
(CHƯƠNG TRÌNH CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ)
BIÊN TẬP: THÍCH MINH CHÂU, THÍCH THIÊN ÂN, THÍCH ĐỨC TÂM, THÍCH CHƠN TRÍ
A – BẬC HƯỚNG THIỆN
1- BIẾT SỰ TÍCH ĐỨC THÍCH CA TỪ KHI SƠ SANH ĐẾN XUẤT GIA
2- BIẾT HAI CHUYỆN TIỀN THÂN HAY MẨU CHUYỆN ĐẠO.
3- THUỘC VÀ HIỂU BÀI SÁM HỐI
4- HIỂU MỤC ĐÍCH CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VÀ Ý NGHĨA HUY HIỆU HOA SEN
5- HIỂU CHÂM NGÔN VÀ NĂM ĐIỀU LUẬT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
_____________________________
1- BIẾT SỰ TÍCH ĐỨC THÍCH CA
TỪ KHI SƠ SANH ĐẾN XUẤT GIA
LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA
(Từ sơ sanh đến xuất gia)
I. THÂN THẾ CỦA THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA
Đức Phật Thích Ca tên là Tất-đạt-đa, hiệu Thích Ca một nhánh của họ Kiều-tất-la, một đại quý tộc ở Ấn Độ. Hợp cả tên lẫn họ là Kiều-tất-la Thích Ca Tất-đạt-đa. Ngài là con vua Tịnh Phạn nước Ca-tỳ-la-vệ. Mẹ Ngài là Ma-gia Hoàng hậu. Nước Ca-tỳ-la-vệ ở Ấn Độ thời ấy là một nước rất phồn thịnh, nay tức là xứ Therai, ở phía Đông Bắc thành Ba-la-nại, phía Nam nước Népal.
II. NGÀY VÀ CHỖ ĐẢN SANH THÁI TỬ
Thái tử sanh lúc mặt trời mọc, ngày Rằm tháng Hai Ấn Độ, tức là ngày Rằm tháng Tư theo lịch Trung Quốc, vào năm 544 trước Công nguyên. Như vậy đến năm 1962 là đúng với Phật lịch 2506- Ngài sanh dưới cây Vô ưu, trong vườn Lâm-tỳ-ni trong khi bà Ma-gia đang dạo chơi vườn cảnh.
III. TƯỚNG MẠO THÁI TỬ VÀ LỜI TIÊN ĐOÁN CỦA A TƯ ĐÀ
Khi Thái tử sanh có nhiều điềm rất lạ, trời mưa hoa thơm, nhạc trời chúc tụng, quả đất rung động. Thái tử sanh ra có 32 tướng tốt. Ông tiên A-tư-đà đến đoán tướng Ngài, nói rằng : “Thái tử có đủ 32 tướng tốt, nếu làm vua thì làm vị Chuyển luân Thánh vương; nếu xuất gia tu hành thì sẽ thành Phật”.
IV. SỰ GIÁO DỤC VÀ TÀI NĂNG CỦA THÁI TỬ
Sau khi sanh Thái tử được 7 ngày thời bà Ma- gia từ trần. Vua Tịnh Phạn giao Thái tử cho người dì tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề nuôi nấng chăm sóc. Vua hết sức lo sự giáo dục cho Thái tử. Ngài cho mời những bậc giáo sư có tiếng nhứt ở trong nước về văn cũng như về võ. Thái tử rất thông minh, chỉ học qua một lần đều thông hiểu, văn võ toàn tài không ai sánh kịp. Các vị giáo sư đều bái phục.
V. ĐỜI SỐNG CỦA THÁI TỬ
Thái tử được vua Tịnh Phạn yêu quý, ngày ngày sống trong cảnh phong lưu sung sướng. Vua xây cho Thái tử những tòa lâu đài hợp với ba mùa của xứ Ấn Độ. Mùa nóng có chỗ mát, mùa lạnh có chỗ ấm, mùa ôn hòa có chỗ không nóng không lạnh. Cung điện trang hoàng cực kỳ mỹ lệ, vườn cảnh có đủ hoa thơm cỏ lạ. Vua Tịnh Phạn lại ban cho 500 thể nữ kiều diễm đêm ngày ca múa đàn hát; các món vui chơi trong nước, không còn thiếu một món gì. Tuy Thái tử sống trong xa hoa lộng lẫy, nhưng Ngài không bao giờ say đắm, trên mặt luôn lộ một vẻ buồn kín đáo, thương người thương mọi vật. Tuy văn võ hơn người, Ngài vẫn khiêm tốn lễ độ, không kiêu căng tự đắc.
VI. THÁI TỬ LẬP GIA ĐÌNH
Đến 17 tuổi, Ngài vâng theo lời của Phụ vương kết hôn với nàng Da-du-đà-la. Theo tục quý phái xưa, Thái tử đã chiến thắng tất cả thanh niên đến dự các buổi thi và lựa nàng Da-du là người tươi đẹp thuần thục nhứt trong các Công chúa muốn được làm vợ Ngài. Thái tử sanh được một người con tên là La-hầu-la.
VII. THÁI TỬ TIẾP XÚC VỚI ĐỜI
Vì có lời tiên đoán của ông A-tư-đà, nên vua Tịnh Phạn không cho Thái tử tiếp xúc với cảnh khổ; nhưng vì Thái tử khẩn khoản cầu xin, vua Tịnh Phạn để cho Thái tử đi du ngoạn và tiếp xúc với thực trạng của cuộc đời.
1. Cảnh khổ thứ nhứt: Sống là khổ. Một hôm Ngài theo Vua cha dự lễ cày cấy. Thấy người và vật vất vả, khổ đau dưới ánh nắng thiêu đốt để đổi lấy bát cơm, chim chóc dành nhau mổ ăn các loài côn trùng giẫy giụa trên luống đất mới. Ngài thương xót buồn rầu vô hạn. Ngài thương chúng sanh đau khổ vì sống, và vì món ăn phải giết lẫn nhau.
2. Ba cảnh khổ của cuộc đời: Già, bệnh, chết. Lần sau Ngài lại xin phép Phụ vương ra cửa thành dạo chơi. Lần thứ nhứt Ngài gặp một ông già tiều tụy, da nhăn, lưng còm, mắt lòa, tai điếc. Lần thứ hai Ngài thấy một người tật bệnh bụng to cổ trướng rên la khổ sở. Lần thứ ba Ngài gặp một đám tang, thân nhân gào khóc thảm thiết. Ngài nhận hiểu được rằng: Sống ở đời giàu nghèo sang hèn đều bị đau khổ đoanh vây áp bức: già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ.
VIII. TÂM TRẠNG CỦA THÁI TỬ SAU KHI TIẾP XÚC VỚI ĐỜI
Trước thực trạng đau khổ của kiếp người, Ngài bị xúc động mạnh mẽ. Sau khi thấy sự đau khổ của chúng sanh, Ngài luôn luôn tưởng nghĩ đến chúng sanh, nghĩ đến những nỗi đọa đày lầm than của chúng sanh, và Ngài luôn luôn trù nghĩ suy tầm phương pháp cứu chúng sanh thoát khỏi biển trầm luân khổ ải. Mặt Ngài thường hiện vẻ lo buồn trầm mặc. Ngài lo buồn cho chúng sanh, Ngài trầm mặc để tìm phương pháp cứu độ chúng sanh thoát khỏi đau khổ.
