
Tưởng Niệm Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu
Phúc Trung Huỳnh Ái Tông
Lần đầu tiên tôi biết Trưởng Cao Chánh Hựu năm 1961 tại chùa Xá Lợi Sài Gòn, khi tham dự Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Kỳ IV. Đại Hội đó lần đầu tiên thống nhất Gia Đình Phật Tử trong tổ chức Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.
Tôi còn nhớ một số vị đã được bầu cử vào Ban Hướng Dẫn Trung Ương:
- Trưởng Ban: – Thượng Tọa Thích Thiện Hoa (đã viên tịch)
- Phó Trưởng Ban Ngành Nam: – Trưởng Tống Hồ Cầm
- Phó Trưởng Ban Ngành Nữ: – Trưởng Hoàng Thị Kim Cúc (đã mất)
- Tổng Thư Ký: – Anh Trần Quang Thuận
- Phó Tổng Thư Ký: – Trưởng Cao Chánh Hựu
- Thủ Quỹ: – Bác Nguyễn Đức Lợi (đã mất)
- Ủy Viên Nữ Oanh Vũ: – Trưởng Tuệ Tâm Trần Thị Kim Tâm (đã mất)
Rồi cho đến năm 1964, tôi được tham gia vào Ban Tổ Chức Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ V, tổ chức tại Trường Nữ Trung Học Gia Long Sài Gòn do Trưởng Cao Chánh Hựu làm Trưởng Ban Tổ Chức, từ đó tôi được biết Trưởng Cao Chánh Hựu nhiều hơn, vì Bác Tâm Thông Nguyễn Đức Lợi là Đại Diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương tại Miền Vĩnh Nghiêm, chị Tâm Huệ Đoàn Thị Kim Cúc là Thủ Quỹ còn tôi là Thư Ký, Bác Nguyễn Đức Lợi ít đi họp nên thường ủy quyền cho tôi tham dự các phiên họp của Ban Hướng Dẫn Trung Ương.
Năm 1966, ra trường tôi đi dạy học trên Cao nguyên nên ít khi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, tuy nhiên tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt với các anh chị Trưởng.
Tôi đi học tập cải tạo về sớm hơn Trưởng Cao Chánh Hựu, đến khi được tin Trưởng Hựu được ra trại, ai đó đã cho tôi địa chỉ, tôi đã đến thăm Trưởng Hựu tại một căn phố gần chợ Trương Minh Giảng, tôi được mời lên lầu thăm Trưởng, trong căn phòng nhỏ tôi ngồi ghế còn Trưởng Hựu ngồi trên chiếc ghế bố nhà binh, đó là nơi mà Trưởng đã tạm trú trong đôi tháng đầu.
Tôi không nhớ, ngoài chuyện thăm hỏi nhau, Trưởng Hựu và tôi còn trao đổi vấn đề chi không, nhưng tôi vẫn nhớ Trưởng Hựu đã xin địa chỉ của tôi để có thể liên lạc khi cần.
Sau đó chừng nửa tháng, tôi trở lại đó thăm Trưởng Hựu một lần nữa, tôi cũng không nhớ là nhân tiện đi đâu qua đó ghé thăm, hoặc ghé báo cho Trưởng tin tức chi đó.
Cả hai lần tôi đều không hỏi thăm Trưởng về chuyện gia đình, chuyện nhà cửa, mặc dù trước đó tôi có nghe chị Đoàn Thị Kim Cúc nói Trưởng có nhà nhà thuốc Tây – tôi không hỏi thăm chuyện cá nhân của Trưởng cũng vì từ trước Trưởng và tôi không hề nói chuyện cá nhân – chỉ giao tiếp Phật sự mà thôi.
Đến cuối năm ấy, tôi được thơ của Trưởng mời tôi dự lễ Vía Đức Phật A Di Đà vào ngày 17 tháng 11 âm lịch tại chùa Quảng Hương, Già Lam, khi đến tôi mới biết Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo cũng tổ chức chu niên tại đó, và hôm đó là lần đầu tiên Gia Đình Phật Tử tại Sài Gòn có một buổi họp mặt rất đông, có cả Trưởng Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm có anh Lê Đình Duyên con trai Bác sĩ Lê Đình Thám cũng đến dự, đặc biệt hôm đó anh Duyên mặc nguyên một bộ bà ba trắng!
Sau lần đó, Trưởng Hựu tổ chức họp mặt tân niên tại chùa Vạn Phước ở gần trường đua Phú Thọ, lần ấy anh chị em được hân hạnh gặp đức Đệ Tam Tăng Thống Hòa Thượng Đôn Hậu vào Sài Gòn chữa bệnh.
