
Tiên sinh Tiếu Chi Nguyễn Lục Khanh, người Thanh Hoa, tuổi vừa hăm bảy, giỏi viết chữ. Thư pháp gia đương thời nước Việt ta đếm đầu ngón tay mà riêng tiên sinh đứng trong số đó. Vừa rồi tiên sinh phát nguyện lớn, chép phẩm Phổ môn trong kinh Diệu pháp liên hoa, rồi mời bỉ nhân viết bạt. Bỉ nhân sau khi đón thiếp ngọc, thành tâm xem ngắm, tán thán muôn phần. Song về việc viết bạt, xưa nay thẳng tính, ghét xảo ngôn, nói năng ngọng ngịu, không dám tuân mệnh. Tiên sinh hết lần này đến lần khác xin bạt. Bỉ nhân đành cả gan kính viết, cúi dâng lời thô.
Chừng Phật và Bồ Tát là âm Phạn, tiếng Hoa là bậc giác ngộ và bậc giác hữu tình. Giác là do tâm sinh ra, lìa ra ngoài tâm, không có trí huệ nào có thể có được, không thể tìm kiếm Phật nào khác. Từ khi Thích Ca tịch diệt, giáo pháp ngài để lại có tám vạn ba ngàn pháp môn đều dùng sự thiện xảo để giải thích cho chúng sinh, dần nhận ra chân lý. Phẩm Phổ môn nói rằng: Nếu kêu danh hiệu của Quán thế âm thì lập tức được giải thoát, lìa mọi khổ ách. Đó thực là phép phương tiện, dạy dỗ tùy người. Do chúng sinh ngu si, luân hồi vào sáu cõi nên vậy.
Nay sinh vào thời mạt pháp, đập vào mắt quá nửa sư ma, lọt vào tai quá nửa lời ma, dẫu kinh điển tám vạn, pháp ấn ba nghìn, cứu mình còn khó, huống hồ độ ai? Có kẻ nói rằng, người chép kinh, công quả vô lường, lợi lạc chúng sinh, thực là nói với kẻ ngu thôi, bậc thức giả không tin như vậy.
Người nước ta tính chuộng quỷ thần, thích điều quái đản. Dẫu chùa chiền như rừng, người tới như lũ, nhưng hễ gọi danh hiệu Phật thì nghĩ là thần là thánh, cầu xin ban phúc phù trì, tai qua nạn khỏi, không có ai cầu giác ngộ và giải thoát. Huống hồ Việt Cộng phế bỏ Hán văn đã lâu, gần đây phàm thứ giống Tàu đều ghét. Tư tưởng Việt tâm ngày một quá khích. Tiên sinh Tiếu Chi chép bằng chữ Hán, dẫu có viết vạn thiên, tụng vạn biến, cũng không có một chúng sinh nào độ được, bất quá là tự giác ngộ mà thôi.
Đây là lời bạt.
Vân Trai họ Trần viết ngày rằm tháng 7 năm Quý Tỵ niên hiệuCộng Phú Trọng thứ ba.
Nguyên văn:
笑之阮錄卿先生,清華人,年方廿七,善書。我越當代書家屈指可數而先生居其中。頃先生發宏願抄《妙法蓮花經》之普門一品,請鄙人為跋。鄙人接玉帖後,誠心經閲,讚嘆萬千。然為跋一事素來秉忠厭巧,出口木訥,不敢從命。先生一而再再而三請跋。鄙人遂斗膽恭書,伏獻拙辭。
蓋佛與菩薩為梵音,華言覺者及覺有情也。覺由心生,離心之外更無什麽智慧可得,不可求於他佛。自釋迦寂滅,遺教八萬三千法門皆以善巧為衆生解説,漸識真如。普門品所言若稱觀音名號,即時得解脫,離一切苦。實為方便,因人施教。以衆生愚痴,輪回六道故也。
而今生逢末法,所見半魔僧,所聞半魔說,雖經典八萬,法印三千,自救已難,況能度眾!若曰抄經者功果無量,利及群生,實為愚人而言之,為識者所不信。
我國人性崇鬼神,好怪誕。雖禪寺林立,來者如潮,一唱佛名則擬神視聖,求之貺祐扶持,除災救苦,無有求覺悟及解脫者。況,越共久廢漢文,近來凡類華者皆惡之。越心愈激。笑之先生抄以漢文,即使寫萬篇,誦萬遍,亦無一衆生可度,不過自覺而已。
是為跋
共賦重三年癸巳七月望雲齋陳氏書
_________________________________
trích báo HOA ĐÀM, Thứ Sáu, 8 tháng11, 2013 | Bộ mới 2013. Số 3