
(Tài liệu tu học huynh trưởng trường kỳ, Bậc Lực, tạm thời áp dụng cho Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, khóa tu học, 2017. Biên soạn dựa trên nguồn tài liệu thống nhất của GÐPTVN, ban hành, 2013)
I. TIỂU DẪN
Tứ niệm xứ được dịch là Bốn lãnh vực quán niệm. Phật nói kinh này khi Ngài đang cư trú ở Kammassadhamma, một thị trấn của người Kuru. Chúng ta cũng thấy được trong kinh quán niệm hơi thở[1] và trong kinh Chuyển Pháp Luân[2], Tứ diệu đế[3], Tứ niệm xứ là 4 phẩm trong 37 phẩm trợ đạo.
II. NỘI DUNG
Kinh Bốn lãnh vực quán niệm là một kinh hướng dẫn thực tập thiền quán, thực tập chỉ quán, thực tập an trú trong chánh niệm. Theo phép tu này hành giả ý thức được những gì đang xảy ra trong bốn lãnh vực.
- Quán thân: Quay cái nhìn vào tự thân, soi xét về sự sinh, thành, trụ, hoại, diệt của nó trong tiến trình hiện hữu.
- Quán thọ: Quay cái nhìn soi xét trong lãnh vực cảm giác mà ta thọ nhận được trong đời thường như buồn, vui sướng, khổ, vinh nhục.
- Quán tâm: Quay cái nhìn soi xét về lãnh vực tâm lý của chính mình để thấy sự chuyển biến vô thường của tâm lý.
- Quán pháp: Nhìn thấu vào bản chất của vạn pháp để thấy rằng: Vạn pháp đều không có tự tánh – mà là do duyên sanh.
Hướng dẫn đi sâu vào thực tập để thấy được chân giáo nghĩa xuyên qua 4 lãnh vực này.
- Lãnh vực thứ nhất: QUÁN NIỆM THÂN THỂ NƠI THÂN THỂ. Hành giả xét soi hơi thở của mình, chiêm nghiệm về các tư thế của thân như: đi đứng, nằm ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ – giao thiệp, nói năng; về các cơ quan bộ phận của cơ thể như: răng, tóc, da, lông, máu huyết, gân xương, tim gan phổi ruột, phân, nước tiểu, đờm dãi v.v… Quán xét về sự tàn hoại của một tử thi, từ khi chết – hạ nhiệt, đổi màu, sinh thối, tan rữa.
QUÁN THÂN THỂ NƠI THÂN THỂ là như vậy để không còn chấp chặt cái ta (ngã) vì nó bất tịnh, có mà không thật – huyền thể.
- Lãnh vực thứ hai: là QUÁN CẢM THỌ NƠI CẢM THỌ. Hành giả quán niệm về những cảm giác đang phát sinh, tồn tại hoặc mất đi nơi mình vì những cảm giác khoái thích dễ chịu (Lạc thọ), khó chịu, buồn phiền, âu lo (Khổ thọ) và những cảm giác dung không, không rõ nét (Vô ký). Những cảm giác này có nguồn gốc sinh lý hay tâm lý – Quán niệm cảm thọ bằng cách phát khởi ý thức về sự phát sinh tồn tại và hoại diệt của những cảm giác ấy – Từ đó xét thấy nếu để tâm ý bị cảm thọ trói buộc ta sẽ vĩnh viễn khổ đau.
QUÁN CẢM THỌ NƠI CẢM THỌ là như vậy.
- Lãnh vực thứ ba: QUÁN TÂM THỨC NƠI TÂM THỨC. Hành giả quán niệm về những trạng thái tâm lý đang có mặt:
– Khi có tham dục biết là mình có tham dục.
– Khi không có tham dục biết là mình không có tham dục.
– Khi có giận hờn, lầm lạc biết là mình có giận hờn, lầm lạc.
– Khi không có giận hờn, lầm lạc biết là mình không có giận hờn, lầm lạc.
– Khi tâm ý tập trung hay tán loạn biết là mình có tâm ý tập trung hay tán loạn.
– Khi tâm ý mở rộng, khép kín, có giới hạn, cố định hay có giải thoát thì hành giả liền biết – không có thì cũng liền biết.
Nói tóm lại hành giả nhận diện và có ý thức về tất cả những trạng thái tâm lý có mặt trong giờ phút hiện tại.
