
(trích Tạp chí Vạn Hạnh số 13-14)
Mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển hóa để giải quyết thực trạng của con người tùy theo địa vực và tùy theo thời gian, mọi chuyển hóa ấy đã phát triển rất nhiều sắc thái độc đáo của đạo Phật. Vấn đề làm thế nào để thừa hưởng trọn vẹn cái gia tài Phật giáo đó, không thể bằng vào những xáo trộn của xã hội ngày nay để kết luận đạo Phật ngày nay là thế này hay thế kia. Học Phật không phải chỉ thỏa mãn cái nhất thời của tri thức mà để giải quyết thực trạng xã hội ngày nay. Quá khứ bao giờ cũng cần thiết cho những xây dựng ở hiện tại.
Qua 25 thế kỷ, đạo Phật đã trải qua bao lần chuyển hóa. Chuyển hóa từ nội dung tư tưởng cho đến những phương thức hành động. Sự chuyển hóa đó đã xảy ra đúng với nguyên tắc vô thường và vô ngã. Bởi lẽ, mục đích duy nhất của đạo Phật là giải thoát. Thế nên, thực tại bao giờ cũng là đối tượng thường xuyên được khảo sát. Và rồi, những lời dạy của đức Phật được diễn tả như thế này hay thế khác. Những diễn tả đó đúng với bản ý của đức Phật hay không thì không ai có quyền dành cho mình một cái độc tôn tư tưởng. Như Thế Thân đã nói ở Câu Xá: “thiếu hữu biếm lượng vi ngã thất, phản pháp chính lý tại Mâu Ni.” Nếu những quan điểm mà Thế Thân trình bày có chút gì sai lầm, thì chỉ có đức Thế Tôn mới có thẩm quyền định đoạt. Ấy cũng bởi sự hiểu biết của con người bao giờ cũng bị giới hạn ở một định kiến nào đó. Người nào chưa giải thoát, chưa chứng ngộ được chân lý tối hậu, chưa nắm được cái toàn thể của thực tại thì chưa có quyền phê phán một cách nghiêm khắc về một điều nào của ai cả. Người ta đã chẳng nói mãi rằng chính thực tại đã nói lên cái đó; và những gì mà mình nhận định thì mọi tài liệu được quy kết chung quanh nhận định đó đều phản ảnh thực tại. Cũng vì thế mà ngay trong giáo lý đạo Phật há không phải là đã có rất nhiều diễn đạt khác nhau, đôi khi hoàn toàn mâu thuẫn.
Ngày nay chúng ta lại đang đứng trước những yêu cầu chuyển hóa của Phật giáo. Thế giới bây giờ gợi cho chúng ta rất nhiều đổ vỡ, một sự đổ vỡ mang tính cách toàn diện, do đó ai cũng thấy ngay là chúng ta phải có một cái nhìn mới về Phật giáo. Thế nhưng, đã 25 thế kỷ rồi, đạo Phật đã thay đổi rất nhiều, tùy theo địa vực, tùy theo trình độ văn hóa và hoàn cảnh sinh hoạt. Những điều mà chúng ta biết về đạo Phật hôm nay có gì đoan chắc rằng đấy là điều mà đức Phật đã nói trên hai nghìn năm? Nói rằng chính thực tại là nguồn tài liệu duy nhất để chứng minh thì những tài liệu này được bóp méo theo nhãn quan của mỗi người. Ấy là chưa kể đến những cuộc leo thang của danh từ. Người ta cũng đã hao phí rất nhiều công phu để kiến thiết một đạo Phật dựa trên những diễn tả hợp lý có tính cách la-tập của tri thức.
Chúng ta phải kể rằng số người bi quan về đạo Phật ngày nay không phải ít. Những bi quan này có thể coi như những cái nhìn chân chính về đạo Phật, phiến diện hay không phiến diện lại là những lý lẽ khác. Điều chắc chắn là những người bi quan về đạo Phật đó vẫn có quyền nghĩ một cách rất xác thực, rằng ấy chính là thực tại đã nói lên như thế. Giữa lúc mà mọi người không biết cái mình đang nói đó là cái gì thì còn cái nào cho chúng ta tin tưởng hơn là thực tại qua nhãn quan?