IX. CẢNH GIẢI THOÁT VÀ THÁI TỬ XUẤT GIA
1. Cảnh giải thoát. Lần thứ tư ra dạo chơi ngoài cửa thành, Ngài gặp một vị Sa-môn thanh cao bình tĩnh, Ngài hỏi rằng: “Ngài là ai?”. Vị Sa-môn đáp: “Tôi là người đã thoát khỏi sự đau khổ của già, đau, chết”. Thái tử liền hiểu được rằng, chỉ có phương pháp cứu chúng sanh thoát khỏi bể khổ mênh mông là phải xuất gia tìm đạo.
2. Thái tử xuất gia. Một đêm nọ, sau buổi yến tiệc linh đình, Ngài thừa lúc mọi người đang ngủ say, lặng lẽ ra khỏi cửa thành. Ngài định đánh thức bà Da-du-đà-la ngỏ đôi lời từ biệt, nhưng sợ lòng nhi nữ hay bịn rịn có thể ngăn trở ý định, Ngài chỉ đành nhìn vợ con lần cuối cùng rồi gọi người hầu cận trung thành là Xa-nặc, thắng ngựa Kiền-trắc, hai thầy trò ra đi, quân canh còn mải ngủ chẳng hay biết gì cả. Ngài ra đi lúc 19 tuổi, vào ngày trăng tròn tháng hai.
X. KẾT LUẬN
Cử chỉ của Ngài xuất gia là một gương sáng cho mọi người soi chung. Vì lòng thương chúng sanh, lòng thương nhơn loại, Ngài đã bỏ cung điện giàu sang, giường cao nệm ấm, cao lương mỹ vị và cả ngôi báu. Cho đến vợ đẹp con yêu, Ngài cũng đành từ giã để đi tìm hạnh phúc chơn thật cho chúng sanh đang đau khổ. Cử chỉ của Ngài ra đi nhắc nhủ cho muôn loài biết rằng hạnh phúc không thể tìm trong danh vọng tài sắc, và những người thật thương yêu chúng sanh. Phải tìm chơn lý để soi sáng cho chúng sanh. Cử chỉ của Ngài lúc ra đi là cả một sức mạnh quyết tìm chơn lý, và chơn lý chỉ đến với những tâm hồn cao cả thoát tục, tràn đầy một lòng vị tha không bờ bến.
_____________________________
2- BIẾT HAI CHUYỆN TIỀN THÂN
HAY MẨU CHUYỆN ĐẠO.
A. HAI CHUYỆN TIỀN THÂN
– CẶP MẮT THÁI TỬ CÂU NA LA
– LÒNG HIẾU CỦA CHIM OANH VŨ
1- CẶP MẮT THÁI TỬ CÂU NA LA
Thuở xưa ở Ấn Độ có một ông vua tên là A Dục trị dân rất công bình. Hồi còn trẻ, tánh tình nhà vua hay giận dữ, nhưng dần dần ngài trở nên hiền từ dịu dàng. Nhờ gương sáng của ngài, nhờ huấn dụ đưa ra, ngài dạy cho dân tình nhã nhặn đối với mọi người và lòng bác ái đối với kẻ khổ sở. Nhà vua cho lập bệnh viện để chữa trị người bị bệnh, lập công viên để người và vật có chỗ nghỉ ngơi, sai đào giếng để khách bộ hành và vật khỏi khát nước, sai trồng hai bên đường những cây ăn quả và cây để làm thuốc.
Người con đầu của vua có cặp mắt đẹp hiền từ như chim “Câu-na-la” vì thế người ta gọi chàng là Câu-na-la. Đức vua rất đỗi yêu mến Hoàng hậu Liên Hoa là mẹ của Thái tử. Hoàng hậu mất sớm. Thái tử rất được vua cha yêu dấu và tin dùng. Lòng từ ái, tánh tình dịu dàng và khiêm nhượng của ngài làm cho nhân dân rất yêu mến và kính trọng. Vợ ngài rất dịu dàng, bao giờ cũng làm vừa lòng ngài, tên nàng là Ma-đa-vi.
Hoàng hậu mất, vua A Dục lấy một người vợ kế, lại kiêu căng, độc ác tên là Xích-di. Sau khi nàng sanh được một người con, nàng ước ao nó sẽ được nối ngôi thay Câu-na-la, và tuy không để lộ một cử chỉ gì, lòng nàng rất ghét người con ghẻ.
Nhân khi vua mắc bệnh nặng, các thầy thuốc đành chịu bó tay, nàng Xích-di tìm cách chữa khỏi. Vua ngỏ ý muốn tạ ơn nàng. Nàng xin vua cho con nàng được nối ngôi. Thật éo le cho vua A Dục. Ngài lấy làm buồn rầu vì không chiều lòng ân nhân, và ngài nhắc lại lời hứa với Chánh hậu lúc lâm chung chỉ truyền ngôi cho Thái tử Câu-na- la mà thôi. Ngài nói: “Ta có thể bỏ ngôi báu chứ không thể phụ lời hứa được”.
Thấy chuyện không thành, Xích-di xin vua được cầm quyền chánh một ngày. Vua nghe lời, và nàng định sẽ nhân dịp ấy mà làm những việc ghê gớm.
Trong nước có một thành gọi là Đắc-xô-thi-la nổi lên chống các quan cai trị của nhà vua. Chính Hoàng hậu Xích-di cũng dính líu vào việc ấy. Thật thế, trước hết nàng cho các quan tiền bạc rồi bảo lấy thuế dân trong thành ấy thật nặng, sau xúi dân nổi lên làm loạn. Hoàng hậu lại xúi dân nên yêu cầu vua cho Thái tử Câu-na-la ra cai trị thành ấy, lấy cớ rằng chỉ có Thái tử là công bằng mới dẹp loạn được. Sáng hôm sau các đại biểu thành Đắc-xô-thi-la đến để yêu cầu việc ấy, Xích-di tâu vua cho được tự tiện dùng ấn của ngài, là cái ấn dùng để niêm phong những sứ mệnh gởi đi. Thế tức là nàng nắm được quyền hành trong ngày ấy.
Rồi các đại biểu đến. Hoàng hậu tán thành lời yêu cầu họ, tâu vua rằng chỉ có Hoàng tử được dân khâm phục và vì thế đưa dân đến chỗ bình an mà không có cuộc bạo động gì. Vua nghe lời ấy lấy làm bối rối, vì ngài nghi Hoàng hậu có manh tâm.
Có gì nguy hiểm bằng sai Thái tử đến một thành phiến loạn.
Thấy vua lo âu, Hoàng hậu giả vờ đau đớn nói rằng: “Nếu nhà vua còn nghi ngờ lòng nàng thì từ nay nàng không nói gì nữa”. Rồi nàng giả bộ giận dỗi trả ấn lại cho vua, vì nàng biết thế nào vua cũng không nỡ lấy lại. Thật thế, vua A Dục trọng lời hứa không dám lấy ấn lại. Thái tử cũng một mực xin đi, ngài phải bằng lòng. Nhưng muốn chắc chắn, ngài định cho một đội quân đi hộ tống, Hoàng tử từ chối việc ấy. Vì ngài nghĩ muốn tránh sự đổ máu, phải hành động mau, nếu đi với đạo quân thì mất nhiều thì giờ. Ngài lại nói rằng: “Nào phải thấy gươm giáo như rừng, nghe tiếng ngựa hý, voi gầm, tiếng xe, tiếng trống, tiếng kèn, mà yên nhơn tâm được đâu”.
