
Hòa thượng Thích Minh Đạt, 2019 (Ảnh: Sen Trắng)
Thưa toàn thể đại chúng,
Lần Đản sanh này là lần thứ 2,634. Tính từ ngày đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề đến nay gần tròn 26 thế kỷ. Gần nửa thế kỷ hoằng pháp lợi sanh, chưa một lần dùng đến vũ lực, chưa hề có một cuộc thánh chiến nhân danh tôn giáo; do vậy, chưa hề có một giọt máu của bất kỳ loài chúng sanh nào rơi trên đường hoằng pháp lợi sanh của Ngài.
Hoằng pháp tức làm cho giáo pháp mà Ngài đã dày công tìm kiếm để làm lợi lạc cho chúng sanh. Chúng sanh tức không phân biệt giữa loài người và các loài khác. Nếu còn phân biệt tức chưa phải là từ bi, chưa có trí tuệ. Trong khi đó đức Phật được xưng tán là “Trí và Bi viên mãn”. Được gọi là “lợi sanh,” mà lại dùng máu của chúng sanh để tô điểm cho con đường mệnh danh là “hoằng pháp”, điều đó chúng ta cần phải xét lại. Nguyên do nào đức Phật đã thành công một cách tuyệt vời trong nửa thế kỷ truyền trao giáo pháp giác ngộ của Ngài, tôi trân trọng mời toàn thể quí vị nghe bài giảng được ghi lại thành văn có tựa đề là Tứ Vô Lượng Tâm của tác giả Nguyên Đức Hoàng Anh Tuấn viết vào cuối thập niên của thế kỷ 20, bây giờ là thập niên đầu của thế kỷ 21, tức khoảng 20 năm.
Tứ là bốn; Vô Lượng là không thể nào lường được; Tâm tức là Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm thì ai cũng có, dù người đó được mô tảlà người cực ác, hay như kinh Niết Bàn gọi là Nhất Xiển Đề, cũng đều có Bồ Đề Tâm. Nhưng Bồ Đề Tâm của đức Phật đã được phát triển viên mãn; do đó đầy đủ cả 4 đức tánh Từ Bi Hỷ Xả.
Tôi xin được đi thẳng vào bài Tứ Vô Lượng Tâm.
Trên thế gian này không phải hận thù có thể diệt trừ được hận thù, mà chỉ có từ bi mới diệt được hận thù. Đó là một câu kinh trong kinh Pháp Cú.
Trên đường hoằng hóa độ sanh, đức Phật nhận được nhiều sự cung kính, nhưng cũng không phải không có sự mạ lỵ hủy báng. Hủy báng, mạ lỵ không phải vì Ngài kiêu căng, cao ngạo, mà vì người ta ganh tỵ, ganh tỵ đủ điều. Ganh tỵ về trí tuệ, vì trí tuệ của đức Phật không ai sánh bằng. Ganh tỵ về đồ chúng, vì đồ chúng của đức Phật thật thong dong và tự tại, gia sản của quí ngài chỉ có ba tấm y, một bình bát, nhưng sống rất an nhiên tự tại. Ganh tỵ về lợi dưỡng vì sau khi thành đạo từ vua quan đến dân dã đều hướng về qui kính đức Phật… Chúng ta thử đọc lại đoạn kinh ngắn sau đây để xem thái độ của đức Phật ra sao khi bị hủy nhục; đồng thời tìm xem nguyên nhân nào mà đức Phật đã chế ngự được những lời hủy báng mạ lỵ ấy.
“…Ông là thằng ăn trộm, là đồ ngu, là thằng điên, là con bò, là thú vật, là loài ở địa ngục. Ông đừng mong gì được sanh về những cõi lành. Tất cả những hình phạt, những cảnh khổ đang chờ đợi ông…”
Thấy thầy mình bị hủy nhục quá lời, ngài A-nan dằn lòng không được, bạch Phật: “Bạch Thầy, người ta đang chửi rủa nhục mạ thầy trò mình một cách thái quá; vậy xin thầy nên dời đi nơi khác.”
