
Lễ Kết Khóa Vạn Hạnh I, BHDTƯ/GĐPT/VN/HK tổ chức | Ảnh: Facebook Vạn Hạnh I
Lấy sinh hoạt của tổ chức GĐPT tại xã hội Tây Phương, với tinh thần khoa học, chúng ta cần PHÁT TRIỂN về phương diện nào, đặt trọng tâm vào ĐƯỜNG LỐI nào để tổ chức GĐPT có thể tồn tại và cống hiến cho thế hệ sắp tới? Tìm hiểu về các Tổ Chức Tuổi Trẻ khác, chúng ta có thể học hỏi được điều gì mới mẻ và bổ ích? Xin cho biết chi tiết CỤ THỂ để có thể áp dụng cho các đơn vị GĐPT.
DẪN NHẬP:
Trãi qua thời gian trên 40 năm tại Hải Ngoại, Gia Đình Phật Tử đã được xây dựng và phát triển ở khắp các Quốc Gia Tự Do trên thế giới, vẫn là ngọn hải đăng cho Tuổi Trẻ Phật Giáo Việt Nam. Ngày hôm nay, nếu nhìn vào số lượng đoàn sinh tại Hải Ngoại có thể nói là đông hơn những năm cuối thập niên 70, nhưng nội dung sinh hoạt vẫn chưa theo kịp sự tiến hóa của xã hội, chưa có đáp ứng được những nhu cầu của giới trẻ thay đổi hiện nay. Vì thế, số lượng đoàn sinh Thanh Niên và huynh trưởng trẻ — trung kiên và năng động — ngày càng mất dần. Vì các em nhận thấy chương trình sinh hoạt của GĐPT khó được thay đổi và không mang nhiều lợi ích trong cuộc sống, các em tự ngưng sinh hoạt. Điều này rất tiếc cho Tổ Chức tại vì với năng lực và nhiệt huyết của các đoàn sinh và huynh trưởng trong lứa tuổi Thanh Niên, các em có rất nhiều khả năng và sáng kiến để phát triển GĐPT. Nếu muốn thay đổi tình trạng này và tiếp tục xây dựng GĐPT ngày càng vững mạnh, chúng ta cần phải nỗ lực hơn trong việc thay đổi, “làm mới” chương trình sinh hoạt để phù hợp với nhu cầu tuổi trẻ hiện nay. Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh cũng thấy điều này rất cần thiết. Trong lời nói đầu của GĐPT Việt Nam 50 Năm Xây Dựng, Hòa Thượng có viết: “Cũng như bất cứ một thực tại sinh động nào, tổ chức GĐPT cần được làm mới lại để có thể khôi phục và phát triển sức sống của nó. Nếu chúng ta không có những nỗ lực để làm mới lại tổ chức GĐPT thì trong tương lai tổ chức này sẽ chỉ giữ được cái vỏ hình thức, mất đi sức sống mãnh liệt của những thập niên ban đầu…”. Nếu không có sự chuyển mình kịp thời và cải cách chương trình sinh hoạt, thì khó để duy trì và xây dựng tổ chức GĐPT. Giống như một chiếc máy bay phản lực biểu diễn lao xuống sát đất rồi cất mình bay lên; với một độ thấp nhất định nó còn khoảng không gian để lên, nếu nó xuống quá đà thì không còn cơ hội để lên được nữa. Trong bài Luận Khóa này, chúng em xin phép chia sẻ một số đề nghị mà các đơn vị có thể áp dụng để phát triển chương trình sinh hoạt GĐPT tại địa phương và giúp cho đoàn sinh gặt hái được nhiều an vui và lợi ích.
