
Lễ Kết Khóa Vạn Hạnh I, BHDTƯ/GĐPT/VN/HK tổ chức | Ảnh: Facebook Vạn Hạnh I
Tổ chức Gia Đình Phật Tử là một tổ chức phải nói là một tổ chức tôn giáo duy nhất trên thế giới được lớn mạnh và duy trì lâu dài nhất trong lịch sử loài người mà chúng ta biết được. Một tổ chức không có hậu thuẫn của bất cứ quyền lực nào từ chính phủ đến thương gia kể cả chính giáo hội của tôn giáo mình. Một tổ chức chỉ sử dụng sự huấn luyện của bậc Thầy Tổ, nhất là đàn Anh đàn Chị và dựa trên kỷ cương lề lối của một bản Nội Quy và Quy Chế mà cưu mang và phát triển tổ chức trên 70 năm ở bất cứ nơi nào có dấu chân của người huynh trưởng.
Đặc biệt hàng ngũ Huynh trưởng lãnh đạo không phải chỉ là một tầng lớp chọn lựa nào duy nhất của xã hội mà lại bao gồm nhiều tầng lớp của Sĩ, Nông, Công, Thương mà người Việt chúng ta đã phân chia ra từ lâu đời “Tứ Dân”. Từ miền quê đến thị thành. Từ người có học vấn trường lớp cao cho đến người không có bằng cấp gì cả trong đời sống cá nhân của họ. Nhưng sự huấn luyện và đào tạo của Gia Đình Phật Tử đã cho họ một kiến thức và khả năng lãnh đạo không ai có. Tự thực hành và tự trau dồi thêm khả năng và kiến thức để lãnh đạo hữu hiệu là việc càng không thể bàn ở đây về người huynh trưởng của Gia Đình Phật Tử ngoài sự hướng dẫn và dạy dỗ của bậc Thầy Cô Anh Chị.
Nếu hỏi giá trị tổ chức Gia Đình Phật Tử như thế nào thì chúng ta có thể nói về thời gian, trong quá trình khai sinh tổ chức cho đến ngày nay đã trên 70 năm và vẫn còn tiếp tục. Nói về không gian, thì tổ chức Gia Đình Phật Tử không còn chỉ có ở tại quê nhà mà thôi, nay đã có mặt tại châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Nói về số lượng huynh trưởng lãnh đạo các cấp thì rất nhiều chưa cập nhật được chính xác cho đến ngày nay. Nhưng nói về tài năng lãnh đạo của huynh trưởng Gia Đình Phật Tử thì dễ và rõ hơn vì chúng ta có thể kết luận khả năng lãnh đạo của huynh trưởng qua thành tích duy trì và phát triển của tổ chức Gia Đình Phật Tử trên toàn thế giới trong những thập niên qua. Thành tích của tổ chức Gia Đình Phật Tử là do sự tài tình lãnh đạo của hàng huynh trưởng Gia Đình Phật Tử. Nói về lãnh đạo thành công trong Gia Đình Phật Tử thì rất nhiều yếu tố mà kết thành. Một trong những yếu tố thành công trong lãnh đạo của huynh trưởng là nghệ thuật lãnh đạo của họ. Sau đây chỉ là vài nghệ thuật lãnh đạo tiêu biểu được cho là đặc thù của huynh trưởng trong tổ chức Gia Đình Phật Tử đã áp dụng mà lèo lái tổ chức của mình trong mọi hoàn cảnh, thời gian và không gian.