-Đi đâu A-nan?
-Đến một đô thị khác.
-Nếu đến đấy người ta cũng chửi rủa, mạ nhục như vậy rồi đi đâu nữa?
-Lại đến một nơi khác.
-A-nan, không nên làm như vậy. Nơi nào gặp khó khăn là nơi ấy ta cần phải giải quyết. Ta chỉ đi đến nơi khác khi nào mọi việcở đây đã được giải quyết ổn thỏa.
Thái độ của đức Phật là đối diện với sự thật. Muốn được một bản lĩnh như vậy không phải là chuyện dễ. Ngài đã mất nhiều công phu và trải qua nhiều thời gian tôi luyện mới có được một mãnh lực phi thường như vậy. Mãnh lực ở đây không phải là một sức mạnh vũ biền mà là một tinh thần nhẫn nhục cao độ, một tâm từ bi bao la, một đức hỷ xả vô bờ. Nếu không phải vậy thì chỉ làm mồi cho lửa sân hận thiêu đốt. Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn đức tính đặc thù mà mỗi người cần phải tôi luyện để sống chung trong thế giới tương quan tương duyên này.
ĐỨC TỪ:
Đức từ tức là tâm từ bao la rộng lớn. Nó có nghĩa là đem niềm vui đến cho mọi người và mọi loài một cách bình đẳng. Trong kinh Từ Bi đức Phật dạy: “Từ tâm cần phải được chan hòa đến mọi lòai chúng sanh, trùm khắp cả mọi vật, sâu rộng và đậm đànhư tình mẹ thương yêu con một; dù phải hiểm nguy đến tính mạng, người mẹ cũng sẵn sàng bao bọc cho con cưng…” Thực ra tâm từ không chỉ là một thứ tình thương yêu nhỏ nhen vị kỷ như tình mẹ thương con như vừa kể. Trong câu kinh trên, đức Phật chỉ nhằm nhấn mạnh ở điểm lòng thành thật mong cầu thiết tha của người mẹ mong cầu cho đứa con duy nhất của mình được hạnh phúc. Tình yêu thương hẹp hòi, vị kỷ bắt nguồn từ tham dục chứ không phải xuất xứ từ tâm từ. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết luyện tập và phát triển nó mỗi ngày một rộng lớn hơn ra, thì dần dần sẽ được khế hợp và hội nhập với tâm từ. Người mang bản chất từ tâm là không còn phân biệt người thân kẻ sơ, người giàu kẻ nghèo, và cũng không hề phân biệt đến màu da chủng tộc. Bản chất của tâm từ là phổ cập, là bình đẳng, không bị giới hạn bởi bất cứ một hình thức nào. Tâm từ giống như ánh trăng hiền dịu rải khắp cùng vạn vật một cách vô tư. Người duy nhất đã đạt được tâm từ quảng đại như vậy không ai khác hơn là đức Phật. Tâm từ quảng đại của đức Phật đã tạo được an lạc và hạnh phúc cho tất cả những người yêu kính cũng như những người ganh tỵ oán ghét Ngài. Người mà phát huy tâm từ đến cùng tột sẽ thấy mình và vạn loài là một. Đến lúc ấy, cái gọi là tự ngã sẽ vượt biên giới và bao trùm tất cả không gian lẫn thời gian. Mọi oán thù và chia rẽ sẽ bị khuất phục và được hóa giải đến tận cùng căn để bởi bản chất từ tâm. Đối nghịch thường trực với từ tâm là lòng sân hận và tánh ganh tỵ. Nói ngược lại, từ tâm không những dập tắt được lòng sân hận, tánh ganh tỵ mà còn tiêu diệt luôn cả những mầm tư tưởng bất thiện khác. Người có từ tâm không bao giờ nghĩ đến việc làm hại ai .không bao giờ bài xích hay làm giảm giá trị của ai, không bao giờ làm cho ai sợ hãi bất cứ một điều gì. Người có từ tâm không những là bạn tốt của tất cả mọi người mà còn là người thân của vạn loài chúng sanh khác. Chim muông và cầm thú cũng sẽ được sung sướng khi sống gần một đấng hiền nhân. Trong kinh có thuật lại một đoạn như sau:
“…Như Lai sống trên một ngọn núi cao, giữa đám sư tử và cọp beo các thứ, giữa rừng rậm hoang vu, không một con vật nào sợ hãi Như Lai và Như Lai cũng không hề sợ hãi bất cứ một con vật nào.” Đức Phật kết luận: “Sống an ổn được như vậy là nhờ tâm từ giúp đỡ và bảo vệ Như Lai.”
