
Lời thưa của Sen Trắng: Kính bạch trên có hàng Chư Tăng Giáo Phẩm luôn lưu tình và quan tâm; có quý anh chị Trưởng bối và cùng tất cả Anh Chị Em lam viên thân mến, dẫu muộn, Sen Trắng xin dành một ngày, tâm tâm niệm niệm tưởng nhớ đến một bậc Tăng Nhân mà hành trạng như lời Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang đã bày tỏ: “Bồ tát tùng địa dõng xuất vô danh, vô tướng, cho nên những việc làm của họ đều là việc thiện cũng vô danh, vô tướng, nhưng bao trùm khắp mười phương pháp giới, không bỏ sót một hạt bụi, một mảnh vi trần nào”. Nghĩ lại, chỉ riêng công trình trước tác, biên soạn và dịch thuật của Cố Hòa Thượng Thích Trí Chơn, cũng quá nhiều để anh chị em dùi mài và thâm nhập, phát huy, chưa nói nếu kể thêm của hằng bao bậc Tôn Túc Tăng, Ni khác nữa. Một phần tư thế kỷ bén rễ sâu trên mảnh đất mới, GĐPT tại Hoa Kỳ không thiếu những tài liệu Phật học Anh ngữ, Song ngữ và Việt ngữ, và cả những phạm trù, lãnh vực chuyên môn tổng quát, đủ để trang bị kiến thức, và phòng hộ giới hạnh cho chúng ta trong tâm nguyện hướng thiện dần bản tâm và cống hiến khả năng cho nhân quần xã hội. Nhìn lại hành trạng của Hòa Thượng, qua những tư liệu, hình ảnh liên quan đến cuộc đời Ngài được kết tập hôm nay, chúng con còn nhận chân tính vô thường luôn réo rắt thường trực, bao bậc Tôn Sư trong ngày tang lễ của 10 năm về trước, cũng đã theo nhau về bên đất Phật… Giờ đây, còn chút lòng này, chút thời gian hữu hạn nơi cõi tạm, niệm niệm tri tâm, ghi khắc ân sâu và phát lồ tiếp bước hạnh nguyện Người xưa.
Tiểu Sử và Công Hạnh Cố Trưởng Lão
Hòa Thượng Thích Trí Chơn (1933-2011)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em.
Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945.
Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chùa Linh Mụ, thành phố Huế (Thừa Thiên), xin xuất gia làm đệ tử Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và được Hòa Thượng Bổn Sư cho pháp danh là Tâm Chánh, pháp hiệu là Trí Chơn.
Sau mấy năm hầu Thầy, học đạo và trao dồi giới hạnh đến năm 1956, Ngài được Bổn Sư cho thọ giới Sa Di tại Chùa Linh Mụ.
Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân, Ngài được mời làm Hiệu Trưởng trường Trung Học Bồ Đề tại thị xã Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), cao nguyên Trung Phần, từ năm 1958 tới 1959.
Từ năm 1961 đến năm 1965, Ngài làm giáo sư môn văn chương và Phật Pháp tại các trường Trung Học Bồ Đề tại Huế, giảng sư Tỉnh Hội Phật giáo Thừa Thiên miền Vạn Hạnh (Trung Việt) và biên tập viên các tạp chí Phật giáo như Nguyệt san Liên Hoa ấn hành tại Huế, và Từ Quang tại Sài gòn.
Nhận thấy có đủ nhân duyên để thọ nhận đại giới và được Hòa Thượng Bổn Sư khả chứng, năm 1965 Ngài thọ Cụ Túc giới (Tỳ Kheo) tại Đại giới Đàn Vạn Hạnh, chùa Từ Hiếu, (Huế).
Từ năm 1965 đến 1966, Ngài được Ban Đại Diện Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Miền Vạn Hạnh đề cử qua nghiên cứu Phật giáo tại Thái Lan. Từ năm 1966 đến năm 1977, Ngài sang du học tại Ấn Độ gần 12 năm, và đã tốt nghiệp các văn bằng sau đây:
– Văn bằng Palyacharya (Giáo thọ Pali), tương đương Cử Nhân Cổ ngữ Pali tại Đại học Sanskrit Vishwavidyalaya ở Darbhanga, (tiểu bang Bihar), năm 1968.
– Cử nhân đặc biệt Anh ngữ tại Đại Học Magadha (Ma Kiệt Đà) ở Bodh Gaya (tiểu bang Bihar), năm 1969.
– Thạc Sĩ chuyên về các môn Kinh, Luật, Luận, văn Học Sử Pali và Khảo cổ Phật giáo tại Đại Học Nalanda (Bihar), năm 1971.
– Tiến sĩ (Ph. D) Triết Học Phật giáo tại Đại Học Magadha (Bihar), năm 1976.
Năm 1977, Ngài được Cố Hoà Thượng Thích Thiên Ân bảo lãnh sang Hoa Kỳ hoằng pháp, làm giảng sư Giáo Hội Liên Hữu (Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ), Chùa Việt Nam (Los Angeles) và chủ bút Nguyệt san Long Hoa.
Một năm sau khi đến Hoa Kỳ, Ngài bắt đầu công tác kiến lập cơ sở để hoằng pháp. Vì vậy, năm 1978 Ngài khai sơn Chùa Vạn Hạnh tại San Diego, California, và làm Lãnh Đạo Tinh Thần cho Hội Phật Giáo Việt Nam tại đây đến năm 1984.
Trong thời gian đó Ngài vẫn đảm nhận các Phật sự của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cụ thể là từ năm 1982 đến năm 1984, Ngài được suy cử vào chức vụ Phó Hội Chủ Kiêm Ủy Viên Tổng Vụ Tăng Sự, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Năm 1983, Ngài được cung thỉnh làm Đệ tứ Tôn chứng trong Đại giới Đàn Thiện Hoà tổ chức tại Phật Học Viện Quốc Tế, North Hills (California).
Tháng 9 năm 1992, trong Đại Hội Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ được tổ chức tại thành phố San Jose, California, Hoa Kỳ, Ngài được cung thỉnh vào Thành Viên Hội Đồng Giám Phẩm GHPGVNTNHN/HK, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, và sau đó là Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Hội Đồng Điều Hành của GHPGVNTNHN/HK.