QUÁN TÂM THỨC NƠI TÂM THỨC là như vậy.
- Lãnh vực thứ tư: QUÁN NIỆM ĐỐI TƯỢNG TÂM THỨC NƠI ĐỐI TƯỢNG TÂM THỨC. Hành giả quán niệm về năm trạng thái chướng ngại của giải thoát: “Tham đắm, hờn giận, hôn trầm, kích thích và nghi ngờ” mỗi khi chúng có mặt. Quán niệm về năm yếu tố cấu tạo nên con người. Đó là năm uẩn (Ngũ uẩn): Sắc thân, cảm thọ, trí giác, tâm tư và nhận thức về sáu căn (Lục căn): Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Về sáu trần (Lục trần): Sắc – Thanh – Hương – Vị – Xúc – Pháp. Về bảy yếu tố giác ngộ (Thất giác chi): Niệm – Trạch pháp – Tinh tấn – Hỷ lạc – Khinh an – Định – Hành xã. Về bốn sự thật là (Tứ diệu đế): Khổ đau – Nguyên nhân của khổ đau – Giải thoát khổ đau và Con đường thực hiện giải thoát khổ đau. Những thứ ấy là đối tượng của tâm ý. Vạn pháp đều bao gồm trong những đối tượng ấy.
QUÁN ĐỐI TƯỢNG TÂM Ý VỚI ĐỐI TƯỢNG CỦA TÂM Ý là như vậy.
III. MỤC ĐÍCH HÀNH TRÌ
Mục đích của việc thực tập Thiền Quán là cách thực tập quan sát để thấy và hiểu sâu vào lòng sự vật (vạn pháp) nhờ cái thấy và cái hiểu đó mà ta đạt đến giải thoát và an vui. Những giận hờn lo lắng và sợ hãi của ta chẳng hạn đều làm cho ta đau khổ. Cũng như ta hiểu sai về thực tính của vạn pháp ta sẽ hành động sai lầm, và vì hành động sai lầm nên ta thọ nhận kết quả là khổ đau. Quan sát thực tại cho sâu sắc, ta đánh tan được sự hiểu lầm và hiểu sai, do đó những khổ đau của ta tan biến. Tức khắc ta có sự an lạc.
– Lãnh vực thứ nhất kinh dạy chúng ta nương vào hơi thở để cắt đứt tâm thất niệm (tức đánh mất tâm chánh niệm) mà đạt hơi thở ra của chúng ta. Ta phải ý thức được hơi thở vào và hơi thở ra của chúng ta. Ta phải ý thức được về mọi hoạt động của tâm thể, về các bộ phận về các yếu tố tạo nên cơ thể và sự tàn hoại của cơ thể.
– Lãnh vực thứ hai kinh dạy ta phải ý thức và nhìn sâu vào các cảm giác có thể có nguồn gốc tạo nên từ sinh lý hay tâm lý.
– Lãnh vực thứ ba kinh dạy phải có ý thức và nhìn sâu vào tất cả các trạng thái của tâm lý (có hay không có tham dục).
– Lãnh vực thức bốn ý thức phát khởi và nhìn sâu vào thực tế của vạn hữu. Phép thực hành kinh dạy không phải chỉ thực hành Chỉ quán trong lúc chúng ta tréo chân ngồi trên tọa cụ mà chúng ta có thể thực hiện chỉ quán bất cứ lúc nào như khi đi xe, lúc làm việc, khi ăn uống, lúc tắm giặt v.v… Chúng ta đều có thể hành trì được cả.
Thực hành được như vậy tức là chúng ta đã sống trong tỉnh thức. Một người đã an trú trong chánh niệm mà hành động chắc chắên sẽ tránh được rất nhiều lầm lẫn. Không lầm lẫn tức đã tỉnh thức, giải thoát mọi ràng buộc khổ đau và giải thoát sinh tử đạt quả vị Giác ngộ.
Tham khảo:
– Kinh Tứ Niệm Xứ.
– Kinh Quán Niệm Hơi Thở.
– Sách “Đường Xưa Mây Trắng” của thầy Nhất Hạnh.
