
Tuổi Trẻ Đoàn Kết Thắp Sáng Hy Vọng Cho Một Kỷ Nguyên Văn Minh Nhân Loại Mới
The Global Solidarity of Youth: Ushering In a New Era of Hope
Lệ Từ | Tu thư Sen Trắng
Trước đây, trưởng Nguyên Mẫn, Hồng Liên và Tâm Xả đã giới thiệu đến anh chị em về tổ chức Soka Gakkai, để hiểu thêm đâu là điều hay, điều cần học hỏi thì chúng ta cũng nên điểm xuyết một vài nét hoạt động của tổ chức này. Tất nhiên bước đầu vẫn phải xác nhận toàn bộ hoạt động của phong trào dựa trên nền tảng Phật Giáo và, lấy Thanh Thiếu Niên làm trung tâm điểm của mọi bước tiến thủ. Điều này đồng thời xác định mối quan tâm và tầm nhìn thời đại, lẫn vượt thời đại của những người lãnh đạo.
Nhiều năm trôi qua, nhắc đến khái niệm “thống nhất”, hay “hợp nhất GĐPT”, dường như chúng ta chỉ hời hợt nhìn hiện tượng này là sự chia rẽ về mặt tổ chức, điều hành…v.v, nhưng tự căn để, ít ai nhận thấy nền tảng thiếu sự thống nhất sâu xa, đó là chúng ta mơ hồ về lý tưởng. Đành rằng “lý tưởng chỉ hướng thuyền đời”, nhưng lý tưởng là lý tưởng nào? Một cách cụ thể, lý tưởng trước hết phải là tầm nhìn thiết thực của tổ chức trong bối cảnh chung thời đại. Không nhìn ra vai trò trách nhiệm của mình giữa một cộng đồng xã hội bao quát, tất nhiên khó định hướng để tiến về đâu? Lý tưởng vì vậy, là những khẩu hiệu trừu tượng, mơ hồ!
Tuy nhiên, bài viết này không nhằm khơi lên những vấn đề bị cho là nhạy cảm “trực thuộc” hay “đoàn kết bất khả phân,” vì nó vốn là những tiên đề không cần ai biện minh hay vận động. Nó là nhận thức lịch sử, ngoại trừ chúng ta không màng đến những cơ sở lịch sử để nhận thức sâu sắc về bản chất của điều này là gì. Vì vậy điều đáng suy nghĩ là chúng ta đã từng tạo nên những tiền lệ mà từ đó, giá trị pháp lý của hai văn bản Nội Quy và Quy Chế GĐPT đã bị đặt trước những thử thách vô tiền khoáng hậu, mặc dù vẫn từng được đề cao như là nền tảng cam kết để duy trì “truyền thống đoàn kết bất khả phân,” hay trong nhiều tình huống khác được diễn đạt là “hợp nhất”, “thống nhất”…v.v. Cho nên điều cần anh chị em đả thông là ở điểm này chứ không phải biện minh cho định đề lịch sử nêu trên. Từ đó, chúng ta không thể nào đứng vững trên điều mình coi là nền tảng, vốn đã bị phá vỡ. Để đứng vững, chúng ta đoạn tuyệt với quá khứ, đồng nghĩa là tạm hoặc quên đi lịch sử. Song, như đã nói, đây không phải là trọng tâm của bài chia sẻ lần này, nên xin hẹn ở một dịp khác. Vì vẫn tồn tại một nền tảng vững chắc, đó là nền tảng giáo lý của đức Thích Tôn.
Nội dung bài này chỉ giúp chúng ta thử nhìn lại ý nghĩa của sự đoàn kết bằng lý tưởng nào. Từ đó hình dung xem trong thực tế sinh hoạt của đoàn thể mình điều gì cần được chuyển hóa ở mỗi cá nhân anh chị em, và cải tiến trong guồng máy vận hành của tổ chức. Lý tưởng cũng có thể có nhiều lý tưởng theo cách nhìn của mỗi anh chị em, nhưng điều gì để tuổi trẻ trong một đoàn thể có thể giữ được sự đoàn kết, nếu không xác định một lý tưởng chung có ý nghĩa, cụ thể và thiết thực ngay trong đời sống sinh hoạt của GĐPT hiện tại.