Người ta bi quan về đạo Phật rằng đạo Phật đang mất dần sinh khí vì chính những người đã nói rất nhiều, nào cuộc đời là khổ, là không, là vô ngã, nào cuộc đời chỉ là ảo ảnh, nào cuộc đời là ô trược, nhưng cũng chính những người đó lại đâm đầu vào thế sự, chạy theo tiếng gọi của những đam mê khoái lạc ở trần gian. Có phải người ta đã kết luận rằng những dục vọng không thể được chuyển hóa bằng tri thức? Qua 25 thế kỷ, nếu người ta không dựa vào tri thức để hiểu những gì Phật dạy qua sách vở thì còn gì. Làm sao mà thấy được đời sống đức Phật một cách đúng đắn để noi theo? Nếu dựa vào một tinh thần độc đáo nào đó của đạo Phật, thì có ai mà tin được rằng tinh thần đó đã không bị tiêu pha mòn mỏi vì thời gian? Ấy thế, đạo Phật mất sinh khí là thế.
Tuy vậy, không phải chúng ta bị dừng lại ở bế tắc này. Còn ý thức rằng mình đang sống, và cần sống thì con người cũng có luôn cái ý thức rằng mình phải làm một cái gì. Hơn nữa, mọi chúng sanh đều có Phật tính, và chính giáo lý Phật đã dành cho chúng sinh quyền tự do lựa chọn, tự do phê phán quá ư rộng rãi. Như thế, niềm tin duy nhất của chúng ta là khả năng giác ngộ của mọi người, khả năng đó không bao giờ tiêu mất. Bằng vào niềm tin này chúng ta có thể nghĩ đến một ngày vinh quang của nhân loại và bây giờ thì không ai còn lý do tối thiểu nào để bi quan về sinh khí của đạo Phật.
Quá khứ của trên hai nghìn năm Phật giáo mang nhiều sắc thái. Và bây giờ, chúng ta phải cố mà thừa hưởng trọn vẹn tất cả những ảnh tượng đó. Người ta không thể chỉ giới hạn sự học Phật trong một phạm vi nào đó, Nguyên thủy Tiểu thừa hay Đại thừa. Người ta cũng không thể chỉ biết đến một khuynh hướng nào đó của Phật giáo mà thôi. Mỗi khuynh hướng mang một sắc thái độc đáo. Hiện tại không là ý thức bị phong kín trong bức tường thiên kiến thì hiện tại đó phải thể hiện trọn vẹn mọi khuynh hướng.
Chúng ta đã có những quyền hạn rộng rãi để nhận thức về đạo Phật thì những quyền hạn đó bao giờ cũng phải được ứng dụng triệt để. Cái gì tiêu diệt, nhưng Phật tính trong chúng ta không bao giờ tiêu diệt. Thế thì mọi kiến giải mâu thuẫn cũng sẽ đi đến chỗ: rốt cuộc có một cái gì phải đến với chúng ta. Những người Phật tử há không phải lúc nào cũng tin tưởng đến ngày giáng thế của đức Di Lặc là gì?
Thực tại không cho phép chúng ta chỉ ngồi mà nhận định, phê phán mà thiết yếu là hành động. Điều đó có nghĩa như thế này: chúng ta phải làm một cái gì. Cái gì đó không phải chỉ quay chiều nhận thức về một phía quá khứ hay tương lai. Nếu ý thức về hiện tại là một ý thức tự giác thì hiện tại ấy được hình thành bằng những ảnh tượng quá khứ. Ảnh tượng quá khứ được kết tập nhiều thì bức tường định kiến càng được nới rộng ra, nới rộng cho đến lúc mọi mâu thuẫn sẽ bắt được nhịp cầu giao cảm.
