
LỜI THƯA ST: Mặc dù khi gởi về Sen Trắng như một tản văn và không dặn dò gì thêm. Song, Sen Trắng thiển nghĩ đây như là “lá thư Trưởng Ban”, gởi gắm cho toàn thể anh chị em lam viên Hoa Kỳ, nhân mùa đại dịch Covid-19. Những ngày cách ly này, nhận được những lời chia sẻ, tâm tình tha thiết như thư dưới đây quả là thêm thắt chặt giềng mối Nhà Lam và lan tỏa Tình Lam mãi ấm áp. Xin cảm ơn tấm lòng của niên trưởng Quang Ngộ, ước mong sẽ còn đón nhận thêm nhiều bài vở của tất thẩy anh chị em trong những ngày tới. – Dù tuy xa, nhưng tình bao la…
Trong bối cảnh đại dịch bệnh virus corona (Covid-19), một loại chủng mới đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân, vừa có sự tác động liên quan đến cả nhân loại, không hạn chế quốc gia hay vùng lãnh thổ nào.
Từ khi dịch bệnh khởi phát tính đến hôm nay hơn 3 tháng, với con số tử vong hàng trăm ngàn nhân mạng và những trường hợp lây nhiễm đã hơn cả triệu người. Đây quả là dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng phát xuất từ Vũ Hán, Trung Quốc, và lây lang cả thế giới, khiến nhân loại phải hoang mang, hoảng sợ; nó còn làm cho nền kinh tế thế giới suy thoái vì mọi giao thương ngưng trệ, chứng khoán lao dốc; sân bay, tàu biển, các công ty, xí nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản; các khu công nghiệp du lịch điêu đứng, hàng triệu người thất nghiệp, trẻ em không được đến trường v.v và v.v…
Nhiều chục năm nay, biết bao những hiện tượng đã xảy ra trên thế giới này, nào là động đất, sóng thần, bão tố, cháy rừng… Rồi đến các dịch bệnh như SARS, HIV, dịch tả, dịch hạch, dịch cúm…, nhiều lần xuất hiện đã cướp đi bao triệu sinh mạng con người, và xúc vật. Đã tàn phá tài nguyên, nhà cửa…, thế mà vẫn chưa đủ để thức tỉnh nhân tâm nhân loại.
Qua những cảnh tượng động đất, bão tố, sóng thần, cháy rừng kia là sự quằn quại, đau thương của đất mẹ, do biến đổi khí hậu, tình trạng hâm nóng toàn cầu như là sự rên xiết của thiên nhiên. Các dịch bệnh SARS, HIV, dịch tả, mọi loại dịch cúm… là sự mất cân bằng sinh thái, đã và đang luôn tác động trực tiếp lên con người, khiến chúng ta mệt mỏi, nóng sốt với nhiều trạng thái đau đớn thân tâm, thậm chí dẫn đến tử vong. Vậy mà con người nào có chịu để tâm. Trái đất là căn nhà duy nhất để con người sinh sống; môi trường, không gian là bầu dưỡng khí duy nhất để con người hít thở. Nhưng có lẽ, con người cho rằng trái đất không biết đau nên tha hồ vùi dập; tài nguyên thiên nhiên không bao giờ cạn kiệt nên tha hồ khai phá, bức bách. Khi đã chinh phục, khám phá thiên nhiên nào đó, con người vội kiêu hãnh với “trí tuệ”, với “thành công” của mình mà không nghĩ đến hậu quả cho mai sau sẽ như thế nào. Chính vậy mà con người đã tích lũy nghiệp chướng nhiều năm, rồi đến ngày hôm nay đại dịch Covid-19 như là một nghiệp báo mà nhân loại phải trả giá cho những gì mình đã tạo nên. Theo Giáo lý nhà Phật đó là “Nhơn Quả”, con người đã tạo nghiệp thì phải trả nghiệp, tùy theo nghiệp nặng hay nhẹ.