Vua không nói gì nữa, Thái tử từ giã vua cha, từ giã nàng Ma-đa-vi rồi một mình cưỡi con ngựa Măng-đa-la phi đi mau như gió. Chàng có ngờ đâu sau lưng chàng có con kỵ mã đang phóng nước đại. Đó là một người rất trung thành với Hoàng hậu, đương mang trong mình một sứ mạng có niêm ấn kỹ lưỡng.
*
Thái tử cưỡi bạch mã đi mau như bay. Hai bên đường làng mạc núi đồi đồng lúa rừng xanh như thụt lùi lại. Nhưng cái tên chàng đến còn nhanh hơn, vì nhân dân mong ngài đến lắm. Họ sửa soạn tiếp chàng. Kẻ thì rắc hoa xuống đường, kẻ thì hái quả để tiến, đâu đâu cũng nổi đầy tiếng hoan hô. Nhân dân xin Thái tử tha tội vì dân chúng không dám nổi lên chống vua, mà chỉ vì bọn tham quan ô lại. Nghe tiếng kêu van, Thái tử lấy làm thương hại, tha lỗi và đi vào thành giữa tiếng nhạc vang lừng. Thái tử đặt lại thuế má, cho người công bình ra trị dân; dân lấy làm mừng rỡ và phái đại biểu về tâu vua tỏ bụng trung thành và ca tụng Thái tử đã đưa lại cho họ sự yên ổn.
Thành Đắc-xô-thi-la đang vui vẻ bỗng chiều ngày ấy người cưỡi ngựa theo Thái tử vừa đến, và giao cho công chức trong thành một cái dụ. Mở ra xem ai nấy sửng sốt sợ hãi vì đạo dụ ra lệnh “phải móc mắt Thái tử Câu-na-la kẻ thù lợi hại của nhà vua và là kẻ đã làm nhơ nhuốc nòi giống”. Đạo dụ lại nói rằng khi đã làm hình phạt ấy rồi, không người dân nào được cứu giúp Thái tử và cấm không được nói đến tên ngài nữa.
Các viên chức không dám cho Thái tử biết đạo dụ vô nhân đạo ấy. Sau một đêm lo ngại, họ nói với nhau rằng: “Nếu ta không tuân lệnh sẽ bị nhiều nguy hiểm. Đến Thái tử là người tốt đối đãi với tất cả thiên hạ mà nhà vua còn bắt tội nữa là chúng ta”.
Ngày mai, họ dâng đạo dụ lên cho Thái tử. Đọc xong, Ngài nói: “Đấy là chánh lệnh của vua, vì có niêm ấn rõ ràng. Các ngươi cứ thi hành theo lệnh ấy”.
Ngài cũng biết rằng vua cha chẳng bao giờ có lệnh hành hình con, đó là do Hoàng hậu, nhưng đã có niêm ấn thì phải tuân theo.
Dân gian được tin rằng mệnh lệnh sẽ thi hành tại một khoảng đất rộng, giữa thành phố. Đến giờ đao phủ được lệnh móc mắt Thái tử, nhưng bọn này chỉ cung kính chắp tay xin chịu: “Chúng tôi không ai đủ can đảm làm việc ấy”.
Thái tử tháo chuỗi ngọc mang trên đầu đưa cho đao phủ và nói rằng: “Đây là tiền thưởng cho các ngươi để làm tròn phận sự”. Chúng vẫn một mực từ chối. Sau cùng có một người hình thù quái gở, đến xin thay chân bọn đao phủ. Nhưng anh này cũng không có gan dùng tay móc mắt. Anh ta đến đống lửa lớn nung một thanh sắt đỏ lên rồi lại gần Thái tử. Thái tử ngồi tự nhiên để cho đâm vào cặp mắt. Cảnh tượng bấy giờ thật là đau đớn đến nỗi hàng nghìn người chung quanh đều khóc vang lên.
Hành hình xong, Thái tử một tay chống trên người kia một tay ra hiệu bảo người chung quanh yên lặng. Thái tử khuyên phải xa ngài ra, không được cứu giúp ngài và kêu tên ngài, y như trong đạo lệnh. Họ cúi đầu vừa đi vừa khóc, trong khi ấy Thái tử nằm phục xuống đất. Nghe nắng dọi nóng, ngài lê đến một chỗ có bóng im mát để nghỉ.
Lâu lắm chung quanh ngài yên tịnh không một tiếng động. Bỗng ngài nghe tiếng chân ngựa giậm gần rồi có những tiếng kêu thảm thiết.
Nhận là con ngựa Măng-đa-la, ngài nói: “Còn con nữa, con cũng nên bỏ thầy con”.
Con ngựa quanh quẩn vài lần rồi đi xa, ra khỏi thành phố, một mình lủi thủi trở lại con đường mà nó vui vẻ đưa Thái tử đi.
Mặt trời lặn. Một vài người động lòng muốn giúp ngài. Song đã có lệnh cấm, họ đành đứng xa, nhìn nhau lắc đầu. Sau mãi một bà lão nghèo đi lại gần ngài lấy nước rửa chỗ đau và lấy cỏ băng lại; bà đỡ ngài dậy, dìu ra khỏi cổng làng rồi đành thở dài trở về.
*
Trong lúc Thái tử đang đau đớn, thì đại biểu thành Đắc-xô-thi-la được vua tiếp đãi ân cần. Thấy nói Thái tử được hoan hô tôn trọng lòng nàng Ma-đa-vi cũng bớt lo sợ, vì nghe chồng nàng phải đi dẹp loạn, lòng nàng cũng áy náy không yên.
Một ngày sau, sốt ruột, nàng đi đến chỗ nàng từ biệt chồng; qua ngày thứ ba, nàng bỗng thấy con ngựa Măng-đa-la trở về một mình. Một ý nghĩ ghê gớm thoáng qua óc nàng; rồi như cây gỗ bị đốn gốc, nàng ngã xuống bất tỉnh.
Tỉnh dậy, nàng nghĩ rằng có lẽ chồng nàng bị dân nổi lên giết chết. “Sao ta lại không tin chồng ta còn sống? Nếu chưa tin được chắc chắn, sao không đi tìm chồng?”. Nghĩ vậy, nàng không để mất một phút, trở về cung, trút bỏ đồ trang sức, ăn vận như một người thường dân rồi trốn đi tìm chồng, nàng không dám cho vua biết, sợ vua vì thương mà cầm lại chăng.
Nàng lủi thủi đi về phía thành Đắc-xô-thi-la, ruột đau như cắt. Dọc đường gặp ai nàng cũng hỏi có gặp Thái tử không? – Đi ngày này sang ngày khác chẳng được tin gì cả.
Một buổi sáng vừa ra khỏi chỗ trú đêm, nàng liền gặp một người nông phu đang gieo mạ. Người ấy nói lúc rạng đông, nhân đi qua cánh rừng nhỏ thấy một người trẻ tuổi mắt mù, mặc áo ra dáng ông hoàng; người nông phu liền cho người mấy quả cây hái ăn trong rừng và một chén nước lã.
Nàng Ma-đa-vi liền đến chỗ ấy thì nàng thấy Câu-na-la một mình trên phiến đá. Nhưng đau đớn thay, cặp nhãn tuyến của chàng đã tắt hẳn. Nàng khóc nấc lên và quỳ trước chàng nghẹn ngào, cầm lấy tay chàng. Nghe nước mắt nhỏ xuống tay, Thái tử cảm động, đoán là nàng Ma- đa-vi, nhưng chưa dám tin. Đến khi nghe rõ tiếng nàng không nghi ngờ gì nữa chàng bảo nàng ngồi xuống, trong lúc đang đau khổ ấy được gặp người thân yêu, nỗi vui mừng khôn xiết.
