
Niên Trưởng Phúc Thiện Ngũ Duy Thành, bên phải, hàng đầu.
Hiện nay là Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ | Ảnh: Facebook Vạn Hạnh I
MỞ ĐẦU
Nghệ thuật lãnh đạo là một phương thức bao gồm nhiều yếu tố phải có của một cá nhân để có thể chỉ huy, hướng dẫn, điều hành một tập thể sao cho những người cộng sự với mình cùng vui vẻ đồng hành, mến phục và hết lòng cộng tác. Lãnh đạo là cả một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì cần phải học hỏi, trau dồi liên tục mới đạt được kết quả trong vai trò lãnh đạo. Có như vậy công việc của mình, một người lãnh đạo, sẽ được thành công và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.
Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục. Giáo dục Thanh Thiếu Đồng Niên thành Phật tử chân chánh góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Lãnh Đạo trong một tổ chức giáo dục như Gia Đình Phật Tử không phải dễ, là cả một nghệ thuật, là cả một tiến trình học hỏi, thực hành, chuẩn bị và uyển chuyển. Bởi vì có như vậy người huynh trưởng mới tạo được tình cảm giữa các đoàn viên với nhau, mới có thể phát huy ý thức mục đích và lý tưởng cao đẹp của tổ chức, mới thực sự đóng góp cho sự thăng tiến của Tổ chức. Cái khéo léo và tài nghệ của người lãnh đạo được biểu lộ ra không phải ở trong lệnh truyền nhưng là ở tại sự điều hợp và điều khiển lệnh truyền một cách uyển chuyển sao cho có hiệu quả để mọi cộng sự viên đều đồng lòng, đều nỗ lực để cùng tay nắm tay thực hiện công việc đó đi tới thành công. Người lãnh đạo phải biết mọi vấn đề liên hệ tới công việc của mình. Người lãnh đạo có thể không phải làm gì cả, nhưng sẽ có thể làm được tất cả. Vai trò lãnh đạo của người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử thực sự quan trọng, tế nhị và khá phức tạp. Bởi vì vai trò này có vấn đề tâm linh trong đó và đòi hỏi sự uyển chuyển về cả hai phương diện Tình và Lý. Tình Anh Chị Em trong một Gia đình và những Lý luận vững chắc để thuyết phục. Đề tài Nghệ Thuật Lãnh Đạo thì quá rộng lớn và khô khan, do đó trong phạm vi của bài tiểu luận này, chúng tôi sẽ triển khai và sẽ nhấn mạnh về những yếu tố ĐẶC THÙ trong nghệ thuật lãnh đạo đối với tổ chức Gia Đình Phật Tử.
NHỮNG YẾU TỐ CẦN CÓ,
NÓI CHUNG,
TRONG NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO:
Để đạt được sự thành công trong nghệ thuật lãnh đạo, người lãnh đạo, nói chung, khi nhận lãnh một công việc, cần phải biết việc mình sẽ làm qua những yếu tố sau đây:
Tinh thần trách nhiệm:
Đây là một yếu tố đầu tiên và quan trọng trong Nghệ Thuật lãnh đạo. Khi nhận lãnh một công việc, người Lãnh Đạo có tinh thần trách nhiệm sẽ hết sức mình, cố gắng, hy sinh vượt mọi khó khăn và khéo léo điều hợp để hoàn tất một cách tốt đẹp công việc mình đã nhận.
Chuẩn bị:
Khi nhận lãnh một công việc, người Lãnh Đạo sẽ phải chuẩn bị quan sát xem hoàn cảnh, xem công việc, xem các cộng sự viên…v. Người lãnh đạo phải biết rõ về lý lịch, tính tình, khả năng những người cộng sự. Nhất là tìm hiểu hoàn cảnh hiện tại để soạn thảo chương trình và xếp đặt công việc sao cho thích hợp. phải tính toán, đo lường, chuẩn bị trước những việc phải làm, những điều phải nói.