Qua đại dịch bệnh Covid-19, nhân loại đã chứng kiến được cảnh tượng khổ đau, cảnh tượng tử vong leo than từng giờ, kinh tế suy thoái, hãng xưởng đóng cửa, giao thương ngừng trệ, mọi người cách ly… Đó là nghiệp báo con người đã gây ra mà giờ này nên chăng phải biết dừng lại.
Đúng vậy, Qua đại dịch bệnh Covid-19 này, đã khiến con người phải thấy rõ sự thật hiển bày để biết “dừng lại”. Dừng vận chuyển máy bay, tàu biển, xe lửa, xe hơi, hàng hóa; dừng sản xuất, thương mại, kinh doanh, dụ lịch; dừng tụ tập, hội họp đông người dưới mọi hình thức. Nó gián tiếp nhắc nhở con người phải ngừng ngay việc khai thác tài nguyên, tàn phá thiên nhiên, chạy đua vũ trang, sản xuất vũ khí sát hại sinh mạng, lối sống ích kỷ, đua đòi vật chất, tham lam hưởng thụ…
Tất cả mọi cái gọi là “thành tựu” của con người đều phải nhìn lại, và “dừng lại”, vì dù ít nhiều nó có bóng dáng của tội ác mà con người đã đối xử thiên nhiên.
Trong nhưng ngày qua nhân loại đã chứng kiến cảnh tượng lây nhiễm và chết chóc, nhưng đồng thời từ đây cũng nhận ra lẽ tương thân tương tế giúp đỡ lẫn nhau. Chứng tỏ con người đã dần dần nhận chnâ một phần tài sản lớn nhất không gì hơn là sức khoẻ, là hơi thở sinh mạng chứ không phải bất cứ vật chất phù phiếm xa hoa. Hạnh phúc đích thực là tình người chứ không phải quyền uy, thế lực.
Biết là vậy nhưng để thay đổi thói quen tạo tác “nghiệp quả” thì không biết đến bao giờ. Song, dù sao giờ đây chúng ta cũng biết nhìn lại và dừng lại đúng lúc, thể hiện tấm lòng yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau qua cơn hoạn nạn. Trong giáo lý nhà Phật gọi là “Tấm lòng từ bi và hạnh bố thí”.
Thật quả vậy, tại Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua chúng ta đã chứng kiến một cách rõ nét là các y bác sĩ, và nhân viên không màn nguy hiểu, sự mệt mỏi, ngày đêm tìm cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện. Qua các buổi họp báo liên tục hằng ngày của giới chức Nhà Trắng đã đem lại niềm phấn chấn và nguồn năng lượng tích cực cho dân chúng, và còn cung cấp tài chính hỗ trợ cho mọi công dân trong thời gian cách ly, thiếu thốn nhu cầu trong đời sống thường nhật; Các nhà tỷ phú, CEO v.v… của các công ty lớn cũng đã ủng hộ hàng tỷ mỹ kim để hộ trợ ngân quỹ chống dịch, hầu tìm ra loại thuốc chủng ngừa tiêu diệt covid-19; bên cạnh đó, những y dụng và thực phẩm cung ứng cho toàn xã hội trong lúc thiếu thốn đã được các hãng xưởng lớn lừng danh đẩy mạnh sản xuất, như Abbott với sữa Ensure đã tham gia chế tạo ra bộ xét nghiệm nhanh (rapid test kit); Honeywell một tập đoàn kỹ thuật đa lĩnh vực, cũng là nhà sản xuất khẩu trang công nghiệp N95 ngang tầm hãng 3M; Jockey một hãng quần áo nổi tiếng với đồ lót có chất lượng vải cao cấp dã tham gia sản xuất quần áo cho y bác sỹ (scrubs); Procter & Gamble (P&G) một trong hai tập đoàn sản xuất lớn nhất thế giới về hàng tiêu dùng cá nhân như dầu gội và xà phòng đã tham gia làm nước rửa tay khô (hand sanitizer) và các sản phẩm diệt khuẩn. Rồi đến 10 hãng kỹ thuật lớn của Mỹ, từ General Motors (GM) cho tới Tesla đã tham gia sản xuất máy trợ thở (ventilator)… Đó cũng chính là một trong những lý do khiến tỉ lệ tử vong của Mỹ những ngày vừa qua có dấu hiệu khả quan hơn.
