
Những chia sẻ của Tâm Thường Định, đóng lại tập tham luận hơn mười bài của chư Thầy và các bậc thiện tri thức đóng góp cho ngày hội thảo hôm nay, xoay quanh chủ đề “GĐPT giữa Giáo Hội”, cách nói như thế, tự nó thật đơn giản, rằng trong mối tương giao cổ kim vốn như là, giữa tình Thầy-Trò, dù ở một nơi nhỏ bé như am thất, đến quang cảnh chùa tự to lớn, vẫn đồng một thể tính Từ Bi. Từ đó ta thấy rằng, không có khoảng cách nào, khi mối tương giao đó được phát triển rộng ra, chan hòa hết thẩy mọi nơi, không thấy đâu còn có sự đối đãi phân biệt.
Kỳ thật trong tất cả những bài tham luận, không phải bài nào cũng dễ khiến mình hài lòng, đúng ý 100%. Mỗi bài chuyển tải những thông điệp riêng mà giữa những hàng chữ, thấp thoáng nỗi niềm cưu mang cho một giá trị chung. Đó là làm sao duy trì những phẩm chất tốt đẹp và phát triển một cách ổn định tổ chức Gia Đình Phật Tử ở thời đại ngày nay. Đừng vội tán đồng một cách hời hợt chỉ vì cảm tính. Cũng như khoan vội bức xúc, nặng lòng vì một vài câu chữ, một đoạn văn của bài chưa chỉnh nghĩa, chuẩn ý. Tôi nhớ có ai nói, “Trong một bài thơ dở, vẫn có một câu thơ hay.” Cũng có một cách nhận thức khác nữa, mỗi vấn đề còn tùy thuộc vào góc đứng nghệ thuật của bạn để nhìn nhận nó.
Hôm nay chúng ta đọc, và sẽ đọc kỹ, rồi dành thời gian đãi lọc những nỗi niềm ấp ủ trong mỗi bài tham luận, có những giá trị nào làm cứu cánh được chuyển tải qua phương tiện của những con chữ hạn hữu, trong tinh thần lấy ý quên lời, cốt để giữ được giềng mối lục hòa, thâm tình giữa anh-chị-em.
Với lòng biết ơn và tôn trọng mỗi tác giả, là những bậc Thầy, những bậc Thiện Tri Thức, tôi không nghĩ cần góp ý hoặc tùy tiện sửa đổi bất kỳ ý tưởng nào, câu chữ, hay đoạn văn nào ngay thời điểm này để được hài lòng hết tất thẩy mọi người, cho đến khi biên tập lại một cách hoàn chỉnh để phát hành thành một tuyển tập sau ngày hội thảo. Tất nhiên việc làm này không ngoài ý niệm chúng ta cần thực tập một nếp sinh hoạt khai phóng toàn diện, điều đó không mới lạ gì trong nếp sinh hoạt nhà Phật.
Trong rất nhiều câu chuyện, tôi được nghe kể lại, sau năm 1975 vào giờ phút tử sinh trên giường bệnh của Cố Trưởng niên Nguyên Hùng, lúc có nhiều anh chị em áo lam đến thăm giây phút cuối, và có cả người thân trong gia đình thấy trên bàn nhiều tờ thư mà những người gởi, đã chẳng tiếc lời sỉ vả Anh. Mọi người bức xúc, thấy cần phải đem đốt hoặc vứt bỏ đi. Lúc đó anh từ tốn nói, “Hãy giữ lại đó. Người ta Thương Đạo nên mới mắng chửi tôi.”
Tất nhiên giữ lại để làm gương giúp người sau làm theo hoặc không làm theo, những gì xét thấy cần cho Đạo.
Phải chăng, đó là thông điệp Vô Ngã, do đạt tới cảnh giới “Từ Bi Tận Cùng” của loài hoa mang tên Sen Trắng, mà chúng ta chọn đeo nơi trái tim mình.
Ngày 8 tháng 12, 2019
Quảng Pháp Trần Minh Triết
Phó Trưởng Ban Nghiên Cứu Huấn Luyện
BHD Miền Quảng Đức