó thuộc về Tự Ngã thì mắt không thể nhìn thấy, tai không thể nghe trạng thái tâm đó mà chỉ có ý thức nhận biết và đặt tên cho nó là Tham.
SẮC là tất cả các pháp được tạo thành bởi các yếu tố vật chất; thuật ngữ PG Ấn-độ gọi là “mahābhūta” (大種; đại chủng). Có tất cả 4 đại chủng (四大) là “đất” có tính rắn, “nước” có tính dính, “lửa” có tính ấm, và “gió” có tính động. Bốn đại chủng này là các nguyên tố (elements) nên mắt thường không thể trông thấy được. Vì thế, khi nói đến yếu tố đất thì chúng ta phải hiểu rằng đó là một nguyên tố rắn có thể xuất hiện trong một hòn đất, một giọt nước, một ngọn lửa, một làn gió, v.v. Như vậy, cái được chúng ta nhìn thấy, nghe được, chạm được, v.v., là các “sở tạo sắc”, tức loại vật chất thô hiển được tạo thành bởi các nguyên tố nói trên.
Từ hai thành phần cơ bản trên, chúng ta tìm hiểu thể-tướng-dụng của tồn tại có tên là “con người”:
THỂ-TƯỚNG-DỤNG CỦA SẮC (thân): Thể của thân là 4 đại chủng. Như đã nói ở trên, một người bình thường như chúng ta không thể nhận biết các đại chủng mà chỉ có thể nhận biết tổng tướng của chúng. Nói cách khác, khi các đại chủng kết hợp với nhau thì chúng ta chỉ nhận biết được tướng của “cái” được chúng tạo thành là trái tim, lá phổi, cái lưỡi, mạch máu, da vàng, da trắng, tóc đen, tóc bạc, tóc vàng, thân nhiệt, hơi thở vào-ra, v.v. Về dụng của chúng, các bạn có thể dựa vào kiến thức y học để biết.
THỂ-TƯỚNG-DỤNG CỦA DANH (tâm):
(i) Thể của danh là “tâm.” Tâm là pháp không được tạo thành bởi các yếu tố vật chất vì thế chúng ta không thể thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm tâm; mà chỉ có thể có ý thức về tướng & dụng của nó. Có nghĩa rằng, ngay cả ý thức cũng không thể biết được thể của tâm là gì, mà chỉ có thể biết được các hình ảnh và khái niệm về thể của nó.
Ở đây có thể nêu lên câu hỏi, “Nếu chỉ nhận biết được tướng-dụng—chứ không phải thể—của tâm thì có phải tâm cũng chỉ như “lông rùa”, “sừng thỏ”, hay “hoa đốm giữa không trung”?” — Chúng ta tin vào tâm cũng như tin vào giác ngộ của đức Phật. Với một pháp mà phàm phu chúng ta không thể tri nhận bằng hiện lượng và tỷ lượng, thì chỉ còn một cách duy nhất là chúng ta phải tin vào thánh giáo của ngài.
Có lần khi được hỏi cái biết của ý, tức ý thức, trước khi sinh khởi thì nó ở đâu, và sau khi diệt thì nó đi về đâu, đức Phật đã trả lời rằng phàm phu chúng ta không thể biết được điều đó. Rồi ngài cho tỷ dụ: “Khi ma sát hai viên đá hay hai thanh gỗ vào nhau thì tia lửa phát ra. Trước khi tia lửa phát ra, chúng ta không thể biết nó ở đâu. Và sau khi tắt, chúng ta cũng không biết được nó đi về đâu.”
Có lần ngài cho thí dụ cụ thể hơn: “Tâm giống như biển. Khi tĩnh thì nước, hay thể, của nó ở trạng thái tĩnh lặng. Và khi có gió thì nước lại chuyển động thành sóng, hay các tướng trạng, của nó. Sóng không phải là nước (bất đồng), mà sóng cũng không khác với nước (bất dị).”
Có khi ngài lại dạy rằng tâm của chúng sinh giống như một chỗ chứa; nơi đó chứa đựng tất cả các “dấu vết” nhiễm ô hữu lậu và thanh tịnh vô lậu. Khi các dấu vết này hoạt dụng thì chúng được xem như những “hạt giống” (chủng tử) hiện hành thành các mầm mộng, tức các tướng trạng và tác dụng mà chúng sinh có thể nhận biết. Tuy nhiên, chỉ có chư Phật mới nhận biết được các “chỗ chứa” đó của mỗi chúng sinh.