NỘI DUNG CHÍNH:
Áp dụng pháp môn thiền định cho các đoàn sinh
Trong cuộc sống của tuổi trẻ hiện nay, các em thường để tâm ý rong ruổi theo nhiều thứ, và để tâm bị lôi cuốn theo cảnh vật bên ngoài cho nên tâm không được an tỉnh. Các em trẻ cũng có quá nhiều lo âu từ việc học hành và gia đình đến bạn bè và tình cảm; đôi lúc những lo âu ấy không cần thiết chút nào. Vì thế, GĐPT cần tổ chức những chương trình thực tập thiền định cho các đoàn sinh như: Thực tập thiền hành, thiền tọa, tập quan sát, v.v… tăng cường khả năng chánh niệm tỉnh giác cho các em. Khi thực tập thiền, các em sẽ dừng lại những suy nghĩ, những lo âu để cho tâm được an tỉnh trở lại; dùng hơi thở ý thức để đem tâm và thân trở về thành một để có mặt trong giờ phút hiện tại. Theo dõi hơi thở để tự biết mình, và nhờ đó mà có khả năng tự kiểm soát mọi hành vi, ý nghĩ, lời nói của mình một cách tự nhiên. Ánh sáng khoa học đã chứng minh điều này. Sau những khóa tu tập thiền, các em có sức tập trung trong học tập cao hơn, khả năng nắm bắt bài giảng và suy luận cũng được nâng lên, đặc biệt là mối quan hệ với bạn bè, với môi trường sống của các em trở nên thiết thân hơn. Nhưng các em phải thực tập trong cuộc sống hằng ngày để nhận thấy được lợi ích.
Để bắt đầu chương trình thực tập, các đơn vị hãy dành thời gian trong các ngày tu học hoặc quán niệm trong năm để giới thiệu những phương cách tập thiền như Anapana (chú ý đến hơi thở). Nếu cung thỉnh được Chư Tăng Ni để hướng dẫn các em thì càng tốt. Nếu không, quý anh chị Huynh Trưởng nào mà có nhiều kinh nghiệm về tu tập thiền có thể hướng dẫn các em. Nếu không có, các anh chị có thể chiếu những video hoặc nghe những băng audio của các vị Thiền Sư hướng dẫn để các em tập theo. Điều quan trọng là các video/audio phải hướng dẫn các em từng giây, từng phút để thực hiện đúng kỹ thuật và nắm vững đúng phương pháp tập thiền. Trong các buổi sinh hoạt hằng tuần, các anh chị có thể dành thêm 10 phút trước giờ lễ Phật để nghe lại các băng audio và cùng thực tập. Đồng thời, trước giờ học Phật Pháp, các anh chị cũng có thể dành 5 hoặc 10 phút để cho các em thực tập thêm. Nếu các thiền viện tại địa phương có tổ chức những khóa tu thiền dành cho tuổi trẻ, quý anh chị cũng nên khuyến khích các em cùng tham dự chung với quý anh chị…
Quý Huynh Trưởng phải cố gắng giúp cho các em thấy được sự an lạc trong khi tập thiền. Với đoàn sinh Oanh Vũ, các em không thể ngồi yên hoặc nhắm mắt, nhưng các anh chị có thể bắt đầu với một bài tập thở ngắn 30 giây; nhắc nhở các em yêu cầu chú ý tới hơi thở, cảm thấy ngực của mình nâng lên và hạ xuống và hơi thở vào ra. Đối với đoàn sinh ngành Thanh Thiếu, các Huynh Trưởng hướng dẫn các em ngồi cho thật yên tỉnh và theo dõi hơi thở một cách rõ ràng, trầm tĩnh, đừng để lẫn lộn. Ý thức thật rõ về hơi thở của mình. Ði thiền hành cũng vậy. Ði một cách thong thả; khi bước chân nào thì ta có ý thức về bước chân đó.
Khi đoàn sinh nhận thấy được sự an lạc trong việc tập thiền, các em sẽ có sự ưa thích và quyết tâm để tiếp tục thực tập hằng ngày tại nhà. Thông qua sự thực tập – Tánh hạnh, ngôn ngữ của các em càng ngày càng chuẩn mực và tự giác cao hơn. Các em sẽ có thêm một tinh thần tự chủ, đức tính trầm tĩnh và thương yêu. Rồi từ trên nền tảng đó, các em sẽ thấy rõ con người thật của mình và của những người chung quanh để vun bồi tình thương và tuệ giác, làm cho cuộc đời ngày càng tươi đẹp hơn.