Lãnh đạo bằng Tình Thương
Lãnh đạo bằng Thân Giáo
Lãnh đạo không ngân sách
Lãnh đạo không lương
Lãnh đạo bằng đức tính Khiêm Cung và Khiêm Nhường
Đạo Phật là đạo của Từ Bi. Không có lòng Từ Bi thì không phải hành trì đạo Phật. Gia Đình Phật Tử là tổ chức của Phật Giáo nên không thể nào thiếu cái rường cột Tình thương này được. Ứng dụng tình thương là một trong những nghệ thuật lãnh đạo đặc thù của người huynh trưởng để thành công sứ mạng của mình. Người huynh trưởng phải dùng tình thương chân thật để lãnh đạo thì mới hoàn thành được những công việc hoặc công tác của mình. Người nghe phải dùng tình thương để lắng nghe và hiểu để hỗ trợ người làm, người làm phải dùng tình thương mà trình bày để được ủng hộ. Và cả hai, người nghe và người làm, phải chân thành vì quyền lợi của tổ chức mà điều hành hướng dẫn. Có biết bao nhiêu huynh trưởng không những chăm lo cho các em mình trên phương diện hướng dẫn tu học mà còn quan tâm đến cả đời sống của các em từ đôi dép đến hột nút áo. Huynh trưởng Chị biết may vá nên vá cho anh này cái áo đoàn bị rách, may cho em kia cái váy để sinh hoạt không lẻ loi với đồng bạn. Tại hải ngoại, huynh trưởng thăm hỏi nhau hơn ruột thịt trong nhà, gửi giúp nhau khi túng thiếu dù chỉ vài chục đồng dành dụm từ tiền hưu trí hàng tháng hoặc từ con cháu biếu cho vv…. Hình ảnh huynh trưởng túc trực bên giường bệnh của đoàn sinh hoặc thay phiên nhau túc trực khi các em hay huynh trưởng đau bệnh, quả thiệt hiếm hoi trên đời. Đây không những là một nghệ thuật lãnh đạo mà còn là một lẽ sống vĩ đại của những con người hiểu đạo và biết giá trị của cuộc sống, phải chăng đây là lối sống của những bậc vĩ nhân trên cuộc đời đầy bon chen, chấp ngã này.
Thân giáo không những là đặc thù mà còn là đặc trưng của nghệ thuật lãnh đạo trong tổ chức Gia Đình Phật Tử vì là nền tảng của Đạo Phật. “Thân giáo, nghĩa là giáo dục con người bằng thân tướng, tức là không nói hay chưa nói, mà các đối tượng sống chung, làm việc cùng cơ sở hay mới vừa gặp đã sanh tâm tôn kính lễ bái, chào hỏi một cách trịnh trọng, vâng lời, kính nể và cả sợ nữa. Thân tướng như thế nào mà những người cấp dưới hay mới gặp lần đầu mà đã sanh lòng tôn kính? Thân tướng ấy không phải là tấm thân cao ráo, xinh đẹp, các căn đầy đủ. Mà là bản thân nhỏ, thấp hay cao ráo được có trạng thái đứng đắn, trang nghiêm, chững chạc, thật lòng, cho nên lời nói ra điều gì đều chắc nịch như đinh đóng cột, hứa điều gì với ai luôn nhớ và thi hành, khi nhìn ai là nhìn thẳng vào mặt một cách chánh trực, khi đi là đi từng bước chững chạc, khi đứng là đứng ngay người, ngồi là ngồi đúng cách, nằm là nằm tế nhị và kín đáo, ăn thật chậm rãi, ít nói, thường im lặng hơn là nói, khi nói là nói điều lợi ích cho người.”¹ Lãnh đạo trong Gia Đình Phật Tử là càng lên trên, càng cao thì làm càng làm gương. Dùng thân, khẩu, ý cộng lối sống hàng ngày và ý thức cùng làm và đi trước để lãnh đạo. Cần phải có đức hạnh, vun bồi đạo hạnh. “…. người ấy có Đạo hạnh ở bản thân một cách thường hằng suốt cả cuộc đời, gương mẫu cho các cấp dưới noi theo mà sửa mình, tu thân, tu tâm tích đức qua thân giáo của các bậc trưởng thượng của mình, rồi mình sẽ là bậc trưởng thượng cho các thế hệ hậu lai.”¹ Lãnh đạo trong Gia Đình Phật Tử không phải là chỉ tay năm ngón hay ra lệnh như những môi trường và tập thể khác. Lãnh đạo không cần bằng cấp của trường lớp mà dùng thân tướng của mình để lãnh đạo. Đây là một nghệ thuật cần sự lâu bền của sự chân thật.