Dưới đây là phần tóm lược nội dung Bản Đề Xuất Hòa Bình (2017) – Sự Đoàn Kết Của Giới Trẻ Phật Giáo Sẽ Mở Ra Kỷ Nguyên Hy Vọng Mới – của Daisaku Ikeda, đương kiêm chủ tịch của tổ chức Soka Gakkai International (SGI), một trong những hiệp hội Phật giáo lớn nhất trên thế giới.
Ông nói, đã hơn sáu mươi năm trôi qua, kể từ khi Josei Toda (1900–1958), vị chủ tịch thứ hai của tổ chức Soka Gakkai ra tuyên bố kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân. Bấy giờ cốt lõi suy nghĩ của Josei Toda là tầm nhìn về quyền công dân toàn cầu bắt nguồn từ triết lý tôn trọng phẩm giá vốn có của đời sống, như đã được minh thị trong giáo lý Phật giáo.
Đây là niềm tin rằng không ai bị phân biệt đối xử, bị lợi dụng hoặc hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích của người khác. Điều này cộng hưởng mạnh mẽ với lời kêu gọi của Liên hợp quốc đối với cộng đồng quốc tế nhằm tạo ra một thế giới “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thế giới của chúng ta ngày nay đang phải đối mặt với vô số thách thức nghiêm trọng bao gồm sự tiếp diễn dường như không hồi kết của các cuộc xung đột vũ trang và những đau khổ của dân số tị nạn đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng không nên bi quan về tương lai của nhân loại. Lý do, hãy đặt niềm tin vào những người trẻ trên thế giới của chúng ta, mỗi người trong số họ là hiện thân của hy vọng và khả năng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Năm 2016, vị đương kiêm chủ tịch này đã đưa ra những suy nghĩ về phương cách nhằm kiến tạo một mô hình xã hội hòa bình, công bằng được hình dung qua các Mục Tiêu Phát Triển Bền vững, đặc biệt tập trung vào vai trò của giới thanh niên.
Bây giờ ta thử lắng nghe, và suy gẫm về tầm nhìn của người đứng đầu tổ chức Soka Gakkai như thế nào, từ những điều ông đề xuất cho thế giới, và với đồng bào Nhật của mình, đặc biệt luôn luôn nêu bật lòng ưu ái đối với giới trẻ.
Tập trung tạo sự đoàn kết cho những người trẻ, hướng tới mục tiêu chung sống
Với việc ký kết Thỏa Thuận Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2016, các quốc gia trên thế giới đã cùng nhau đối phó với một mối đe dọa chung theo cách mà trước đây dường như không thể. Đây là kết quả của nhận thức chung rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách đối với tất cả các quốc gia.
Nếu chúng ta muốn đạt được tiến bộ trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, chúng ta sẽ cần chia sẻ nhận thức và sự đoàn kết tương tự trên tất cả các lĩnh vực.
Chìa khóa để đối phó với tất cả mọi thách thức dường nhưng khó khắc phục nhất chính là mọi người cần phải tìm đến với nhau và tiếp tục làm việc với tất cả khả năng của mình vì lợi ích của người khác. Nói một cách khác, là đoàn kết.
Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, thuật ngữ Bồ tát được sử dụng để mô tả một người chuyên tâm thực hiện hạnh phúc cho bản thân và người khác. Tinh thần của vị bồ tát này là nền tảng đã duy trì các nỗ lực của SGI với tư cách là một tổ chức dựa trên đức tin hỗ trợ LHQ và hoạt động nhằm giải quyết các vấn nạn toàn cầu. Trọng tâm nhất quán của chúng ta là thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.
Năng lực nội tại của mỗi chúng ta sẽ phát huy mạnh mẽ khi được trao phó vai trò tạo thành một nguồn năng lượng bền bĩ để chuyển đổi hoàn cảnh, là một nguồn hy vọng không thể dập tắt.