Nhưng năm sau, Trưởng Hựu không gửi thư mời nữa, thay anh đó là Trưởng Hồng Liên Phan Cảnh Tuân mời, hình như từ đó những lần hội họp thiếu vắng Trưởng Hựu.
Khi tôi sắp rời Việt Nam, Trưởng Ngô Mạnh Thu đưa tôi đi thăm chào từ giả Trưởng Lê Cao Phan ở cư xá Lê Đại Hành, khi về trên đường Trương Minh Giảng, ghé nhà Trưởng Hựu lúc đó là một quán giải khát, chị Hương tiếp chúng tôi và cho biết Trưởng Hựu không chịu tiếp xúc với ai cả, chúng tôi đành ngồi uống nước cho đỡ quê!
Nhưng bỗng nhiên Trưởng Hựu xuất hiện chào hỏi chúng tôi, hôm ấy Trưởng ăn mặc rất giản dị với quần đùi màu cứt ngựa, áo thun trắng. Chúng tôi vui vẻ, tự nhiên và rất cởi mở. Sau khi biết tôi tới thăm để chào từ giả, Trưởng hỏi tôi đi định cư ở đâu, tôi cho anh biết ở Kentucky, Trưởng nói:
– Anh có biết Kentucky, nơi đó nổi tiếng vì có trường đua ngựa.
Trưởng cũng kể lại hồi đi sang Mỹ tu nghiệp, và kể lại khi sang Mỹ tham quan, Trưởng cho biết người Mỹ làm việc rất chi ly, như Trưởng muốn đi thăm người quen, họ đã ghi vào chương trình trước đó cả tháng. Trưởng cũng tâm sự:
– Khi anh du học, anh có bà mẹ nuôi người Mỹ, bà ta khuyên anh ở lại, nếu anh ở lại chắc là anh đã lập gia đình với con gái bà ta rồi.
Nay đọc tiểu sử Trưởng Cao Chánh Hựu, thấy Trưởng du học ở Indiana, đó là tiểu bang cạnh Kentucky, nơi tôi định cư cho nên Trưởng biết rành nơi đây có trường đua ngựa nổi tiếng khắp thế giới.
Năm tôi sang Cali ở nhà Trưởng Lạc Loan, Trưởng Hựu đến thăm, tình cảm anh em dành cho nhau thật là đậm đà đáng quý.
Được tin Trưởng mất, tôi xúc cảm bùi ngùi nhớ Trưởng, nhớ tới những anh chị Trưởng khác, mỗi người để lại trong tôi một góc tâm tư riêng biệt, nhưng luôn luôn đáng trân trọng, tưởng nhớ.
Di Ảnh Niên Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu (1930-2009)
Tiểu Sử Huynh Trưởng Cấp Dũng
Tâm Huệ Cao Chánh Hựu
Tam Hue Cao Chanh Huu – Torch Transfer
Việt Báo: Niên Trưởng Gđpt Tâm Huệ Cao Chánh Hựu Về Cõi Phật
BHDTG (2009): Thương Tiếc Anh Tâm Huệ (Ðiếu văn của BHD/GÐPT/VN/TG)
Diệu Ngọc Cao Ngọc Ðiệp: Ðây Gia Ðình, Chung Thân Ái!
Sen Trắng: Khởi sự gian nan anh không ngại khó, lẽ nào tiếp nối đàn em sợ khó chẳng lên đường?