Một người thực hành tâm từ đúng mức sẽ có một năng lực tinh thần phi thường, có thể biến dữ thành lành và điều phục được những người ác tâm. Kinh có thuật lại một câu chuyện như sau: Một hôm có một nhà hào phú ngoại đạo có dụng ý hủy báng đức Phật, bèn giả bộ thỉnh Phật và chư Tăng về nhà cúng dường. Đến nơi thay vì đãi đằng long trọng thì nhà hào phú kia lại dùng những lời cộc cằn thô lỗ hủy nhục đức Phật. Đức Phật không những điềm nhiên không phiền hà mà còn khéo léo giảng dụ để cảm hóa nhà hào phú kia trở thành một người tốt. Ngài từ tốn hỏi:
– Giả sử có người đem lễ vật đến dâng ông mà ông không nhận thì sao?
-Người ấy phải mang về cho gia đình họ xài.
-Hôm nay chúng tôi đến đây được ông thiết đãi những lời thô lỗ cộc cằn, chúng tôi không nhận; vậy xin ông vui lòng giữ lấy.
Tâm từ có vẻ như yếu hèn, nhưng thật sự nó là một sức mạnh vô song. Trên đường đời lẫn đường đạo, nếu không có tâm từdẫn lộ, thì chúng ta sẽ chùn chân ngã bước. Đức Phật đã ví tâm từ như một đàn voi lâm trận, hiên ngang xông pha dưới làn tên mũi giáo. Ngài bảo: “Tợ như đàn voi say trận, bất chấp làn tên mũi giáo; ta phải can đảm chịu những điều bất hạnh của đời. Ta phải có thái độ của một đàn voi lâm trận như vậy để mạnh mẽ vững tiến giữa rừng gươm đao giáo mác của đời vây bủa, bình thản hứng lấy tất cả chua cay của cuộc đời và thản nhiên vững bước trên đường phẩm hạnh.
ĐỨC BI:
Bi tức là tâm bi cũng bao la bát ngát như tâm từ. Tâm từ, như vừa được trình bày, nó có một năng lực vô song, nhưng ở một phương diện nào đó nó vẫn còn là “tiêu cực”. Vì lẽ nó chỉ mới ban vui mà chưa thực sự cứu khổ. Bi là nhổ tận gốc khổ. Từ mới chỉ trừ được cái khổ quả mà chưa dứt được khổ nhân. Nói một cách khác, từ chỉ mới cho người ta nguồn vui mà chưa trao cho họ phương pháp để bảo vệ nguồn vui đó. Thí dụ, có một người sẩy chân sắp chết đuối, bạn vớt họ lên, nỗi vui mừng thoát chếtthật là vô biên. Nhưng một ngày kia nếu họ sẩy chân một lần nữa và không gặp bạn hoặc những người như bạn thì họ chắc chắn sẽ bị chết đuối; nếu không thì nỗi sợ hãi về chết đuối cũng đè nặng trên người họ. Thái độ của tâm bi là phải giải tỏa tất cả những nỗi thống khổ đó; nghĩa là bạn phải ra công tích cực tập cho họ biết lội để họ tự bảo vệ lấy chính họ.