Thái tử thuật lại cho vợ nghe những chuyện xảy ra. Rồi đó nàng đỡ chàng đứng dậy, đưa chàng cùng về ra mắt vua cha.
*
Về phần vua A Dục từ khi được tin con ngựa Măng-đa-la về một mình và nàng Ma-đa-vi đi trốn, ngài rất lo ngại. Tức khắc sai sứ đến thành để hỏi tin Thái tử và tìm nàng Ma-đa-vi. Nhân dân trong thành, thấy vua lo ngại cho Thái tử liền hiểu họ bị cái dụ đầu tiên lừa. Sợ bị nghiêm trị họ liền tìm cách nói dối sứ giả rằng Thái tử đã một mình về triều. Dân chung quanh không dám hé răng, vì họ biết rằng nói ra sẽ bị trừng phạt. Sứ giả nghi dân đã giết Thái tử nhưng không có chứng cớ gì, đành trở về.
Trong khi ấy, hai vợ chồng Thái tử cũng dắt nhau về kinh. Bấy giờ Thái tử đã trút bỏ bộ áo quần ông hoàng mà khoác đồ rách rưới vì trong tình cảnh ấy đồ trang sức chỉ làm thêm đau lòng. Đi qua làng hai vợ chồng cất tiếng hát trong trẻo dịu dàng, dân làng động lòng đưa cho đồ để ăn uống.
Một ngày kia, hai người về đến cung điện vua. Lính canh cửa thấy người lam lũ nên không cho vào. Nhưng thấy cảnh thương hại áo rách bùn lầy bụi bặm nên cho vào trú trong chỗ chứa xe. Mỏi mệt hai người ngủ thiếp. Ngày mai, vua A Dục còn buồn rầu nghĩ đến con thì ngài giật mình vì nghe tiếng hát quen tai, đó là tiếng Thái tử hát trong nhà chứa xe. Vua nhận ra là tiếng con, nhưng còn sợ lầm, ngài sai ra hỏi xem ai hát. Cận thần tâu rằng: Đó là tiếng của người ăn mày, mù, đi với một người vợ. Vua liền sai dẫn cặp vợ chồng kia đến sân rồng. Thoạt đầu thấy người ăn mặc rách rưới, vua còn nghi ngờ chưa dám nhận là con, nhưng bộ mặt hiền từ phúc hậu kia thật là của Thái tử còn lầm sao được. Hơn nữa nàng dâu Ma- đa-vi, áo quần thô kệch cũng còn dễ nhận. Vua đưa mắt nhìn dâu, nhìn con rồi ôm choàng cả hai mà nức nở.
Một hồi lâu vua mới định thần lại, hỏi Thái tử vì sao mắc nạn. Khi hiểu nguyên do; vua nổi giận, nói rằng: “Đứa nào dám dùng ấn của trẫm để làm việc tày trời kia?”. Thái tử ngồi im vì chàng không muốn nói, sợ Hoàng hậu bị nghiêm phạt. Hỏi mãi, nàng Ma-đa-vi mới nhắc lại cho vua hay rằng Hoàng hậu Xích-di có được phép dùng riêng ấn vua một ngày. Đã nhiều lần vua nghĩ Hoàng hậu có bụng ác với Thái tử. Vì ngài nghĩ rằng, Hoàng hậu muốn cho con được nối ngôi tức là muốn trừ Hoàng tử Câu-na-la; tuy nghĩ vậy ngài vẫn không dám tin. Nhưng bây giờ sự đã rõ ràng, ngài liền truyền lệnh vời Hoàng hậu đến.
Về phần Hoàng hậu, từ khi thi hành thủ đoạn, mất ăn mất ngủ; hễ chớp mắt là thấy hiện ra cảnh Thái tử bị hành hình. Thế rồi vừa tỉnh dậy vừa lo, nàng lo rằng tội nàng sẽ có ngày bị tiết lộ. Nàng tưởng tượng rằng từ vua chí dân, ai cũng nhìn thấu rõ tâm can mình, và nàng càng thêm khắc khoải lo sợ.
Khi có lệnh đòi, nàng đoán biết là việc bại lộ. Lúc thấy tất cả cái tội ác của mình, nàng hối hận, nhưng không nói ra tiếng nữa, chỉ cúi gầm mặt xuống, đợi giờ tuyên án. Thái độ ấy rõ ràng hơn lời thú tội.
Vua A Dục nổi giận mắng lớn và truyền rằng trước khi đưa Hoàng hậu ra chém còn bắt chịu nhiều cực hình đau đớn đã. Thái tử tâu xin vua mở lượng từ bi giảm tội cho nàng. Nhưng vua vẫn không nghe, Thái tử bèn quỳ xuống nói rằng: “Tâu lạy phụ vương, nào phải một mình Hoàng hậu phạm tội đâu ! Đó chỉ vì kiếp trước con có làm nhiều tội ác, nên nay bị nghiệp báo thôi. Đã từ lâu con cố nhớ xem lại kiếp trước con đã tạo nên tội ác gì nhưng mãi đến tối hôm qua, con mới nhớ rõ…”.
Vua ngắt lời: “Như con thì có tội gì, con là người tốt nhứt trên đời!”. Thái tử cảm động đáp: “Một người hiền lương cũng chưa hẳn vô tội. Vì nếu kiếp này ăn ở hiền lành, nhưng kiếp trước bạc ác thì cứ chịu quả báo. Tâu Phụ vương, thuở xưa, có một người săn, một hôm thấy năm chục con dê rừng trong núi, liền dùng lưới bắt hết. Anh ta nghĩ rằng nếu giết hết thì tiêu thụ làm sao cho hết, chi bằng ta móc mắt chúng không trốn được, ta sẽ lần lượt đưa từng con tới tỉnh mà bán. Nghĩ thế anh ta không ngần ngại đưa tay móc mắt chúng đi rồi thả vào hang núi để bán dần dần. Người đi săn ấy là tiền kiếp của con. Người đi săn ấy làm khổ năm mươi chúng sanh, ngày nay chính là ngày người ấy trả nợ vậy”.
Vua nghe lấy làm cảm động, nhưng còn phân vân chưa tin thì Thái tử ngồi ngay ngắn lại, chắp tay trước ngực mà nói rằng: “Nếu lời tôi nói đúng sự thật, thì xin Phật chứng minh cho và mắt tôi sáng lại”.
Lời nói vừa dứt; mắt Thái tử bỗng sáng như thường, vua A Dục và nàng Ma-đa-vi xiết bao vui mừng.
Vua dẹp giận, ra lệnh ân xá cho nàng Xích-di, chỉ buộc nàng phải tìm chỗ yên tịnh để sám hối tội lỗi. Vua từ đó ngôi báu vững vàng, còn Thái tử chính thức được phong Đông cung để nối ngôi sau này và nàng Ma-đa-vi sẽ là Hoàng hậu.