Những bài văn, thơ tưởng niệm theo ngày tháng…
Anh Cao Chánh Hựu và Trò chơi Phật hóa | Lời giới thiệu của anh Tâm Huệ cho tuyển tập Trò chơi Phật Hóa: Sau bao ngày tháng chung sức-chung lòng, Tuyển tập TRÒ CHƠI của tập thể “Đây gia đình” đã duyên – hữu và “Thân ái lan rộng muôn nhà” với cộng đồng Lam – hữu “Chúng ta là chim bốn phương…” Tùy – thuận với sắc-thái sinh-hoạt đa-dạng; ngoài trang nghiêm Tu niệm, sinh động Hội học; Trò chơi trong Gia Đình Phật Tử đã giữ một vị-thế không nhỏ trong nề nếp Sinh hoạt năng-động, tươi thắm, không thể thiếu vắng đối với Tuổi trẻ “ Góp phần xây dựng xã hội theo tinh-thần Phật Giáo”. Cũng như các bộ-môn Tu học và Sinh hoạt hướng thiện khác; Trò chơi với Tập thể Nhà Lam được tùy-duyên như một phương-tiện giáo dục, chuyển-hoá; khế-cơ với mô-thức tùy-thuận; nhằm vun đắp môi-trường thẩm thấu mạng-mạch Hướng thượng đối với những đoàn viên nhập-cuộc “ Quay một vòng hát mà chơi…”. Soạn-giả của Tuyển tập đã cung-ứng cho tập thể những trò chơi Phật hoá, lành mạnh có giá trị thích ứng với đường hướng sinh hoạt của tổ chức GĐPTVN. Được ủy-nhiệm, Lam viên giới thiệu, xin trao gửi những Huynh trưởng dày công-tác thành Tuyển tập một Đoá Sen tán-thán…ngát hương…. Kính cẩn, Tâm Huệ
Tâm Minh Vương Thúy Nga: Một đóa sen thơm ngát
Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo: Ðừng Xa Nhau Nữa
Phan Trung Kiên & Nguyễn Minh Tiến: Nhớ anh Cao Chánh Hựu/Reminiscing Elder Brother Cao Chanh Huu
Quảng Pháp: Nghĩa Nào Trao Tận, Từ Giờ Biệt Ly
Quảng Pháp: Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, hạnh nhìn lỗi mình – không xét lỗi người
Nguyên Túc Nguyễn Sung: Thêm Một Đêm Chia Tay
Quảng Pháp: Anh Hựu trong phong vận thế kỷ XXI: Ðường Dài, Chúng Ta Cùng Vui Lên Mà Ði…
Uyên Nguyên: Anh Hựu và công án “phán quyết sai”
Đồng Trúc Thái Văn Bá: Ngày Giỗ Kỵ Anh TÂM-HUỆ Cao Chánh Hựu
Niên Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, sau bao nhiêu năm, bao thành tựu,
bao nhiêu lần anh em “nài nỉ” anh mới chịu thọ nhận cấp Dũng dưới cội Bồ Đề, Ấn Độ
Bài thơ Tiễn Biệt
Huynh Trưởng GĐPTVN Tâm Huệ Cao Chánh Hựu
Chiếc mũ vẫn còn đây
Anh đã về cõi khác
Dây Thân Ái chiều nay
Sao chẳng còn ai hát
Chiếc còi vẫn nằm im
Trên bàn xưa trống trải
Khi giọt máu từ tim
Vừa ra đi, đi mãi
Anh sống một cuộc đời
Âm thầm như ngọn núi
Ôm ấp nỗi niềm riêng
Nghe đau mà không nói
Giọt nước mắt mùa xuân
Nhỏ trên từng phiến đá
Như hạt bụi thời gian
Phai theo màu chiếc lá
Đoàn các em hôm nay
Còn rất nhiều khốn khó
Nhìn chiếc áo màu Lam
Thấy tình anh trong đó
Anh sẽ là mũi tên
Trên quãng đường còn lại
Để mai mốt các em
Biết lối về đất trại
Anh sẽ là mật thư
Giấu trong vườn Sen Trắng
Chỉ vỏn vẹn một câu
Tình thương rồi sẽ thắng
Anh sẽ là tiếng còi
Thổi lên lời hy vọng
Để em biết ngày mai
Trời không còn biển động
Anh sẽ là bài ca
Giữa đêm dài hiu hắt
Để em biết hôm qua
Đau thương và nước mắt
Anh sẽ là củi khô
Đốt lên từng ngọn lửa
Sưởi ấm mãi Tình Lam
Và đừng xa nhau nữa.
Nhớ nhé anh chị em, xin đừng xa nhau nữa !
Trần Trung Đạo
Hoa Ðàm, số7, tháng Tư, 2009
Số tưởng niệm Cố Huynh Trưởng
Tâm Huệ Cao Chánh Hựu
[ 2016 ] Hoa Ðàm, số đầu tiên của tháng Tư 2009, xin dành trọn để tưởng niệm Người vừa nằm xuống: Huynh trưởng Cấp Dũng TÂM HUỆ CAO CHÁNH HỰU, phó trưởng ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt nam Thế giới; kiêm cố vấn ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt nam Hải ngoại. Tất cả cơ quan báo chí địa phương tại hải ngoại, bằng mọi phương tiện của hệ thống thông tin đang hoạt động, đều đăng tải những tin tức liên quan về Anh và tang lễ, đặc biệt trên những trang nhà GÐPTVN khắp thế giới, hình ảnh, bài viết bày tỏ niềm thương tiếc, lòng ngưỡng mộ tưởng niệm Anh đã được đăng tải rất nhiều mà, vui thay là sự góp mặt, tùy thuận, đông đủ của tất cả ACE Lam viên khắp nơi, thuộc mọi hệ phái, từ một Huynh trưởng đơn vị, đến Ban Hướng Dẫn Cấp Miền, Trung Ương và lành thay là đức nghiêm từ của Chư Tôn Ðức Tăng Già chứng minh. Ðiều này không chỉ nói lên nhân cách của Anh mà còn biểu hiện nét tinh truyền THƯƠNG YÊU của tập thể Lam Viên trong mọi không gian và thời gian.
