
TỰA
“Yết Ma Yếu Chỉ”
Theo quan điểm Bộ phái Đàm-Vô-Đức, tức các vị thọ trì Luật Tứ phần thì một trong các dấu hiệu về sự diệt tận của chánh pháp là các pháp yết-ma hoàn toàn không được thực hiện, không có pháp yết-ma sẽ không có các tỳ-kheo đắc giới như pháp, bản thể của Tăng không thành tựu. Không có sự tồn tại của Tăng thì chánh pháp mà Phật giảng dạy không có người tu và chứng. Như vậy có nghĩa là Chánh pháp sẽ không tồn tại. Cho nên việc học hỏi các học xứ trong giới Kinh và thông suốt các pháp yết-ma là phận sự hàng đầu của tỳ-kheo trong suốt 5 năm đầu kể từ khi đắc giới cụ túc. Đây là điều kiện căn bản tác thành tư cách bậc thầy hàng Thượng tọa trong Tăng chúng. Nếu tỳ-kheo không hoàn tất phận sự học hỏi này thì không bao giờ được phép rời Y Chỉ sư dù cho tuổi đời 80 và tuổi hạ 60, nghĩa là luôn luôn phải sống nương tựa vào bậc Thượng tọa, không được phép thế độ người xuất gia. Đây là điều qui định trong tất cả Luật Tạng, cần phải nghiêm cẩn chấp trì vì sự tồn tại bền vững của Phật pháp.
Về các nguyên lý căn bản của yết-ma, tất cả các bộ Luật đều đồng nhất, nhưng sự tác pháp có rất nhiều khác biệt, do điều kiện lịch sử và địa lý nơi mà Tăng đoàn sinh hoạt. Nếu không có sự lý giải về các nguyên tắc căn bản, tất sẽ khó có thể hội thông các điều sai biệt này. Do đó việc nghiên cứu và học hỏi các phép Yết-ma cần phải hội đủ hai mặt: nắm vững sự lý giải và thông suốt tác pháp, tổng quát mà nói, có hai bộ phận chính của tất cả pháp yết-ma. Một bộ phận chi phối các sinh hoạt tập thể của Tăng, tức gồm các luật yết-ma như kết giới, truyền thọ cụ túc, thuyết giới, tự tứ v.v… Bộ phận khác chi phối sinh hoạt cá nhân một tỳ-kheo, tức các yết-ma trị phạt như sám Tăng tàn, ba-dật-đề…
Bộ luật này ra đời là do kết quả nhiều năm giảng dạy Luật cho Tăng chúng tại các Phật học viện: Báo Quốc, Hải Đức, Quảng Hương Già Lam. Nhưng sự biên tập được hoàn thành là do công đức đóng góp của các thầy ĐỖNG MINH và NGUYÊN CHỨNG. Hai vị đã cố gắng rất nhiều trong công việc ghi chép lại những điều tôi đã giảng giải, tham khảo các luật bộ, đối chiếu và thảo luận đả thông những điểm sai biệt giữa các luật bộ.
Ở đây tôi ghi nhận công đức đóng góp của hai vị và cùng hồi hướng công đức này cầu nguyện chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian để lợi lạc hữu tình.
Quảng Hương Già Lam,
Mùa hạ, PL. 2527 – 1983
Tỳ-kheo Thích Trí Thủ
____________________________
TỰA
“Pháp Diệt Tránh”
Trong thời kỳ nguyên thủy, loài người sống tập quần trong một phạm vi địa lý, mà ở đó tài nguyên thiên nhiên cung cấp cho nhu cầu sinh tồn chưa trở thành khan hiếm, mỗi cá nhân tự mình thu hoạch tùy theo nhu cầu thường nhật. Cho đến khi ý niệm tích lũy phát sinh, và hệ quả của nó là tích lũy tư hữu, từ đó ý niệm chiếm hữu cũng phát sinh. Trong quá trình chiếm hữu, mâu thuẫn tranh chấp vẫn thường xuyên xảy ra, và con người bấy giờ thỏa thuận giao ước về các quy tắc để sở hữu và chiếm hữu đối với thiên nhiên. Tuy vậy, các giao ước vẫn thường xuyên bị vi phạm; cho nên cộng đồng nguyên thủy ấy đã bầu nên một người, mà Pāli gọi là Mahāsammato, được tuyển lựa bởi đại chúng; người ấy có nhiệm vụ phân xử các tranh chấp, mà Pāli phát biểu là dhammena pare rañjetīti… “rājā, rājā”: Người làm vui lòng mọi người đúng như pháp, được gọi là rājā. Rājā, hay “vua”, như vậy, trong nghĩa nguyên thủy, là vị trọng tài phân xử các tranh chấp xã hội.