Khi công cuộc vận động cho tự do tôn giáo và phục hoạt GHPGVNTN trong nước được GHPGVNTNHN/HK khởi xướng, Ngài được mời giữ chức vụ Cố Vấn Ủy Ban Bảo Vệ Phật giáo và Nhân Quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ vào năm 1992.
Cùng trong năm 1992, Ngài được GHPGVNTNHN/HK tấn phong lên phẩm vị Hòa Thượng vào sáng Chủ Nhật ngày 06/12/1992 tại Phật Học Viện Quốc Tế, North Hills trong phiên họp đầu tiên của năm Hội Đồng thuộc GHPGVNTNHN/HK.
Khi Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN phục hoạt lại sinh hoạt qua Đại Hội Bất Thường tại Tu Viện Nguyên Thiều vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 2003, Ngài đã được suy cử vào Thành Viên Trưởng Lão Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Tháng 9 năm 2008, trong Đại Hội Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, Ngài được cung thỉnh vào Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm và được suy tôn lên ngôi vị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành cho đến ngày viên tịch.
Ngoài ra, Ngài còn giữ chức vụ Lãnh Đạo Tinh thần, chứng Minh Đạo Sư cho khoảng gần 30 Hội Phật giáo và hơn 20 ngôi chùa, Niệm Phật Đường mà phần lớn do Hòa Thượng sáng lập ở khắp 15 tiểu bang tại Hoa Kỳ.
Ngài cũng đã khai sơn và trú trì Chùa Linh Mụ Hải Ngoại.
Dù công việc Phật sự đa đoan, Ngài vẫn không quên góp phần xứng đáng vào công tác văn hóa, văn học qua việc thành lập và cộng tác bài vở với nhiều tạp chí Phật Giáo cũng như bên ngoài ở khắp các châu lục trên thế giới. Trong đó có các tạp chí như:
– Đặc san “Hoá Đạo”, Chùa Tam Bảo, Montreal (Canada);
– Đặc san “Chánh giác”, Chùa Hoa Nghiêm, Toronto (Canada);
– Đặc san “Phật Học”, Phật Học Viện Quốc Tế, North Hills (California), ấn hành vào những năm 1985 – 1988;
– Chủ bút tập san “Phật giáo Thống Nhất”, Phật Học Viện Quốc Tế ấn hành năm 1988 – 1992;
– Tạp chí “Phật giáo Hải Ngoại”, cơ quan ngôn luận chính thức của GHPGVNTNHN – HK. Văn Phòng II Viện Hoá Đạo, phát hành năm 1994 – 2000;
– Tạp chí “Đất Lành”, phát hành tại San Diego (California);
– Tập san “Phật Việt”, Chùa Phật Đà, San Diego;
– Tạp chí “Hoa Sen”, Chùa Việt Nam, Garden Grove (CA);
– Tạp chí “Nguồn Đạo”, Chùa Giác Hoàng, Washington D.C.;
– Đặc san “Chùa Hải Đức”, Jacksonville (Florida);
– Nguyệt san “Phật Học”, Louisville (Kentucky);
– Đặc san “Từ Ân”, Chùa Từ Ân, Louisville (KY);
– Đặc san “Gia Đình Phật Tử Thiện Tài”, Chùa An Lạc, High Point (North Carolina);
– Tạp chí “Viên Giác”, Chùa Viên Giác, Hannover (Đức quốc);
– Đặc san “Pháp Bảo”, Chùa Pháp Bảo, Sydney (Úc Đại Lợi);
– Bản tin “Khánh Anh”, Chùa Khánh Anh, Bagneux (Pháp quốc);
– Tạp chí “Phương Trời Cao Rộng”, Midway City (CA);
– Nguyệt báo “Chánh Pháp”, Santa Ana (CA);
– Nguyệt san “Người Đẹp Magazine”, Elmhurst, New York;
– Tạp chí “Hồn Việt”, Midway City (CA);
– Nhật Báo Việt Báo, Westminster, CA.
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn còn là người tinh tấn từng ngày từng giờ trong việc sáng tác và dịch thuật kinh sách Phật Giáo. Trong các chuyến hoằng pháp ở nhiều tiểu bang, Ngài tranh thủ thời gian trên máy bay, trên xe buýt để sáng tác và dịch thuật. Những sáng tác phẩm và dịch phẩm của Ngài đã được ấn hành gồm có:
1 – Phật giáo Vấn Đáp (The Buddhist Catechism), nguyên tác của Henry Steel Olcott, in song ngữ Anh – Việt, Phật Học Viện Quốc Tế (Hoa Kỳ), xuất bản năm 1987, tái bản năm 1990 và Nhà Xuất bản Phương Đông in lại phát hành vào tháng 10 năm 2006 tại Sài gòn (Việt Nam).
2 – Phật giáo Hoà Bình Thế giới và Chiến Tranh Nguyên Tử (Buddhism, World Peace and Nuclear War), nguyên tác của Ven. Sangharakshita, Tổng Vụ Văn Hoá (GHPGVNTN – HK) xuất bản năm 1990.
3 – Con Đường Dẫn Đến Chân Hạnh Phúc (The Blueprint of Happiness), nguyên tác của Ven. Anoma Mahinda, Anh – Việt, Tổng Vụ Văn Hoá phát hành năm 1991.
4 – Một Vài Kiến Thức Về Phật giáo (Some Knowledge About Buddhism), nguyên tác của Dr. C.T. Shen và “Trách Nhiệm Thuộc về Bạn” (You are Responsible), nguyên tác của Ven. Dr. K. Dhammananda, Anh – Việt, Tổng Vụ Văn Hoá, ấn hành năm 1991.
5 – Phật giáo Yếu Lược (Buddhism in a. Nutshell), nguyên tác của Ven. Narada Thera, Anh – Việt, Vụ Văn Hoá (GHPGVNTNHN – HK) xuất bản năm 1992.
6 – Những Mẫu Chuyện Tiền Thân Đức Phật (The Stories of Buddha’s Former Births), nguyên tác của nữ ký giả Ấn Độ, Anjali Pal, Anh – Việt, Vụ Văn Hoá, ấn hành năm 1993.