2- LÒNG HIẾU THẢO CỦA CON CHIM OANH VŨ
Thuở xưa núi Tuyết Sơn có một con chim Oanh Vũ, cha mẹ đều mù, thường đi tìm trái cây thơm chín dâng cha mẹ dùng. Lúc bấy giờ, có vị điền chủ mới cấy lúa bèn phát nguyện rằng: “Lúa tôi đây, xin nguyện cho chúng sanh ăn dùng”. Chim Oanh Vũ thấy vị điền chủ phát tâm bố thí như vậy, bèn thường bay xuống lấy lúa cúng dường cha mẹ. Người điền chủ đi xem lúa, thấy loài chim, loài trùng phá hoại lúa quá sức, bèn nổi giận đặt lưới bắt được chim Oanh Vũ. Chim Oanh Vũ thưa vị điền chủ rằng: “Trước đây ông có lòng tốt bố thí nên tôi mới dám lấy lúa của ông sao lại đặt lưới bắt tôi?”. Người điền chủ hỏi: “Ngươi lấy lúa làm gì?”. Chim Oanh Vũ đáp: “Tôi có cha mẹ mù, nên phải lấy lúa cúng dường”. Vị điền chủ nói rằng: “Từ nay về sau, ngươi cứ lấy lúa mà dùng, đừng e ngại gì cả”. Loài súc sanh còn biết hiếu thuận cha mẹ huống nữa là người.
Chim Oanh Vũ là tiền thân Đức Phật Thích Ca. Người điền chủ là tiền thân ông Xá-lợi-phất.
B – HAI MẨU CHUYỆN ĐẠO
– BÀ GIÀ NGHÈO CÚNG ĐÈN
– THẦY TỲ KHEO VỚI CON NGỖNG
1- MỘT BÀ GIÀ NGHÈO CÚNG ĐÈN
Một thời Đức Phật ở nước La-duyệt-kỳ tại núi Kỳ-xà-quật, lúc bấy giờ vua A-xà-thế thỉnh Đức Phật dự lễ trai tăng trong hoàng cung. Sau khi thọ trai, Đức Phật trở về tinh xá Kỳ Hoàn. Vua bèn hỏi Kỳ-bà rằng: “Ta thỉnh Phật thọ trai xong, nay không biết nên làm gì?”. Kỳ-bà nói: “Ngài nên đem rất nhiều đèn để cúng dường Phật”. Vua liền sai chở một trăm thùng dầu về tinh xá Kỳ Hoàn.
Có một bà già nhà rất nghèo, có tâm chí thành muốn cúng dường Đức Phật mà không có tiền. Bà thấy vua A-xà-thế làm công đức như vậy, rất lấy làm cảm kích. Bà đi xin được hai tiền, liền đến nhà hàng mua dầu. Chủ hàng hỏi: “Bà rất nghèo túng, xin được hai tiền, sao không mua đồ ăn mà lại mua dầu?”. Bà già đáp rằng: “Tôi nghe ở đời gặp Đức Phật rất khó, vạn kiếp mới được một lần. Tôi nay may mắn được sanh thời Đức Phật ra đời, mà chưa có dịp cúng dường.
Ngày nay tôi thấy vua làm việc đại công đức, tôi tuy cùng khổ, cũng muốn cúng dường ngọn đèn để làm căn bản cho đời sau”. Lúc bấy giờ, người chủ quán cảm phục chí nguyện của bà già, liền đong cho thêm ba tiền thành được năm tiền dầu. Bà đến trước Đức Phật thắp đèn lên, tự nghĩ dầu thắp không quá nửa đêm, bà phát nguyện rằng: “Nếu như sau này tôi được chứng đạo Vô thượng như Đức Phật thời ngọn đèn này sẽ đỏ suốt đêm và sáng tỏ khác thường”. Phát nguyện xong bà lễ Phật rồi về.
Các ngọn đèn của vua cúng dường, có ngọn tắt, có ngọn đỏ, tuy có người săn sóc nhưng không được chu toàn. Riêng ngọn đèn của bà lão thì chiếu sáng hơn các ngọn đèn khác, suốt đêm không tắt, dầu lại không hao.
Trời sáng, Đức Phật bảo ngài Mục-kiền-liên rằng: “Trời đã sáng, hãy vào tắt các ngọn đèn”, Ngài Mục-kiền-liên vâng lời thứ lớp tắt các ngọn đèn, nhưng riêng ngọn đèn của bà già thổi tắt ba lần cũng không được; sau lấy áo cà sa mà quạt, ngọn đèn lại đỏ rực rỡ hơn. Đức Phật bèn bảo rằng: “Hãy dừng lại, ngọn đèn ấy là hào quang công đức của một vị Phật tương lai, không thể lấy thần thông của người mà trừ diệt được”.
Vua A-xà-thế nghe nói, liền hỏi Kỳ-bà rằng: “Ta làm công đức rộng lớn như vậy mà Đức Phật không thọ ký cho ta thành Phật, còn bà già kia chỉ thắp một ngọn đèn mà được thọ ký là cớ làm sao?”.
Kỳ-bà đáp rằng: “Ngài cúng đèn tuy nhiều mà tâm không chuyên nhứt, không bằng được tâm thuần thành của bà kia đối với Đức Phật”.
(A Xà Thế Vương Thọ Quyết Kinh)
2- THẦY TỲ KHEO VỚI CON NGỖNG
Có một vị Tỳ-kheo đến khất thực tại một nhà kia được mời vào trong phòng ngồi một mình. Người chủ lên tiếp chuyện tay có đeo một chiếc nhẫn, vô ý đánh rơi mà không biết. Lúc ấy có con ngỗng đi ngang nuốt vào bụng. Vị Tỳ-kheo thấy, nhưng không nói gì. Một lát, người chủ mới biết mất chiếc nhẫn bèn lên tìm hỏi. Vị Tỳ-kheo im lặng không đáp. Người chủ sanh nghi hỏi dồn, vị Tỳ-kheo vẫn im lặng. Không thể nén lòng tức giận, người chủ mắng chửi và đánh đập, nhưng vị Tỳ-kheo vẫn cam chịu không nói một lời gì, lúc ấy có người nhà, chạy lên thưa với người chủ rằng: “Không biết vì sao con ngỗng của nhà tự nhiên ngã chết ngoài sân kia”. Nghe lời nói xong, vị Tỳ- kheo mới thong thả trả lời: “Khi hồi tôi thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn”. Người chủ liền bảo người nhà đem mổ bụng con ngỗng thì tìm được chiếc nhẫn.
Người chủ hối hận liền thưa với vị Tỳ-kheo: “Bạch Thầy, sao khi hỏi Thầy lại không nói ngay cho con biết, để đến nỗi con sanh nghi, xúc phạm đến danh thể của Thầy?”.
Vị Tỳ-kheo trả lời: “Ông nghi cũng phải, nhưng nếu tôi nói ngay thì con ngỗng sẽ bị ông giết vì lời nói của tôi; việc ấy tôi không bao giờ dám làm cả, dẫu có hại đến tánh mạng của tôi cũng vậy”.
_____________________________
3- THUỘC VÀ HIỂU BÀI SÁM HỐI
“Đệ tử kính lạy, Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Thập phương chư Phật, Vô lượng Phật pháp, cùng Thánh Hiền Tăng. Đệ tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm, thành tâm sám hối, thề tránh điều dữ, nguyện làm việc lành, ngửa trông ơn Phật, từ bi gia hộ, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, hằng ngày an vui tu tập, pháp Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi, minh tâm kiến tánh, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại, đặng cứu độ các bậc Tôn trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng tất cả chúng sanh, đồng thành Phật đạo.
GIẢI NGHĨA
I. ĐẠI Ý:
Bài này có ý chính:
1- Xin thú nhận những lỗi của mình đã làm.
2- Xin nguyện làm các việc lành theo lời Phật dạy.
3- Xin nguyện hồi hướng công đức cho cha mẹ anh em chị em, cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.
II. DÀN BÀI:
Bài này có thể chia làm 3 phần:
-
- Từ câu “Đệ tử kính lạy…” đến câu “… cùng Thánh, Hiền, Tăng”, đoạn này đệ tử xin kính lạy Phật, Pháp, Tăng.