Tâm bi cũng bàng bạc, cũng thướt tha yêu kiều rất mực, nhưng là cái thướt tha yêu kiều của một tay võ nghệ tài ba chứ không phải yếu mềm nhu nhược. Đối tượng của tâm bi là những kẻ nghèo nàn, đói rách, tật bịnh, dốt nát… Người lấy tâm bi làm hành trang vào đời không phải chỉ động lòng trắc ẩn khi thấy những cảnh khổ trên xảy ra, mà ngày đêm luôn thao thức tìm kiếmnhững phương pháp, phương thuốc để cứu người, độ đời. Điểm nổi bật của đức Phật và giáo lý của Ngài là sau khi chỉ rõ cái khổ, Ngài tìm về cái gốc sinh ra cái khổ và sau đó, trao cho mọi người những phương tiện để đào bới gốc khổ ấy. Tâm bi nằm ngay ở đó.
Đức bi tiềm tàng và ẩn chứa trong mọi chúng sanh, chỉ có khác nhau là có gặp được hoàn cảnh và môi trường để nó phát hiện hay không. Trong một con người dù độc ác xấu xa đến mấy đi nữa, ít nhất cũng còn tiềm ẩn một đức tánh tốt. Chỉ cần một sự chỉ điểm đúng lúc, một lời khuyên chân thành thì nó sẽ tỏa ra một cách mạnh mẽ và biến thành hành động cụ thể. Trường hợpvua A-dục là một thí dụ điển hình. Vua A-dục trước khi quy y Tam Bảo là một vị vua hung tàn bạo ngược, thế mà sau khi quy y Tam Bảo ông đã trở thành một trong những vị vua nhân từ và đức độ bậc nhất. Ông ta vẫn ở nguyên vị trí ngôi vua, nhưng thực sự hoán cải hành động. Những hành động hiếu sát, hiếu chiến ngày xưa sau đó được biến cải thành những hành động nhân từ độ lượng.
Trong kinh Pháp Cú có đoạn đức Phật khuyên chúng ta, nếu không kết bạn được với những người hơn mình thì ít ra cũng bằng mình chứ nhất định không kết bạn với những người thấp kém cuồng si. Dường như mâu thuẫn với giáo lý từ bi. Nhưng chúng ta phải thận trọng để thấu hiểu lời Ngài dạy. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không được gần gũi để khuyến khích, cảm hóa và cải thiện họ. Trường hợp này chúng ta cần phải trang bị thêm một vũ khí trí tuệ nữa. Có bi mà không trí giống như người ngu. Ngược lại có trí mà không bi giống như người cuồng. Do đó bi trí cần phải song vận.
Trong suốt thời kỳ giáo hóa nhân gian, đức Phật thường tìm đến gặp những hạng người độc ác tội lỗi để cảm hóa họ; trong khi đó những hạng người thanh cao đạo đức lại tự tìm về với đức Phật. Họ về với đức Phật vì họ cảm nhận được tâm bi của Ngài không những chỉ rải khắp đồng loại mà còn phổ cập đến tất cả muôn loài. Tâm bi bất khuất trước vũ lực. Tâm bi xem nhẹ uy quyền. Và tâm bi là một trong những hành trang cần thiết nhất trên đường tìm cầu sự thật. Bằng tâm bi, đức Phật đã chinh phục được tất cả mà không hề điểm một giọt máu đào dưới gót chân Ngài.
