
Lời thưa của Tu Thư Sen Trắng: Trong lúc đi tìm một giải pháp tạm thời, vẫn chỉ là tạm thời, cho việc san định tài liệu tu học và huấn luyện GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, mà bước căn bản cần phải thận trọng, dò dẫm để thấu đáo nội dung đề cương đã được soạn thảo trong suốt quá trình lịch sử tập thành tài liệu cho GĐPT của các bậc tiền bối tâm huyết, dày công thực hiện. Quả thật là nhiêu khê!
Mặc dù, để thay thế vào khoảng trống hiện nay một bộ tài liệu, tạm gọi là giáo khoa, thích nghi, vừa tầm cho việc tu học lẫn giảng dạy đoàn sinh-huynh trưởng không phải là điều quá khó khăn như chúng ta suy nghĩ, mà khó khăn tồn tại bởi do những cơ chế hướng dẫn thượng tầng, dây chuyền xuống hạ tầng các khối, tiểu ban, và các ủy viên nhận trách nhiệm trực tiếp liên đới lúng túng, thiếu định hướng và thụ động. Đó là vấn đề nhân sự, kế hoạch!
Một vấn đề cốt lõi ở đây, lớn hơn và thiết yếu, là cần có một hội đồng chứng minh, thẩm định và chuẩn y mà điều này, có lẽ nhiều năm qua hoàn toàn khiếm khuyết. Vì vậy cho thấy một thực trạng nội dung đề cương tu học GĐPT nói chung, đặc biệt huynh trưởng nói riêng hiện tại, chỉ là chắp vá, lủng củng, khi dựa trên các nguồn tài liệu có sẵn bên quê nhà, và đem chuyển ngữ. Chúng ta vẫn đang đứng trước những hố sâu cách biệt, bất cập!
Đó là sự khác biệt giữa quốc nội và hải ngoại trên nhiều lãnh vực; khác biệt giữa các khuynh hướng tông môn (pháp môn) mà tự căn để, đó chính là những bất cập trong nhận thức, xuyên qua nội dung, phương pháp giáo dục và huấn luyện đoàn viên lâu nay mặc dù, sự bất cập như vậy, thậm chí xung đột tư duy do căn cơ người học Phật ở nhiều quốc độ, vốn dĩ trong lịch sử truyền đạo, cho thấy vẫn đủ kinh nghiệm vượt qua và bão hòa.
Trong lúc lần dò, định hướng, tìm những giải pháp khả thi có thể cho thực trạng hiện tại, may mắn chúng ta vẫn có rất nhiều tài liệu đang lưu hành qua hình thức xuất bản thành sách, báo, hay ấn bản online v.v… của các bậc Thạc đức Tăng Ni không phân biệt quốc tịch, gồm có Việt ngữ và cả Ngoại văn, mà ở đây chúng tôi chỉ xin lần lượt gợi ý như bước đầu, cần trước việc sưu lục, chọn lọc cô đọng nguồn tư liệu nhằm hướng tới một đề cương được biên soạn trong tương lai, vừa gìn giữ các giá trị đã có, mà cùng lúc phù hợp cho hoàn cảnh tu học huấn luyện tại hải ngoại.
Hòa thượng Thích Đức Thắng, Phó Nội Vụ Hội Đồng Giáo Giới GĐPTVN | Ảnh: Sen Trắng
Những tác phẩm điển hình như của Hòa Thượng Đức Thắng đang đề cập hôm nay – “Phật Lý Căn Bản” – thiển nghĩ rất chuẩn mực và thích ứng cho những anh chị Huynh trưởng đang hướng dẫn Giáo lý cho các bậc ngành Thiếu, ngành Thanh cho đến Huynh Trưởng sơ và trung cấp. Nội dung tác phẩm, ngoài việc bổ túc kiến thức cho bản thân, còn giúp áp dụng để soạn giáo trình giảng dạy.
Tất nhiên, tự bản thân thu liễm như thế nào, để soạn như thế nào cho phù hợp với từng đối tượng của mình, một mặt tôn trọng những giá trị truyền thống, mặt khác không khư khư chấp chặt vào một quy ước nào trước đó, có sẵn, cũng còn tùy thuộc vào kinh nghiệm thực tế của mỗi anh chị Trưởng tự rút ra đáp án ngay trong hoàn cảnh của chính mình, của đơn vị và của đoàn sinh, cả đối với những trường hợp cá biệt hay ngoại lệ.
Cuối cùng, sau một phần tư thế kỷ ở hải ngoại, ước mong ngày sắp tới, từ những đại hội tầm Thế Giới, Hải Ngoại hay Toàn Quốc, giới lãnh đạo sẽ đưa ra những dự án và bảo đảm nó được thực thi tới nơi tới chốn cho nhu cầu tập thành một bộ “giáo khoa” chuẩn mực, thông dụng và phổ cập nhu cầu đại chúng, không chỉ là Phật lý, mà còn nhiều bộ môn khác trong sinh hoạt đoàn thể thanh thiếu niên Áo Lam Sen Trắng, của một tổ chức giáo dục lâu đời, với ngần ấy đoàn viên trên cả nước và khắp thế giới hiện nay. Đây là Phật sự cần lưu tâm hơn là chúng ta loay hoay mãi chuyện hợp nhất hay không hợp nhất; trực thuộc hay không trực thuộc. Rồi ai cao cấp hơn ai, để ai sẽ điều hành quản trị ai…?
Đất lành, chim đậu.
Tuy vậy, không có một môi trường nào thích nghi cho tất cả, mà chỉ có chúng ta thực tập thích nghi với tất cả môi trường.
Mảnh đất lành là mảnh đất thấm nhuần dưỡng chất Từ Bi, Trí Tuệ và Khai phóng. Là “không gian an toàn”, trú xứ của tự do đích thực cho bao cánh chim đậu lại, nương nấu, dưỡng sinh mà không bị trói chân, buộc cánh, để mai hậu tung bay vào những phương trời bao la, dựng nên mùa xuân cho tha nhân.
Hòa Thượng Thích Đức Thắng và Hòa Thượng Thích Thắng Hoan | Ảnh: Sen Trắng