
Cô y tá đẩy Anh trên chiếc xe lăn từ trong phòng điều dưỡng ra sảnh đường bệnh viện, nơi có đông lam viên đang ngồi chờ thăm Anh những ngày Anh nằm bịnh. Lúc này Anh đã khỏe hơn đôi chút. Trong câu chuyện sẻ chia ngày đó, tôi còn nhớ anh kể về sự nghiệp Thẩm Phán của mình, anh tâm niệm rằng “cũng có lúc phán sai”, vô tình gây tổn thương đến người khác, không chỉ là một cá nhân, mà còn liên hệ đến những người thân thích khác nữa… Cho nên lắm lúc, cuộc đời vay trả những nghiệp quả mà hôm nay Anh đón nhận một cách an nhiên…
Trong rất nhiều dự án, hoạt động của Anh ở Ban Hướng Dẫn Hải Ngoại lúc bấy giờ, và cả sau này thành hình cơ chế Thế Giới, không phải việc gì tôi cũng đồng tình. Nhưng cũng không chống báng, và hầu như lúc nào Anh chia sẻ, tôi cũng đều hỗ trợ trong khả năng chuyên môn của mình. Còn không thì im lặng, không làm.
Tôi vẫn theo quan niệm truyền thống, như anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, xây dựng tổ chức trên nền tảng hạ tầng vững vàng trước rồi mới lên thượng tầng, quốc gia trước rồi mới ra thế giới, lấy tuổi trẻ làm sức đẩy phong trào thăng tiến theo thời đại. Còn Anh, trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”, cần tổ chức ngay một cơ chế thượng tầng tối cao để điều hợp những phật sự cấp bách liên đới Giáo Hội là chuyện tất nhiên, việc hạ tầng sẽ điều chỉnh sau, bởi Anh tuyệt đối tin Tình Lam và Trí Lam có công năng dung hòa và hóa giải mọi việc chưa hoàn hảo.
Ðây cũng là điểm then chốt, thời điểm và thời cuộc, mà tôi nghĩ anh chị em hôm nay tưởng niệm Anh, đúng hơn tưởng nhớ đến các Anh, Chị trưởng niên tiền bối hữu công quá cố, cần tìm hiểu một cách nghiêm cẩn hơn, các công trình xây dựng tổ chức mà Anh, Chị đã kinh qua, thành tựu hay dang dở, được hay thất bại trong bối cảnh chung và thời điểm lịch sử bấy giờ.
Với lòng tha thiết cho tiền đồ, phải có nghiên cứu, có thẳng thắn phê bình một cách khoa học để tìm ra phương thức xây dựng, phát triển hiệu quả chứ không chỉ hời hợt một đôi câu hát, một vài bài thơ, văn v.v… tán, tụng “tình lam”. Cái đó không có gì sai, nhưng tôi tin không phải là điều mà Anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu nói riêng, và Anh/Chị tiền bối hữu công nói chung trông đợi ở mình và các thế hệ đàn em.
Dù gì lúc sinh thời, Anh cũng tự thấy có những lúc “phán quyết sai”. Lời này không chỉ nói lên lòng khiêm hạ của một bậc Trưởng niên thức thời, mà chính là bài học gởi gấm cho các em để phá vỡ cái tâm lý sính chức quyền-cấp bậc và thần tượng hóa bất kỳ cá nhân lãnh đạo nào trong sinh hoạt nhà Lam.
Hôm nay, nhớ Anh vô cùng!!!
Uyên Nguyên
Chốn bụi, 2019
1 thought on “Uyên Nguyên: Anh Hựu và công án “phán quyết sai””