
Cố trưởng niên Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm trong ngày lễ Thọ Cấp Dũng | Ảnh: Website Quang Duc
Nếu bây giờ trên kệ sách của anh chị em áo lam còn lưu giữ những số báo Sen Trắng của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN tại Hoa Kỳ, giai đoạn Chị Thu Nhi làm Trưởng ban và tờ báo bấy giờ do anh Tâm Nguyên Nguyễn Ngại làm tổng thư ký, hẳn hình ảnh và tên tuổi của Anh Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm, người dẫu xa xôi tận nơi xứ Úc, mà vẫn thấy thật gần đâu đây. Anh nặng tình với Hoa Kỳ, đúng hơn là nặng tình với anh chị em Áo Lam đồng trang lứa, từng một thời sinh hoạt từ quê nhà, nên tôi rất hiểu, càng về sau, anh hướng lòng Anh ngoài những Phật sự tại trú xứ định cư, hầu như trọn tâm tình Anh gởi theo Hướng Quê Nhà, qua những đề án hoạt động từ ngày có Ban Hướng Dẫn Thế Giới và Hải Ngoại.
Ngày đó có lẽ quý Anh chị vui lắm, sát vai nhau trong tất cả mọi phật sự chứ không như bây giờ chừng đã tan tác vì nhiều hoàn cảnh, lý do, và trong nhiều ý nghĩa sâu xa khác. Nhưng rốt cuộc lại, giao tình bằng chừng ấy thời gian của Anh-Chị mình vẫn gói trọn trong tâm tình “giận mà thương-thương mà giận”…
Tìm lại trong một số báo, hình ảnh Chị Thu Nhi, anh Lâm (Úc), anh Tư Đồ Minh (Canada), anh Mai, anh Ngại, Chị Hoài Chân, Anh Đại và Chị Kiều… đứng tươi cười bên nhau mà hôm nay, dễ mấy ai đã từng sống ở thời thân ái đó, một lúc lần tay vuốt lên mặt chữ in, rưng rưng từng khuôn mặt và tránh làm sao được cái bồi hồi, cái nao nao da diết chạnh lòng.
Giữa thập niên 90, ngoài anh Tâm Huệ và Hồng Liên, anh Nguyên Mãn là người thứ ba trong những anh chị niên trưởng đầu tiên đồng tình cho tôi thực hiện tờ bản tin Hoa Đàm, ngay sau số thứ 3, bất ngờ tôi nhận một lá thư của Anh Lâm, kèm theo 30 Úc Kim. Anh em gắn bó từ đó cho đến những năm tháng sau này, mỗi lần có những khúc mắc trên đường lam đi tới, tôi luôn nghĩ đến Anh, với trọn vẹn nhân cách của một bậc Niên Trưởng GĐPTVN, để tìm đến anh như một nơi nương tựa, cảm thông, an ủi và sách tấn. Nhưng có lẽ từ thời điểm cao trào anh dấn thân sâu hơn vào những sinh hoạt có tính định hướng nặng nề, lắm lúc tiêu cực của BHDTG và HN lên mỗi hoàn cảnh sinh hoạt của các cơ sở đơn vị hạ tầng, tôi trở nên im lặng và không liên lạc Anh nhiều như trước nữa… Hóa ra tới phiên mình cũng “giận mà thương-thương mà giận” Anh!
Một dạo, do cách hướng dẫn của người lớn, thế hệ trẻ hôm nay đã không có đủ cơ sở lịch sử để định hướng cho con tàu tổ chức dù tình cảm, lý tưởng tôi tin cũng không khác gì thế hệ các Anh-Chị trưởng của mình. Sự hy sinh của tập thể lam viên ở mọi thời đại đều đáng trân trọng, nhưng sự hy sinh thiếu cơ sở lịch sử cho nhận thức thời đại tất nhiên đã khiến cho chúng ta dù ngồi chung trên một chiếc bè, mà không xuôi thuận những mái chèo như tình trạng hiện nay.
Nên lắm lúc, chọn lựa im lặng lại là tình cảm sâu sắc nhất dành cho nhau. Nhưng trong buổi im lặng đó, vẫn phải chịu đựng lắng nghe những điều nhoi nhói lòng.
“Tò vò mà nuôi con nhện, ngày sau nó lớn nó quện nhau đi”. Hoàn cảnh của GĐPTVN nói chung, đâu phải là hoàn cảnh nghiệt oan như câu tục ngữ trên! Nhất định không phải thế!