- Từ câu “Đệ tử lâu đời…” đến câu “… thần thông tự tại”, trong đoạn này, đệ tử xin sám hối những lỗi lầm đã làm, xin nguyện làm các việc lành, xin nhờ ơn chư Phật gia hộ để vâng theo lời Phật dạy.
- Từ câu “Đặng cứu độ các bậc Tôn trưởng…” cho đến hết. Trong đoạn này, đệ tử xin hồi hướng công đức cho cha mẹ anh em cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.
III. GIẢNG NGHĨA:
- Sám hối: Sám là xin thú nhận những lỗi đã làm. Hối là xin nguyện từ nay về sau không phạm những lỗi ấy nữa. Bài này gọi là sám hối, chúng ta đối trước Phật, Pháp, Tăng, tỏ bày những lỗi lầm của mình đã phạm từ trước đến nay, rồi xin nguyện từ nay về sau không phạm một lần nữa.
- Đệ tử: Đệ là em là học trò. Tử là con, là tiếng các Phật tử xưng đối với Đức Phật. Đức Phật là Thầy, mình là học trò là con, vì nhờ Đức Phật làm tăng trưởng trí huệ và phước đức, và vì Đức Phật thương tất cả chúng sanh như con.
- Kính lạy: Kính là tôn kính, tôn là trọng, lạy là năm vóc gieo xuống đất. Kính lạy là cử chỉ tỏ lòng cung kính tôn trọng đối với Phật, Pháp, Tăng.
- Đức Phật Thích Ca: Đức Phật là một vị giác ngộ cho mọi loài, cho mình, hai giác hạnh đều hoàn toàn viên mãn. Thích Ca là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ ở cõi Ta Bà, dịch nghĩa là Năng nhân Tịch mặc: Năng nhân là có lòng nhân từ; Tịch là trong sạch không có các tánh xấu; Mặc là an tịnh không có các phiền não nhiễu loạn.
- Phật A Di Đà: Là Đức Phật làm Giáo chủ ở cõi Tịnh Độ. A Di Đà có nghĩa là Vô lượng thọ nghĩa là sống lâu khôn lường và Vô lượng quang nghĩa là sáng suốt khôn lường.
- Thập phương chư Phật: Là các Đức Phật trong mười phương: phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Đông Nam, phương Tây Nam, phương Đông Bắc, phương Tây Bắc và phương trên, phương dưới. Đây chỉ phương nào cũng có rất nhiều Đức Phật, số nhiều như số cát sông Hằng không thể kể.
- Thánh Hiền Tăng: Tăng là chỉ các vị Tăng già xuất gia theo Đạo Phật. Thánh Hiền Tăng đây chỉ cho các vị Bồ-tát, các vị A-la-hán từ trước đến nay đã tu hành chứng quả.
- Lâu đời lâu kiếp: Đời là khoảng thời gian từ khi sanh ra đến khi chết. Kiếp là gồm có nhiều đời. Ý nói đệ tử trải qua rất nhiều kiếp về trước.
- Nghiệp chướng nặng nề: Nghiệp là sự hành động, có ba nghiệp là Thân nghiệp nghĩa là những hành động về thân, Khẩu nghiệp là những lời nói, Ý nghiệp là những ý nghĩ tư tưởng. Chướng là chướng ngại trên đường Chánh đạo, con đường giải thoát. Những nghiệp làm từ trước đến nay rất nặng nề, làm chướng ngại sự tu học, sự giải thoát của mình.
- Tham giận kiêu căng: Đây là một tánh xấu thường của người. Tham là tham lam, ham muốn như tham tiền, tham ăn v.v… Giận là nóng nảy giận dữ. Kiêu căng là khoe khoang ỷ mình tài giỏi khinh người.
- Si mê lầm lạc: Đây là một tánh xấu nữa; u mê ngu dốt không biết phải trái, nên làm việc sai lạc. Bốn tánh xấu này là tánh cội gốc của con người, bao nhiêu tánh xấu khác đều do bốn tánh này mà ra.
- Ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm: Ngày hôm nay nhờ Phật chỉ bày dạy bảo nên tự biết những điều sai lầm, những tánh xấu.
- Thành tâm sám hối: Xin thành tâm sám hối tất cả những tội lỗi.
- Thề tránh điều dữ, nguyện làm lành: Nghĩa là đứng trước Phật, Pháp, Tăng, xin tự hứa chắc chắn bắt đầu từ nay bỏ tất cả điều dữ hại người, làm tất cả việc lành lợi người.
- Ngửa trông ơn Phật từ bi gia hộ: Nghĩa là trông mong lòng từ bi của Đức Phật thương tưởng ủng hộ giúp đỡ.
- Thân không tật bệnh, tâm không phiền não: (Phiền não là nung nấu não loạn) nghĩa là trông mong ơn Phật gia hộ cho thân thể khỏi các bệnh tật, tâm được an tịnh, khỏi những sự phiền não làm rối loạn.
- Hằng ngày an vui tu tập: Tu là sửa tánh xấu; tập là làm theo những hạnh lành; nghĩa là thường thường được an tịnh vui vẻ, sửa đổi những tánh xấu tập làm hạnh lành.
- Phép Phật nhiệm mầu: Tức là những phương pháp Phật dạy áp dụng theo, sẽ có nhiều kết quả rất nhiệm mầu, khó lường hiểu được.
- Minh tâm kiến tánh: Là sáng rõ chơn tâm, thấy rõ thể tánh, tức là được giải thoát giác ngộ như Đức Phật sáng suốt, thấy rõ tâm tánh chơn thật của mình và của mọi người.
- Trí huệ sáng suốt: Là không còn u mê tối tăm, trí não được sáng suốt, hiểu rõ mọi sự mọi vật.
- Thần thông tự tại: Thần thông là những phép bí mật huyền diệu người thường làm không nổi, chỉ riêng các vị giác ngộ mới hiểu, mới làm được. Tự tại là tự do tự ý không bị hoàn cảnh xung quanh trở ngại, tùy theo ý muốn làm gì cũng được.
- Đặng cứu độ các bậc Tôn trưởng cha mẹ anh em thân bằng quyến thuộc cùng tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo: Cứu độ là cứu giúp đưa từ đau khổ đến an vui, từ mê lầm đến giác ngộ; Tôn trưởng là các vị Trưởng lão nhiều tuổi, nhiều đức đứng đầu trong một họ, một phái. Chúng sanh chỉ cho tất cả các loài có sanh mạng, có sống chết như các loài người, loài súc sanh, loài chư thiên… Đây là lời nguyện của một Phật tử tu hành không phải mưu lợi riêng cho mình mà còn nguyện cứu độ tất cả mọi loài cũng được giác ngộ như mình.
Nỗi khổ bị thiêu trong ba đường dữ, nỗi khổ chở nặng của con lạc đà, con lừa, nỗi khổ đói khát của quỷ đói, chưa gọi là khổ. Si mê không học, không biết hướng đi mới gọi là khổ.
KINH SA DI THẬP GIỚI
_____________________________
4- HIỂU MỤC ĐÍCH
CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
VÀ Ý NGHĨA HUY HIỆU HOA SEN
A- MỤC ĐÍCH CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Mục đích của Gia đình Phật tử là đào tạo những Phật tử chơn chánh và cải tạo đời sống theo chơn tinh thần Phật giáo.