ĐỨC HỶ:
Đức hỷ hay tâm hỷ là đức tánh thứ ba trong bốn đức an lạc. Hỷ là vui vẻ. Vui vẻ ở đây không có nghĩa là sự thỏa thích riêng tư về một vấn đề gì; nó cũng không phải là một mớ tình cảm hẹp hòi đối với người nào; mà nó chính là một thú vui tràn trề trước hạnh phúc chân thật của mọi người, mọi chúng sanh. Tâm hỷ có khả năng tiêu hủy mọi tật đố và ganh tỵ. Tâm hỷ đem lại một nguồn an lạc trực tiếp vô biên cho chính người mang trọn nó hơn là cho người khác và không bao giờ làm tổn giảm sự an lạccủa mọi loài.
Thông thường chúng ta chỉ hòa vui với những cái vui của người thân thuộc, hay rộng hơn tí nữa là với những người không thù nghịch. Không mấy ai có thể hòa vui được trước niềm vui của người mình cho là cừu địch. Trong khi đó người mang tâm hỷkhông hề phân biệt niềm vui của người thân kẻ sơ hay của người thù kẻ oán, mà tất cả đều cùng được hòa vui như nhau. Đây là một đức tánh đặc biệt mà chỉ những người có một nếp sống vượt thoát mới tập luyện và sống trọn theo được. Đào tạo được một tâm từ, uốn nắn được một tâm bi đã khó vô cùng, tôi luyện cho được một tâm hỷ lại càng khó hơn. Muốn đạt được tâm hỷ, người thực hành phải có một ý chí vững mạnh, và phải dụng công thật nhiều, dĩ nhiên là phải đòi hỏi thời gian.
Trong khi thực hành tâm hỷ, người thực hành nếu không khéo léo nhận định, rất dễ bị lừa phỉnh. Không ai lừa phỉnh mình, mà chính mình lừa phỉnh mình. Đó là sự vui cười trên môi, nét vui tươi trên mặt chưa hẳn biểu lộ đặc tính của tâm hỷ. Chúng tacần phải lắng lòng thật sâu và kiểm điểm xem nó có thật phát xuất từ đáy lòng hoan hỷ không. Khi mà chúng ta thực sự có một cảm giác nhẹ nhàng, sảng khoái về mọi thành công của người khác như của chính mình vậy, mới thật sự là Hỷ (vui mừng). Tóm lại, tâm hỷ là một đức tánh thành thật chia vui, thành thật góp mừng và thành thật ngợi khen mọi hành động của người khác. Trong tâm hỷ không hề dung nạp những hình thức bất mãn, tỵ hiềm hay ghen ghét trước mọi thành công của tha nhân. Trong kinh đức Phật thường dạy, người mang trọn tâm hỷ rồi, chỉ cần tùy hỷ trước một việc làm phước thiện của người khác, chính người ấy cũng sẽ gặt hái được những kết quả tương xứng như người đã gây phước thiện.
ĐỨC XẢ:
Xả là đức tánh cuối cùng trong bốn đức tánh cao thượng. Tâm xả là tâm không hề bị vướng bận vào bất cứ một điều gì. Không nằm trong trạng thái ưa thích, cũng không ngả sang tâm niệm ghét bỏ hay bất mãn. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể xem nó như một cảm giác lãnh đạm, lạnh lùng; mà là một thái độ an nhiên trước mọi việc, dù việc đó là lành hay dữ. Câu chuyện một thiền sư thản nhiên trước thái độ của một thiếu phụ mang đứa bé đến giao (bảo là con của ông), cũng như khi bà ta đến ẵm đứa bé về (bảo không phải con của ông) là một thí dụ cho người mang trọn tâm xả.