7 – Cuộc Đời Đức Phật (The Story of Buddha), nguyên tác của Jonathan Landaw, Anh – Việt, Vụ Văn Hoá xuất bản năm 1994.Nhà xuất bản Tôn Giáo tái bản ấn hành tại Saigòn năm 2006
8 – Những Đóng Góp To Lớn Của Các Học Giả Anh Quốc Cho Nền Phật Giáo Âu Mỹ, Chùa Phổ Môn, Sioux City (Iowa), ấn hành năm 1996.
9 – Lòng Thương Yêu Sự Sống (The Love of Life), nguyên tác của G. B. Talovich, Anh – Việt:
– Tập 1: Chùa Lục Hoà, Dorchester (Massachusetts), ấn hành năm 2001.
– Tập 2: Chùa Tây Phương, Gainesville (Georgia), xuất bản năm 2002.
– Tập 3: Chùa Tịnh Tâm, Nashville (Tennessee), phát hành năm 2005.
Nhà Xuất Bản Phương Đông xin tái bản in chung thành một cuốn (bản tiếng Việt) “Lòng Thương Yêu Sự Sống”, ấn hành tại Saigòn vào tháng 8 năm 2006.
Ngoài ra, nhằm mục đích giúp cho những Phật tử, nhất là lớp người trẻ nam nữ học sinh, sinh viên Việt Nam sinh tại Mỹ đang theo học các trường Trung, Đại Học tại Hoa Kỳ, không rành tiếng Việt, có thể học hỏi Phật Pháp bằng Anh ngữ, Hòa Thượng đã mở trang mạng toàn cầu: http://www.chualinhmu.com, để phổ biến, cung cấp những tài liệu và sách báo Phật giáo in bằng song ngữ Anh – Việt đến toàn thể độc giả Phật tử Việt Nam ở quốc nội cũng như hải ngoại khắp nơi trên thế giới.
Trong vài tháng đầu năm 2011, khi thân bệnh ngày càng trầm trọng, như biết trước ngày sắp ra đi, Ngài đã ân cần khuyến tấn Tăng, Ni và Phật tử nỗ lực trên con đường tu học để đóng góp cho sự phát triển nền Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Khi được các bác sĩ cho biết thân bệnh đã đến thời kỳ nguy ngập, tánh mạng mong manh, và đề nghị giải phẫu, hoặc nhân hóa trị, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng Thích Trí Chơn từ chối và dạy rằng không cần nữa, thọ mạng của Ngài sắp tận, đừng tốn phí vô ích, và Ngài yêu cầu đưa về Chùa Bát Nhã tịnh dưỡng. Trước vài phút xả báo thân, Ngài vẫn còn tỉnh giác, sáng suốt, minh mẫn,và tinh tấn lạ thường, nhớ và biết rõ mọi người, mọi chuyện từ nhỏ đến lớn.
Ngài đã an nhiên xả bỏ báo thân vào lúc 06 giờ chiều ngày 14 tháng 3 năm 2011 (nhằm ngày mùng 10 tháng 2 năm Tân Mão) trong tiếng niệm Phật trang nghiêm của chư Tăng, Ni Chùa Bát Nhã và môn đồ pháp quyến.
Vẫn biết thế gian như mộng, sanh tử như không hoa, niết bàn vẫn thường tại, đối với bậc cao tăng như Ngài thì việc khứ lai là tự tại. Nhưng, làm sao Tăng Ni và Phật Giáo đồ chúng ta có thể tránh được niềm xúc động, bùi ngùi, thương tiếc khi hình ảnh từ bi đức độ và hy sinh của Ngài từ nay vắng bóng trên cõi nhân gian.
Bảy mươi chín năm thị hiện, hơn nửa thế kỷ tận tụy cống hiến đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp độ sinh, Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn quả đã để lại trong tâm khảm của người con Phật Việt Nam chúng ta tấm gương trong sáng của bậc xuất trần thượng sĩ.
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế, Linh Mụ Hải Ngoại Đường Thượng, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Ư Hoa Kỳ, Hội Đồng Điều Hành Chủ Tịch, Húy thượng Tâm hạ Chánh, Hiệu Trí Chơn Trưởng Lão Hòa Thượng Liên Tòa Chứng Giám.
(Văn Phòng Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK và Môn Đồ Pháp Quyến của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn hợp soạn, ngày 16 tháng 3 năm 2011 tại Hoa Kỳ.)
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
VIETNAMESE AMERICAN UNITED BUDDHIST CONGREGATION
HỘI ĐỒNG GIÁO PHẨM
CHÁNH VĂN PHÒNG
704 East “E” Street., Ontario , CA 91764 – U.S.A. | Tel. & Fax: (949) 986-2433
————————————————–
CÁO BẠCH
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni,
Kính thưa chư thiện nam tín nữ Phật tử,
Hội Đồng Giáo Phẩm và Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ
cung kính cáo bạch:
Đại Lão Hòa Thượng thượng Tâm hạ Chánh, hiệu Thích Trí Chơn, đời thứ 43 Thiền Phái Lâm Tế,
sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu), tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam,
– Nguyên thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN,
– Thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ,
– Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ,
Đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch vào lúc 6 giờ chiều ngày 14 tháng 3 năm 2011
(nhằm ngày mùng Mười tháng Hai năm Tân Mão),
tại Chùa Bát Nhã, thành phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ,
thế thọ 79, hạ lạp 46.
– Lễ Nhập Kim Quan vào lúc 4 giờ chiều thứ Năm,
ngày 17 tháng 3 năm 2011 (nhằm ngày 13 tháng 2 năm Tân Mão).
– Lễ Di Quan và Trà Tỳ vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật,
ngày 20 tháng 3 năm 2011 (nhằm ngày 16 tháng 2 năm Tân Mão).
Ngưỡng mong chư tôn Thiền Đức trong mười phương nhất tâm hộ niệm
và cầu nguyện Cố Đại Lão Hòa Thượng tân viên tịch Cao Đăng Phật Quốc.