ĐÀO TẠO NHỮNG PHẬT TỬ CHƠN CHÁNH
Một Phật tử chơn chánh là một Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng, giữ giới đã phát nguyện và thực hành năm hạnh Tinh tấn, Hỷ xả, Thanh tịnh, Trí huệ và Từ bi.
- Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng là tôn Phật, Pháp, Tăng làm Thầy, trọn đời quy ngưỡng, y chỉ Phật, Pháp, Tăng, lời nói, ý nghĩ, việc làm đều hướng về Phật, Pháp, Tăng, không theo Thượng đế tà sư, ngoại đạo tà giáo, không theo bè đảng độc ác.
- Giữ giới đã phát nguyện thọ lãnh. Giới là những giới luật của Đức Phật chế, như Năm giới của người tại gia. Trong Năm giới ấy, tùy nguyện tùy sức đã thọ lãnh giới nào thời triệt để giữ giới ấy, lúc nào phạm, thời phải làm lễ sám hối rồi cầu xin giữ lại.
- Sống theo năm hạnh. Tinh tấn, Hỷ xả, Thanh tịnh, Trí huệ, và Từ bi.
a. Tinh tấn: Nghĩa là luôn luôn tiến trên con đường trong sạch tinh tuần (tinh), trên con đường đến mục đích của Đoàn, trên con đường Đạo. Tượng trưng hạnh Tinh tấn là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hy sinh gia đình, ngôi báu, vợ con danh lợi, để dấn thân trên đường đạo, tu khổ hạnh trong sáu năm, ngồi thiền định 49 ngày; rồi sau khi thành đạo, lại đi thuyết pháp giáo hóa hơn bốn mươi chín năm, cứu toàn thể chúng sanh thoát khỏi mọi điều thống khổ.
Một thiếu niên, thiếu nữ sống theo hạnh Tinh tấn là luôn luôn tinh tấn thực hành các hạnh Hỷ xả, Thanh tịnh, Trí huệ và Từ bi. Trái với hạnh Tinh tấn là biếng nhác trên đường đạo, trong bổn phận của mình.
b. Hỷ xả: Nghĩa là luôn luôn vui vẻ hoan hỷ, làm mọi người mọi loài vui vẻ hoan hỷ, sống phóng xả hy
- Gặp việc buồn, dữ, hoặc bệnh tật, không than khóc quá lo buồn, sợ hãi.
- Thấy người làm việc lành hoặc được người khen thì vui vẻ, tán thành không ganh ghét, tức bậc.
- Thấy người gặp việc buồn khổ, thì khuyên giải…
- Gặp người xúc phạm, không tức giận, mắng nhiếc, đánh đập. Trái lại dùng lời từ hòa giảng dụ giải thích; nếu không được thì nhẫn nhịn.
- Biết hy sinh cho mọi người, mọi loài.
Hỷ xả không có nghĩa là vui vẻ trẻ trung, cười nói ồn ào. Hỷ xả là hạnh của một tâm hồn trong sạch, yêu đời, thương mọi loài, điềm tĩnh và biết hy sinh. Một thiếu niên sống theo hạnh Hỷ xả là có một gương mặt tươi trẻ, một cặp mắt trong sáng, một nụ cười hiền hòa; và trong tự thân tỏa ra sức mạnh khiến mọi người hoan hỷ hy sinh theo mình. Tượng trưng hạnh Hỷ xả là Đức Phật Di Lặc, một Đức Phật có một lòng thương rộng lớn cao cả, một gương mặt luôn luôn tươi cười.
c. Thanh tịnh: Nghĩa là trong sạch thân thể, trong sạch lời nói, ý nghĩ, việc làm và sống một cuộc đời giản dị thanh bạch.
- Trong sạch trong thân thể, là thân hình sạch sẽ, tóc chải tử tế, áo quần tề chỉnh, bao giờ cũng vậy.
- Trong sạch trong lời nói, là không nói lời giả dối, độc ác, thêu dệt, chải chuốt, nói hai lưỡi. Chỉ nói lời thành thật, từ hòa, giản dị và chánh trực.
- Trong sạch trong ý nghĩ, là không có tánh tham, sân, si, tư tưởng trong sạch chơn chánh.
- Trong sạch trong việc làm, là cử chỉ việc làm chơn chánh.
- Sống giản dị, là sống thanh bạch giản dị, đạm bạc, không xa hoa, phù phiếm.
Một thiếu niên, thiếu nữ sống theo hạnh Thanh tịnh là thân thể áo quần luôn luôn sạch sẽ tề chỉnh, lời nói, ý nghĩ, việc làm, luôn luôn trong sạch và sống cuộc đời giản dị thanh bạch.
Tượng trưng hạnh Thanh tịnh là Đức Phật A Di Đà, một Đức Phật có hào quang vô lượng, thọ mạng vô lượng, hai quả đức do nhân hạnh hoàn toàn thanh tịnh; và cảnh giới của Đức Phật A Di Đà hóa độ chúng sanh là cảnh Tịnh Độ, một cõi hoàn toàn trong sạch đẹp đẽ.
d. Trí huệ: Là hiểu biết đúng đắn, cùng khắp, tất cả. Hiểu biết đúng đắn là sự thật cảnh vật như thế nào, thì hiểu đúng như vậy không sai lầm. Hiểu biết cùng khắp là hiểu biết rộng rãi. Một thiếu niên, thiếu nữ sống theo hạnh Trí huệ là phải học hiểu những điều phải học đúng theo chương trình, phải học hiểu Phật pháp đúng theo thứ bậc của mình. Tượng trưng hạnh Trí huệ là đức Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, một vị Bồ-tát có trí huệ bậc nhứt, tiêu biểu cho trí căn bản, và thường thay thế Đức Phật khai sáng trí huệ cho mọi loài.
đ. Từ bi: Là đem vui cứu khổ cho mọi loài. Đem vui là gieo sự vui vẻ như người đọc sách, đem sách tặng khiến cho vui vẻ, hoặc dùng lời nói hòa nhã giảng đạo khiến cho vui vẻ.
Cứu khổ: Là trừ những nỗi đau khổ cho mọi loài, như đối với người khổ vì đói khát thì bố thí các món ăn uống cho hết khổ… Một thiếu niên, thiếu nữ sống theo hạnh Từ bi là luôn luôn cứu giúp mọi loài, mọi người sống hạnh phúc. Tượng trưng hạnh Từ bi là Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, một vị Bồ-tát hiện thân cứu khổ cứu nạn cho mọi loài, luôn luôn thương tưởng, cứu giúp cho tất cả chúng sanh.
B- CẢI TẠO ĐỜI SỐNG THEO CHƠN TINH THẦN ĐẠO PHẬT
Đã sống theo Đạo Phật, Phật tử có trách nhiệm cải hóa đời của mình, của người thân, bạn bè chung quanh mình cùng sống theo tinh thần Bi Trí Dũng của Đạo Phật. Mỗi Phật tử phải là một năng lực cải tạo, một sức mạnh cảm hóa, để chuyển đổi mọi hoàn cảnh, mọi người, mọi loài, trong tất cả thời, khắp tất cả chỗ.
C- HUY HIỆU HOA SEN
Huy hiệu của Gia đình Phật tử là dấu hiệu tròn hoa sen trắng, có tám cánh trên nền màu xanh lá mạ.
- Hình tròn tượng trưng cho Đạo Phật viên dung, hoàn toàn, vô ngại.
- Sen trắng tượng trưng cho ánh sáng của trí huệ: hoàn toàn (giác ngộ) và cho ánh sáng của hạnh Thanh tịnh hoàn toàn (giải thoát).
