
Trưởng Niên Tâm Trí Nguyễn Quang Vui
Tôi quen biết Ngô Mạnh Thu từ 1957 khi mới từ Huế vào Sài Gòn, thi đỗ trường Quốc Gia Âm Nhạc (112 Nguyễn Du). Ngô Mạnh Thu học nhạc Pháp chuyên môn (solfèges des solfèges) để đi làm giáo sư âm nhạc còn tôi học sáng tác (Contrepoint-fugue-harmonie) để thành nhạc sĩ. Tôi học sáng tác mà không viết được một ca khúc nào ra hồn. Anh học sư phạm mà lại có nhiều ca khúc, nhất là viết và hát cho Phật giáo, phong trào sinh hoạt thanh niên và Du Ca.
Suốt 6 năm trường nhạc Sài gòn, chơi với nhau rất thân. Tôi sống cuộc đời “cơm hàng cháo chợ, ở phòng thuê”, học thêm nghề kèn clarinette. Để kiếm tiền ăn học tôi chơi nhạc ở các phòng trà, vì khả năng hạn chế đôi khi phải thổi kèn cho đoàn hát cải lương nhỏ ở những nơi xa xôi thành phố. Có những lúc không có tiền, đói quá được anh đưa về nhà ăn rau muối qua ngày. Bà cụ thương tôi như con ruột, nên hễ có tôi trong bữa cơm gia đình thì có thêm một đĩa đậu rán. Lâu lâu anh có được chương trình ca nhạc thâu cho đài phát thanh Sài gòn (ban hoa niên) hay đài quân đội… Những khi có tiền thường đi ăn phở Ngọc Anh ở đường Yên đỗ để nghe chương trình ca nhạc của mình, tôi ăn thật chậm cho lâu hết, để nghe lại tiếng kèn Clarinette còn non nớt chưa chín của mình. Anh Thu cũng cố gắng đưa tôi vào ban nhạc để kiếm tiền cải thiện đời sống. Tôi thèm uống bia anh chỉ café thuốc lá, những ca khúc của anh quyện vào nhau thật đẹp, đôi khi tôi thử lấy một ca khúc của anh, chỉ đánh vài dòng nhạc không hát lời, tôi vẫn cảm thấy và nghe được anh nghĩ gì qua âm thanh trầm bổng. Anh thường nói, tụi mình học nhạc phải hiểu rằng, có ca khúc hay được nhiều người biết đến cũng chỉ gọi là người viết ca khúc chứ không thể là nhạc sĩ…
Nhớ khoảng thời gian tháng Tư năm 1963, thầy Quảng Đức tự thiêu, Ngài đã để lại thân xác cho khói lửa mây trời, để cất lên thông điệp của lòng yêu thương và sự bình đẳng. Quá đau đớn cho đạo pháp và dân tộc, Anh Ngô Mạnh Thu lần đầu tiên, viết một tác phẩm lớn cho nhiều chương từ (Chapters): chậm, nhanh, quằn quại và giaiû thoát… Trường ca này viết cho dàn nhạc giao hưởng (Orchestre symphonic) nhỏ, vóiø ca đoàn gần 100 người – bass, baritone, teno, soprano, alto… Lúc đầu trường ca này lấy tên Lửa Thích Quảng Đức, sau đổi thành Trường Ca Lửa. Hai anh em chúng tôi cố gắng giữ mình cho trong sạch, thật dễ thương, tắm gội rửa sạch sẻ, lễ Phật và thắp nhang cả đêm để giữ mãi nguồn cảm hứng… Suốt bảy ngày đêm hoàn thành được tác phẩm… Tôi phụ với anh tổng phổ (conductor) và phân phổ. Với sự giúp tiền bạc của các thầy, các cha, tôi nhớ trong các cha có cha Chân Tín và Ngọc Lan thì phải. Chúng tôi thâu băng tại phòng thâu tư nhân tại Chợ lớn, sau này gọi là phòng thâu Asia. Được anh Viết Chung cho mượn ca đoàn Công giáo, vì lúc bấy giờ Phật giáo chưa có ca đoàn, chỉ có mấy em Gia đình Phật tử nhưng hát còn quá yếu, chỉ chọn lựa được một số em, còn hai phần ba là ca sĩ ca đoàn Công giáo. Trong lúc thâu thanh tôi nổi gia gà và có người xúc động phải ngưng thâu ba, bốn lần. Tôi nhớ lúc ấy ca sĩ Mai Hương lãnh phần Soprano và trong khi thâu băng, ca đoàn đã phải dừng lại nhiều lần vì quá xúc động-Trong ca đoàn công giáo có anh Giang Châu/Hoàng Văn Ân đã cảm được chất thiền, sau này anh đi theo con đường nghiên cứu tu học Thiền và đã tự giải thoát khỏi trần thế sau một lần vào tịnh thất 49 ngày.
Anh Ngô Mạnh Thu ơi!.. Đêm nay cũng như 45 năm về trước, tôi cũng tắm gội sạch sẽ để cho thân xác nhẹ nhàng, thắp nén nhang cúng Phật, và bên di ảnh của anh tôi thầm hát lại câu solo của chị Mai Hương ngày nào như đang cuồn cuộn bay trên nền nhạc của dàn giao hưởng và hợp xướng với ngọn lửa Thích Quảng Đức đang từ từ loan dần từ trong nước ra đến năm châu bốn bể “(Lửa lên! Lửa lên! Lửa ơi” Lửa mang nguồn sống vô biên về… Lửa lên!… Lửa ơi!…). Và cũng còn hai ngày nữa anh cũng sẽ để lại thân xác cho khói lửa mây trời để về địa chỉ mới không còn cấu xé khổ đau của con người… Nơi ấy chỉ biết sống hòa thuận thương yêu đùm bọc lẫn nhau như pháp danh TÂM HÒA đã dính vào tim máu anh suốt đời.
“Vĩnh biệt Anh” vĩnh biệt Anh… Nhạc sĩ TÂM HÒA NGÔ MẠNH THU…