
Trong truyền thống Theravada, các vị xuất gia đều khoác y màu hỏa hoàng. Màu hỏa hoàng là màu vàng của lửa. Ở Gia Nã Đại, đất nước của những cây phong, đến mùa thu rừng phong lá chín rực rỡ màu hỏa hoàng. Theravada là một bộ phái gọi là Thượng Tọa Bộ. Thực ra phái Theravada ở Tích Lan không phải là phái Thượng Tọa Bộ gốc (Mula Theravada) mà là một bộ phái ngọn, tên là Xích Đồng Diệp Bộ, tiếng Phạn là Tamrasatiya. Tamra là đồng, một thứ kim loại. Xích là màu đỏ. Diệp là lá. Màu y của các vị Khất Sĩ Nam Tông là màu y của chất đồng màu đỏ.
Cho đến những năm 50 của thế kỷ thứ hai mươi, các vị xuất gia ở Việt Nam vẫn còn sử dụng y phục màu nâu và chỉ khoác chiếc y casa tăng già lê màu vàng lên trước khi đi tụng giới, thuyết pháp hoặc hành lễ. Màu nâu là màu áo truyền thống của giới xuất gia Việt Nam. Màu nâu cũng là màu y phục nông dân. Sử dụng màu nâu, người xuất gia trong truyền thống Phật giáo nước ta đã muốn đồng nhất mình với người nông dân lam lũ để thực hiện hạnh khiêm cung, sống đời tri túc, giản dị, gần gũi với dân chúng, thân cận với dân chúng. Màu nâu là màu của khiêm tốn, của tri túc, của nếp sống giản dị. Màu nâu cũng tượng trưng cho sức chịu đựng giỏi, cho tinh thần đại hùng đại lực. Các thầy và các sư cô mặc áo nhật bình và áo tràng màu nâu rất đẹp. Thêm vào chiếc nón lá to vành, hình ảnh của người tăng sĩ Việt Nam rất có vẻ Việt Nam.
Trong thời gian 40 năm hành đạo ở hải ngoại, thiền sư Nhất Hạnh đã xây dựng được một tăng đoàn xuất gia quốc tế mệnh danh là Tăng đoàn Làng Mai. Cố nhiên trong Tăng đoàn này có những thầy và những sư cô người Việt, nhưng cũng có những thầy và những sư cô gốc Âu châu, Mỹ châu và các châu khác – có tới mấy mươi quốc tịch. Tất cả đều được trang phục bằng áo tràng và áo nhật bình màu nâu. Các sư cô, ngoài giờ tụng giới và lễ Phật, đều chít khăn màu nâu, theo truyền thống Phật giáo miền Bắc. Hình ảnh người xuất gia ở Việt Nam trên thế giới là hình ảnh của những thầy và những sư cô mặc áo tràng nâu có mang theo chiếc nón lá rộng vành của quê hương Việt Nam. Thế giới đã quá quen thuộc với hình ảnh ấy, không nhầm lẫn được với các thầy và các sư cô của truyền thống Đại Hàn, Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Thái Lan, Tích Lan và Miến Điện. Trong những buổi thiền hành và những ngày khất thực được tổ chức tại các thành phố lớn trên thế giới như Rome, Paris, Frankfurt, Chicago, Los Angeles, v.v… dân chúng các nước Âu Mỹ đã nhiều lần nhận diện được hình dáng người xuất sĩ Việt Nam qua hình bóng chiếc áo nâu và chiếc nón lá truyền thống quen thuộc kia.
Thi hào Nguyễn Du đã xác nhận màu nâu là màu áo truyền thống của người xuất gia Việt Nam. Trong truyện Kiều ta đọc:
Nâu sồng từ trở màu thiền
Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu
Và:
Thấy màu ăn mặc nâu sồng
Giác duyên sư trưởng lành lòng liền thương
Và:
Mùi thiền đã bén muối dưa
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
Thiền sư Nhất Hạnh là người đã thành lập ra dòng tu Tiếp Hiện vào năm 1966. Dòng tu này là nhịp cầu nối liền giữa hai giới: xuất sĩ và cư sĩ. Người cư sĩ Tiếp Hiện cũng mặc đồng phục áo nâu theo truyền thống Việt Nam. Hơn 40 năm qua, họ đã tu tập và làm việc phụng sự xã hội hết lòng trong tinh thần chiếc áo nâu.
Ngày thiền sư Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai về dự lễ Phật Đản Quốc Tế năm 2008 tổ chức tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình ở Hà Nội, mọi người đã thấy lại hình ảnh tà áo nâu và chiếc nón lá ấy. Rất tiếc là hình ảnh này không được chiếu lên cho cả nước thấy.
Cũng thế, tại Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế ở Ayutthaya, Thailand năm 2010, quý thầy cô Làng Mai cũng được mọi người trên thế giới nhận ra nét truyền thống văn hóa Việt Nam qua tà áo nâu và chiếc nón lá. Tà áo nâu và chiếc nón lá đã để lại những hình ảnh dễ thương bình dị của người xuất sĩ Việt Nam trong lòng mọi người trên thế giới. Ngày nay mỗi khi người nước ngoài trông thấy quý thầy cô trong tà áo nâu và chiếc nón lá thì biết ngay đây là người xuất sĩ Việt Nam.
Trong lúc ấy thì tại quê nhà, màu nâu sồng đã được thay bằng màu vàng. Các thầy không còn vận áo màu nâu hoặc màu khói hương (ta quen gọi là màu lam) mỗi khi đắp y nữa. Y màu vàng rồi mà áo hậu cũng màu vàng. Và trong đời sống hàng ngày một phần lớn các thầy đều mặc áo tràng vàng. Sự đổi thay bắt đầu từ ngày hòa thượng Minh Châu đi học từ Tích Lan và Ấn Độ về nước, và từ ngày các vị thượng tọa tiếp xúc với các nước Phật giáo Nam Tông. Hình ảnh các thầy trong chiếc áo tràng màu vàng không còn là hình ảnh quen thuộc của người xuất gia theo truyền thống Việt Nam nữa.
Hình ảnh người xuất gia mặc áo vàng nổi bật quá, tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa người xuất gia và người cư sĩ. Chúng ta đã đánh mất một trong những cái đẹp của truyền thống: màu áo nâu tượng trưng cho sự bình dị, khiêm cung, gần gũi và thân thương của người xuất gia đối với đại đa số dân chúng miền quê.
Chúng ta thường hô hào phải xây dựng một nền Phật giáo dân tộc, từ kiến trúc, nghi lễ, giáo lý cũng như phương pháp hành trì cho đến thức ăn và áo mặc. Hy vọng những lời thô thiển trên đây gây được ít nhiều cảm hứng để chúng ta có thể phục hồi được hình ảnh tà áo nâu và chiếc nón lá thân thương.