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Nay cáo bạch,
Santa Ana, ngày 14 tháng 3 năm 2011,
T.M Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHK
Chánh Văn Phòng
(ấn ký)
Sa Môn Thích Thắng Hoan
________________________________________________
Cố Đại Lão Hoà Thượng
THÍCH TRÍ CHƠN
– Nguyên thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
– Thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ
– Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ
Từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 20 tháng 3 năm 2011
(nhằm ngày 13 – 16 tháng Hai năm Tân Mão)
—oOo—
Thứ Năm, 17/03/2011
04:00 giờ chiều: Cung thỉnh nhục thân Hòa Thượng nhập Kim quan (Peak Family Colonial Funeral Home)
Thứ Sáu, 18/03/2011
08:00 giờ sáng: Cung thỉnh Kim quan về Chùa Bát Nhã
10:00 giờ sáng: Bạch Phật Khai Kinh | Cung thỉnh Giác linh an vị – Lễ Thọ tang
02:00 giờ chiều: Lễ viếng (các phái đoàn Tự Viện, tổ chức Phật giáo…)
06:00 giờ chiều: Chư Tăng Ni và các đạo tràng luân phiên tụng niệm
Thứ Bảy, 19/023/2011
06:00 giờ sáng: Cúng trà
08:00 giờ sáng: Lễ viếng (các phái đoàn Tự Viện, tổ chức Phật giáo…)
10:00 giờ sáng: Cúng Ngọ – Bạch Phật Sơ Trần – Cung tiến Giác linh
02:00 giờ chiều: Lễ viếng (các phái đoàn Tự Viện, tổ chức Phật giáo…)
04:00 giờ chiều: Cung thỉnh Giác linh yết Phật Tổ
06:00 giờ chiều: Lễ viếng (các phái đoàn Tự Viện, tổ chức Phật giáo…)
08:00 giờ tối: Môn đồ Pháp quyến tưởng niệm Ân Sư.
Chủ Nhật, 20/03/2011
06:00 giờ sáng: Cúng trà
08:00 giờ sáng: Lễ viếng (các phái đoàn Tự Viện, tổ chức Phật giáo…)
10:00 giờ sáng: Chư Tăng Ni luân phiên tụng niệm
01:00 giờ chiều: Lễ Phát Tang | Lễ Truy Niệm | Cung tuyên Tiểu Sử Cố Ðại Lão Hòa Thượng | Ðiếu Văn Hội Ðồng Ðiều Hành | Lễ Phất Trần
02:00 giờ chiều: Lễ Cung Nghinh Kim quan trà tỳ (Peak Family Colonial Funeral Home: 7801 Bolsa Ave., Westminster – CA 92683) | Lời Cảm tạ của Ban Tổ Chức | Cung thỉnh Giác linh Cố Hòa Thượng về chùa Bát Nhã an vị | Hoàn Mãn.
BAN TỔ CHỨC TANG LỄ
—oOo—
BAN NGHI LỄ:
Hội Đồng Chứng Minh:
- Đại Lão HT Thích Tâm Châu, Thượng Thủ GHPG Việt Nam Trên Thế Giới
- HT Thích Hạnh Đạo, Hội Đồng Chứng Minh GHPGVNTNHK
- Hoà Thượng Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu
- HT Thích Như Huệ, Hội Chủ GHPGVNTN Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan
- HT Thích Chơn Thành, Chứng Minh GHPGVNTNHK
- Chấp Lệnh: HT Thích Trí Đức, HT Thích Nguyên An
- Sám Chủ: HT Thích Tín Nghĩa, HT Thích Phước Thuận, HT Thích Nhật Quang
- Công Văn: – TT Thích Như Minh, ĐĐ Thích Tâm Lương
- Ban Kinh Sư: TT Thích Giải Minh, ÐÐ Thích Giải Phước, ÐÐ Thích Pháp Tánh, ÐÐ Thích Tín Mãn, ÐÐ Thích Hương Niệm
BAN TỔ CHỨC:
- Trưởng Ban: HT Thích Thắng Hoan, Chánh Văn Phòng HÐGP GHPGVNTNHK
- Phó Ban: HT Thích Tín Nghĩa, HT Thích Phước Thuận, HT Thích Nguyên Trí, HT Thích Quảng Thanh, HT Thích Minh Tuyên, HT Thích Giác Sĩ, HT Thích Minh Mẫn, TT Thích Trí Thành
- Ban Thư Ký: HT Thích Nguyên Siêu, Cư Sĩ Quảng Phước Huỳnh Tấn Lê, Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Cư Sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo, Cư Sĩ Nguyên Từ – Nguyễn Quốc Hưng
- Thủ Quỹ: TT Thích Minh Chí, Phật Học Viện Quốc Tế và Quý SC Chùa Bát Nhã.
- Ban Xướng Ngôn Viên: – HT Thích Nguyên Siêu, TT Thích Nhật Trí, TT Thích HạnhTuấn, ĐĐ Thích Chánh Định
- Ban Dẫn Lễ: TT Thích Tâm Thành, ĐĐ Thích Đồng Trực, ĐĐ Thích Chánh Định, Cư Sĩ Nguyên Lượng
- Ban Âm Thanh Ánh Sáng: – ĐĐ Thích Nhuận Thủ, Cư Sĩ Quảng Phước Huỳnh Tấn Lê
- Ban Thiết Trí Kim Quan: Chư Tăng Ni Chùa Bát Nhã: TT Thích Thánh Minh, ĐĐ Thích Đồng Trực, ĐĐ Thích Minh Hạnh, ĐĐ Thích Đồng Châu, ĐĐ Thích Minh Trọng, SC Thích Nữ Nguyên Lan, SC Thích Nữ Trung Châu, SC Thích Nữ Hạnh Thiện
- Ban Tiếp Tân: HT Thích Nguyên Trí, TT Thích Như Minh, TT Thích Thiện Long, TT Thích Thánh Minh, ĐĐ Thích Pháp Tánh, Cư Sĩ Quảng Phước Huỳnh Tấn Lê
- Ban Tiếp Lễ: NS Thích Nữ Tuệ Từ, NS Thích Nữ Diệu Tánh, SC Thích Nữ Chúc Hà, SC Thích Nữ Huệ Chiếu, SC Thích Nữ Chơn Viên, SC Thích Nữ Diệu Phước
- Ban Hương Đăng: ĐĐ Thích Chúc Thông, SC Thích Nữ Nguyên Lan, SC Thích Nữ Như Thành, SC Thích Nữ Như An
- Ban Hầu Kim Quan: TT Thích Thánh Minh, ĐĐ Thích Đồng Châu | Môn Đồ Pháp Quyến
- Ban Vận Chuyển: HT Thích Giác Sĩ, ĐĐ Thích Minh Trọng, ĐĐ Thích Nhuận Thủ
- Ban Trai Soạn: SC Thích Nữ Huệ Chiếu, SC Thích Nữ Như Thuận, SC Thích Nữ Thiền Tuệ & Phật tử Chùa Bát Nhã.