Chương trình thực tập thiền định tại các đơn vị sẽ được thành công hay không là do sự quan tâm sâu sắc của quý anh chị Huynh Trưởng qua sự tu tập của chính bản thân mình. Sự hướng dẫn của các anh chị có kinh nghiệm sẽ là niềm cảm hứng lâu dài cho các em trên con đường tu tập. Để hướng dẫn thiền định có kết quả tốt đẹp hơn, các Miền hoặc đơn vị cần phải tổ chức những khóa thiền riêng cho các Huynh Trưởng để học hỏi, thực tập, và nắm vững những phương pháp tập thiền và sau đó giảng dạy lại cho các em. Quý anh chị cũng nên cố gắng tham dự các khóa Thiền do Chư Tôn Đức Tăng Ni tổ chức tại các thiền viện. Một trong những khóa Thiền mà riêng cá nhân em đã tham dự vài lần và cảm thấy có rất nhiều lợi ích là khóa thiền Vipassana (phương pháp theo dõi hơi thở của thiền Minh sát tuệ — một phương pháp thiền Phật giáo cổ xưa được giữ gìn trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thuỷ) tổ chức quanh năm khắp nơi trên thế giới: http://www.dhamma.org/en-US/index Chương trình này cũng có những khóa thiền riêng cho các trẻ em từ 8 đến 12 tuổi và thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi. Những khóa thiền này sẽ giúp các em nắm vững phương pháp thiền Anapana. Quý Huynh Trưởng hãy cố gắng nghiên cứu thêm và tạo cơ hội cho các em tham dự những khóa thiền này. Sau đây là trang nhà với những tài liệu và chi tiết để giúp quý anh chị hướng dẫn các em về phương pháp thiền Anapana: http://www.children.dhamma.org/
Đổi mới chương trình sinh hoạt hằng tuần cho đoàn sinh
Chương trình học ở trường của các em học sinh hiện nay rất nặng, nặng đến nổi mỗi học sinh mang theo sách vở để học, trọng lượng từ 04 kg trở lên (Theo Báo Tuổi Trẻ). Điều đó có nghĩa là, vấn đề học tập đã làm cho các em căng thẳng lắm rồi. Khi đến chùa sinh hoạt vào ngày Chủ Nhật, nếu các em phải đối phó với một chương trình học nữa, thì liệu có đạt được kết quả gì hay không? Môi trường GĐPT không phải là trường học mà là nơi “Vui chơi tu học”. Vui chơi là để thư giãn, để giải tỏa năng lượng thừa của tuổi trẻ bằng những hoạt động lành mạnh và sự vui chơi năng động ấy làm bước đệm cho sự tu tâm sửa tánh. Tu học bao gồm giáo lý và phương pháp thực tập. Truyền đạt giáo lý cho các em không thể theo cách Thầy dạy trò mà theo cách Anh chia sẻ với Em, nghĩa là từ con tim đến con tim.
Phương pháp hướng dẫn nội dung bài học
Trong các lớp học Phật Pháp, Việt Ngữ, v.v…, để đạt được hiệu quả cao của bài học, các Huynh Trưởng cần soạn bài ngắn gọn, đơn giản dễ hiểu nhưng đầy đủ ý chính và kết hợp với chuyện kể, liên hệ với thực tế và hình ảnh minh họa cho nội dung bài học. Những dụng cụ như Powerpoint slides, videos, nhạc, v.v… sẽ giúp các em dễ hiểu và thích học hơn. Quý anh chị hãy áp dụng phương pháp “Học mà chơi, chơi mà học” tạo không khí tin yêu vui vẻ, hứng thú. Quý anh chị có thể tổ chức những trò chơi thi đua để ôn bài hoặc những buổi thảo luận để nghe các em trao đổi những phương pháp áp dụng bài học trong cuộc sống. Quý anh chị phải tuyệt đối loại bỏ hình thức giảng dạy lý thuyết nói suông từ đầu đến cuối như lâu nay đã làm. Các đoàn sinh không thể ngồi cả tiếng đồng hồ để nghe các anh chị giảng Phật Pháp, rồi nghỉ ngơi 15 phút, và sau đó vào giờ học kế tiếp và nghe thêm một anh chị khác giảng bài. Điều này mà cứ kéo dài từ tuần này qua tuần khác sẽ làm cho các em cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi đến sinh hoạt.
