
Mấy lời thưa gởi: Theo lời đề nghị của nhiều vị Trưởng, trong lúc trao đổi về mối quan tâm trong việc xây dựng đề cương tu học GĐPT, cụ thể là hàng ngũ Huynh Trưởng, chúng tôi mạo muội ghi lại nội dung bài thuyết trình hội thảo chuyên đề “Ý nghĩa, tinh thần tu học và hành trì của Huynh trưởng” do Ban Hướng Dẫn Miền Quảng Đức tổ chức năm 2001, nhân Hội nghị định kỳ I. Tuy nhiên lần này có rất nhiều sửa chữa và thêm thắt cho phù hợp bối cảnh hiện tại.
Tất nhiên tài liệu tổng hợp biên soạn dựa trên cơ sở của nhiều nguồn tư liệu khả tín như phần trích dẫn tham khảo, chứ không tùy tiện phác thảo. Nhưng cũng không vì vậy, mà chủ quan cho rằng đây là chuẩn mực phải áp dụng. Tất cả chỉ là gợi ý trong một dòng chảy canh cải liên tục chứ không ứ đọng như một vũng lầy. Nhất là cung cấp một phần khái niệm chuyên môn cho quý anh chị đang giữ vai trò Nghiên Cứu Huấn Luyện. Chúng ta vẫn còn phải thảo luận để đi đến thực nghiệm trong một khoảng thời gian hợp lý nhất trong toàn cảnh phát triển chung của tổ chức.
Thành tựu qua việc tổ chức tu học, huấn luyện là việc liên tục quan sát, thẩm định, cải tiến nên không thể hồ hởi đánh giá chỉ qua một bậc, khóa, trại của một nhiệm kỳ, nhất là chỉ hời hợt dựa trên các bài luận khóa, vì thái độ dễ dãi, huấn luyện “tủ”, thi “tủ” thời nay đã thành phổ biến. Tác dụng hay tác hại của nó chỉ có thể định giá về sau về dài. Đứng trước thực trạng hiện nay ra sao? chúng ta hỏi tức là đã trả lời.
Nhưng, thay vì chất vấn, thay vì trả lời, xin hãy cùng nhau bắt tay cho một tương lai sáng đẹp hơn. Dẫu muộn còn hơn không!
ĐÔI LỜI BỘC BẠCH
Xin mượn ánh trăng trong hai câu thơ của thi hào Lý Bạch: “Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt. Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân”. Tạm dịch: “Người ngày nay không thấy bóng trăng xưa. Trăng nay thì đã từng soi người xưa”, để minh họa cho ý nghĩa thường còn trong sự biến dịch vô thường của đời sống. Lại mượn đôi lời tâm tình của bậc tôn huynh gởi gắm cho bao thế hệ kế thừa chúng ta, Anh nói:
“Nảy mầm từ đoàn Đồng Ấu Phật Giáo, Phật Học Đức Dục (1934), bắt đầu có thệ thống tổ chức từ lúc lấy danh hiệu Gia Đình Phật Hóa Phổ (1948). Đâm chồi nẩy lộc từ khi có tên Gia Đình Phật Tử (1951). Đến nay, nhìn lại những thành tích mà Gia Đình Phật Tử đã thu hoạch được, chúng ta vừa MỪNG, vừa LO:
MỪNG vì:
– Biển dâu đã mấy lần thay đổi, thời cuộc đã mấy lần đổi thay, nhưng lập trường của Gia Đình Phật Tử vẫn không vì thời gian, vì thời cuộc mà thay màu, biến sắc.
– Sinh ra trong tình trạng đen tối của đất nước, lớn lên không dựa vào một sự hộ trì nào ngoài ra các Giáo Hội, Gia Đình Phật Tử đã can đảm chịu đựng mọi thiếu thốn để giữ vững hướng đi.
– Phật giáo đồ, trong đó có Gia Đình Phật Tử đã ngày càn đụng chạm thực sự với những khó khăn, nhưng quý hóa vô ngần là sự đụng chạm đó càng làm cứng rắn thêm đạo niệm tinh tấn của mình.
LO vì:
– Sức lớn mạnh quá mức về số lượng – đòi hỏi một số huynh trưởng không phải là ít. Vì nhu cầu cấp bách, số huynh trưởng này lại chưa được huấn luyện kỹ càng để thống nhất hình thức lẫn tinh thần.