- Ban trật tự: Tâm Hòa Lê Quang Dật – GÐPT Miền Quảng Đức – GÐPT Chùa Bát Nhã
________________________________________________
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT LIÊN CHÂU
VĂN PHÒNG ĐIỀU HỢP
CHÙA PHÁP HOA
20 Butler Ave, Pennington, SA 5013, Australia | Tel 61-8-84478477 ; Fax 61-8-82401758
———————————————————–
Phật lịch 2554, Úc Châu ngày 16 tháng 3 năm 2011
THÀNH TÂM TƯỞNG NIỆM
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Âu Châu, Úc Châu, Gia Nã Đại vừa được tin từ Văn phòng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cáo bạch Trưởng lão Hòa Thượng THÍCH TRÍ CHƠN:
– Nguyên Thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN
– Thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ
– Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hoa Kỳ
đã xả báo thân an tường thị tịch vào ngày 14 tháng 3 năm 2011, nhằm ngày Mồng Mười tháng Hai năm Tân Mão tại Chùa Bát Nhã, Santa Ana, Tiểu bang California, Hoa Kỳ, 79 niên thế thọ, 46 Hạ lạp.
Hòa Thượng Thích Trí Chơn đã tận tụy suốt cả cuộc đời hy hiến cho Đạo pháp và Dân tộc trong lãnh vực văn hóa:
– Nhà học giả kiêm dịch giả Phật học ưu tú
– Nhà nghiên cứu các Thánh tích, lịch sử Phật Giáo các nước Đông Nam Á
– Cố vấn Lãnh đạo tinh thần cho hàng chục Cộng Đồng Phật Tử và Chùa, Tự viện các Hội Phật Giáo Việt Nam tại khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.
Sự viên tịch của Hòa Thượng là một mất mát lớn lao cho Phật Giáo Thống Nhất nói chung, trong lúc con thuyền Giáo Hội đang gặp cơn phong ba bão táp mà Ngài là một Thành viên trung kiên để Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hải ngoại tựu thành.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bốn châu lục nhất tâm cầu nguyện Giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc, sớm hồi nhập Ta bà để tiếp tục sứ mạng Như Lai sứ giả cho vận mệnh Phật Pháp trường tồn.
Thành kính phân ưu đến Hòa Thượng Trưởng Ban Tang Lễ cùng Môn đồ Pháp quyến, và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Châu, Âu Châu, Gia Nã Đại sẽ cử đại diện đến dự Tang Lễ, góp phần cầu nguyện Giác linh cố Hòa Thượng nhập lưu Thánh quả.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chánh Văn Phòng Điều Hợp
(ấn ký)
Hòa Thượng THÍCH NHƯ HUỆ
HÌNH ẢNH LỄ NHẬP KIM QUAN
HOÀ THƯỢNG THÍCH TRÍ CHƠN
Nguồn: Hải Triều Âm
ĐẾN-ĐI TỰ TẠI
ĐIẾU VĂN TƯỞNG NIỆM HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ CHƠN
của Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hoa Kỳ
Kính lễ Giác linh Hòa thượng,
Chúng tôi từng nghe, ở những thời kỳ Phật Pháp điêu tàn, hàng bồ-tát thay nhau xuất hiện để duy trì đạo vàng của Như Lai. Có khi như vầng dương chói sáng, có khi như sao rừng lặng lẽ trong đêm: độ những chúng sanh đáng độ, làm những việc đáng làm, mà lòng vẫn tịch tịnh như hư không. Ấy là bởi nơi thế gian huyễn mộng, chẳng việc gì mà không mộng huyễn phù hư. Đã nhiều lần, Hòa thượng dẫn kinh Viên Giác: “Khởi phát trí tuệ như huyễn để giải trừ các pháp như huyễn, làm các hạnh như huyễn để cứu độ chúng sanh như huyễn.”
Con đường như thế, hành trạng như thế, Hòa thượng đã kinh qua một cách cao đẹp, tuyệt vời. Dù với hạnh xả ly vô chấp, Hòa thượng không muốn nhớ, chúng tôi cũng không thể nào quên.
Cát ái ly gia từ thiếu thời, một lòng học đạo hành trì để tỏ ngộ lý tánh nguồn chân. Tâm hồn chân chất, giới hạnh nghiêm minh, nhờ vậy mà được bổn sư ban truyền đạo hiệu Tâm Chánh, Trí Chơn.
Bao nhiêu năm theo thầy học đạo, chỉ biết trau dồi giới đức, lấy kinh điển làm thầy dẫn đường, xem sách vở như bạn đồng chúng đồng liêu. Nào Hán học, Tây học, chăm chỉ miệt mài quên ngày quên tháng. Đồng chơn nhập đạo, giới hạnh đủ đầy như thế, mà thọ Sa-di thập giới ở tuổi 23, tiếp nhận Tỳ-kheo đại giới ở tuổi 32! Nào phải không có cơ hội tấn đàn trong Phật trường tuyển sinh, mà chỉ vì tâm hiếu học và bản chất khắc kỷ khiêm cung.
Sa-di ấy, 24 tuổi đã làm hiệu trưởng trung học, 27 tuổi đã làm giáo sư Phật Pháp và Văn chương. Xông xáo, dấn thân: tham gia hoằng pháp giáo dục, đóng góp văn học báo chí. Tập san Liên Hoa miền Trung và tạp chí Từ Quang miền Nam, báo nào cũng tích cực làm biên tập viên; Trung học Bồ Đề, Tỉnh hội Thừa Thiên các đạo tràng, nơi nào cần là có mặt làm giáo sư, giảng sư.
Làm bao nhiêu là việc, góp bao nhiêu là sức, vậy mà đến 32 tuổi mới thừa lệnh bổn sư đăng đàn thọ Cụ-túc giới. Từ đó, giốc lòng đi vào con đường chuyên khảo: nghiên cứu Phật giáo nơi đất Thái, rời nước du học ở Ấn Độ. Ròng rã bao năm kinh sử, văn bằng các thứ trên tay: Cử nhân, Tiến sĩ, Thạc sĩ. Pali cổ ngữ thông thạo, Anh văn sinh ngữ tinh chuyên; lại chuyên cứu Văn học sử Pali và Khảo cổ Phật giáo, những mong đem sở học để đối chiếu và triển khai nền văn học Phật giáo nơi quê nhà.
