
Di ảnh Cố Huynh Trưởng Hồng Liên Phan Cảnh Tuân và Tâm Huệ Cao Chánh Hựu
I.
Có lần, tôi được nghe kể một giai thoại về anh Nguyên Hùng Võ Ðình Cường trong những ngày cuối đời, khi một số anh chị em huynh trưởng thân quen đến thăm, chợt thấy có một chồng thư cao ngồng mà hầu hết trong đó là những lời lẽ trách hờn nặng nhẹ. Mọi người bức xúc xin phép Anh Cường đem hủy đi, nhưng Anh không tán đồng mà còn can ngăn. Ðại khái câu nói ấy tôi nghe như vầy: “nên tôn trọng những người đã từng viết thư, hoặc buông lời oán trách tôi, vì họ là những người thương Ðạo nên đã mắng nhiếc tôi như vậy…”
Người sống thường ví von “Nghĩa tử, nghĩa tận”, tức là khi ai đó đã qua đời, kẻ sống cố gắng làm hết tất cả mọi nghĩa cử tốt đẹp đối với người vừa nằm xuống. Ấy vậy mà trong trường hợp này tôi nhận ra một lẽ khác, trái nghịch, là phải chăng hơn ai hết – Anh Cường – tận giờ phút lâm chung đã bày tỏ một thái độ “nghĩa tận” đầy ý nghĩa đối với những người còn sống, những người một thời khinh thị mình.
II.
… Hôm qua nhận tin anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu mệnh chung do Huệ Trí từ San Diego trực tiếp gọi điện thoại báo tin, lúc này tôi không có phản ứng gì ngoài một hơi hít thở nhẹ và im lặng, nhưng tôi không thể nào không tìm một chỗ ngồi riêng sau đó, một mình… khóc.
Khóc Anh và khóc Tổ Chức đoạn trường gieo neo!
Anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu là một trong những trưởng niên tiên phong, mang cấp bậc và vai trò cao nhất của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam, song Anh lại là người ít đại diện, phát biểu; ít ban bố quyết định, huấn thị” hay tuyên ngôn” v.v… Chúng ta chỉ có thể tìm thấy trên những trang giấy còn để lại, trong những đoạn văn còn lưu giữ, hay những văn kiện lưu chiếu… là những dòng văn cách điệu óng ả như thơ, như nhạc, như lời ru thắm đượm hồn Lam và ý Ðạo. Anh luôn căn dặn các anh chị em Lam viên thích theo “nghiệp thư ký”như Anh đã từng, thì khi viết, lúc nói năng phải luôn tâm niệm Phật hóa hành chánh.
Vào giữa thập niên 90 tình trạng phân hóa vô cùng sâu rộng trong tổ chức Gia đình Phật tử Việt nam tại Hoa Kỳ, nhân khi đó Ban Hướng Dẫn Miền Quảng Ðức tổ chức trại Hiếu, tôi ngỏ xin Anh Hựu ghi cho một câu khẩu hiệu thật ấn tượng để thực hiện trong trại, cốt ý là đánh mạnh vào tâm thức của anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh tham dự tính đoàn kết bất khả phân truyền thống lâu bền của tổ chức Gia đình Phật tử. Anh nói đợi vài ngày sẽ cho biết.
Rồi vài ngày trôi qua, những tưởng anh sẽ nghĩ ra và cho một câu gì cao xa lắm, ai ngờ anh viết cho tôi một tờ giấy gọn, gởi qua đường bưu điện. Trong giấy anh viết tay: “ÐÂY GIA ÐÌNH, CHUNG THÂN ÁI”.
Ðiều này bây giờ nghe thật gần gũi, giản dị, nhưng sao vẫn luôn là một ước mơ của hàng hàng lớp lớp đoàn viên áo lam bốn phương!
Hôm nay ngày tiễn Anh, tôi bồi hồi ngồi nhớ lại những công trình mà anh đã gầy dựng nói riêng cho tòa nhà Lam ở hải ngoại, mà trong một giai đoạn ngắn ngủi nào đó tôi vinh dự được hiện diện để vô tình như một nhân chứng, vì nhiều khi ngoài lúc thấy Anh cười vui, hăm hở với những thành quả có được cho đàn em áo Lam…, lại là những dòng nước mắt lăn dài trên hai gò má.
III.
Anh Hựu ơi, em còn nghe văng vẳng những nỗi ưu hoài về Ðạo Pháp, Dân tộc và Tổ chức của Anh từ những ngày Anh vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, sau những buổi trại Kỷ niệm 50 thành lập Gia đình Phật tử Việt nam tổ chức ở San Jose, CA dãy đầy gây cấn; lần Hội Nghị Ban Hướng Dẫn Lâm Thời Gia đình Phật tử Việt nam Hải ngoại tận San Diego, CA ngập ngụa chướng duyên nội tại; và những ngày Ðại Hội Gia đình Phật tử Hải ngoại tại Viên Giác – Ðức Quốc năm 2000 với biết bao điều thử thách và nguy cơ rình rập v.v…, sau những giờ phút nhộn nhịp hân hoan trình diễn đó, còn mấy ai tận tường duy chỉ có một bóng dáng từng lúc già nua hơn, vẫn khấp khểnh từng ngày lui tới căn phòng bé nhỏ mượn tạm để làm nơi sinh hoạt Phật sự. Ở đó anh vẫn ấp ủ niềm hoài bão quy tập áo lam bốn phương về chung một mái ấm Gia đình; Anh say sưa miệt mài làm cái công việc của một sứ giả áo Lam “sửa chữa những lỗi lầm cho đàn em” mà, hiện thân Anh là hạnh nhẫn nhục tinh tấn vì chưa bao giờ thốt lời than thở hay oán trách.
Từ giờ phút ra đi này, sẽ không còn ai có thể thay Anh nói lên hành trạng mà suốt cuộc đời Anh đã VÌ – VỚI – CHO Ðạo Pháp, Dân Tộc và Gia đình Phật tử Việt nam. Và càng không còn ai có thể miễn cưỡng nói lên những điều uẩn khúc, lòng trắc ẩn mà Anh đã nếm trải, khắc phục để hoàn thành sứ mệnh của người huynh trưởng Áo Lam suốt hai thập niên qua tại Hoa Kỳ nói riêng và Hải ngoại.
Ðường lịch sử muôn trùng, vẩy đầy bụi mờ, giữa những mảnh vụn thời gian gá ghép, tôi thành tâm ngưỡng vọng TÂM Anh luôn hiển hiện rực sáng như đóa kỳ hương trong vườn Vô Ưu, soi tỏ HUỆ giác cho đoàn áo Lam đều bước lên đường từ những ngày tháng mạc vận hôm nay và những ngày sắp tới, bằng chính ca khúc Anh bắc nhịp:“ÐÂY GIA ÐÌNH cùng nhau CHUNG THÂN ÁI…”
Khẩu hiệu “Ðây Gia Ðình, Chung Thân Ái”,
gợi ý của anh Tâm Huệ cho Trại Hiếu, GÐPT Miền Quảng Ðức
Anh Hựu ơi, hôm nay ngồi hát thầm khúc ca này, sao niềm hân hoan của những buổi lên đoàn chợt tắt, em hiểu mình đang hát… khóc tiễn Anh đi… thật xa!
Anh đi, về giữa buồn, vui
nghĩa này trao tận từ giờ biệt ly.
Mặc cốc, 26 tháng 03 năm 2009
Thương tiếc Anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu
QUẢNG PHÁP Trần Minh Triết
1 thought on “Quảng Pháp: Nghĩa Nào Trao Tận, Từ Giờ Biệt Ly”