
Khi chứng kiến những bất công trong xã hội, phản ứng thông thường của chúng ta là phẫn nộ. Và rồi vì phẫn nộ nên chúng ta quay sang nguyền rủa—nguyền rủa những người chúng ta cho rằng đã tạo ra những bất công đó.
Theo Phật pháp, những phản ứng trên đều tích cực. Phẫn nộ cho thấy sự phân biệt được thiện-ác, xấu-tốt. Nguyền rủa là một thái độ phê phán cái ác, cái xấu, được thể hiện qua ngôn ngữ. Thế nhưng, có một vấn đề ở đây: Sau khi phẫn nộ và nguyền rủa như thế thì chúng ta làm gì tiếp theo? Có phải là chúng ta im lặng và ngồi yên? Nếu cho rằng dù không làm được gì cụ thể nhưng ít ra một phản ứng như thế cũng tạo ra một tác động nào đó thì chúng ta đã bị lầm lớn.
Nhầm lẫn thứ nhất: Ngôn ngữ chỉ mang tính biểu thị chứ không phải là tự thân thực tại. Từ ngôn ngữ dẫn đến thực tại là một quãng đường rất xa, kèm theo biết bao công sức của con người. Người nào trong chúng ta có đam mê thú cây kiểng rất dễ nhận ra điều này: Muốn uốn một thân cây hay một cành cây theo một tư thế nào đó, bạn không thể dùng ngôn ngữ mà là hành động. Và bạn phải dùng dây, mà dây phải là loại thép không rỉ để tránh làm tổn thương cây. Và không phải uốn xong là bạn có ngay một dáng cây như ý muốn đâu, mà bạn phải chờ. Chờ cho đến khi nào bạn tháo dây ra mà cây vẫn không trở lại tư thế ban đầu thì lúc đó bạn mới có thể nói rằng “mình đã thành công, mình đã thay đổi được”.
Nhầm lẫn thứ hai: Cái cây đã được uốn không phải là tồn tại độc nhất trong vườn bạn. Có nghĩa rằng cảnh tượng hỗn loạn xuất hiện trong vườn bạn không phải được tạo ra bởi chỉ một cây nào đó không được cắt tỉa uốn nắn, mà là bởi rất rất nhiều cây như thế. Vì thế, nếu muốn thay đổi cảnh tượng hỗn loạn đó bằng một trật tự như bạn muốn, thì không phải chỉ cần đổ công sức vào chỉ 1 cây là xong. Trừ khi bạn sử dụng các kỹ xảo như che chắn những cây còn lại để mọi người khỏi phải nhìn thấy, hoặc đem vứt chúng vào thùng rác một cách “phi nhân tính”, thì không nói làm gì.
Khi nhận ra hai sự thật trên, nếu là người nhạy bén, chắc chắn thế nào bạn cũng liên tưởng đến vấn đề giáo dục một con người. Có khi nào bạn tự hỏi tại sao phải cưỡng bách con người đi học khi chỉ mới năm sáu tuổi? Tại sao không chờ đến tuổi mười bảy mười tám, lúc con người đã trưởng thành, đã đủ trí khôn, để có thể tiếp thu mọi kiến thức trên đời? Nếu trả lời được 2 câu hỏi trên thì bạn đã nhận ra được rất nhiều vấn đề có liên quan đến con người & xã hội.
Vào thập niên ’80 thế kỷ trước, những người tu tập trong PG đã đứng lên yêu cầu nhà cầm quyền hãy để cho họ duy trì hệ thống giáo dục và các cơ sở đi kèm mà họ đã xây dựng trước đó. Trong quá trình đòi hỏi như thế, có người trong số họ đã bị giết trong tù, có người suýt chết vì án tử hình, có người phải ngồi tù trên dưới 20 năm, v.v. Ngoài những hành động nói trên của nhà cầm quyền ra, không ít người trong chúng ta, khi biết được sự kiện này, cũng đã “phẫn nộ”, đã “nguyền rủa” những việc làm mà chúng ta cho là “phá hoại” của họ. Và hậu quả sự không thành công của những hành động “phá hoại” đó là gì? Thật chua xót, không chỉ cho chúng ta, mà cho cả một dân tộc, là phải chờ hơn 30 năm, 40 năm mới nhận ra. Và bi đát nhất là khi nhận ra thì đã quá muộn màng.
Khi nhận ra một sự thật như thế, có thể có người trong chúng ta sẽ thấy cảm thông và “thương xót’ họ. Thật ra, nếu hiểu được Phật Pháp là gì thì chúng ta không cần phải làm thế. Bởi vì đó là cuộc sống của họ, là con đường đi của họ trong cuộc đời, không phải chỉ trong một đời, mà là vô số đời không tính đếm được.
Khi đức Phật thị hiện hơn 2500 năm trước trên trái đất này thì Ấn-độ là lãnh thổ của 16 tiểu vương quốc, với trên dưới 900 phương ngữ (dialect). Đức Phật đã làm gì để “thay đổi xã hội”, nếu chúng ta muốn nói như thế, trong hoàn cảnh đó. Ngài là con trai độc nhất của 1 quốc vương. Thế nhưng tại sao ngài không lên làm vua để tiếp nối sự nghiệp an bang tế thế của cha mình, mà lại quyết định chỉ làm một “thầy giáo”—mà lại là một thầy giáo độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người? Một thầy giáo không giày dép, không ngựa xe, không nhà không cửa, với vỏn vẹn chỉ 3 cái y và cái bát đựng cơm xin từ người khác. Và cứ thế, lầm lũi từ ngày này qua ngày khác, từ thị thành cho đến các làng mạc xa xăm nơi chân núi góc đèo, ngài kiên nhẫn giáo hóa TỪNG CON NGƯỜI, chỉ cho TỪNG CON NGƯỜI thấy được thế nào là an lạc, là khổ đau.
Con đường mà đức Phật đã đi như thế cho đến hết cuộc đời giúp chúng ta nhìn thấy điều gì? Nếu có một đổi thay nào đó có thể mang lại an lạc, hạnh phúc thật sự cho loài người thì đổi thay đó chỉ có thể tìm thấy ở mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta không nỗ lực thay đổi chính mình mà chỉ mong đợi một ân phước nào đó được ban phát bởi người khác, bởi những gì được gọi là “định chế” do con người tạo ra, cho dù đó là các định chế mang tên Phật Giáo, mang tên tông phái, hệ phái, giáo hội, v.v…, thì thật sự chúng ta đang đùa cợt với chính số phận mình.