Mùa Hiệp năm nay, GÐPTVN bùi ngùi ghi vào sổ tưởng niệm thêm những tên thật, việc thật, đã một thời gắn bó cùng màu áo Lam và với tất cả ACE chúng ta, như Anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu; anh Ðức Châu Vũ Ngọc Khuê (ở hải ngoại nói riêng) v.v…, nên từ những điều mà chính mình đã tận tường về hành trạng của Người vừa nằm xuống, sẽ giúp chúng ta thêm trải rộng tình thương cho nhau dù lâm vào cảnh phân kỳ và un đúc thêm niềm tin vào lý tưởng GÐPT. Xin thành tâm thắp nén hương nguyện cầu!
Nhớ Anh, nửa lòng xác xơ…
Quảng Pháp Trần Minh Triết
Tang Lễ anh Hựu tôi không về được, nhưng ở một nơi xa xôi, lặng lẽ ngồi lọc cọc gom những bài vở, hình ảnh mong làm kịp một số báo Hoa Đàm, như là cách tưởng nguyện, thương kính tiễn biệt Anh.
Với riêng tôi, không phải Phật sự nào của anh, cũng đều chung cùng quan điểm. Nhưng thuở đó thế hệ tôi có những sự việc mà Anh Chị mình đang làm, bản thân tuy không hài lòng, nhưng niềm tin gởi gắm vào hàng trưởng bối, tiên phong của phong trào dường như là cách duy nhất. Chí ít, nó là niềm hy vọng mọi quyết sách của Anh Chị thì luôn luôn chính đáng, xuyên qua những phật sự quyết định sự thịnh suy của tổ chức, liên đới trong ngôi nhà chung Phật Giáo. Song, xét cho cùng, nếu không hy vọng, thì làm được gì khác hơn?
Tất nhiên, tuổi trẻ tôi, hay thời nào cũng vậy, rất đồng tình điều mà anh Tâm Lạc từng gióng lên tiếng chuông, là cần một sự chuyển tiếp… Vì thời nào chẳng có một lớp người tư duy mới, muốn làm những điều gì mới mẻ hơn cho tổ chức. Thuở xưa nếu bác Tâm Minh Lê Đình Thám và bao lớp đàn anh đàn chị tiên phong không đem sức trẻ nguyện “từ nay gánh vác”, thì chắc gì đã không có tổ chức GĐPT như hôm nay. Song, đó là giai đoạn phôi thai, người và việc đều còn rất mới mẻ. Nhưng đến nay theo tuổi thời gian đã “thọ”, dù hữu tình hay vô tình theo dòng vận hành duyên khởi, bao lớp người đã thành cây đa cây đề, đã bồi đắp lên những đê điều, bờ bãi v.v…, thì ước nguyện canh tân, cải tiến, hay chuyển tiếp là điều thật sự không còn dễ dàng được nữa. Nó đòi hỏi ý chí cộng đồng tập thể thời đại đa nguyên.
Tự căn để, GĐPT là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ, thì việc chuyển tiếp không cần bàn đến. Nó dường như là sứ mệnh của người hướng dẫn, của thế hệ trước dìu dắt thế hệ sau. Nhưng tại sao anh Tâm Lạc lại phải lên tiếng, kêu gọi. Phải chăng, anh nhìn nhận thấy thực tế phong trào chúng ta có những cản ngại chính từ nội tại. Toàn bộ con đường giác ngộ của Đức Bổn Sư đã minh thị, phải chăng cũng chỉ duy nhất một lý tưởng vượt qua những rào chắn nội tại của chính mình!?
Suy cho cùng, chuyển tiếp là một tiến trình có người chuyển và có người tiếp. Liệu chúng ta đã chuẩn bị và sẵn sàng chưa. Điều nhắn nhủ của Anh Tâm Lạc không bao giờ là muộn nếu không muốn nói nó luôn luôn mới trong mọi thời buổi. Nhưng điều bận tâm chắc chắn sẽ là một ngày khi chúng ta, thế hệ của những đàn anh đàn chị chuyển cho các em tiếp điều mà các em không trông đợi. Đó là gánh nặng quá khứ.
