
LỜI THƯA
Ghé qua thế gian này dù một ngày như những em bé vừa cất lên tiếng khóc rồi vội ra đi hay ở lại trăm năm như các cụ già tóc bạc răng long đều cũng một đời. Nhưng khi nhìn lại hành trạng của Hòa thượng Thích Hạnh Tuấn với những ước mơ, nỗ lực và nhiều đề án còn dang dở, chúng ta thật không khỏi ngậm ngùi thốt lên “Thầy ra đi sớm quá.”
Năm 1972 tại tổ đình Phước Lâm, Hội An, Hòa thượng Hạnh Tuấn, khi còn là chú Thị Trạm, 16 tuổi, thọ Sa Di sau đó vào Sài Gòn thọ Đại Giới 1976, để rồi tám năm sau, 1984, Đại Đức Hạnh Tuấn mang đại nguyện lên đường ra biển.
Năm 1993, Trường Đại Học Thần Học (Harvard Divinity School) thuộc viện đại học nổi tiếng nhất thế giới, Harvard University, ở Cambridge Massachusetts mở cửa đón nhận Thầy.
Thật khó mà tin. Mới ngày nào “Chú Thị Trạm” còn trong tuổi thiếu niên mỗi sáng phải thức dậy năm giờ để cùng sư phụ và huynh đệ ra đồng. Khi cuốc đất, khi trồng khoai, khi gặt lúa, khi gánh nước, đời sống của các chú ở các chùa khắp tỉnh Quảng Nam đâu cũng giống nhau. Sau bảy giờ, chú vội vã về lại chùa ăn một củ khoai hay chén cháo rồi đi bộ đến trường. Nhưng chính những nhát cuốc trên cánh đồng Quảng Nam khô cằn, sỏi đá đó đã hun đúc trong lòng chú một ước mơ được cất cánh bay xa. Ra đi để trở về. Thầy Hạnh Tuấn rời Việt Nam 1984.
Khi ngồi trong đại học xá ở Harvard, Thượng Tọa Hạnh Tuấn hẳn nhiều lần trầm tư nhớ lại thời thơ ấu ở Đại Lộc và tu học ở Hội An.
Căn phòng nhỏ của Thầy trên tầng hai Đại học xá Harvard, nhìn ra dòng sông Charles, đẹp nhất vùng Đông Bắc Mỹ. Dòng sông đã gợi lại trong ký ức thầy những dòng sông ở quê hương như sông Vu Gia ở Đại Lộc nơi thầy được sinh ra hay sông Thu Bồn chảy qua thành phố Hội An nơi thầy xuất gia. Ở đâu cũng là nước, ở đâu cũng là bờ và ở đâu cũng là quê hương.
Thầy trở lại Việt Nam vài lần trước khi từ giã chúng ta. Mỗi lần trở lại thầy mang theo một trọng trách không chỉ đối với chùa Phước Lâm, với môn phái Lâm Tế Chúc Thánh mà còn đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vừa phục hoạt. Chẳng hạn, năm 1995 dù bận rộn Thầy đã trở lại Việt Nam để phụ điều hành trại huấn luyện Huyền Trang được tổ chức tại chùa Viên Giác Hội An. Như một nhân duyên, chiếc cầu mang tên Hạnh Tuấn đã bắc qua những cách ngăn, những gián đoạn giữa Phật Giáo trong nước và ngoài nước từ 1975 đến 1991.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau 1991 không còn giới hạn ở quê hương mà có mặt khắp năm châu. Một phần không nhỏ trong thành tựu to lớn đó do bàn tay góp sức của Thầy.
Như biết trước sẽ ở lại không lâu, Thầy làm việc không ngơi nghỉ. Xây dựng chùa, viết sách nhưng nhiệm vụ Thầy được giao cuối cùng và cũng là nhiệm vụ Thầy dành nhiều tâm huyết nhất là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên thuộc Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ.
Mơ ước của thầy được thấy màu Lam ấm áp tình thương chan hòa khắp nơi không phân biệt anh chị từ đâu đến, quá khứ là gì, thầy tổ là ai, hệ thống nào. Bài hát “Tôi Yêu Màu Lam” là bài hát Thầy hay hát nhất bởi vì không chỉ gợi lại trong ký ức Thầy những kỷ niệm thời quá khứ hồn nhiên mà còn nhắn nhủ một tương lai đầy hy vọng.
Thầy bảo có người hỏi ngày xưa thầy mặc áo lam sao giờ lại mặc áo màu đà, thầy trả lời “Màu lam đã thấm vào con tim màu máu đỏ, và màu lam hòa với màu máu đỏ thành màu đà.” Thầy chỉ nói vui nhưng không phải tự nhiên nói mà đó là niềm vui ấp ủ trong tâm hồn thầy suốt mấy mươi năm.
Kỷ yếu này, vì thế, không chỉ được hình thành để tưởng nhớ một bậc chân tu, một lãnh đạo tinh thần của Gia Đình Phật Tử mà còn để nối tiếp bước chân Thầy. Hãy yêu màu lam như Thầy yêu và hãy hòa chung màu Lam với màu máu đỏ của con tim trong mỗi chúng ta như Thầy đã từng hòa.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
chấp bút