
Một ngày nọ, Đức Phật tình cờ gặp Nadhi đang gánh phân đi ngang. Mặc cảm thân phận hèn mọn, song vì lòng kính trọng, Nadhi đã cố gắng tránh né Ngài. Nhưng thật bất ngờ, Đức Phật đã chận người đàn ông này lại. Trong lúc quá lúng túng, Nadhi vấp ngã và làm đổ phân ra ngoài. Bấy giờ, Đức Phật nâng người đàn ông đứng lên, không tỏ vẻ khó chịu mà sau này còn khuyến khích anh ta trở thành một trong những bikkhus của Phật, tức trở thành một nhà sư.
Bằng những hành động khiêm hạ chân thật của mình, Đức Phật đã thể hiện trí tuệ vượt qua sự kiêu mạn – Bình Đẳng Trí.
Sự kiêu hãnh thái quá là một trong những “liều thuốc độc” trong Phật giáo – vì nó nuôi sống bản ngã và ý thức sai lầm của chúng ta về bản thân. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng chia sẻ:
“Chúng ta thấy sự ngã mạn ở những người không có ý niệm về Phật pháp, điều đó dễ hiểu thôi. Tuy nhiên, với những người thực hành Pháp, nếu những cảm xúc phiền não và tính kiêu mạn xuất hiện, thì thật là hổ thẹn”
Một trong những bài kinh chính tập trung vào niềm tự hào là Ambattha Sutta (Pride of Birth and It’s Fall). Nhiều kinh, kể cả Kinh Pháp Hoa – được trích dẫn ở trên trong câu chuyện của Nadhi – tập trung vào tầm quan trọng của trí tuệ bình đẳng để chuyển hóa sự ngã mạn.
Nó là “Mana” trong tiếng Phạn hoặc Pali và “Nga Rgyal” trong tiếng Tây Tạng. NHƯNG – và đây là điểm khác biệt quan trọng – Phật giáo khuyến khích sự tự tin và trung thực với chính mình. Vì vậy, kiêu mạn ở những trường hợp khi nó là cơ sở để hạ thấp người khác – chẳng hạn như “họ không tốt bằng tôi”, đồng thời có thể là cơ sở chấp chặt, để đối đãi kỳ thị người khác, đại loại như “tôi sẽ không kết giao với một người không tốt như tôi”.
Kiêu mạn vì vậy, được ví như là “chất độc” vì nó là cơ sở cho việc không tôn trọng người khác và tạo ra đau khổ trong cuộc sống của chúng ta.
Nó được định nghĩa là “đánh giá thái quá về bản thân” – nói chung, không gọi nó là “chất độc” trừ khi nó không phải là cơ sở của việc “hạ giá người khác”. Nói cách khác, nếu bạn tự hào một cách bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, hoặc tất cả những người xung quanh bạn – thì đó không thành vấn đề.
Vì vậy, ví dụ, tôi có thể “tự hào” là Phật tử và điều đó là “khẳng định” và hữu ích nhưng sẽ không phải nếu, điều này mang tinh thần là sau đó tôi sẽ không tôn trọng hoặc hạ thấp một người nào đó không theo cùng lý tưởng, tín ngưỡng hay bất kỳ điều gì khác như mình.
Từ bài kinh:
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Rồi Sona, con một gia chủ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Sona, con một gia chủ, đang ngồi một bên:
— Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào quán sắc vô thường, khổ, biến hoại là: “Ta tốt đẹp hơn”, hay quán: “Ta bằng nhau”, hay quán: “Ta hạ liệt hơn”; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những người không thấy như thật!
… quán thọ vô thường, khổ, biến hoại …
… quán tưởng vô thường, khổ, biến hoại …
… quán các hành vô thường, khổ, biến hoại …
… quán thức vô thường, khổ, biến hoại là: “Ta tốt đẹp hơn”, hay quán: “Ta bằng nhau”, hay quán: “Ta hạ liệt hơn”; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những người không thấy như thật!
Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không quán sắc vô thường, khổ, biến hoại là: “Ta tốt đẹp hơn”, hay không quán: “Ta bằng nhau”, hay không quán: “Ta hạ liệt hơn”; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những vị thấy như thật!
Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không quán thọ … không quán tưởng … không quán các hành …
Này Sona, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không quán thức vô thường, khổ, biến hoại là: “Ta tốt đẹp hơn”, hay không quán: “Ta bằng nhau”, hay không quán: “Ta hạ liệt hơn”; những vị ấy đâu phải là những ai khác, nếu không phải là những vị thấy như thật!