Giáo dục làm nảy sinh những hành động và hoạt động định hình hướng đi của xã hội theo thời gian. Đặc biệt, giáo dục về quyền công dân toàn cầu có thể thúc đẩy hành động và tinh thần đoàn kết, giúp thanh niên phát huy hết tiềm năng của mình và gia tăng động lực cho sự thay đổi toàn cầu.
Đặt nền móng cho các xã hội trong đó sự phân chia và bất bình đẳng được khắc phục
Với sự trì trệ liên tục của nền kinh tế toàn cầu, các xung lực bài ngoại đã tăng cường. Tư duy bài ngoại được thúc đẩy bởi sự phân chia rõ rệt thế giới thành thiện và ác. Nhiều hành vi gây tổn thương không còn là điều khiến người ta suy tư và cân nhắc. Cụ thể, khi việc theo đuổi mô hình kinh tế thị trường mà không có sự cân nhắc đối trọng với yếu tố con người, một tâm lý được bộc phát là sẵn sàng tước đoạt ngay cả những hy sinh khắc nghiệt nhất từ người khác.
Nhưng tìm đâu một mô hình xã hội lý tưởng sẵn có để chống lại các thế lực của chủ nghĩa bài ngoại khiến sự chia rẽ trong xã hội thêm sâu nặng và việc theo đuổi kinh tế thị trường nhưng thờ ơ với sự hy sinh của những người thất thế? Tôi tin rằng câu trả lời được tìm thấy trong mối liên hệ chặt chẽ giữa con người với con người. Từ điểm này, tôi thật sự tin tưởng và kỳ vọng rằng tình đoàn kết giữa những người trẻ sẽ mạnh mẽ đẩy lùi xu hướng chia rẽ đáng buồn và khai sinh ra một nền văn hóa hòa bình sinh động dựa trên sự tôn trọng sâu sắc đối với sự đa dạng.
Nâng cao năng lực của cộng đồng để đáp ứng và ứng phó tích cực với các vấn nạn thời đại
Khả năng giải quyết vấn đề không phải là việc dành riêng cho bất kỳ ai: Đó là con đường mở ra trước mắt mọi người trong chúng ta cần đối mặt trực tiếp với thực tế, gánh vác trách nhiệm và hành động một cách kiên trì. Đặc biệt, nghị lực của những người trẻ, có thể xúc tác các chuỗi phản ứng thay đổi tích cực khi tuổi trẻ đã tạo nên mối quan hệ đoàn kết tương trợ lẫn nhau.
Ba lĩnh vực ưu tiên:
Tôi muốn đưa ra các đề xuất cụ thể liên quan đến ba lĩnh vực ưu tiên quan trọng đối với việc thực hiện các xã hội hòa bình, công bằng và hòa đồng là mục tiêu của SDGs:
1. Giải trừ vũ khí hạt nhân
Mối đe dọa do vũ khí hạt nhân gây ra, nếu có, đang ngày càng gia tăng. Về vấn đề này, xin đưa ra các đề xuất cụ thể như sau.
Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga sớm nhất có thể để thúc đẩy quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này tham gia đối thoại hướng tới việc loại bỏ vũ khí của mình trong tình trạng khẩn thiết và đạt được tiến bộ mới trong việc giảm vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản cần nỗ lực để đạt được sự tham gia sâu rộng nhất có thể vào những cuộc đàm phán sắp tới cho một cam kết pháp lý để giải trừ vũ khí hạt nhân, bao gồm cả cam kết của các quốc gia sở hữu hoặc phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân.
Trong những năm gần đây, các thành phố Hiroshima và Nagasaki đã góp phần cảnh tỉnh vấn đề vũ khí hạt nhân trong mắt công chúng bằng cách tổ chức các cuộc họp ngoại giao và chào đón những chuyến thăm của giới quan chức nước ngoài. Là quốc gia duy nhất đã trải qua một cuộc tấn công hạt nhân, Nhật Bản khuyến khích mọi quốc gia tham gia vào các cuộc đàm phán giải trự hạt nhân đa phương và càng ngày càng nhiều quốc gia khác càng tốt tham gia càng tốt.