[1] Kinh Quán Niệm Hơi Thở: Kinh này được dịch từ tạng Pali, tên kinh là Anapanasatisutta, dịch theo Hán là Nhập Tức Xuất Tức Niệm Kinh. Kinh này là kinh 118 của Trung Bộ (Majjhima Nikàya). Trong tạng Hán, nếu ta góp chung các kinh số 815, 803 và 810 của bộ Tạp A Hàm (kinh 99 của tạng kinh Ðại Chính) lại thì sẽ có nội dung tương đương với kinh này. Quán Niệm Hơi Thở là một trong những thiền kinh căn bản nhất của đạo Phật nguyên thỉ.
[2] Kinh Chuyển Pháp Luân là bài Pháp đầu tiên Ðức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển sau khi Ngài đắc đạo. Bài Pháp nầy tóm tắt các điểm chính yếu của Ðạo giải thoát, đó là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.
[3] Theo truyền thống Phật giáo, Tứ diệu đế (bốn chân lý cao quý) là bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển của Đức Phật sau khi giác ngộ, được ghi trong kinh Dhammacakkappavattana Sutta (“Đàm luận về Chuyển pháp luân”).
CÂU HỎI:
Trong Phật pháp, chúng ta thường nghe câu: “Tùy Duyên Bất Biến”, có nghĩa là tất cả các Pháp đều thuộc về duyên sanh và không có tự tánh cố định. Tuy nhiên việc tu và học Phật pháp của người Phật tử vẫn tiếp tục duy trì, không biến đổi. Anh / Chị làm thế nào để có thể Quán Tâm, Quán Thân, Quán Thọ, và Quán Pháp ở trong cuộc sống đầy những cám dỗ mà vẫn tu tập theo tinh thần của Tứ Niệm Xứ? (Ví dụ: Quán Thân: luôn biết thân thể này là huyễn, là giả, là không bền chắc nhưng vì sự liên đới giữa cuộc sống với gia đình và xã hội, nên người Phật tử vẫn luôn giữ thân thể cường tráng, khỏe mạnh để đầy đủ năng lượng tu tập Phật pháp).
Từ ngữ Phật Học:
Quán: 觀; S: vipaśyanā; P: vipassanā; Nghĩa là quán sát bằng trí huệ, minh sát; có thể hiểu hai cách, đó là: 1. Phương pháp tu tập quán sát song song với tu Chỉ và 2. Kết quả, mục đích, sự trực chứng Ba tính chất của vạn sự (s: trilakṣaṇa) là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Trong Ðại thừa, quán cũng được xem là sự phân tích sự vật để tự trực nghiệm tính Không (s: śūnyatā). Kiến giải này giúp ngăn ngừa tham ái khởi sinh. Quán là một trong hai yếu tố giúp đạt Giác ngộ, yếu tố kia là Chỉ (s: śamatha).
Chỉ: 旨; C: zhĭ; J: shi; 1. Ngọt, ngon; 2. Mục tiêu, mục đích, ý chính; 3. Giáo lí, chỉ thị. Nội dung, đề tài; 4. Khéo tay, tài giỏi.
Trạch pháp: Trạch là lựa chọn; Pháp là pháp môn, là phương pháp tu hành. Trạch pháp là dùng trí huệ để lựa chọn pháp lành để tu, pháp dữ để tránh.
Hành xá: 行舍 Gọi tắt: Xả. Tên tâm sở. Chỉ cho tác dụng tinh thần bình đẳng, chính trực, xa lìa tâm tháo động như hôn trầm, trạo cử, an trụ trong trạng thái tĩnh lặng. Là một trong 10 Đại thiện địa pháp của tông Câu xá, một trong 11 Thiện tâm sở của tông Duy thức. Trong Ngũ uẩn, Xả này thuộc về Hành uẩn, cho nên được gọi là Hành xả để phân biệt với Thụ xả thuộc trong Thụ uẩn. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 6, thì Tâm sở này có 3 loại tác dụng: Bình đẳng, Chính trực và Vô công dụng. Nhưng 3 tác dụng này thực ra là 3 tác dụng trong một niệm, chỉ căn cứ theo sự rõ rệt của nó để phân biệt trước sau mà thôi. (xt. Thập Nhất Thiện, Xả).
Thiền quán: 禪觀 Pháp quán tọa thiền. Chỉ cho các pháp quán tu hành khi ngồi thiền. Chương Sư tử tôn giả trong Cảnh đức truyền đăng lục quyển 2 (Đại 51, 214 hạ) nói: Có ngài Ba lợi ca vốn tu Thiền quán.