Nghiên cứu:
Sau khi chuẩn bị, mình nên tìm hiểu thêm để xét mình, xét người, xét phương tiện. Chỉ thực hiện những gì là thuộc phạm vi của mình. Lượng sức khả năng của mình và đắn đo cân nhắc để sử dụng những phương tiện cần thiết, thích ứng trong nghệ thuật lãnh đạo, điều khiển. Suy nghĩ, ước đoán và nhìn thấy trước các diễn tiến của công việc để có được những dự phòng chính xác hơn. Phát huy sự sáng tạo, kỹ năng hỗ trợ cho việc hướng dẫn cộng sự viên. Biết linh động, xoay sở, phản ứng, đối phó nếu cần.
Hành động:
Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị và nghiên cứu, phân công cụ thể cho đúng người, đúng việc. Khi bắt đầu hành động mình phải tin tưởng vào công việc mình làm, tin tưởng vào người cộng sự viên mà mình đã trao phó trách nhiệm, tin tưởng vào lợi ích chung và mục đích cao cả của công việc và tự tin rằng mình có thể hoàn thành được một cách tốt đẹp.
III. NHỮNG YẾU TỐ ĐẶC THÙ
CẦN CÓ TRONG NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO
TRONG GĐPT:
Ngoài những yếu tố căn bản cần có bên trên, một số yếu tố ĐẶC THÙ cần thiết thêm trong nghệ thuật lãnh đạo ở Tổ Chức Gia Đình Phật Tử như sau:
Hiểu biết mục đích, hướng đi, lý tưởng:
Người Huynh trưởng trong GĐPT mà không hiểu biết mục đích, hướng đi, lý tưởng của GĐPT thì như một người mù, lạc lối, không biết đường đi. Chính mình không biết đường đi thì làm sao mà hướng dẫn cho người khác. Do đó, trước tiên người Huynh trưởng, người lãnh đạo các Cấp trong Tổ Chức GĐPT, cần phải:
– Hiểu biết tường tận về Mục Đích của Gia Đình Phật Tử.
– Tôn trọng, thực hành Châm Ngôn và các điều Luật của Gia Đình Phật Tử.
– Nắm vững – Đường Hướng, Lập Trường và Vị Trí của Gia Đình Phật Tử.
Chỉ có như vậy thì người Huynh trưởng, người lãnh đạo trong GĐPT mới có thể biết và đi đúng đường, dẫn đúng lối để hoàn tất tốt đẹp nhiệm vụ của mình.
Tinh thần phục vụ, hy sinh, dấn thân vô vị lợi:
Điều kiện quan trọng và cần thiết của người Lãnh Đạo trong Gia Đình Phật Tử là tinh thần hy sinh phục vụ vô vị lợi. Tinh thần phục vụ cho tha nhân, quên mình vì người, quên mình vì đàn em, vì tập thể. Trong tinh thần phục vụ đó người Huynh Trưởng phải hy sinh, không ngại và chấp nhận khó khăn. Đây là tinh thần Giác Tha của Phật Giáo. Do đó, người Lãnh Đạo luôn tiên phong trong mọi việc làm và luôn giữ thái độ tích cực, lạc quan trọng mọi hoàn cảnh dù xấu hay tốt. Đồng thời, người có tinh thần phục vụ vô vị lợi thì không nên để cho danh tướng, công hầu, tiền bạc… ảnh hưởng đến tinh thần phục vụ của mình. Trong quá khứ, một số ít Huynh trưởng lãnh đạo tuy có tinh thần phục vụ cao nhưng đã bị u mê bởi danh tướng, bởi công hầu nên cả Tổ chức GĐPT đã gặp những vận hạn không may, tổ chức bị nghiêng ngửa là vậy. Tình trạng trong nước hiện có 3, 4 Ban Hướng Dẫn Trung Ương hoặc hiện tại ở Hoa Kỳ, tổ chức GĐPT bị phân hóa rã rời cũng một phần là vì có sự nghiêng ngả, danh tướng, lợi ích cá nhân của một số ít Huynh trưởng lãnh đạo nếu chúng tôi không lầm.
Tinh thần Đắc Nhân Tâm, Thân giáo, Lục Hòa, Uyển chuyển và thuyết phục:
Một người Huynh trưởng được sự thương yêu, mến phục và hết lòng hợp tác của các anh chị em cộng sự là đã đạt được một nửa của sự thành công trong nghệ thuật lãnh đạo. Đó là tinh thần Đắc nhân tâm. Thêm vào đó, những yếu tố hết sức cần thiết trong nghệ thuật lãnh đạo sẽ là:
– Hình dáng, cách phục sức bên ngoài gọn gàng, đứng đắn.
