
Ban Điều Hợp Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại, được tiến cử thành Ban Hướng Dẫn Lâm Thời
Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại năm 1997,
do Hội Nghị Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại tổ chức tại Chùa Vạn Hạnh, San Diego,
Tiểu Bang California, Hoa Kỳ vào các ngày 3, 4, 5 tháng 7 năm 1997 | Ảnh: Tư Liệu Hoa Đàm
Tang Lễ anh Hựu tôi không về được, nhưng ở một nơi xa xôi, lặng lẽ ngồi lọc cọc gom những bài vở, hình ảnh mong làm kịp một số báo Hoa Đàm, như là cách tưởng nguyện, thương kính tiễn biệt Anh.
Với riêng tôi, không phải Phật sự nào của anh, cũng đều chung cùng quan điểm. Nhưng thuở đó thế hệ tôi có những sự việc mà Anh Chị mình đang làm, bản thân tuy không hài lòng, nhưng niềm tin gởi gắm vào hàng trưởng bối, tiên phong của phong trào dường như là cách duy nhất. Chí ít, nó là niềm hy vọng mọi quyết sách của Anh Chị thì luôn luôn chính đáng, xuyên qua những phật sự quyết định sự thịnh suy của tổ chức, liên đới trong ngôi nhà chung Phật Giáo. Song, xét cho cùng, nếu không hy vọng, thì làm được gì khác hơn?
Tất nhiên, tuổi trẻ tôi, hay thời nào cũng vậy, rất đồng tình điều mà anh Tâm Lạc từng gióng lên tiếng chuông, là cần một sự chuyển tiếp… Vì thời nào chẳng có một lớp người tư duy mới, muốn làm những điều gì mới mẻ hơn cho tổ chức. Thuở xưa nếu bác Tâm Minh Lê Đình Thám và bao lớp đàn anh đàn chị tiên phong không đem sức trẻ nguyện “từ nay gánh vác”, thì chắc gì đã có tổ chức GĐPT như hôm nay. Song, đó là giai đoạn phôi thai, người và việc đều còn rất mới mẻ. Nhưng đến nay theo tuổi thời gian đã “thọ”, dù hữu tình hay vô tình theo dòng vận hành duyên khởi, bao lớp người đã thành cây đa cây đề, đã bồi đắp lên những đê điều, bờ bãi v.v…, thì ước nguyện canh tân, cải tiến, hay chuyển tiếp là điều thật sự không còn dễ dàng được nữa. Nó đòi hỏi ý chí cộng đồng tập thể thời đại đa nguyên.
Tự căn để, GĐPT là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ, thì việc chuyển tiếp không cần bàn đến. Nó dường như là sứ mệnh của người hướng dẫn, của thế hệ trước dìu dắt thế hệ sau. Nhưng tại sao anh Tâm Lạc lại phải lên tiếng, kêu gọi. Phải chăng, anh nhìn nhận thấy thực tế phong trào chúng ta có những cản ngại chính từ nội tại. Toàn bộ con đường giác ngộ của Đức Bổn Sư đã minh thị, phải chăng cũng chỉ duy nhất một lý tưởng vượt qua những rào chắn nội tại của chính mình!?
Anh Tâm Huệ với các Huynh Trưởng trẻ Miêền Quảng Đức
Suy cho cùng, chuyển tiếp là một tiến trình có người chuyển và có người tiếp. Liệu chúng ta đã chuẩn bị và sẵn sàng chưa. Điều nhắn nhủ của Anh Tâm Lạc không bao giờ là muộn nếu không muốn nói nó luôn luôn mới trong mọi thời buổi. Nhưng điều bận tâm chắc chắn sẽ là một ngày khi chúng ta, thế hệ của những đàn anh đàn chị chuyển cho các em tiếp điều mà các em không trông đợi. Đó là gánh nặng quá khứ.
Hội nghị Ban Điều Hợp tại chùa Vạn Hạnh San Diego, trên bàn chủ tọa anh Hựu không mấy khi nở được nụ cười như những lúc bày vui, hát cho bớt căng thẳng, vì “đường dài chúng ta cùng vui lên mà đi…” anh nói với anh chị em phó hội ở đó, hay tự an ủi chính mình!? Bước ra hiên chùa giờ giải lao, anh ghé tai tôi nói gần như khóc, “Bác chỉ muốn duy trì Ban Điều Hợp, không muốn như vậy đâu con…” (Chỗ riêng, anh và tôi vẫn xưng hô với nhau là bác-cháu). Tôi nhớ lời ấy như in, và nhớ đôi mắt rưng rưng thật thảm bại, sau kết quả những cao hứng cổ võ bằng những khẩu hiệu đã thành thoái quen mà không cần biết gì nữa: “đại hội sáng suốt”, “tập thể sáng suốt”, “đại hội ủy quyền cho tân BHD” v.v và v. v… Khuôn mặt Anh ngày ấy, hình như đã được ghi lại trong tấm hình kèm trong bài viết này. Anh cúi mặt buồn, lúc anh Mai tuyên đọc bản quyết nghị!
Nhiều năm sau, vẫn vào những dịp đại hội tương tự như vậy, có những điều trước đó anh dự mong, lại khác đi, trôi trôi theo những định hướng ngoài bài tính… Cái hướng mà bây giờ nếu nhìn lại, không biết có kịp nhận ra một điều là chúng ta đã vô tình lướt qua, hay đi ngoài mọi ước lệ cần gìn giữ cho nhau… Tôi ít tham gia vào việc BHD Hải Ngoại sau đó, cả BHD Thế Giới, dù thỉnh thoảng anh hỏi han, nhờ vả đôi việc. Cái việc duy nhất tôi vẫn đeo đuổi, mà có lúc anh đề nghị biến nó thành đạo tràng lam viên hải ngoại thuở ban đầu, là Hoa Đàm. Đến nay nó vẫn là món bảo vật kỷ niệm lưu giữ tình anh em.
Anh Hựu thương kính,
Nhiều năm sau này, từ những bài học thực tiễn anh để lại, dở dang, thậm chí lệch pha như anh từng tâm sự với em “anh biết, nhưng để rồi từ từ điều chỉnh”, em cứ bâng khuâng tự hỏi nội hàm của việc “hướng dẫn” mang ý nghĩa gì từ bài học vở lòng trong Gia Đình Phật Tử. Trong hoàn cảnh phân toái hôm nay, chúng ta đã có dư Ban Hướng Dẫn, nhưng thật sự điều chúng ta thiếu là một Ban ĐIỀU-HỢP, với những anh chị trưởng có sức thuyết phục tập thể xây dựng lại một thời đại hòa hợp, mà tự thân phải tỏa lan sức sống hòa ái vào ngôi nhà Lam lâu nay vơi bớt tiếng cười chung vốn từng có. Ngày Giỗ các Anh, nhang khói năm nào cũng hoang lạnh, xác xơ nửa lòng…
Mặc Cốc, 23 tháng Ba, 2021
Quảng Pháp Trần Minh Triết
1 thought on “Quảng Pháp: Nhớ Anh, Nửa Lòng Xơ Xác…”