Phương pháp tổ chức giờ học Chuyên Môn và sinh hoạt Đoàn
Trong các giờ sinh hoạt chuyên môn, văn nghệ, tự trị Đoàn, v.v…, các Huynh Trưởng cần phải thao tác thực hành nhuần nhuyễn và hướng dẫn các em bằng cách “Bắt tay chỉ việc” và cho các em thực hành, tổ chức thi đua tại chỗ như thủ công, tranh dán giấy, xếp giấy hình… có khen thưởng cho cá nhân khéo tay.
Khi chúng em nghiên cứu về các buổi sinh hoạt của những hội đoàn tuổi trẻ khác như Girls Scout hoặc Boys Scout of America, chúng em nhận thấy chương trình của họ rất sống động (active) và tạo nhiều cơ hội cho các em được thực tập (hands-on learning). Đồng thời các buổi sinh hoạt của Boys Scout of America đều có thời gian cho các đội/chúng tự trị. Đây là cơ hội mà các em tự sắp xếp và chuẩn bị cho các công việc hoặc chương trình của Đoàn trong thời gian tới.
Một điểm đặc biệt trong chương trình sinh hoạt của Boys Scout là mỗi tháng các Huynh Trưởng Đoàn chọn một chủ đề để hướng dẫn các em như: Tập thể dục và dinh dưỡng (fitness and nutrition), giao tiếp (communication), sự chuẩn bị khẩn cấp (emergency preparedness), v.v…. Vào mỗi tuần trong tháng đó, các Huynh Trưởng giới thiệu những đề tài liên quan đến chủ đề và tổ chức những cuộc thảo luận hoặc trò chơi để cho các em hiểu rõ thêm và áp dụng trong cuộc sống. Các anh chị cũng cố gắng mời các giảng viên chuyên môn về đề tài ấy để hướng dẫn và chia sẻ với các em. Sau đây là một số trang nhà của các hội đoàn tuổi trẻ tại Hoa Kỳ để giúp các Huynh Trưởng có thêm những ý kiến mới cho các chương trình sinh hoạt hằng tháng của Đoàn:
http://troopleader.org/program-features/
http://troopleader.org/outdoor-program-features/
https://www.theteacherscorner.net/monthly-resources/
https://www.pcsb.org/…/204/Monthly%20Activities%20List.pdf
http://scoutermom.com/themes/boy-scout-program-features/
https://www.pinterest.com/explore/scout-activities/
https://www.pinterest.com/…/girl-scout-activities-and…/
Thay đổi khung cảnh sinh hoạt
Để tạo thêm sự hứng thú cho đoàn sinh, các đơn vị cố gắng thay đổi khung cảnh, địa điểm sinh hoạt; ít nhất mỗi tam cá nguyệt phải ra khỏi khuôn viên chùa. Điều này có hiệu quả cao về mặt hỗ trợ học tập, tạo thêm phần sinh động, hấp dẫn phong phú hơn cho sinh hoạt GĐPT. Đây cũng là cách tạo cho đoàn sinh mở rộng kiến thức, học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ trong thực tiễn xã hội. Quý Huynh Trưởng có thể đưa đoàn sinh đến những bảo tàng khoa học (science & children’s museums), vườn hoa (botanical gardens/conservatory), công viên để đi hiking hoặc chơi “scavenger hunt”, sở thú, v.v…. Các đơn vị cũng có thể viếng thăm các đơn vị lân cận trong khu vực để cùng sinh hoạt nhằm giao lưu học hỏi, giúp nhau tiến bộ trong học tập, tăng trưởng tình đoàn kết thân ái, đồng thời kích thích sự hào hứng thích thú của đoàn sinh. Nói chung, các đơn vị cần tranh thủ thời gian trong năm để tổ chức sinh hoạt dã ngoại, tham quan… nhằm hỗ trợ tích cực cho việc tu học nâng cao chất lượng giáo dục GĐPT.