Nào ngờ đất nước đổi thay, quê hương mờ mịt đường về. Từ đó, làm thân khách lữ ly hương, nơi xứ lạ xiển dương giáo lý Phật-đà, thừa tiếp sứ mệnh hoằng hóa của lịch đại Tổ sư.
Nhờ kinh nghiệm giảng dạy và chuyên khảo nền văn hóa Phật giáo của nhiều nước, Hòa thượng đã nhìn xa thấy rộng, tại xứ Cờ Hoa, một lòng dấn thân trên đường dài văn hóa giáo dục: đảm nhận giảng sư Giáo Hội Liên Hữu, chủ bút nguyệt báo Long Hoa; xuất bản hàng chục tác phẩm, dịch thuật hàng trăm bài viết, biên tập cho báo chí khắp nơi.
Lại nghĩ với nhân duyên hành đạo nơi xứ người, nếu không xây dựng cơ sở thì lấy đâu làm nơi phát triển đạo vàng, và làm chỗ dựa tinh thần cho đồ chúng nơi nơi; do vậy mà suốt bao năm tận tụy kiến lập đạo tràng, khích lệ thành lập các hội học Phật: khai sơn Vạn Hạnh thiền tự và Chùa Linh Mụ Hải Ngoại, lãnh đạo tinh thần và làm chứng minh đạo sư cho mấy chục hội Phật giáo, tự viện và Niệm Phật đường trên nhiều tiểu bang. Lặng lẽ một bóng, thân hành đến từng đạo tràng nơi những dặm xa. Từng tuyến xe đêm, từng chuyến bay dài, âm thầm sáng tác dịch thuật. Từng trang giấy, từng dòng mực, trải đầy tâm nguyện lợi sanh.
Trên ba mươi năm hành đạo tại hải ngoại, từ những chức vụ được thỉnh cử, cho đến những trọng trách mà Tăng đoàn và Giáo hội giao phó, chẳng việc khó khăn nào mà không đảm nhận, nhưng chức danh địa vị thì một mực chối từ lảng xa. Có chăng những chức vụ mà Hòa thượng nhận lãnh, thì tất cả đều vì sự hưng long của Chánh Pháp.
Vô chấp như thế, khiêm cung như thế, đường đời nẻo đạo mấy ai làm nổi!
Nhìn lại một đời hoằng hóa của Hòa thượng, chúng tôi nghiêng mình cảm kích công hạnh của một hành giả vô trú, khứ lai tự tại giữa những hưng-suy của vận nước và thế đạo nhân tâm. Vì thế gian thống khổ mà thực hiện mọi hạnh lành; vì Phật Pháp trường tồn mà vượt khỏi những chấp tranh tầm thường của huyễn lợi hư danh mà ai kia mê vọng chìm đắm.
Bình thản trước thị-phi, im lặng khi bị phỉ báng: Hòa thượng đã nêu gương sáng của lòng khiêm nhẫn.
Lẳng lặng chịu đựng đối với kẻ hủy nhục Tăng-đoàn; tha thứ bao dung đối với người vọng tâm xúc xiểm: đây là thánh hạnh của bậc xuất thế trượng phu.
Sống đời bình dị một bát ba y, mà gánh cả sức nặng hưng long Chánh Pháp; làm thân du tăng không trụ xứ, mà kiến lập đạo tràng mọi nơi.
Thấm thoát bóng thời gian, rơi nghiêng chiều xế tàn. Thân huyễn nhà mộng có chi bền chắc! Cuối đời thu mình bên án sách chồng kinh, cặm cụi trước tác dịch thuật, trải sức tàn cho nền Phật giáo tương lai.
Ôi bao la, cao khiết, con đường người đi: sáng ngời hạnh nguyện của kẻ xuất trần thượng sĩ.
Giờ này đại chúng vân tập trước kim quan Hòa thượng, đạo tình chan chứa bao năm, tưởng chừng như sông như biển thu về trong ngấn lệ tiếc thương. Hương trầm quyện tỏa làm cay mắt, hay nỗi đau chực tràn cho lần cuối tiễn đưa? Dẫu biết thế gian huyễn mộng, dẫu biết người xuất gia không bi lụy nơi duyên hợp duyên tan, nhưng tình pháp lữ đồng môn thâm thiết, đã cùng cát ái ly gia, đã cùng cất cao đại nguyện của những kẻ xuất trần, nay đến hồi chia biệt, làm sao ngăn được niềm kính tiếc, thương tâm! Lắng lòng, nén nỗi quặn đau, kính vọng giác linh Hòa thượng, xin một lần bằng tâm cảm của những bạn đạo thân tình, khấp điếu bằng những vần thơ tiễn biệt này:
Bảy mươi chín năm nơi cõi trần
Giốc lòng học đạo, trừ tham sân
Tâm Chánh thực thi muôn hạnh chánh
Trí Chơn khai thị một nẻo chơn
Tài hoa nghiên-bút thơm văn giới
Đạo hạnh nhẫn-từ tỏa thiền môn
Sống-chết, đến-đi hằng tự tại
Bước sen tịch lặng điểm chơn thường.
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ thập tam thế, Linh Mụ Hải Ngoại đường thượng, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Hoa Kỳ, Hội Đồng Điều Hành Chủ Tịch, húy thượng Tâm hạ Chánh, hiệu Trí Chơn Đại Lão Hòa Thượng Liên Tòa Chứng Giám.
Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK
phụng điếu
CUNG THỈNH KIM QUAN
CỐ HOÀ THƯỢNG THÍCH TRÍ CHƠN
TỪ NHÀ TANG LỄ PEAK FAMILY COLONIAL
VỀ CHÙA BÁT NHÃ – CALIFORNIA
Nguồn: Hải Triều Âm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI
tại ÚC ĐẠI LỢI – TÂN TÂY LAN
The Unified Vietnamese Buddhist Congregation
Of Australia – New Zealand
HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH
* Văn Phòng Hội Chủ, Chùa Pháp Hoa,
20 Butler Ave, Pennington, SA 5013, Australia – Tel 08-84478477 ; Fax 08-82401758 ; Email phaphoanamuc@yahoo.com
* Văn Phòng Tổng Thư Ký, Chùa Pháp Quang,
12 Freeman Rd, Durack, QLD 4077, Australia – Tel 07-33721113 Mobile 0402-442431 Fax 07-33729988
Email thnhattan@yahoo.com.au ; http://www.phatgiaoucchau.com
—————————————————————————–
Phật lịch 2554, Úc Châu ngày 16 tháng 3 năm 2011
TRI TÁN CÔNG ĐỨC
Kính bạch Hòa Thượng Chánh Văn Phòng Điều Hợp – Giáo Hội Liên Châu
Kính bạch Hòa Thượng Trưởng Ban Tang Lễ
Kính bạch Chư Tôn Đức Giáo Phẩm Phật Giáo tại Hoa Kỳ
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan vừa nhận được Cáo Bạch từ Văn phòng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, và Văn Thư Tưởng Niệm của Chánh Văn Phòng Điều Hợp Giáo Hội Liên Châu, về Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn đã xả báo thân an tường thị tịch vào ngày 14 tháng 3 năm 2011, nhằm ngày Mồng Mười tháng Hai năm Tân Mão tại Chùa Bát Nhã, Santa Ana, Tiểu bang California, Hoa Kỳ, 79 niên thế thọ, 46 Hạ lạp.
Hòa Thượng Thích Trí Chơn suốt cuộc đời hy hiến cho Đạo pháp, Dân tộc; suốt cuộc đời đóng góp không ngừng trong lãnh vực văn hóa Phật Giáo và văn hóa Việt Nam:
– Ngài là một Cao Tăng với học vị Tiến sĩ Triết học Phật Giáo
– Nguyên Thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN
– Thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ
– Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hoa Kỳ
– Nhà học giả kiêm dịch giả Phật học ưu tú
– Nhà nghiên cứu các Thánh tích, lịch sử Phật Giáo các nước Đông Nam Á
– Cố vấn Lãnh đạo tinh thần cho hàng chục Cộng Đồng Phật Tử và Chùa, Tự viện các Hội Phật Giáo Việt Nam tại khắp đất nước Hoa Kỳ.
Sự viên tịch của Hòa Thượng là một mất mát lớn lao cho Phật Giáo khắp Hải Ngoại nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, và cố nhiên là sự thương tiếc vô bờ đối với hàng Môn đồ Pháp quyến trên hơn 50 tiểu bang Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan chân thành thiết Lễ Tưởng Niệm Cầu Nguyện Chung sự viên tịch của Đại lão Hòa Thượng Thích Bảo An, Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, Đạo hữu Giáo sư Phạm Công Thiện vào Thứ Bảy 18-3-2011 tại Chùa Pháp Hoa – Nam Úc, trong Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 4 của Giáo Hội. Đồng thời sẽ cử đại diện đến Hoa Kỳ dự Tang Lễ của Cố Hòa Thượng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đồng Tri Tán Công Đức
Đồng Tưởng Niệm Cầu Nguyện
– Toàn thể Chư Tôn Đức Phật Giáo Úc Châu
– Toàn thể Đại biểu và Phật tử Đại Hội Kỳ 4 của Giáo Hội
LỄ THỌ TANG
CỐ HOÀ THƯỢNG THÍCH TRÍ CHƠN
TẠI CHÙA BÁT NHÃ – CALIFORNIA
nguồn: Hải Triều Âm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ
Văn Phòng II Viện Hoá Đạo
NIỆM PHẬT ĐƯỜNG MYRTLE BEACH
102 Neal Lane, Myrtle Beach, South Carolina 29588 – U.S.A
Phone: 843-267-6598 * Website: http://www.npdmb.com * Email: npdmbsc@gmail.com
Myrtle Beach, ngày 18 tháng 3 năm 2011
ĐIỆN THƯ PHÂN ƯU
TANG LỄ CỐ HOÀ THƯỢNG
THÍCH TRÍ CHƠN
Kính gởi: Môn Đồ Pháp Quyến Cố Hoà Thượng THÍCH TRÍ CHƠN,
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Được tin Hòa Thượng thượng TRÍ hạ CHƠN vừa an nhiên viên tịch
tại California – Hoa Kỳ; chư Tăng và Phật tử Niệm Phật Đường Myrtle
Beach – South Carolina thành kính chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này cùng
Môn Đồ Pháp Quyến của Hoà Thượng, cũng như Tông môn pháp phái Tổ
Đình Linh Mụ trong và ngoài nước!
Nhất tâm cầu nguyện giác linh Trưởng Lão Hoà Thượng thượng TRÍ
hạ CHƠN được: NHẬP BẤT THỐI THÀNH – CAO ĐĂNG BẢO SỞ!
Nam Mô Tây Phương Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Đồng kính bái,
Tỳ kheo THÍCH GIÁC HẠNH – Lãnh Đạo Tinh Thần Hội Phật Giáo Myrtle Beach
Cư sĩ NGUYỄN XÊ – Đại diện Ban Cố vấn Hội Phật Giáo Myrtle Beach
Cư sĩ PHẠM MINH HÙNG – Đại diện Ban Trị sự Hội Phật Giáo Myrtle Beach
TĂNG NI, PHẬT TỬ, ĐỒNG HƯƠNG KÍNH VIẾNG
TANG LỄ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ CHƠN
Nguồn: Hải Triều Âm
Cảm Từ Của Hòa Thượng
THÍCH THẮNG HOAN
Trước Lễ Di Quan Cố Hoà Thượng
THÍCH TRÍ CHƠN
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư tôn thiền đức hiện tiền,
Kính bạch Giác linh,
Những kẻ xuất trần như chúng ta, đến và đi trong thế gian này như bóng nhạn bay qua trời rộng: hành tất cả hạnh, tu tất cả pháp, nhưng không để lại dấu vết gì. Nghĩa là không đắm trước, chấp giữ nơi sở tri, sở kiến, sở hạnh và sở tu của mình trong bước đường hành đạo.
Cố Đại lão Hòa thượng tân viên tịch, người huynh-đệ thân thiết của tôi, đã có thể đi ngang qua cuộc đời này một cách nhẹ nhàng như thế. Cuộc đời của giác linh là một bài học sinh động của một thiền giả mà chúng tôi muốn lấy đó làm quà tặng, làm gương sáng cho chư vị Tăng ni thuộc các thế hệ đi sau thế hệ chúng tôi.