Với những lời dạy trên, nếu tin Phật, các bạn có thể tiếp tục tìm hiểu về các tướng trạng và tác dụng của tâm.
(ii) Tướng-Trạng Của Tâm: PG chia tướng trạng của tâm thành 2 phạm trù chính: thức & trạng thái tâm.
THỨC có sáu tướng trạng chính: cái biết của mắt (nhãn thức), cái biết của tai (nhĩ thức), cái biết của mũi (tỷ thức), cái biết của lưỡi (thiệt thức), cái biết của thân (thân thức), và cái biết của ý (ý thức). Một đặc điểm của thức là luôn luôn biết VỀ cái gì. Nói cách khác, thức chỉ có thể sinh khởi khi có cái được biết làm đối tượng nhận biết của nó; hoặc, nếu không có đối tượng để nhận biết thì sẽ không có sự sinh khởi của thức.
TÂM SỞ: Thuật ngữ Phật học gọi tất cả các trạng thái của tâm (states of mind) là tâm sở. Tâm sở là viết tắt của nhóm từ “tâm sở hữu pháp” (các pháp thuộc về tâm). Tâm sở (心所) là từ được Thánh điển chữ Hán dịch nghĩa từ chữ Phạn “caitta” hoặc “caitasika” (Pali, cetasika; mental concomitants, mental factors.) Một đặc điểm của tâm sở là luôn luôn đi kèm theo các thức nói trên. Nói cách khác, nếu thức không sinh khởi thì các tâm sở cũng không thể sinh khởi.
Vì thuộc về các tướng trạng của tâm, cho nên có bao nhiêu tâm chúng sinh thì có bấy nhiêu tâm sở. Trong quá trình giáo hóa, đức Phật chủ yếu tùy vào cơ-thời–tức ngộ tính và thời gian thích hợp–của chúng sinh để thuyết pháp. Sau khi ngài nhập diệt, các luận sư PG bắt đầu kết tập và thống kê tất cả các tâm sở được tìm thấy trong Kinh Tạng (sūtrapiṭaka; 經藏; basket of discourses), đồng thời cộng thêm các tâm sở được tìm thấy từ sở chứng riêng của từng vị. Vì thế, các số lượng tâm sở khác nhau được bảo lưu trong Thánh điển của các truyền thống khác nhau. Ở đây, chúng tôi sẽ căn cứ vào luận thư Abhidharmakośabhāṣya (A-tỳ-đạt-ma Câu-xá Luận; Chos mngon pa’i mdzod kyi bshad pa; 阿毘達磨倶舎論), được ngài Thế Thân (Vasubandhu) trước tác ở Ấn-độ vào khoảng thế kỷ thứ IV, để trình bày với các bạn về số lượng và tên gọi của các tâm sở.
THAM KHẢO 1
TÂM SỞ có 46 pháp, chia làm 6 loại.
1. ĐẠI ĐỊA PHÁP: là pháp thường xuyên hiện hữu trong tất cả các sát-na của tâm (citta-kṣaṇa). Có tất cả 10 đại địa pháp.
1.1 Thọ (vedanā): là ba loại cảm nhận lạc, khổ, không-lạc-không-khổ.
1.2 Tưởng (saṃjñā): là sự nắm bắt các tín hiệu, ký hiệu của cảnh.;
1.3 Tư (cetanā): là tác động, thúc đẩy tâm tạo tác.
1.4 Xúc (sparśa): là sự tiếp xúc phát sinh từ sự hòa hợp của “căn-cảnh-thức”; nói cách khác, xúc là loại pháp có khả năng giúp căn-cảnh-thức hòa hợp khi chúng tiếp xúc với nhau.