– Những lời nói, phát ngôn uy tín, chững chạc.
– Những ý tưởng, toan tính tốt lành.
Ngoài ra, người Lãnh Đạo nên luôn sống trong tinh thần hòa đồng, vui vẻ. Luôn luôn đem vui, cứu khổ, tha thứ, hài hòa. Người lãnh đạo phải luôn có sự khôn khéo và tế nhị trong cung cách đối xử với những Anh Chị Em cộng sự. Hãy biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến lẫn nhau, tôn trọng sự đóng góp của các cộng sự viên dù nhiều hay ít như trong câu chuyện của một người tiều phu gánh nước tưới cây. Một chiếc thùng trên đòn gánh bên này lành lặn nhưng chiếc thùng đầu gánh bên kia bị rò rỉ. Tuy gánh đến nơi, chiếc thùng bên kia chỉ còn một nửa số lượng nước thùng bên này, nhưng một thời gian sau, dọc con đường gánh nước của người tiều phu hoa và lá nở rộ thật đẹp. Thì đó cũng là một sự đóng góp của chiếc thùng rò rỉ vậy.
Người Huynh trưởng lãnh đạo phải lấy thiện tâm của mình để chia sẻ những khó khăn, khúc mắc và sẵn sàng tiếp tay khi cần thiết. Cố gắng khuyến tấn cộng sự viên để hoàn thành công việc tốt đẹp và đôi lúc cũng phải xắn tay áo làm công việc. Luôn tỏ ra có tinh thần tương thân, tương trợ lẫn nhau. Có tinh thần hiểu biết và thông cảm lẫn nhau trong mọi nơi mọi lúc. Tin tưởng vào công việc mình làm, tin tưởng vào người cộng sự với mình.
Người huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử được biểu lộ không phải trong lệnh truyền, mà phải có sự uyển chuyển để cùng nhau tìm phương thức giải quyết trong thân tình, trong thương yêu và hiểu biết. Hãy cùng nương nhau, đỡ nhau để hoàn tất trách nhiệm, thăng tiến tổ chức như một đàn vịt trời mỗi năm xuôi Nam để tìm nắng ấm phải bay theo đội hình đặc biệt, tạo nên sức gió nâng đỡ con bên cạnh và con bên cạnh lại tạo nên sức gió nâng con kế bên, để tất cả cùng bay nhẹ nhàng, bay xa hơn và tất cả cùng đến đích mau hơn và an toàn hơn.
Khả năng điều hợp và tinh thần giao việc:
Người Huynh trưởng trong vai trò lãnh đạo, thì không phải làm nhưng có thể làm được tất cả. Vì có thể làm được nên người Huynh trưởng phải biết hướng dẫn, phải điều hợp như thế nào để công việc được trôi chảy. Trong khả năng điều hợp thì người Htr. phải biết mình, phải biết người. Người Htr. nên tìm hiểu hoàn cảnh của các cộng tác viên tại thời điểm mà chúng ta giao nhiệm vụ xem có phù hợp không. Nhiều lúc vì vấn đề tế nhị mà mình nên đợi đến lúc cần nói thì công việc mới được thi hành tốt đẹp.
Người Huynh trưởng phải là người có lập trường vững vàng, dứt khoát. Tuy có uyển chuyển nhưng khi đã quyết định vấn đề gì thì phải quyết định thẳng thắn, rõ ràng, không có sự nửa chừng, ngập ngừng. Khi đã quyết định, người Lãnh Đạo phải khéo léo phát động công việc và khi phân công, truyền lệnh phải để ý những điều quan trọng như sau:
– Phân công, truyền lệnh phải biết rõ là mình muốn gì. Tránh những lệnh vớ vẩn, lung tung. Truyền những việc họ có thể làm được, có nghĩa là phải biết khả năng và giới hạn của người nhận lệnh.
– Phân công, truyền lệnh một cách vô tư, hợp tình, hợp lý. Nhằm đem lại ích lợi chung, ích lợi cho kẻ khác và mang lại hoàn mãn cho công việc.