Đồng thời, các Đoàn cũng cố gắng tổ chức những buổi sinh hoạt đặc biệt cho đoàn sinh tại các tiệm như Home Depot, Michael’s, Microsoft Store, Pottery Barn, v.v… Ở tại những nơi này có những người chuyên môn để hướng dẫn các em về các đề tài rất thích thú. Các em sẽ được thực tập (hands-on learning) với những việc như: Thực hiện một trang nhà (webpage), học về Internet security, trồng hoa, làm một khung hình, v.v… Sau đây là trang nhà với những cơ sở mà thường tổ chức những chương trình chuyên môn hoặc thủ công cho các trẻ em: https://www.thebalance.com/free-classes-for-kids-and-in….
Tổ chức thêm các chương trình từ thiện xã hội
Thế hệ trẻ hiện nay thường lưu tâm đến những công việc xây dựng xã hội, nhất là các em trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì trường học của các em thường có những tổ chức như National Honor Society, Key Club, v.v… mà các em được làm công tác từ thiện và giúp đỡ chúng sinh, nên các em nhận thấy sự an vui và lợi ích khi thực hiện được các công việc này. Vì thế, GĐPT cũng nên dành thời gian để tham gia hoặc tổ chức những chương trình từ thiện xã hội — tạo cơ hội cho đoàn sinh mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người kém may mắn; đồng thời thắp lên những ngọn đuốc của trí tuệ và tình thương như các em đã học trong những lớp Phật Pháp. Các đơn vị hãy cố gắng tổ chức những chương trình này quanh năm, ít nhất là 2 hoặc 3 lần trong một năm. Các đơn vị có thể thực hiện các công tác từ thiện như làm bánh mì hoặc hộp cơm cho các homeless shelter, làm những món quà nhỏ để trao tặng các em tại bệnh viện thiếu nhi, giúp đỡ tại các Food Bank, volunteer trong các chương trình đặc biệt tại địa phương như Race for the Cure, v.v. Sau đây là những trang nhà để giúp các đơn vị có thêm ý kiến tổ chức các chương trình từ thiện:
https://blog.prepscholar.com/129-examples-of-community…
https://www.teenlife.com/…/50-community-service-ideas…
KẾT LUẬN:
Với tất cả những ý kiến và đề nghị nêu trên, việc phát triển chương trình sinh hoạt Gia Đình Phật Tử để phù hợp với nhu cầu tuổi trẻ hiện nay là do quyết tâm của tất cả các Huynh Trưởng. Huynh Trưởng phải ý thức rằng vấn đề đổi mới sinh hoạt rất cần thiết cho sự tồn tại của Tổ Chức. Chắc chắn việc này sẽ có nhiều khó khăn. Người Huynh Trưởng phải trang bị cho bản thân một tinh thần nỗ lực, chịu khó, kiên nhẫn và biết lắng nghe, luôn tìm tòi học hỏi để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức xã hội để không bị tụt hậu. Quý anh chị cũng phải tự làm mới mình, làm mới tư duy, suy nghĩ, thái độ phục vụ tích cực, trách nhiệm nhạy bén sáng tạo mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của đổi mới sinh hoạt hiện nay. Nhưng quý Huynh Trưởng, nhất là các lớp Huynh Trưởng trẻ đầy năng nổ và thích nghi với thời đại, cũng phải luôn nhớ ơn và tôn trọng những hy sinh cống hiến, những kinh nghiệm quý báu của Huynh Trưởng là “Anh cả, Chị đầu” để cho GĐPT tồn tại và phát triển như hôm nay.
Với tất cả sự cố gắng chung của các anh chị em Huynh Trưởng, chương trình sinh hoạt GĐPT sẽ được phát triển để thích ứng với nhu cầu tuổi trẻ. Nhưng việc này phải bắt đầu từ các đơn vị địa phương. Khi các đơn vị tạo được sự không khí hào hứng đông vui cho đoàn sinh và các em nhận thấy được sự lợi ích khi đến sinh hoạt mỗi tuần, các em sẽ tiếp tục sinh hoạt với GĐPT qua tuổi Thanh Niên; hy vọng trở thành các huynh trưởng tại các đơn vị. Với những năng lực và sáng kiến mới mẻ của các em, chương trình sinh hoạt GĐPT sẽ luôn được thay đổi và phát triển hơn lên; xứng tầm là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi Phật giáo luôn vững