
Từ-Bi là 2 trong 4 loại tâm vô lượng (không đo lường được). Đức Phật cho biết tâm từ của một chúng sinh bình thường chỉ như lượng “đất trong móng tay”. Vì thế, muốn khai phá và phát triển tâm từ-bi thì người học phải tu tập nhiều pháp hành khác nhau như bố thí, trì giới, kham nhẫn, tinh tấn, thiển định, trí tuệ, v.v.
– Bố thí giúp đoạn trừ ngã kiến, tức cái nhìn cho rằng có thật một “cái Tôi”. Cái nhìn này tạo ra vọng tưởng về sự tồn tại độc lập giữa người học với mọi chúng sinh khác; trong lúc Phật Pháp cho biết tồn tại của chúng sinh là một tồn tại duyên khởi: có ta là nhờ có người, không có người thì cũng không có ta.
– Trì giới ngăn cản việc làm tổn hại đến chúng sinh khác.
– Kham nhẫn giúp nhận chân tất cả chúng sinh đều đau khổ, đồng thời chịu đựng được mọi khổ đau do chúng sinh gây ra.
– Tinh tấn giúp duy trì và phát triển con đường tu tập vì sự giác ngộ của tất cả chúng sinh.
– Thiền định giúp người học xoá tan mọi dấu vết phân biệt giữa ta & người.
– Trí tuệ giúp phát triển chánh kiến về pháp tánh bình đẳng.
Tất cả các pháp hành trên được thực hành cùng lúc và dẫn dắt người học phát triển tâm từ-bi qua 3 giai đoạn từ thấp lên cao:
(i) Chúng sinh duyên từ bi: phát triển tâm từ-bi đặt nền tảng trên lý tưởng “tất cả chúng sinh đều có giác tánh”.
(ii) Pháp tánh duyên từ bi: phát triển tâm từ-bi đặt nền tảng trên pháp tánh bình đẳng của mọi tồn tại.
(iii) Vô duyên từ bi: từ-bi không được lập thành bởi nhân-duyên, mà đặt nền tảng trên “không tánh”, “vô tướng”, và “vô tác, vô nguyện”. Đây là loại từ-bi cao nhất, chỉ có thể lưu xuất từ tâm giác ngộ của chư Phật.
Trong lúc các trạng thái tâm “thương”, “yêu”, “luyến ái”, “cảm thông”, “thấu hiểu”, v.v. đều đặt nền tảng trên “ngã kiến”, thuộc về “hành uẩn phiền não”, và là nhân-duyên của sinh tử luân hồi, thì Từ-Bi & Trí Tuệ là hai bánh của cỗ xe giúp người học đạt đến giác ngộ viên mãn vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.