
Tự nghĩ và tự có cảm giác là không nên đăng những hình ảnh và clip cứu trợ làm gì. Bởi vì, trong hoàn cảnh cứu trợ hôm nay, là việc vạn bất đắc dĩ cần làm và phải làm. Phật dạy, gặp Nạn Nước và Nạn Lửa thì không được đứng nhìn. Ngay lời dạy đó, thì đủ biết và dư biết, ai được an ổn trong 2 nạn đó thì đã có phước và dư phước lắm rồi. Trong sự đủ và dư đó, nên khởi cái tâm Bi mà ngoái nhìn lui kẻ gặp nạn, và khởi cái tâm Từ mà chìa bàn tay của mình ra, đi tới và đưa tới, cho người gặp nạn nắm lấy. Thế là đủ gọi Giúp Nhau Trong Cơn Nguy Khốn. Trong sự Giúp Nhau đó, người nhận thì nhận sự sẻ chia Sự Sống, kẻ trao là trao cả một Tấm Lòng. Nên nói về Sự Sống và Tấm Lòng thì chẳng có ngôn từ nào và hình ảnh nào lột tả cho được đủ đầy.
Thêm nữa, Họ, những người sống nơi vùng miền núi xa xăm kia, bên cạnh và bên trong những rừng non của thời Hiên Đại Hóa Công Nghiệp. Đá thì cũng bị người tróc ra từng cục để tô điểm cho ngôi nhà và con đường đi, cây cũng bị hoặc cưa ngang, hoặc xới lên để tạo thủy lưu thành thủy điện. Họ, những người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh như thế, thiếu thốn sự quan tâm và thiệt thòi đủ muôn kiểu.
Nhưng, thật thật ngạc nhiên về Họ.
Trong đợt cứu trợ vừa qua, đến những nơi thương vong và mất mát nhiều hơn cả tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, tại 3 điểm Trao Tăng, đều gặp là Họ – những con người cứng cõi giữa rừng núi, thật thà, hồn nhiên và nhiều tự trọng.
Đang trao tăng trong cơn mưa nặng hạt, ngó ra xa, thấy một Cụ Bà đội chiếc nón đã rách lủng gần hết một nữa, không thể và không đủ để che nắng che mưa. Bèn cầm chiếc nón đang đội, nói anh Phật tử đến trao tặng cho Cụ. Cụ nhận rồi, Cụ cầm chiếc nón được tặng, đội lên trên chiếc nón đã lủng rách kia. Đứng nhìn xửng, quên cả trao tặng cho mọi người. Giao phận sự cho một Bác trong đoàn làm giùm. Bước ra ngoài.
Chỉ có ra bên ngoài đứng ngó, mới quan sát và tìm hiểu được Sự Sinh và Sự Sống trong cơn nguy khốn, chỉ một phần nhỏ thôi.
Đến nói với Cụ ” Chiếc nón kia đã lủng rách gần hết, Cụ còn đội chồng lên làm chi cho nặng đầu”. Cụ cười, với ánh mắt thật hồn nhiên giữa mưa bão, nói “Cái nón này tui đội lâu rồi, giờ còn đội được. Bỏ uổng”.
Con người đó, giống cây trên rừng mất rồi.
Cây trên rừng, mọc trên sỏi đá, tuy chẳng khẳng khiu gì, nhưng sức gió khó mà quật nó ngã xuống. Cũng vậy, Họ – những con người sống trên sỏi đá, cạnh những rừng cây, trong cơn nguy khốn của giông bão, cũng không làm họ nổi lên cơn so sánh đủ và dư, khổ và đau.
Họ chỉ cần những cái họ đang thiếu.
Họ cần Giúp một chuyến xe, thì họ chỉ xin Giúp Cho một đoạn đường trên chuyến xe. Có đưa tiền họ cũng xin từ chối. Bởi họ đang thiếu thời gian để đến bên vợ và bên người thân. Một Triệu đồng có thể họ không có, nhưng bởi ngay lúc đó, họ chỉ thiếu Một Chuyến Xe, nên tiền họ chưa cần. “Mình Không Cần Tiền, mình chỉ cần Giúp Mình Một Chuyến Xe Thăm Vợ”.
Chiếc nón kia cũng vậy, đã bao năm che nắng che mưa cho Cụ, giờ rách tả tơi. Thì dù sao, nó cũng là người bạn trong bao mùa mưa nắng.
Chiếc nón lành và chiếc nón rách, chiếc nào che cho hết nắng mưa của Con Người nơi vùng ấy.
Tuy nhiên, chia sẻ là bản chất của Con Người và Loài Người.
Nhất là trong cơn hung tàn của Gió Bão Mưa Sa