Đây là khái niệm căn bản của đạo Phật về sự phát sinh của luật pháp, và ý nghĩa xã hội của nó. Luật, như vậy, trước hết là sự giao ước giữa người và người, để điều hòa các mâu thuẫn xã hội. Nhưng luật chỉ có ý nghĩa, nghĩa là có hiệu lực, khi nào xuất hiện cơ cấu tài phán, tức các thiết chế xã hội, mà theo đà phát triển, nó dần dần trở thành cơ cấu quyền lực dựa trên các hiến chế xã hội.
Sự hình thành và phát triển của Tăng-già, cộng đồng đệ tử của Phật, cũng gần tương tự như vậy. Khởi thủy, là các Thánh đệ tử, sống y trên tinh thần tự giác và tự nguyện, không cần đến sự ràng buộc kỷ luật. Cho đến khi Giáo đoàn phát triển rộng lớn, thâu nhận nhiều thành phần xã hội khác nhau, mối quan hệ nội bộ cũng như ngoại tại càng trở nên phức tạp. Từ đó, nhiều điều luật được Phật quy định. Các điều luật này được tập hợp thành văn, mặc dù nguyên thủy qua hình thức khẩu truyền, trở thành hình thức pháp chế của Tăng già.
Các điều luật chỉ có thể có ý nghĩa, có giá trị hay hiệu lực thực tế, chỉ khi nào chúng được áp dụng theo các quy tắc chỉ đạo, mà thuật ngữ Luật học Phật giáo gọi là các nguyên tắc trì-phạm. Trì, là những quy định điều gì không được phép làm, và các phận sự phải chấp hành. Phạm, là các trường hợp vi phạm, và các hình thức xử trị.
Như vậy, khi các quy định này bị vi phạm, để xử trị, cần phải có một cơ cấu tài phán. Nhưng trong Tăng-già không có cơ quan tài phán hay giám sát pháp luật thường trực. Chỉ khi nào có sự vụ phát sinh, bấy giờ Tăng họp, và tùy theo trường hợp mà xử lý, trong phạm vi cá nhân từ hai đến ba người, như là các trường hợp hòa giải; hoặc có khi cần đến từ bốn Tỳ-kheo trở lên, tức những sự vụ cần đưa ra tập thể. Dù là xử lý cá nhân như là trường hợp hòa giải; hay cần đến phán quyết tập thể; tất cả đều cần được diễn ra theo các thủ tục quy định, như các thủ tục tố tụng hình sự hay dân sự. Các quy tắc để phán quyết và các thủ tục tiến hành phán quyết được quy định thành một hình thức pháp chế gọi là “pháp diệt tránh”.
Trong tập sách nhỏ này, các pháp diệt tránh ấy được giới thiệu chi tiết. Sách gồm ba phần:
Phần I: Đề cập các trường hợp phá Tăng, tức các sự vụ phát sinh trong Tăng có thể dẫn đến tình trạng Tăng bị phân hóa. Nhưng cho đến mức nào thì mới được gọi là Tăng bị phân hóa, hay “phá Tăng” (Tăng vỡ)? Y trên các trường hợp phá Tăng đã phát sinh trong thời Phật tại thế, như là những án lệ, để từ đó lượng định tình trạng phá Tăng, và theo đó mà các quy tắc diệt tránh nào cần được áp dụng.
Phần II: Giải thích ý nghĩa bảy pháp diệt tránh và các trường hợp áp dụng, thủ tục áp dụng.
Phần III: Trích văn, từ Luật Tứ phần, như là cơ sở văn hiến. Phần này là tư liệu gốc, cần được tham khảo và dẫn dụng thường xuyên, mỗi khi có sự vụ phát sinh.
Trong các phần trên đây, phần II trước kia nguyên là phần giải thích bảy pháp diệt tránh trong Giới kinh của Tỳ-kheo, biên tập trong Tứ phần hiệp chú. Khi được đưa vào tập sách này, nhiều chi tiết được thêm bớt.
Sách được ấn hành lần này chỉ được phổ biến giới hạn, do đó nội dung không cần thiết mở rộng.
Nguyện Tăng-già thanh tịnh và hòa hiệp vì sự an lạc cho hết thảy chúng sinh.
Thị Ngạn am,
Mùa an cư, 2552
Thích Nguyên Chứng
____________________________
Bài tham khảo thêm: Đôi Lời Thưa Gởi | Thích Như Điển, Chánh thứ ký Hội Đồng Hoằng Pháp
1 thought on “Hội Đồng Hoằng Pháp ấn hành tác phẩm “Yết Ma Yếu Chỉ” của Hòa Thượng Thích Trí Thủ và “Pháp Diệt Tránh” của Hòa Thượng Thích Nguyên Chứng”