Nghệ thuật lãnh đạo tuyệt vời nhất có một không hai trên đời là Lãnh Đạo không ngân sách. Nói về một tổ chức thì phải có tối thiểu một ngân sách dù là nhỏ để sinh hoạt và điều hành nhưng tổ chức Gia Đình Phật Tử chưa từng có một ngân sách nào hoặc nhận một ngân sách nào từ bất cứ cá nhân nào cho đến đoàn thể nào ngay cả chính quyền mặc dù số lượng đoàn sinh và huynh trưởng trên hàng trăm ngàn người. Người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử ở bất cứ nơi nào cũng tìm cách, uyển chuyển xây dựng một đơn vị hoặc duy trì một đơn vị với cái túi rỗng không tiền. Lắm khi còn bị bạc đãi, cấm kị từ chính chùa chiền của tôn giáo mình. Thậm chí từ những vị tôn túc của tôn giáo mình nhưng người huynh trưởng nơi đây sẽ dùng tất cả tài năng và nhiệt huyết vượt qua tất cả các chướng duyên này để nơi đó có được một Gia Đình Phật Tử sinh hoạt. Nghệ thuật này không có trong sách vở, không có trong chương trình huấn luyện, không có trong đề tài hội thảo mà lại được truyền thừa nhau qua kinh nghiệm học hỏi người đi trước mà uyển chuyển áp dụng thích hợp cho địa phương nơi đó.
Nghệ thuật lãnh đạo tuyệt vời nữa là Lãnh Đạo không lương. Huynh trưởng là nghề không lương nhưng sống bằng tình thương. Huynh trưởng đùm bọc lẫn nhau, quan tâm nhau như người ruột thịt trong nhà. Tại quê nhà, có rất nhiều kỷ niệm được kể lại rằng người huynh trưởng này hy sinh phần cơm duy nhất của gia đình mình để mời người huynh trưởng khách viếng thăm. Hoặc là, huynh trưởng “vợ” hy sinh đi làm, bán buôn kiếm chút tiền nuôi con cho qua bữa để huynh trưởng “chồng” đi trại hay họp vv.. Tại hải ngoại, huynh trưởng có người làm một “job” cho đến có người làm hai “job” để nuôi gia đình mà đi sinh hoạt. Có người làm ca nhì hoặc ca ba nhưng chưa ngày nào vắng mặt bỏ đàn em. Tất cả chi phí đi lại lo cho tổ chức từ miền này qua miền khác, từ địa phương lên đến Trung Ương đều bỏ ra từ tiền túi. Ngay cả Huynh trưởng mang trách nhiệm Tổ Kiểm mà chưa bao giờ thấy xin xuất quỹ cho công tác đi lại của mình mặc dù đã có sự phê chuẩn dùng ngân quỹ để làm việc nhưng vì thương tổ chức vốn đã nghèo mà còn sử dụng nữa thì lấy đâu ra. Số lượng của cả trăm ngàn huynh trưởng làm việc không lương suốt thời gian trên 70 năm có mặt nói chung và trên 40 năm có mặt tại hải ngoại nói riêng đã đưa tổ chức lớn mạnh đến ngày nay trong khi các tổ chức khác đã biến mất kể cả các tổ chức có hậu thuẫn tài chánh từ chính phủ hoặc các tổ chức nào đó.