Ông nghĩ thế nào, này Sona, sắc là thường hay vô thường?
— Vô thường, bạch Thế Tôn.
— Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
— Là khổ, bạch Thế Tôn.
— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không, bạch Thế Tôn.
— Thọ là thường hay vô thường? …
Tưởng là thường hay vô thường? …
Các hành là thường hay vô thường? …
Thức là thường hay vô thường?
— Vô thường, bạch Thế Tôn.
— Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
— Là khổ, bạch Thế Tôn.
— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý hay chăng nếu quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không, bạch Thế Tôn.
— Do vậy, này Sona, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm thọ gì… phàm tưởng gì… phàm các hành gì…
Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Nếu thấy vậy, này Sona, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên chánh trí: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Soṇasutta (SN 22,49) Thích Minh Châu dịch
Sự kiêu hãnh thái quá là sự chấp ngã – trong trường hợp này là sự đeo bám vào cái tôi của chúng ta. Nó là một “chất độc.”
Kiêu hãnh, hay nuôi dưỡng lòng kiêu hãnh, thực sự có thể là một cách để che đậy sự tự ti mặc cảm, cô lập, cô đơn và nỗi sợ hãi. Phật giáo Đại thừa xem kiêu mạn như một loại độc tố, cho nên việc hướng dẫn phương pháp chế ngự được xem là điều rất hệ trọng, qua đó tập trung thực hành một trong “năm Đại chinh phục – Ngũ Jinas” – nhằm chuyển hóa và dứt trừ “cảm giác” kiêu mạn này.
Kỳ tới, chúng ta sẽ khảo sát sâu về ý nghĩa Bình Đẳng Trí một cách cụ thể hơn qua hành trạng của Đức Phật Như Lai vĩ đại Ratnasambhava – cũng như qua hành trạng của tất cả những vị Bồ Tát của Ngài. Làm thế nào để thực hành Ratnasmbhava – hoặc bất kỳ theo đuổi sự thực hành nào trong tinh thần Phật giáo nhằm chuyển hóa lòng kiêu mạn và đạt tới Bình Đẳng Trí bởi tin rằng tất cả chúng sinh và Đức Phật đều có cùng một bản chất. Làm sao thúc đẩy sự thăng tiến tâm linh của mình để nhận ra địa vị của một vị Phật tương lai, các nhà Sư Tây Tạng dạy rằng với Trí tuệ Bình đẳng, người ta nhìn mọi sự vật bằng sự vô tư thánh thiện và nhận ra sự bình đẳng thánh thiện của tất cả chúng sinh. Tucci nói, người ta thấy tất cả chúng sinh và Đức Phật đều có cùng một bản chất – một điều kiện mà chúng ta cần, để thúc đẩy sự thăng tiến tâm linh của chúng ta và có được sự tin tưởng để nhận ra địa vị của một vị Phật.
Trong Giới nguyện Bồ tát, người Phật tử phát nguyện tránh xa 18 căn nguyên chính. Câu đầu tiên được liệt kê là: (tránh) “Khen ngợi bản thân và / hoặc coi thường người khác.”
Từ điểm này, ta nhìn rộng hơn một chút, qua lời dạy của Hòa thượng Tuệ Sỹ trong “Du Già Bồ Tát Giới”, để có thể rút ra một bài học thực tiễn nào không? Nhất là đối với quý anh chị trưởng đã phát nguyện thọ giới Bồ Tát? “Người tại gia hoàn thiện năm giới, đó là hoàn thiện đạo đức cá nhân. Nhưng không phải vì vậy mà có thể nói ‘Hạnh phúc thay, ta sống không trộm cắp giữa những người trộm cắp!’ Thái độ độc thiện kỳ thân có khi được tán dương mà cũng nhiều khi bị chỉ trích. Vì nó ích kỷ. Đạo đức vị kỷ, không phải là phẩm chất đạo đức chân thật. Người tại gia còn phải có những quan hệ thân tộc và xã hội y trên đạo lý lợi hành và đồng sự. Vậy thì, trên cơ sở đạo lý bốn nhiếp sự, nhân cách lý tưởng là vị sống hoàn thiện đạo đức cho chính mình và đồng thời cho người khác. Bằng vào đó, chúng ta có thể hiểu rộng ý nghĩa tán thán của đức Phật dành cho các đệ tử tại gia, những người đã áp dụng một cách thiết thực lời dạy của Phật về bốn nhiếp sự.
__________________________________________