1.5 Dục (chanda): là mong muốn hành động.
1.6 Tuệ (prajñā): là khả năng phân biệt các pháp.
1.7 Niệm (smṛti): là sự không bị mơ hồ đối với Cảnh được tâm nắm bắt, giúp tâm không quên Cảnh.
1.8 Tác ý (manas-kāra): là sự khúc chiết của tâm, là sự “uốn cong”, “đặt để” tâm hướng đến Cảnh.
1.9 Thắng giải (adhimukti): là sự thừa nhận/tán thành cảnh, xem xét cảnh dựa vào các tính chất của nó.
1.10 Định (samādhi): là sự hợp nhất của tâm với cảnh, là pháp có khả năng làm cho một dòng tâm tương tục đình trụ ở cảnh.GHI CHÚ: 5 pháp sau thuộc về cả đại địa và đại phiền não.
2. ĐẠI THIỆN ĐỊA PHÁP: là các pháp hiện hữu trong các tâm thiện. Có tất cả 10 đại thiện địa pháp.
2.1 Tín (śraddhā) là sự làm cho tâm thanh tịnh, [tức tâm vốn bị nhiễm “phiền não” và “tùy phiền não” nhờ Tín mà được thanh tịnh.] Có thuyết cho rằng tín là tin theo thuyết nghiệp quả, Tam Bảo, và lý Tứ đế.
2.2 Bất phóng dật (apramāda): là sự tu tập, tức sở hữu và tô bồi các thiện pháp.
2.3 Khinh an (praśrabdhi): là pháp giúp cho tâm được lanh lợi, nhẹ nhàng, khéo léo.
2.4 Xả (upekṣā): là sự bình đẳng của tâm, tức pháp giúp cho tâm được bình đẳng, không bị khúc chiết.
2.5 Tàm (hrī): là sự kính trọng, tôn sùng, phục tùng đối với các công đức của chính mình và người khác, cũng như đối với bậc hữu đức.
2.6 Quý (apatrāpya): là pháp giúp ta thấy được các quả đáng sợ của điều ác.
2.7 Vô tham (alobha): là không tham.
2.8 Vô sân (adveṣa): là không sân.
2.9 Bất hại (avihiṃsā): không làm tổn hại.
2.10 Cần (vīrya): là sự chịu đựng, dũng mãnh của tâm.3. ĐẠI PHIỀN NÃO ĐỊA PHÁP: là các pháp hiện hữu trong các tâm ô nhiễm. Có tất cả 6 đại phiền não địa pháp:
3.1 Si (moha): là không hiểu, không biết, không rõ ràng.
3.2 Phóng dật (pramāda): không sở hữu và tô bồi các thiện pháp.
3.3 Giải đãi (kausīdya): là lười biếng, trái với Cần.
3.4 Bất tín (āśraddhya): trái với Tín.
3.5 Hôn trầm (styāna): trái với Khinh an; tức tính chất nặng nề của thân và tâm, tính chất thụ động của thân và tâm.
3.6 Trạo cử (auddhatya): sự không định tĩnh của tâm.4. ĐẠI BẤT THIỆN ĐỊA PHÁP: là các pháp thường xuyên hiện hữu trong các tâm bất thiện. Có 2 pháp đại bất thiện địa:
4.1 Vô tàm (ahrī, āhrīkya): là sự không kính trọng, không tôn sùng, không phục tùng đối với các công đức của chính mình và người khác, cũng như đối với bậc hữu đức.
4.2 Vô quý (anapatrāpya): là pháp làm cho ta không thấy được các quả đáng sợ của điều ác.5. TIỂU PHIỀN NÃO ĐỊA PHÁP: là loại vô minh đơn độc, tức không tương ưng với tham, dục, v.v. Đó là loại vô minh chỉ thuộc về ý thức và được đoạn trừ ở Tu đạo (bhāvanā-mārga). Có 10 tiểu phiền não địa pháp:
5.1 Phẫn (krodha): là tâm giận dữ đối với chúng sinh cũng như sự vật, nhưng không giống Sân (vyāpāda) và Hại (vihiṃsā).
5.2 Phú (mrakṣa): là sự che dấu lỗi lầm của bản thân.
5.3 Xan (mātsarya): tâm keo kiệt, đi ngược lại sự bố thí về pháp và tài vật.
5.4 Tật (īrṣyā): tâm ganh ghét trước sự hưng thịnh của người khác.
5.5 Não (pradāśa): là cố chấp việc ác khiến không chịu nghe theo lời khuyên can.
5.6 Hại (vihiṃsā): là sự oán ghét, biểu hiện qua việc làm, lời nói có hại đến người khác.
5.7 Hận (upanāha): là sự thù hận.
5.8 Siễm (śāṭhyā): là sự không thẳng thắn của tâm khiến người ta không nói đúng sự thật, hoặc không chịu bác bỏ những lúc cần bác bỏ, hoặc giải thích mơ hồ.