Khoảng năm 1991-1992, tôi theo chân anh Nguyên Hiền Nguyễn Tứ Đại, bấy giờ là Phó Trưởng Ban BHD Miền Quảng Đức đảnh lễ Thượng tọa Viện chủ chùa Bảo Tịnh nhân dịp Phật Đản, hôm đó Thầy có đề cập mời anh Đại về giúp hướng dẫn đơn vị Anôma, song với điều kiện không trực thuộc BHD. Anh Đại liền thưa với Thầy, điều kiện như vậy thì Anh không làm được, vì tổ chức GĐPT có lịch sử truyền thừa, và truyền thống của mình.
Một thời gian sau nữa, khi anh Lộc và chị Quỳnh Anh dời về San Diego, tôi có duyên về sinh hoạt với đơn vị Lâm Tỳ Ni, chùa Việt Nam, OC, mà trước đó anh Lộc là Liên Đoàn Trưởng. Bấy giờ Mai Đình Chiến, con trai cố Huynh Trưởng Nguyên Tịnh Mai Đình Nam đang cầm đơn vị. Tôi về làm Liên Đoàn Trưởng ở đây một thời gian không lâu, cho đến một buổi thì Thầy Trù Trì gọi vào liêu phòng, tay giở mấy trang cẩm nang trại họp bạn toàn quốc Lạc Việt chỉ vào tên tôi trong Ban Quản Trại, trách. Thầy không đồng tình tôi sinh hoạt với BHD, thầy muốn tôi hiểu “ăn cây nào, rào cây nấy”… Tôi theo gương anh Đại, mà cáo lui rồi đành đoạn chia tay với các em mình…
Đó là hai trường hợp điển hình trong vài trường hợp khác nữa, là kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm trưởng của mình. Cho nên, có trăm ngàn lý do để GĐPT trong nước lẫn ngoài này không trực thuộc BHD hay Giáo Hội. Nhưng, nội hàm của “trực thuộc” đã bị hiểu lầm một cách đáng lo ngại mà như tôi chia sẻ phần trên, do thiếu cơ sở lịch sử để nhận thức một cách đầy đủ, đó là bổn phận hơn là một yêu sách. Và vì vậy, “trực thuộc” trong hoàn cảnh hiện nay chỉ mang ý nghĩa tùy duyên khế lý khế cơ, nói một cách khác là sự khéo léo, chu toàn bằng bản lãnh của cấp hướng dẫn chứ không phải là mệnh đề để đưa lên cán cân, mặc cả, bình phẩm và, chia cắt. Bởi lịch sử là lời minh định rõ ràng nhất mà một khi còn tự nguyện chọn đứng vào hàng ngũ tổ chức GĐPT với Huy hiệu Hoa Sen Trắng, với chiếc Áo Lam làm nơi nương tựa, với hai văn bản Nội Quy Quy Chế làm kim chỉ nam, và để thực hiện lý tưởng tuổi trẻ, thì không có gì có thể khác đi trật tự đó. Thay đổi một quy luật, cũng cần một quá trình trật tự. Tiếc rằng anh chị em chúng ta đã không có được may mắn đó hay, không đủ kỹ năng để làm được điều đó!?
Anh Nguyên Mẫn ra đi ngay trong lúc tôi đang thực hiện số báo Hoa Đàm Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Huyền Quang, đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN. Tôi mặc niệm kính tưởng nhớ đến bậc Thầy mà gần trọn một đời Tu Phật Đạo, vẫn gieo neo giữ gìn khí tiết Việt Nam, rồi riêng với Anh trong nỗi ngậm ngùi thương-giận, bỗng dưng mà anh em xa cách, vô cớ và vô lý lắm không!?
Anh, một đời nước mắt vẫn chảy xuôi, tuổi già ngồi khâu vá chỗ rách cho con trẻ, bấy giờ “Đưa kim qua nỗi ưu phiền, Mẹ ngồi vá lại cho nguyên sự đời”. Tiết điệu của hai câu thơ không phải là lời than trách, mà đó chỉ là tâm sự một thời sử oan…
Nghiêng lòng tiễn Anh Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm, một nhân cách Huynh trưởng GĐPTVN đáng kính.
Em,
Quảng Pháp Trần Minh Triết
Mặc Cốc, tháng Bảy, 2021