– Số lượng phải đi đôi với phẩm lượng. Tạo lập Gia Đình đã là khó mà gìn giữ được Gia Đình lại càng khó hơn.
– Thời nay, biết Chánh Pháp chưa khó mà phục vụ Chánh Pháp mới thật khó khăn. Sự khó khăn dồn dập, giông tố phũ phàng của thời đại có làm lay chuyển tinh thần phục vụ Chánh Pháp không?
Vậy Huynh trưởng chúng ta đem tâm lực, lấy danh nghĩa của người con Phật làm “việc Phật”, trau dồi biệt nghiệp để cùng chung kiến tạo một công nghiệp huy hoàng mà mỗi chúng ta đều có trách nhiệm…” – Cố Huynh Trưởng Như Tâm Nguyễn Khắc Từ.
Vậy thì, chúng ta cảm nhận được gì qua nội dung sâu rộng hàm chứa chỉ trong hai câu thơ ấy, hay chỉ vỏn vẹn trong một dòng tâm tư ngắn ngủi của nguyên Ủy Viên Nghiên Huấn, BHDTƯ/GĐPTVN, cố Huynh trưởng Như Tâm Nguyễn Khắc Từ? Phải chăng sự ngăn cách giữa tân/cựu; già/trẻ; cũ/mới… phát sinh vì chúng ta còn để tâm phân biệt? Hay nói một cách khác bởi sự lãnh hội của chúng ta còn hạn hẹp nên không nhận thấy ở đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh, mà chúng ta dễ mắc phải ở thời nay.
Đã đành người xưa không thể nhìn thấy được bóng trăng thời đại, nhưng bóng trăng của vầng trăng năm nao vẫn chiếu rọi tựa như một dòng suối tinh tuyền đầu nguồn lưu nhuận, tưới tẩm qua bao đời, cho đến thế hệ chúng ta hôm nay chẳng khác. Khác chăng là cách nhìn, diễn đạt của thời xưa và thời nay mà thôi. Đó là phương tiện.
Vậy thì anh chị em mình đã đón thấy ánh trăng sáng đó như thế nào? Hay vẫn loay hoay chú mục ở đầu ngón tay chỉ?
Thế hệ chúng ta hôm nay ngồi lại và cùng chia sẻ, nói với nhau là để cùng nhau nhận chân được giá trị thường hằng Pháp bảo mà Thầy Tổ, Cha, Anh đã chắt chiu lọc lựa, bú mớm cho đàn em lớn dậy, tiếp bước sự nghiệp. Từ đó hoan hỷ và trân trọng thừa nhận dòng suối dịu mát tinh ròng cuồn cuộn chảy xuôi tắm mát bao thế hệ, kiến tạo trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam một mảnh vườn thanh tịnh. Ở đó vút cao vời vời bao đóa Sen Trắng hiền hòa đã mang hương tô thắm cho đời.
Vậy rồi, mấy thập kỷ trôi qua, sự MỪNG/LO của người xưa, của thế hệ tiền bối khai sáng và khai lối phong trào, vẫn là cái MỪNG/LO của thế hệ chúng ta hôm nay, nhất là trong môi trường hoạt động xa ngái gốc rễ quê nhà, với bao điều tưởng là đổi thay khắc nghiệt.
Con đường đi tới sâu thăm thẳm, bóng trăng có lúc tỏ, mờ. Nhưng áng mây nào rồi cũng tan biến giữa trời không, ánh sáng rực rỡ rồi sẽ hiện ra. Ánh trăng không cũ, mới.
Hiểu được như vậy mới tránh được những bước sai lệch trong sự nghiệp cách tân tổ chức trong bất kỳ môi trường hoạt động, mà không đánh mất bản sắc truyền thống, ngược lại làm thăng hoa thêm. Vì rằng, cũng qua lời trưởng bối Như Tâm, Huynh trưởng là những người làm giáo dục, trong số đó đang là những bậc phụ huynh xin cảm thông điều này: “MỪNG vì: tre đang tàn, măng đang mọc. Nhưng LO vì: Măng mọc búa xua”…
(Kỳ 2: Định hướng sự canh/cách tân chương trình tu học của GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ).
2 thoughts on “Tâm Quảng Nhuận | Tu thư Sen Trắng: Ý nghĩa, Tinh Thần Tu Học và Hành Trì của Người Huynh Trưởng | Kỳ 1: Đôi lời bộc bạch”