25 thế kỷ, bánh xe nhân loại lên dốc rồi lại xuống dốc. Càng xuống dốc nó lại càng quay nhanh. Chính đấy, những thay đổi ngày nay rất phức tạp. Nó thay đổi cả từng giờ từng phút. Cho nên, ai cũng cố gắng vượt ra ngoài định kiến để mong có một cái nhìn chân xác hơn về thực tại.
Quá khứ của trên hai nghìn năm Phật giáo mang nhiều sắc thái. Và bây giờ, chúng ta phải cố mà thừa hưởng trọn vẹn tất cả những ảnh tượng đó. Người ta không thể chỉ giới hạn sự học Phật trong một phạm vi nào đó, Nguyên thủy Tiểu thừa hay Đại thừa. Người ta cũng không thể chỉ biết đến một khuynh hướng nào đó của Phật giáo mà thôi. Mỗi khuynh hướng mang một sắc thái độc đáo. Hiện tại không là ý thức bị phong kín trong bức tường thiên kiến thì hiện tại đó phải thể hiện trọn vẹn mọi khuynh hướng.
Nhận định này đưa ta đến một nhận định về đạo Phật Việt Nam. Hầu hết các nhà nghiên cứu về đạo Phật Việt Nam đều đoan chắc rằng chỉ có Thiền tông là tông phái duy nhất ở đây. Những đoan chắc này mà đúng thì người ta khó mà xây dựng một đạo Phật Việt Nam đúng với tinh thần Phật giáo. Thiền tông có mặt ở Trung hoa, đã thêm cho Phật giáo Trung hoa một màu sắc độc đáo. Nhưng bên cạnh Thiền tông, còn có các tông phái khác. Thế là cả 10 tông phái Phật giáo Trung hoa kết hợp lại, ta có thể nói đặc tính của nó như thế nào. Ấy vì, bên cái không nói đã có những cái nói, bên cái hiển đã có cái mật, bên cái hành động còn có cái suy tư. Ở Việt Nam mà chỉ có một Thiền tông với yếu chỉ là vô ngôn thuyết, thử hỏi, ngày nay chúng ta có còn gì để cho ta biết chắc về đặc tính của đạo Phật ở đây, theo tính chất toàn diện, chưa kể dến nhiều sáng tác đã bị nước tàu tiêu hủy, mặc dù những sáng tác ấy có tính cách trà dư tửu hậu, và nay chúng ta cố gắng vẽ rắn thêm chân. Điều bất hạnh là chúng ta không biết đạo Phật Việt Nam còn có những sắc thái độc đáo nào nữa không. Ấy thế, sự nghiên cứu có tính cách phiến diện về đạo Phật Việt Nam ngày nay thì quả thực, trong hiện tại, đạo Phật không giải quyết được gì cho dân tộc Việt Nam cả.
Tuy nhiên, mọi nghiên cứu không nên chỉ giới hạn ở những tài liệu của sách vở. Các tài liệu phải được khai thác từ những nhu cầu của sự sống còn. Sách vở thì có một hạn định nào đó mà nhu cầu của sự sống thì vô cùng. Tất nhiên không phải chỉ là những nhu cầu của quá khứ. Nhu cầu cần giải quyết ấy là nhu cầu ở hiện tại. Đạo Phật có ích lợi gì cho dân tộc Việt Nam có thể chỉ được trả lời bằng cách đó.
Như vậy, mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển hóa để giải quyết thực trạng của con người tùy theo địa vực và tùy theo thời gian, mọi chuyển hóa ấy đã phát triển rất nhiều sắc thái độc đáo của đạo Phật. Vấn đề làm thế nào để thừa hưởng trọn vẹn cái gia tài Phật giáo đó, không thể bằng vào những xáo trộn của xã hội ngày nay để kết luận đạo Phật ngày nay là thế này hay thế kia. Học Phật không phải chỉ thỏa mãn cái nhất thời của tri thức mà để giải quyết thực trạng xã hội ngày nay. Quá khứ bao giờ cũng cần thiết cho những xây dựng ở hiện tại.