5.9 Cuống (māya): là lừa phỉnh người khác.
5.10 Kiêu (mada): là tâm cao ngạo do chấp trước các phẩm chất riêng của mình.6. BẤT ĐỊNH ĐỊA PHÁP: Có 8 pháp.
1. Ố tác (kaukṛtya; Hối): là hối hận, không bằng lòng việc đã làm.
2. Miên (middha): là sự bạc nhược, sự dằn nén của tâm khiến tâm không còn khả năng điều khiển thân.
3. Tầm (vitarka): là tâm tìm kiếm cảnh ở dạng thô động.
4. Tứ (vicāra): là tâm khảo sát cảnh một cách vi tế.
5. Tham (rāga): là trạng thái đam mê, đeo bám cảnh.
6. Sân (pratigha): là trạng thái đối kháng cảnh.
7. Mạn (māna): là tính chất tự cao của tâm khi đối với người khác.
8. Nghi (vivikitsā): là trạng thái hoài nghi, không tập trung của tâm.
(iii) TÁC DỤNG CỦA TÂM: Như đã nói từ trước, phàm phu chúng ta chưa có khả năng nhận biết thể của tâm. Vì thế, khi nói đến tác dụng của tâm, có nghĩa là nói đến tác dụng các tướng trạng của tâm là thức & tâm sở.
THỨC: tác dụng của thức là nắm bắt đối tượng được tri nhận. Thuật ngữ PG gọi đối tượng này là “cảnh”.
– Nhãn thức nắm bắt trực tiếp hình-màu của cảnh. Thuật ngữ PG gọi “hình-màu” là “sắc”. Như vậy, cho đến bây giờ chúng ta có được 2 nghĩa khác nhau của thuật ngữ này: (1) sắc chỉ cho tất cả các yếu tố vật lý, giúp phân biệt với các yếu tố tâm lý; (2) sắc chỉ cho đối tượng vật lý chỉ được nhãn thức nhận biết, giúp phân biệt với âm thanh, mùi, vị, v.v.
– Nhĩ thức nắm bắt trực tiếp âm thanh của cảnh.
– Tỷ thức nắm bắt trực tiếp mùi của cảnh.
– Thiệt thức nắm bắt trực tiếp vị của cảnh.
– Thân thức nắm bắt trực tiếp các trạng thái “trơn-nhám”, “mềm-cứng”, “nóng-lạnh”, v.v. của cảnh.
– Ý thức nắm bắt gián tiếp cảnh qua các hình ảnh (images) và ý tưởng (ideas) được 5 thức nói trên “nạp” vào tâm trong quá khứ hoặc hiện tại.
Ghi Chú: Tác dụng nắm bắt cảnh của 5 thức đầu có tính cách “trực tiếp”; thuật ngữ PG gọi là “hiện lượng”, tức thực tại đang vận hành như thế nào thì các thức này sẽ nhận biết đúng như thế đấy. Thí dụ: nhãn thức nhận biết bây giờ là 12 giờ vì cả 3 kim đồng hồ đều đang chỉ số 12. Trong lúc tác dụng của ý thức có tính cách “gián tiếp”; thuật ngữ PG gọi cái biết này là “tỷ lượng”, tức biết bằng so sánh, đối chiếu với hình ảnh hoặc khái niệm quá khứ. Thí dụ: khi nhãn thức nhận biết cả 3 kim đồng hồ đều chỉ số 12, và “nạp” hình ảnh này vào tâm để làm cảnh cho ý thức nắm bắt, thì ý thức cũng biết “bây giờ là 12 giờ”. Thế nhưng, thực tại lúc đó không còn là 12 giờ nữa, mà phải là 12 giờ + 1 hoặc 2 hoặc 3 … sát-na.
TÂM SỞ: tác dụng của các trạng thái khác nhau của tâm chính là tác dụng của các tâm sở. Các bạn xem thêm CCTT – Tham Khảo 1.