

(i) Một điếu cigar luôn luôn có 2 đầu (two ends). Khi bạn nhìn thấy điếu cigar có 2 đầu rõ ràng thì triết học gọi cái nhìn của bạn là “nhị nguyên” (dualistic view). Đây là một sự thật: trong thực tế rõ ràng có 2 đầu nằm ở 2 điểm khác nhau.
Bây giờ bạn thử làm cho đầu này biến mất bằng cách ngứt nó đi. Lần đầu ngứt xong, bạn thấy vẫn còn 2 đầu. Và bạn ngứt tiếp. Và kết quả là bạn thấy gì? Khi bạn ngứt lần cuối cùng để cho đầu này biến mất thì đầu kia cũng đồng thời biến mất. Đây cũng là một sự thật: khi không có đầu này thì cũng không có đầu kia.
(ii) Một đồng tiền luôn có 2 mặt (two sides); 1 mặt hình và 1 mặt chữ, chẳng hạn. Để xóa đi mặt hình bạn bắt đầu mài nó đi. Và lần này chắc chắn bạn cũng nhận ra một điều: khi mặt hình được mài hết thì mặt chữ cũng không còn.
Nếu bạn thừa nhận những điều trên là sự thật thì chúng ta đi tiếp bằng những thí dụ trừu tượng hơn.
(iii) Khi chưa lập gia đình thì bạn không thấy mình là 1 người chồng. Nhưng khi lấy vợ thì bạn thấy mình là chồng; và không chỉ bạn mà xã hội cũng thừa nhận điều này. Bây giờ bạn thử tìm xem “ông chồng” này từ đâu ra? Nếu không có vợ bạn thì bạn có còn là 1 ông chồng không?
(iv) Một người đang đi ngoài hành lang 1 phòng học thì không ai biết ông ta là ai cả. Ông ta có thể là giáo sư, là bác cai trường, là hiệu trưởng, là giám thị, là phụ huynh của 1 học sinh nào đó. Nhưng khi bước vào phòng, đứng trên bục, và phía dưới, tức trước mặt ông, là một nhóm thanh thiếu niên, thì lập tức ông ta trở thành “thầy” và các thanh thiếu niên cũng lập tức trở thành “trò”. Thầy & trò từ đâu mà có vậy? Có thể có thầy mà không có trò không, và ngược lại?
Có lần đức Phật phát biểu, đại ý là “ngài không bao giờ tranh cãi với thế gian. Những gì bậc trí của thế gian nói có thì ngài cũng nói có; những gì họ nói không thì ngài cũng nói không.”
Phật pháp bao hàm cả 2 loại thế gian & xuất thế gian, vì thế không bao giờ phủ nhận giá trị của nhị nguyên luận (dualism). Tuy nhiên, Phật pháp nhìn thấy rằng đó chỉ là 1 sự thật tương đối—tức cực đoan này đối lại cực đoan kia, hoặc quy ước—tức do con người đặt ra chứ không có thật như thế.
Trong trường hợp này, sự thật tối hậu (ultimate truth) là chẳng có 2 đầu (non-dual) tách biệt, đối nghịch nhau như bạn tưởng, mà chúng luôn luôn tồn tại trong tương quan bất khả phân: A có thì B có; A không thì B không. Khi hiểu được điều này thì bạn hiểu luôn về sự tồn tại và tương quan giữa tự lực – tha lực, Nam tông – Bắc tông, Nguyên thủy – Đại thừa, tu sỹ – cư sỹ, cha-con, bạn-thù, thương-ghét, giàu-nghèo, thống trị – bị trị, con người – môi trường, duy tâm – duy vật, tư bản – cộng sản, Phật giáo – Hồi giáo, v.v. Và tại sao PG luôn luôn kêu gọi đừng giết hại, kể cả cái mà con người gọi là “kẻ thù”, đừng phá hoại “môi trường”—tức những gì con người tưởng rằng nằm ngoài mình; v.v.
Nguồn: Đạo Sinh