Công việc thiết lập một hiệp ước cấm sản xuất, chuyển giao, đe dọa sử dụng hoặc sử dụng các loại vũ khí này nên được xem như một cam kết toàn cầu với mục tiêu ngăn chặn sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể phải trải qua. Vì vậy cần có một nỗ lực để cùng nhận định những nguy cơ về an ninh của tất cả các quốc gia hầu giúp cho các cuộc đàm phán trong tương lai thực sự mang tính xây dựng.
Toàn bộ các thành viên xã hội dân sự nên đưa ra các tuyên bố hướng tới các cuộc đàm phán như vậy. Cùng với nhau, những hành động này sẽ tạo thành tuyên bố của tất cả mọi người về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Bây giờ là lúc xã hội dân sự cần tập trung, hướng sự quan tâm đến sự việc này để thiết lập hiệp ước như một hình thức luật định quốc tế.
2. Thắp sáng lại hy vọng cho những người tị nạn
Lĩnh vực ưu tiên thứ hai mà tôi muốn tập trung là sự cần thiết phải thực hiện các chương trình cứu trợ được thiết kế để tạo điều kiện cho những người tị nạn có thể sống với hy vọng mới.
Tôi muốn đề xuất rằng Liên hợp quốc hãy chủ động phát triển một cấu trúc viện trợ mới để giải quyết các nhu cầu nhân đạo và bảo vệ phẩm giá con người. Điều này sẽ tạo điều kiện cho những người tị nạn có cơ hội làm việc trong mọi lĩnh vực hầu góp phần nâng cao khả năng tái lập hy vọng, thúc đẩy và đạt được mục tiêu của những dự án phát triển bền vững ở các cộng đồng sở tại.
Một cấu trúc có thể tập hợp các sáng kiến nhân đạo và phát triển, qua việc LHQ và các quốc gia thành viên tích cực hợp tác để cung cấp các chương trình hướng nghiệp cũng như kỹ năng cho người tị nạn và người xin tị nạn.
3. Xây dựng văn hóa nhân quyền
Năm tới là kỷ niệm 70 năm ngày Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền. Tôi muốn đề xuất rằng dịp này nên được đánh dấu bằng việc tổ chức một diễn đàn Liên hợp quốc và xã hội dân sự về giáo dục quyền con người nhằm đánh giá những thành tựu cho đến nay, và thảo luận sâu hơn về việc thông qua một công ước giáo dục cũng như huấn luyện các nhà hoạt động nhân quyền.
Nếu những người trẻ trên thế giới có thể ủng hộ và bảo vệ các giá trị cốt lõi của quyền con người, tôi khẳng định rằng con đường hướng tới một xã hội đa nguyên và hòa nhập có thể được hình thành. Giáo dục nhân quyền, vì vậy có thể là động lực chính để đạt được điều này. Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ khác, SGI hy vọng sẽ thúc đẩy mối quan tâm trên toàn cầu để cùng hướng tới việc thông qua một công ước pháp lý về giáo dục và đào tạo nói trên.
Bình đẳng giới cũng có liên quan sâu sắc đến việc xây dựng văn hóa nhân quyền. Mục tiêu của bình đẳng giới là mở ra con đường cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, làm sáng tỏ phẩm giá nội tâm và con người của họ theo cách thể hiện đúng với bản thân của họ.
Với SGI, thanh thiếu niên là trung tâm của phong trào, sẽ nỗ lực hơn nữa để mở rộng tình đoàn kết với mọi người trên địa cầu trong sự nghiệp xây dựng văn hóa nhân quyền, nhằm kiến tạo một xã hội “không ai bị bỏ lại phía sau”.
____________________________________
Theo: Daisaku Ikeda, The Global Solidarity of Youth: Ushering In a New Era of Hope (2017)