Chuyện kể rằng: Một vị Thiền sư xuất thân từ một gia đình giàu có và rất đạo hạnh. Một cô gái cũng xuất thân từ một gia đìnhcao sang, tỏ ý với cha mẹ, muốn cưới vị Thiền Sư về làm chồng. Chuyện không thành. Cô ta gian díu với một người làm trong nhà, hạ sanh một con trai. Gia đình tra hỏi, cô ta khai vị thiền sư đạo hạnh kia chính là cha của đứa bé. Chuyện gì xảy ra mọi người có thể đoán được. Cuối cùng cô ta mang đứa bé đến thiền viện giao cho Thiền sư, bảo rằng đây là con của ông hãy nuôi đi. Thiền sư đáp “Vậy à!” và ẵm lấy đứa bé. Một thời gian không lâu, dường như không chịu nổi với thái độ thản nhiên của Thiền sư và cũng dường như sự thật đã bắt đầu được giải đáp, cô ta đến Thiền viện gặp Thiền sư xin lấy lại đứa bé, bảo rằng không phải con của ông. Một lần nữa, Thiền sư đáp “vậy à?” và giao hoàn đứa bé.
Người không có hay không tập luyện tâm xả thường câu nệ và dễ sanh tâm bực dọc. Người không có tâm xả, nghĩa là không giữ được tâm bình thản, khi gặp điều vui hoặc sự khen tặng nào thì lòng vui dạ thích; khi gặp một nỗi buồn hoặc một lời chỉ trích thì tâm bất mãn cuồn cuộn nổi lên. Giữa cảnh thạnh suy, trước lời khen chê chỉ trích, đức Phật khuyên chúng ta hãy thản nhiên như bàn thạch để thực hành tâm xả. Tâm xả sẽ san bằng được mọi hố hận thù và chia rẽ. “Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi và cướp đoạt của tôi; ai còn mang tâm niệm đó thì sự oán thù không bao giờ tiêu diệt được.” Đức Phật đã căn dặn những người ngày đêm lo thực hành tâm xả như vậy. Cuối cùng, thái độ của người mang trọn tâm xả là đối xử với mọi ngườirất mực bình đẳng. Bình đẳng đến độ không hề thấy có sự khác biệt giữa những người tội lỗi và các bậc thánh nhân.
CÁCH GIEO TRỒNG BỐN ĐỨC:
Trước hết chúng ta phải gieo trồng bốn đức Từ , Bi, Hỷ, Xả trong chính chúng ta,nghĩa là đừng bao giờ khởi lên một tâm niệm phiền muộn, chán ghét, bất mãn và ganh tỵ trong tâm, mà phải luôn luôn phát lên những tư tưởng an vui và hạnh phúc. Thường hằng quán tưởng: tâm tôi an tịnh trong mọi thời, thân tôi không bệnh hoạn trong mọi lúc. Tôi cầu mong cho tâm của tất cả mọi người cũng được an tịnh và thân của mọi người cũng không bệnh hoạn như thân tôi. Quán sát lâu ngày như vậy bốn đức tánh cao thượng trên sẽ tăng trưởng. Bốn đức tánh ấy tăng trưởng thì những phiền muộn, chán ghét, bất mãn và ganh tỵ sẽ tiêu mòn dần cho đến khi không còn đủ năng lực để chi phối chúng ta nữa. Khởi điểm đi từ chính ta đến những người thân cận, rộng ra đến hàng xóm láng giềng, quốc gia xã hội rồi bao trùm nhân loại, và cuối cùng là phổ cập đến tất cả chúng sanh. Quả thật là khó. Do vậy, đức Phật đã trao cho những người thực hành bốn đức an lạc trên châm ngôn: “Hãy giữ tâm mình luôn luôn trong sạch giữa đám người đầy thù hận.” và “Hạnh phúc thay ta sống không hận thù giữa những người thù hận.”
Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn đức tánh đặc thù trong giáo lý của đức Phật. Từ đem tình thương đến vạn loài. Bi mang lương dược trị khổ bệnh đến chúng sanh. Hỷ tạo an lạc nội tâm cho chính mình và ban bố cho tha nhân. Xả đem lại bình an rốt ráo cho muôn loài. Bốn chân lý này nằm sẵn trong mỗi chúng ta. Trong đêm thành đạo, trên đường hoằng hóa lợi sanh, đức Phật đã sử dụng bốn chân lý này như những vũ khí lợi hại nhất, và Ngài đã thành công.