- Tám cánh sen chỉ rõ mục đích của Gia đình Phật tử: 5 cánh trên chỉ cho các hạnh Tinh tấn, (cánh giữa), Hỷ xả, Thanh tịnh (2 cánh bên trái, bên mặt cánh giữa, ở ngoài ngó vào), Trí huệ và Từ bi (bên trái cánh Hỷ xả, bên phải cánh Thanh tịnh), 3 cánh dưới chỉ cho Phật (cánh giữa), Pháp (cánh phía trái ở ngoài ngó vào) và Tăng (cánh phía mặt).
- Màu xanh là màu tương lai, màu hy vọng, màu của Thanh, Thiếu, Nhi Phật tử.
_____________________________
5. HIỂU CHÂM NGÔN VÀ NĂM ĐIỀU LUẬT
CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
A- CHÂM NGÔN BI, TRÍ, DŨNG
BI – Là cho vui, cứu khổ, đem hạnh phúc đến cho mọi loài, cứu khổ diệt trừ mọi nỗi thống khổ cho chúng sanh. Đạo Phật là đạo Từ bi, Đức Phật là hiện thân của từ bi, nên Phật tử phải là người thực hành hạnh từ bi, đem vui cứu khổ cho mọi loài. Người Phật tử cố gắng không làm đau khổ một ai, dầu là đối với súc vật; người Phật tử không thản nhiên trước sự đau khổ của muôn loài, Phật tử phải ra tay cứu giúp. Phật tử đến đâu cần phải cố gắng diệt trừ đau khổ, đem hạnh phúc an vui ban rải cùng khắp.
TRÍ – Là hiểu biết sáng suốt cùng khắp, nhận chơn được sự thật. Đạo Phật là đạo Giác ngộ, Đức Phật là hiện thân của Giác ngộ, nên Phật tử phải là người thực hành trí huệ, luôn luôn tìm hiểu, hướng tiến đến sự thật. Người Phật tử không cam tâm chịu dốt, chịu mê mờ, Phật tử phải tìm hiểu học hỏi, luôn luôn tìm chơn lý, Phật tử khai sáng cho mình, còn có bổn phận khai sáng cho người, tự mình tìm hiểu để bày vẽ cho mọi người tìm hiểu. Phật tử học Phật pháp tức là học pháp như Thật để tìm hiểu sự Thật, tức là học những phương pháp sống như Thật để hướng tiến đúng mục đích như Thật.
DŨNG. – Là dũng mãnh tinh tấn, không yếu đuối, hèn nhát, luôn luôn quả cảm, không giải đãi, gián đoạn. Đạo Phật là đạo Hùng lực. Đức Phật là đấng Đại hùng Đại lực, nên Phật tử phải là người anh dũng quả cảm luôn luôn tiến đến giác ngộ, giải thoát của Đạo Phật, luôn luôn đem vui cứu khổ cho muôn loài, luôn luôn tìm hiểu, học hỏi khai sáng trí huệ cho mình, cho mọi người. Người Phật tử cố gắng vượt qua mọi sự thử thách gian lao, mỉm cười trước nguy hiểm, tự tại trước thất bại, vững chí cương quyết, dũng tiến trên con đường đạo.
B- NĂM ĐIỀU LUẬT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
- Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
- Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống.
- Phật tử trau giồi trí huệ, tôn trọng sự thật.
- Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
- Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường Đạo.
GIẢI THÍCH
- Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng là tôn Phật, Pháp, Tăng làm Thầy, trọn đời quy ngưỡng, y chỉ Phật, Pháp, Tăng, lời nói, ý nghĩ, việc làm đều hướng về Phật, Pháp, Tăng, không theo Thượng đế, tà sư, không theo ngoại đạo tà giáo, không theo bè đảng độc ác.
Giữ giới đã phát nguyện: Giới là những giới luật của Đức Phật chế như năm giới của người tại gia. Trong năm giới ấy, tùy nguyện tùy sức đã thọ lãnh giới nào, thời triệt để giữ giới ấy, không lúc nào trái phạm. Nếu trái phạm thời phải làm lễ sám hối rồi cầu xin giữ lại. - Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống. Phật tử thực hành hạnh Từ bi, mở rộng lòng thương cùng khắp mọi người, mọi loài là tôn trọng sự sống của tất cả sanh vật. Phật tử không thương riêng thân mình, riêng gia đình mình, mà phải mở rộng lòng thương cùng khắp mọi người, mọi gia đình. Phật tử không thương riêng loài người mà còn thương yêu các loài sinh vật nữa. Phật tử tôn trọng sự sống nghĩa là không giết hại mạng sống của bất cứ sinh vật nào, mà còn phải bảo tồn, tôn trọng tất cả sự sống, dầu là sự sống của những sinh vật nhỏ nhiệm. Phật tử giữ giới không sát hại và ăn chay cũng là giữ điều luật này.
- Phật tử trau giồi trí huệ tôn trọng sự thật. Phật tử thực hành hạnh trí huệ bằng cách phát chiếu trí huệ và tôn trọng sự thật. Phật tử dùng trí huệ để tìm hiểu học hỏi, dùng lý trí để xét đoán, không mê tín dị đoan. Đối với các học thuyết Phật tử lấy trí phán đoán vô tư để tìm hiểu, nếu phải thì công nhận, nếu trái thì không tin Đối với Phật pháp, Phật tử hết sức tìm hiểu chơn nghĩa của Phật, dùng lý trí phân tích, thực nghiệm tìm hiểu để thực hành, để sống như lời Phật dạy, vì Phật tử nhận rõ rằng chỉ có sự thiệt hạnh mới phát sinh trí tuệ con người. Phật tử tôn trọng sự thật nghĩa là biết phụng sự lẽ phải và sự thật. Phật tử sẽ không nói láo là nói lời trái với sự thật. Phật tử không xuyên tạc sự thật để mưu cầu danh lợi hay để bênh vực lòng tự ái của mình.
- Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Phật tử thực hành hạnh Thanh tịnh, hạnh hoa sen trong trắng, giữ gìn thân thể, lời nói, ý nghĩ, việc làm cho tinh sạch trong sáng. Phật tử giữ y phục, thân thể, sách vở, nhà cửa, sạch sẽ. Phật tử chỉ nói lời chơn thật, hòa giải, như thật, nhu hòa. Phật tử không nghĩ, không làm các điều ác, chỉ nghĩ, chỉ làm những điều thiện có lợi mình và lợi người.
- Phật tử sống hỷ xả để vững tiến trên đường Đạo. Phật tử thực hành hạnh Hỷ xả và Tinh tấn. Phật tử sống hỷ xả là luôn luôn hoan hỷ vui vẻ, dầu gặp những nghịch cảnh, trở lực. Phật tử vui vẻ hỷ xả để giúp đỡ cứu khổ cho mọi loài không để tâm ganh ghét thù hằn một ai. Phật tử tinh tấn trên đường đạo không dừng nghỉ, không thoái thoát. Phàm làm việc gì thì làm đến kỳ cùng, cho đến khi thành tựu mới thôi. Dầu gặp thất bại, Phật tử không có quyền thoái thoát, đình chỉ, rút lui. Dầu gặp nghịch cảnh trở lực, Phật tử phải luôn luôn gắng sức. Khi nào mục đích chưa thành tựu mỹ mãn người Phật tử vẫn phải hoan hỷ, xả bỏ tất cả, để dũng tiến trên đường đạo sáng.
Si là gốc tội lỗi, Huệ là gốc hạnh lành
KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