Trên khiêm cung dưới khiêm nhường là nghệ thuật lãnh đạo mà người huynh trưởng vừa làm được công việc của mình mà vừa thực tập xét soi bản ngã của chính mình theo giáo lý của Đức Phật. Nghệ thuật này đã được quý Anh Chị lớn áp dụng từ khi khai sanh tổ chức và đã thành công trong bổn phận lãnh đạo của mình để duy trì và phát triển tổ chức đến ngày nay. Thái độ “ta đây” kém khiêm nhường thì không thể nào cảm phục được lòng người và kết bạn được với ai nhất là người nhỏ hơn mình hoặc cấp dưới, nếu có thì cũng chỉ tạm thời mà thôi. Quý Anh Chị huynh trưởng mặc dù giỏi hơn người đối diện hoặc tuổi đời chững chạc hơn, kinh nghiệm hơn nhưng vẫn hạ mình lúc nói năng hành xử như “đây chỉ là thiển ý của tôi” hoặc là “cách đó rất hay nhưng cho tôi thêm vào…”. Đại Đức Pabhàkara chia sẻ tầm quan trọng của đức tính khiêm cung trong cuộc đời tu tập giải thoát của chúng ta “Một lúc nào đó, biết ngồi lại để thấm thía tinh thần uyên áo mà giản dị của Phật pháp, chúng ta có thể sẽ thấy được ý nghĩa quan trọng tuyệt vời của cái gọi là cách đối nhân xử thế hay nói gọn hơn, là phép sống ở đời. Ở đây chúng ta sẽ có được những kinh nghiệm quý giá về quy luật đối xứng trong từng hành động, ngôn ngữ và cả ý nghĩa của mình nữa. Mọi sự luôn để lại một hiệu quả thích đáng.”²
Nói về tính khiêm cung thì dễ nhưng thực hành tính khiêm cung thì không đơn giản. “Chẳng hạn ở đây mỗi ngày chúng ta có những nghi thức tôn giáo thoạt xem qua thì rất giản dị như động tác chắp tay và tụng kinh. Cái khó nhất vẫn là động tác chắp tay cúi đầu. Chỉ riêng động tác đó thôi, trên hình thức, thì có gì đâu. Chỉ có điều là chúng ta thực khó mà biết “chấp tay ngay tự đáy lòng mình”. Để thực hiện được điều này ta phải tự đối diện với sự tự kháng quyết liệt của nội tâm. Chúng ta thực ra đâu có muốn chắp tay, bởi có biết bao là những quan niệm đối lập lại với động tác khiêm cung xem ra có vẻ quá đáng ấy. Nhưng nói cho cùng thì chúng ta làm những cái gì?”² Đại Đức tiếp “Lớn lên trong nền văn hóa Tây phương, chúng ta thường có khuynh hướng chú trọng đến cái gì thực tế. Khách viếng chùa nhìn thấy những hình thức lễ bái, rất có thể sẽ cho là chúng tôi đã nhồi sọ tín đồ hoặc những nghi thức hạ mình đó còn là một cách lập dị để nuôi lớn một cái Tôi.”². Thiếu đức tính khiêm cung thì người trên hoặc cấp trên không ai muốn hướng dẫn hoặc hỗ trợ công việc cho mình. Người huynh trưởng của Gia Đình Phật Tử đã dùng nghệ thuật khiêm cung chân thật này giành lấy tình thương yêu của quý Thầy Cô, giành được sự trân quý của những người bên ngoài tổ chức, giành được sự tôn trọng của những huynh trưởng đồng sự và giành được sự kính trọng của những huynh trưởng đàn em.
Ngoài kiêm cung, người huynh trưởng còn có đức tính khiêm nhường. Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử thường nhường nhịn nhau trong những lúc hành xử hay đối tác như “Dạ, đó là ý của tôi nhưng nếu quý Anh Chị thấy ý kiến của Huynh trưởng “A” hay hơn thì tôi sẽ làm theo.” hoặc với các em “Nếu các em thấy hay hơn thì Anh/Chị đồng ý với các em.” Nhường nhịn là đức tính văn hóa đẹp của người Việt Nam và đã được huynh trưởng Gia Đình Phật Tử khai thác triệt để áp dụng trong việc lãnh đạo của mình. Vì thế một huynh trưởng anh/chị mặc dù không là ai trong xã hội, không bằng cấp địa vị mà cả một tập thể các em răm rắp tuân lệnh, vâng lời trong khi các em này có em là những người có địa vị trong xã hội cao hoặc là “ông này bà nọ” trong xã hội. Đẹp thay khi chúng ta nhìn thấy tính khiêm nhường và khiêm cung được áp dụng trong tập thể mình và danh từ “Gia Đình” trong danh xưng Gia Đình Phật Tử quả thật đúng nghĩa. Nghệ thuật lãnh đạo này quả thật tuyệt vời.
Người huynh trưởng cần phải biết rõ mục đích làm trưởng của mình để hành trình Hoa Sen Trắng được liên tục không dừng trong mọi tình huống để mà đi trọn con đường lý tưởng của mình đã phát nguyện.