
Nỗ lực ấn hành những tác phẩm Văn Hóa, Văn Học, Phật học… mang nội dung gần gũi đời sống tu và hành của người Phật tử Áo Lam, Lotus Media trong những năm qua không ngừng giới thiệu đến quý anh chị những tựa sách thiết nghĩ ít nhiều, sẽ đem lại điều lợi lạc cho chúng ta trên bước đường tinh tấn hướng thiện. Một lần nữa hai tiểu luận Thiền tập của Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải được ra mắt hôm nay, với lòng biết ơn trước là đối với chính tác giả, đã cho phép được phổ biến rộng rãi với tâm vô cầu, song, riêng Lotus Media, sau vẫn mong mỏi ước nguyện nhỏ nhoi của mình mỗi ngày được tất cả anh chị em đón nhận ý nghĩa nhất bằng sự siêng năng tham khảo những ấn bản đã được chăm chút và cho ra đời bấy bao. Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát
LỜI GIỚI THIỆU
Có lẽ ai đến với đạo Phật cũng đều biết đến lời dạy ngắn gọn của Đức Phật: Tránh làm các việc ác, siêng làm các việc lành, và tự thanh tịnh tâm ý. Một lời dạy, tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng súc tích. Một lời dạy chỉ gồm 15 chữ nhưng lại gói trọn lộ tình tu tập từ thấp lên cao, từ dễ đến khó. Hai bước đầu tiên, tránh làm các việc ác, và gắng làm các việc lành; có lẽ đạo nào cũng dạy và ai cũng có thể thực hành không mấy khó khăn. Riêng bước thứ ba, tự thanh tịnh tâm ý, (tức tự mình thanh lọc tâm ý cho được hoàn toàn tịch tịnh, vượt lên phạm trù đối đãi thiện ác có không) có lẽ chỉ riêng đạo Phật mới có. Bước thứ ba này chính là con đường Thiền Định và chỉ có con đường này mới phát sinh trí tuệ và là mục đích tối thượng của Phật giáo, Duy Tuệ Thị Nghiệp.
Đức Phật, sau sáu năm tu khổ hạnh đã không đem lại kết quả như ý nên Ngài đã từ bỏ năm người bạn đồng tu mà tự lên đường tìm ra con đường giác ngộ giải thoát qua thiền định quán chiếu nội tâm. Sau 49 ngày đêm tọa thiền dưới cội bồ đề, Ngài đã giác ngộ thành Phật. Ngài trở thành bậc Giác Ngộ.
Sau khi thành đạo, Ngài đã du hành khắp nơi thuyết giảng giáo pháp mà Ngài đã chứng ngộ. Khi đến xứ Kuru Ðức Phật đã giảng dạy phương pháp hành thiền mà ngôn ngữ ngày nay gọi là”chánh niệm”, tức thiền bốn niệm xứ cho toàn thể người dân xứ này. Ngài đã giảng dạy những gì? Ngài dạy rằng, trong bất cứ thời khắc nào tâm cũng an trú trong hiện tại. Ngài dạy phải luôn luôn để tâm vào công việc, làm việc gì biết việc ấy, luôn luôn biết mình nghĩ gì, nói gì và làm gì. Đi đứng nằm ngồi cũng vậy. Ngài cho biết nếu thực hành được như vậy, sẽ không còn những ý nghĩ, lời nói và hành động có thể gây nên khổ đau cho mình và cho người khác.
May mắn thay, Cư sĩ Nguyên Giác, tác giả cuốn sách”Thiền Tập Trong Đời Thường”, cho chúng ta biết pháp thiền này được phổ biến và thực hành như thế nào trong đời thường tại các nước Tây phương như Hoa Kỳ và Canada. Đây là một tuyển tập gồm nhiều bài viết về thiền, mà theo tác giả là một”mời gọi tỉnh thức nhìn về các khoảnh khắc trong đời, để chúng ta sống an vui, hiểu nhau hơn, thương nhau hơn để kiến lập một xã hội xa lìa bạo động.”
Qua cuốn sách, chúng ta thấy rằng thiền được đại chúng hóa. Thiền đã và đang đi vào mọi lãnh vực, mọi ngõ nghách của đời sống. Thiền đến với các cảnh sát viên, đến với các tù nhân tại các trung tâm cải tạo, đến với các mỹ viện chăm sóc sắc đẹp, đến với các bệnh nhân tại các trung tâm điều trị đau nhức, đến với các quán cà phê, các công viên và đến với nhân viên các đại công ty tin học, kỹ thuật cao, đến với các lực sĩ thế vận; Chưa hết, thiền tập còn tới đường phố và tới các trạm xe điện ngầm ở thành phố New York, chỉ với mục đích giúp nhau tự vệ, cùng nhau gìn giữ sức khỏe cho thân và tâm. Thiền đã trở thành liệu pháp không dùng thuốc để điều hòa thân tâm một cách hữu hiệu.