Hội nghị Ban Điều Hợp tại chùa Vạn Hạnh San Diego, trên bàn chủ tọa anh Hựu không mấy khi nở được nụ cười như những lúc bày vui, hát cho bớt căng thẳng, vì “đường dài chúng ta cùng vui lên mà đi…” anh nói với anh chị em phó hội ở đó, hay tự an ủi chính mình!? Bước ra hiên chùa giờ giải lao, anh ghé tai tôi nói gần như khóc, “Bác chỉ muốn duy trì Ban Điều Hợp, không muốn như vậy đâu con…” (Chỗ riêng, anh và tôi vẫn xưng hô với nhau là bác-cháu). Tôi nhớ lời ấy như in, và nhớ đôi mắt rưng rưng thật thảm bại. Khuôn mặt ấy, hình như đã được ghi lại trong tấm hình kèm trong bài viết này, anh cuối mặt buồn, lúc anh Mai tuyên đọc bản quyết nghị!
Ban Điều Hợp Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại, được tiến cử thành Ban Hướng Dẫn Lâm Thời
Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại năm 1997,
do Hội Nghị Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại tổ chức tại Chùa Vạn Hạnh, San Diego,
Tiểu Bang California, Hoa Kỳ vào các ngày 3, 4, 5 tháng 7 năm 1997 | Ảnh: Tư Liệu Hoa Đàm
Nhiều năm sau, vẫn vào những dịp đại hội tương tự như vậy, có những điều trước đó anh dự mong, lại khác đi, trôi trôi theo những định hướng ngoài bài tính… Cái hướng mà bây giờ nếu nhìn lại, không biết có kịp nhận ra một điều là chúng ta đã vô tình lướt qua, hay đi ngoài mọi ước lệ cần gìn giữ cho nhau… Tôi ít tham gia vào việc BHD Hải Ngoại sau đó, cả BHD Thế Giới, dù thỉnh thoảng anh hỏi han, nhờ vả đôi việc. Cái việc duy nhất tôi vẫn đeo đuổi, mà có lúc anh đề nghị biến nó thành đạo tràng lam viên hải ngoại thuở ban đầu, là Hoa Đàm. Đến nay nó vẫn là món bảo vật kỷ niệm lưu giữ tình anh em.
Anh Hựu thương kính,
Nhiều năm sau này, từ những bài học thực tiễn anh để lại, dở dang, thậm chí lệch pha như anh từng tâm sự với em “anh biết, nhưng để rồi từ từ điều chỉnh”, em cứ bâng khuâng tự hỏi nội hàm của việc “hướng dẫn” mang ý nghĩa gì từ bài học vỡ lòng trong Gia Đình Phật Tử. Trong hoàn cảnh phân toái hôm nay, chúng ta đã có dư Ban Hướng Dẫn, nhưng thật sự điều chúng ta cần là một Ban ĐIỀU-HỢP, với những anh chị trưởng có sức thuyết phục tập thể xây dựng lại một thời đại hòa hợp mà tự thân phải tỏa lan sức sống hòa ái vào ngôi nhà Lam lâu nay vơi bớt tiếng cười chung vốn từng có. Ngày Giỗ các Anh, nhang khói năm nào cũng hoang lạnh, xác xơ nửa lòng…
Mặc Cốc, 23 tháng Ba, 2021
Quảng Pháp Trần Minh Triết
_______________________
TƯỞNG NHỚ
ANH TÂM HUỆ Cao Chánh Hựu
(1930-2009)
Nhớ Anh,
Thân anh là thân Như Huệ Thuyết, trí tuệ trong sáng, chân thật, nói ít làm nhiều, không hý luận dài dòng…
Thân anh là thân Vô Uý Thuyết, phong thái đĩnh đạc, không sợ hãi, vô ngại, xiển dương lý tưởng của Tổ Chức GĐPTVN .
Thân anh cũng là thân Quyết Định Thuyết, căn cứ vào chân lý, suy nghĩ và lời nói chính trực, công minh, mọi quyết đoán chân tình và trung thực, hướng thiện, giác tha, hoá giải đố kỵ, chuyển hoá sân hận can qua …
“Anh sống một cuộc đời,
Âm thầm như ngọn núi”
(Trần Trung Đạo)
HOÀNG CAO
(Tên anh tặng)
Nhân ngày giỗ kỵ lần thứ 13
23-03-2022
(Mach 23 2022)
1 thought on “Sen Trắng (tổng hợp): Trang Tưởng Niệm Cố Niên Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu (1930-2009)”