– Phân công, truyền lệnh phải rõ rệt, ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa và dễ hiểu cho người nhận lệnh. Cần có sự đắn đo suy nghĩ trước khi ra lệnh để không phải truyền đi truyền lại mấy lần mới đúng ý mình muốn.
– Phân công, truyền lệnh đơn sơ, tế nhị. Dùng chữ dễ hiểu và lời nói tế nhị để tránh đụng chạm. Hãy dùng những câu như: Mình đã quyết định, tôi mong rằng… tôi tin tưởng rằng anh/chị sẽ thực hiện được công việc đó…
– Phân công, truyền lệnh trong tinh thần chúng ta cùng làm…. nhắc lại những cố gắng mà chúng ta đã thực hiện, rồi gợi ý những việc cần làm hơn là ra lệnh. Tránh không nên dẫm chân vào lãnh vực của người mà mình đã trao trách nhiệm. Hãy đặt tín nhiệm nơi họ và thông cảm với họ, giúp họ làm việc, khích lệ sáng kiến, tiếp nhận ý kiến xây dựng của họ.
Dự đoán kết quả:
Cuối cùng, khi người Lãnh Đạo nhận một trách nhiệm và sau khi đã phân chia công việc cho các cộng tác viên, người Lãnh Đạo cũng nên dành thời giờ để suy nghĩ, ước đoán, tiên liệu và dự phòng những diễn tiến của công việc để dự đoán kết quả. Người Lãnh Đạo nên tránh những thái độ hốt hoảng, bi quan chán nản, thiếu bình tĩnh mà nên phải bình tĩnh, nhìn thẳng vào vấn đề, không tránh né, đổ lỗi cho người khác. Có những lúc chúng ta cần phải lấy quyết định của tập thể, của số đông. Ý kiến của tập thể bao giờ cũng sáng suốt hơn ý của riêng mình. Mình nên cùng tập thể tìm cách giải quyết trong Tình và Lý, trong sự yêu thương và hiểu biết. Có như vậy cơ hội thành công sẽ nhiều hơn và cao hơn.
KẾT LUẬN:
Tóm lại, nghệ thuật lãnh đạo đòi hỏi sự kiên tâm học hỏi và trau dồi mỗi ngày. Nó đòi hỏi sự nhẫn nại, uyển chuyển và cố gắng cải tiến trong cung cách xử thế, trong sự suy nghĩ, trong lời nói cũng như trong hành động. Đặc biệt là người Huynh Trưởng lãnh đạo trong Gia Đình Phật Tử còn cần phải có một đời sống nội tâm dồi dào, một nếp sống đạo đức gương mẫu theo đúng tinh thần Châm Ngôn, đúng với những Điều Luật, Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử. Ngoài ra phải cần có những yếu tố tinh thần khác như Đắc nhân tâm, Thân giáo, Lục hòa, khả năng điều hợp …. uyển chuyển để sống dưới ánh sáng Từ Bi, Phục Vụ, vì Đạo, vì Đời, vì tha nhân đúng với tinh thần của “TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN:
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ – Nguyện độ giải thoát vô số chúng sinh.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn – Nguyện đoạn tuyệt với vô vàn phiền não
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học – Nguyện tu học Phật pháp nhiều vô lượng
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành – Nguyện đạt thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác
Với tinh thần như vậy người Huynh Trưởng sẽ chính là người đốt đuốc, soi đường cho mình đi, soi đường cho người khác và tinh thần Phật Giáo luôn soi sáng và hướng dẫn người Huynh trưởng trong vai trò Người Lãnh đạo mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Nếu hiểu biết nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy, người huynh trưởng sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong mọi công việc, tránh được những lầm lỗi đáng tiếc và mọi công việc sẽ hoàn mãn tốt đẹp. Tổ chức sẽ ngày một thăng tiến.
_______________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- http://tailieu.vn/doc/nghe-thuat-lanh-dao-chi-huy
- http://tailieu.vn/…/21-nguyen-tac-vang-cua-nghe-thuat-lanh-…
- Bài thuyết trình về Tinh thần và nghệ thuật lãnh đạo cho/của Tổ Chức GĐPT của Chúng 2 và 3 Trại Vạn Hạnh I – GĐPTVN tại Hoa Kỳ.