Một trong những điểm đặc sắc của cuốn”Thiền Tập Trong Đời Thường” của Cư Sĩ Nguyên Giác là tác phẩm chứa đựng những nét thực hành rất căn bản có từ buổi bình minh của đạo Phật. Tác giả nói,”Không nhất thiết phải ngồi, nhưng là luôn luôn giữ tâm tỉnh thức trong tất cả hoạt động thường ngày như đi bộ, nấu ăn, lau nhà, hay khi vận chuyển. Hãy tỉnh thức nhìn vào mọi cử chỉ trong việc làm hàng ngày. Hãy chú tâm vào hơi thở ra vào thoải mái, ghi nhận cảm thọ, ghi nhận các niệm đang nghĩ ngợi; không cần phải xua đuổi hay thay đổi các thọ hay xua đuổi niệm. Hãy chú ý tới các niệm khởi trong tâm, các cảm thọ, không nên phán đoán gì, chỉ ghi nhận thôi.” Và đó cũng chính là lời Đức Phật dạy pháp thiền cho người dân xứ Kuru như nói ở trên.
Giá trị của cuốn sách”Thiền Tập Trong Đời Thường” là khi đọc ai cũng có thể hiểu được vì tác giả đã dùng ngôn ngữ đời thường và ai cũng có thể thực hành được dù đang ăn, đang đi, đang đứng ở khắp mọi nơi mọi lúc.
Vì những lợi lạc trên nên chúng tôi đặc biệt giới thiệu đến quý độc giả.
Trân trọng,
Cư sĩ Tâm Diệu
Thư Viện Hoa Sen
LỜI THƯA
Thiền Tông Qua Bờ Kia được viết từ lòng tôn kính và biết ơn Tam Bảo vô bờ bến, với nhiều tham khảo để giúp trả lời các câu hỏi thường gặp của người mới học Phật. Tuyển tập không có tính bộ phái, vì bao gồm nhiều chủ đề đơn giản và phức tạp — trong đó, đơn giản như các khảo sát về ứng dụng Thiền tập trong lĩnh vực giáo dục hay y tế tại Hoa Kỳ, cho tới phức tạp như tìm hiểu về Kinh Nhật Tụng Sơ Thời khi Đức Phật còn sinh tiền. Nhìn chung, tuyển tập là khảo sát về Thiền tập nhìn từ nhiều truyền thống, trong đó phần lớn là Thiền Tông, còn gọi là Thiền Tổ Sư tức là pháp môn do Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma mang tới Phương Đông.
Tác phẩm được viết trong hạnh phúc vô cùng tận, và tác giả muốn chia sẻ hạnh phúc với độc giả trong nỗ lực đọc lại lời Đức Phật dạy.
Thí dụ, khi đọc lời Lục Tổ Huệ Năng dạy ngài Trí Hoàng trong Phẩm Cơ Duyên Thứ Bảy, Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch HT Duy Lực: “Ngươi hễ tâm như hư không, chẳng chấp vào không, ứng dụng vô ngại, động tịnh vô tâm (chẳng tác ý), thánh phàm đều quên, năng sở đều diệt, tánh tướng như như, thì không lúc nào chẳng phải định vậy.”
Và niềm hạnh phúc khi gặp trong Trung Bộ Kinh MN 62, lời Đức Phật dạy ngài Rahula, bản dịch Thanissaro Bhikkhu: “Develop the meditation in tune with space. For when you are developing the meditation in tune with space, agreeable & disagreeable sensory impressions that have arisen will not stay in charge of your mind. Just as space is not established anywhere, in the same way…” (Lược dịch: Hãy thiền tập với tâm tương ưng với hư không. các cảm thọ ưa/ghét, thuận/nghịch khởi lên sẽ không làm ngại gì tâm ngươi. Hệt như hư không không được dựng lập nơi đâu…)
Vẫn còn là một người đang tu học, nên sai sót tất nhiên sẽ có, tác giả ước mong, và trân trọng biết ơn nếu được sự góp ý từ chư vị tôn túc để cuộc khảo sát và các bài viết tương lai hoàn chỉnh hơn. Mặt khác, nếu sách này giúp phần nào cho người sơ học, đó thuần túy vì oai lực của Phật pháp, xin hồi hướng tới khắp pháp giới chúng sinh để cùng bước qua bờ kia.
Nguyên Giác, 2017
LỜI THƯA
Thiền Tập Trong Đời Thường là một tuyển tập gồm nhiều bài viết, hy vọng giúp độc giả nhìn thấy từng khoảnh khắc hiện tiền với cảm thọ hạnh phúc hơn, yêu thương hơn, và tự chữa trị nhiều bệnh về thân-tâm. Tuyển tập cũng ghi lại một số cuộc nghiên cứu thực dụng về các Thiền pháp chữa trị bệnh tự kỷ và bệnh chậm trí, giữ gìn làn da đẹp cho nhan sắc, tăng trí tuệ nhạy bén, ngăn ngừa trầm cảm… Và, cũng có một số bài với chủ đề khác.
Hiển lộ chung quanh chúng ta đều là các hiện tướng không khác, như thành quách phố thị, như những gì được thấy nghe hay biết… nhưng có người hạnh phúc được bất kể mọi gian nan gặp phải, và có người đi khắp cùng trời cuối đất cũng không thấy được chút nào bình an. Tuyển tập này là một mời gọi tỉnh thức nhìn về các khoảnh khắc trong đời, để chúng ta sống an vui, hiểu nhau hơn, thương nhau hơn để kiến lập một xã hội xa lìa bạo động.
Nguyên Giác, 2017
LOTUS MEDIA, 2018
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên (Quảng Pháp)