Điều vĩ đại nhất là Tổng Thống Trump đã tập họp được những CEO của các khổng lồ khoa học kỹ thuật cùng chung tay với nhà Trắng để khắc phục Chuỗi Cung Ứng và tạo ra thêm sản phẩm chất lượng cao Made in USA, mà không còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Không chỉ có những CEO lớn chung tay, ở bình diện nhỏ hơn và gần gũi hơn, người người tham gia làm thiện nguyện. Nhiều tiệm nail, các ngôi chùa, các tổ chức Gia Đình Phật Tử trong cộng đồng người Việt khắp nơi đã khởi đầu chiến dịch Tri Ân nước Mỹ, cắt may khẩu trang và hiến tặng cho bệnh viện và những người cần giúp đỡ, đồng thời kêu gọi quý đồng hương người ủng hộ tịnh tài để hỗ trợ cho y bác sĩ đang ngày đêm nơi tuyến đầu, chăm lo bệnh nhân tại bệnh viện, tuy việc làm không là bao nhiêu so với các nhà triệu phú, tỷ phủ Mỹ, nhưng với tình người, với lòng từ bi đem vui cứu khổ, những cử chỉ đó cũng đủ làm vơi đi nổi thống khổ, nổi sợ hãi mà các y bác sĩ ngày đêm vất vã lo trị liệu cho bệnh nhân, mà lắm trường hợp hy sinh thân mạng.
Trước hoàn cảnh chung, và những hạn chế bắt buộc từ các cơ quan chính quyền lẫn lời khuyến cáo của giới chức y tế, mặc dù Chùa viện đành phải đóng cửa, Chư Tôn Đức Tăng Ni cùng quý Phật tử tuy không còn gặp gỡ sinh hoạt vào các ngày chủ nhật hằng tuần, nhưng không vì thế mà sự tu tập ách tắc hoàn toàn, vì quý ngài và quý Phật tử ngày đêm dâng lời cầu nguyện cho đại dịch bệnh sớm được triêu từ cho nhân loại sớm được bình an. Cửa chùa tuy đóng, nhưng Phật pháp thường chuyển thì vẫn tuôn chảy hiền hòa và bất tận trong đời sống tâm linh của những người con Phật.
Biết rằng đại dịch lần này như bao lần đại dịch trước cũng chỉ xảy ra trong thời gian nhất định thôi, do vậy tùy thuật mỗi chúng ta xem đây như nghịch hạnh giúp chúng ta hiểu rõ hơn tính chất vô thường, nghiệp quả trong biên tế kiếp để biến điều này thành một cơ hội tấn tu, dùng thời gian nghỉ dưỡng thân và tâm, lắng đọng để nhìn lại những hình thức tranh giành vô nghĩa với những thành bại, được mất, sướng khổ, có không… Cụ thể hơn, nhận thức đầy đủ về lý thuyết duyên khởi, giúp con người sống có trách nhiệm, có hiểu biết, để thương yêu nhiều hơn. Biết hành động của mỗi cá nhân sẽ tác động ra sao đối với cộng đồng và ngược lại. Bởi lẽ thực tế biến động của dịch bệnh Covid-19 hôm nay đã chỉ ra rằng, sự an lạc đúng nghĩa của mỗi cá nhân là cơ sở hạnh phúc của cả cộng đồng và xa hơn là cả toàn nhân loại. Từ đó định hướng cho mình con đường tu tập và hành trì đem lại niềm hạnh phúc bền lâu, đó mới thật sự là tài sản giá trị đích thực.
California ngày 8 tháng 4 năm 2020
Quang Ngộ