Thứ nhất, khi đã suy nghiệm rốt ráo về một vấn đề gì rồi, hãy đặt hết niềm tin vào vấn đề ấy, dù gặp chướng ngại hay cám dỗ nào của cuộc đời cũng không thay đổi: đây là tín hạnh.
Thứ hai, khi đã có niềm tin và chọn được mục tiêu của mình trong cuộc đời, hãy chuyên tâm nỗ lực thực hiện thật tốt đẹp chọn lựa ấy; miệt mài không biết mỏi mệt, tất cả thời gian, tất cả cuộc đời đều chỉ vì niềm tin và mục tiêu ấy: đây là tấn hạnh.
Thứ ba, dù làm việc gì, đóng vai trò gì đối với thời đại, thì cũng chỉ là giai đoạn, là việc của nhất thời; phải biết cái việc cốt lõi của những sứ giả Như Lai là hoằng pháp, là nối tiếp và trao truyền ngọn đèn giác ngộ mà Đức Thế Tôn để lại, không có con đường nào khác hơn, không có con đường nào cao cả hơn. Đây là huệ hạnh.
Bóng nhạn qua trời tuy không cố ý để lại dấu tích, nhưng đường bay của nó có thể tạo nên những âm ba kỳ tuyệt giữa hư không. Việc sống-chết của cố Đại lão Hòa thượng tân viên tịch là như thế. Quý vị hậu sinh nên khắc ghi bài học từ người và nên hãnh diện là ở trong cuộc đời này, quý vị đã có một bậc thầy xứng đáng.
Riêng cá nhân chúng tôi, đã là một lão tăng đi gần hết cuộc đời của mình trong nẻo đạo, không còn bận lòng việc sống-chết, nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi khi chia tay pháp lữ thân tình của mình.
Thưa giác linh, chúng ta cùng một thế hệ, nhập đạo và trưởng thành từ quê hương, cùng góp sức xây dựng cho nền Phật giáo nước nhà từ trong nước ra đến hải ngoại; nay giáo hội vẫn còn trăm việc phải làm, nhiều dự án văn hóa, giáo dục, hoằng pháp, vẫn còn dang dở và mong đợi sự tiếp nối của các thế hệ kế thừa, sao Ngài nỡ bỏ tôi đi trước?
Dẫu biết các pháp hữu vi đều như bọt nước, mấy hôm nay tôi vẫn lặng người đau tiếc về sự ra đi của Ngài. Chỉ biết nhìn đàn hậu học nhiệt tâm, giỏi dang, tề tựu đông đảo nơi đây để vui và tin vào tương lai của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Đây, Ngài hãy nhìn lần cuối để yên lòng: Tăng ni các thế hệ sau đã sẵn sàng gánh vác trọng nhiệm hoằng pháp thay cho chúng ta. Thôi thì Ngài hãy cứ đi, thong dong tự tại về chốn ấy, nhưng đừng quên trở lại để tiếp tục bản nguyện lợi sinh của mình.
Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
LỄ CUNG TIẾN GIÁC LINH
Nguồn: Hải Triều Âm
- Trần Quang Thuận (1930-2017): Dấu Ấn Hoằng Hóa Của Hòa Thượng Thích Trí Chơn Trên Đất Mỹ
- Thích Giác Hạnh: Ra Đi Bình An, Thầy Nhé!
- Thích Nguyên Siêu: Hòa Thượng Thích Trí Chơn Con đường Hoằng Pháp và Văn Hóa
- Thích Đồng Trí: Cảm Niệm Ân Sư
- Thích Hải Chánh: Sáng Soi Hậu Thế
- Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Một Vì Sao Vừa Khuất | Tưởng Niệm Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn (1933-2011)
- Quảng An: Trí Chơn Tánh Tuệ
- Quảng Tài Nguyễn Trà: Còn Đây Kỷ Niệm
- Nguyên An Tôn Thất Thái: Tưởng Nhớ Hòa Thượng Thích Trí Chơn
LỄ YẾT PHẬT – TRIỀU TỔ
Nguồn: Hải Triều Âm
MỘT SỐ TRƯỚC TÁC và DỊCH THUẬT
CỦA HOÀ THƯỢNG
- Ảnh hưởng Phật giáo đối với nhân loại – HT Thích Trí Chơn
- Ảnh hưởng Phật giáo tại Thái Lan – HT Thích Trí Chơn
- Đức Phật đã cứu sống tôi – HT Thích Trí Chơn dịch
- Con đường sống theo Phật giáo – HT Thích Trí Chơn
- Thông điệp tình thương của Đức Phật – HT Thích Trí Chơn dịch
- Albert Einstein và Đức Đạt Lai Lạt Ma – HT Thích Trí Chơn dịch
- Phật Giáo truyền bá từ Đông qua Tây – HT Thích Trí Chơn dịch
- Giá trị của Phật giáo trong thế giới hiện đại – HT Thích Trí Chơn dịch
- Phật giáo Tây Phương – HT Thích Trí Chơn dịch
- Dharmapala – A Dục của Tích Lan – HT Thích Trí Chơn
- Con đường dẫn đến chân hạnh phúc – HT Thích Trí Chơn dịch
- Từ Bi là nền tảng của hoà bình thế giới – Việt dịch HT Thích Trí Chơn
- Sự tức giận và hận thù – HT Thích Trí Chơn dịch
- Những mẫu chuyện tiền thân Đức Phật – HT Thích Trí Chơn dịch
- Niềm hy vọng vào tương lai – HT Thích Trí Chơn dịch
- Sự cần thiết của nhiều tôn giáo – HT Thích Trí Chơn dịch
- Tâm hồn vị tha – HT Thích Trí Chơn dịch
- Tình thương và Con người – HT Thích Trí Chơn dịch
- Cuộc khủng hoảng hiện đại – HT Thích Trí Chơn dịch
- Thái Độ của Phật Tử Tây Tạng Đối Với Thiên Chúa Giáo – HT Thích Trí Chơn dịch
đang cập nhật
LỄ DI QUAN & TRÀ TỲ NHỤC THÂN
Nguồn: Hải Triều Âm
[ Còn đang cập nhật ]