
H.Tr Quảng Tịnh Nguyễn Chí Thanh, thứ nhì từ trái sang | Ảnh: Vạn Hạnh I, BHDTƯGĐPTVN-HK
LỜI MỞ ĐẦU
Khi nói đến hai chữ huynh trưởng ta thường hiểu nôm na rằng đó là người lớn hơn mình, là người anh theo quan hệ trong gia đình; là bậc đàn anh hay người đi trước một khóa học, khóa huấn luyện. Riêng ở trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam, từ huynh trưởng lại mang nhiều nghĩa khác nữa. Nó không còn là một danh từ chung để diễn tả theo định nghĩa thường tình mà đã trở thành một định danh khác khi dùng trong Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Khi nhắc đến huynh trưởng ta liền liên tưởng đến những người dấn thân vì một lý tưởng cao đẹp – Lý tưởng vị tha – làm việc lợi mình ích người. Làm một người dấn thân đúng nghĩa, người huynh trưởng GĐPT luôn thể hiện đúng vai trò của mình, làm một người mẫu mực từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Vai trò ấy bao gồm nhiều phương diện trong cuộc sống làm người từ cách sống, cách cư xử đến đạo đức bên trong (nội tâm). Ở phạm vi hạn hẹp của bài viết này chỉ xin được nêu lên một vài khía cạnh nhỏ mà qua nhiều năm theo học và làm việc với các bậc huynh trưởng đàn Anh, đàn Chị trong Tổ Chức GĐPT, chúng tôi đã chiêm nghiệm và nghĩ/thấy rằng sẽ là những điều cần lưu tâm để có thể làm tốt đẹp cho chính mình và giúp ích cho tổ chức Nhà Lam – cho việc giáo dục và hướng dẫn đàn em có hiệu quả hơn:
Tinh thần và trách nhiệm của người huynh trưởng GĐPT:
Đối với đồng sự;
Đối với đàn em.
Tinh thần và trách nhiệm của người huynh trưởng vô cùng quan trọng trên bước đường dấn thân phục vụ. Tinh thần hăng hái vui vẻ mới có thể tạo năng lực cho ta vững bước theo lý tưởng của mình; biết rõ vai trò và thể hiện trách nhiệm của mình thì sẽ đóng góp thiết thực vào công việc ta đang gánh vác, đồng thời sẽ tạo không khí hài hòa thân thương trong tập thể, gầy dựng niềm tin với mọi người.
Tinh thần:
Bách khoa toàn thư Wikipedia tiếng Việt định nghĩa tinh thần là tâm thức, đôi khi được gọi tắt là tâm, là từ chỉ chung cho các khía cạnh của trí tuệ (intellect) và ý thức (consciousness), thể hiện trong các kết hợp của tư duy, tri giác, trí nhớ, cảm xúc, ý muốn, và trí tưởng tượng; tâm thức là dòng ý thức. Nó bao gồm tất cả các quá trình có ý thức của bộ não. Đôi khi, trong một số ngữ cảnh, nghĩa của từ tâm thức còn bao hàm hoạt động của tiềm thức con người.
Với sự hiểu biết nông cạn, tôi chưa hiểu rốt ráo về định nghĩa trên, mà chỉ hiểu một cách nôm na rằng tinh thần bao gồm những ý nghĩ, cảm giác, cảm xúc, những hoạt động thuộc về đời sống nội tâm của con người – được xây dựng trên nền tảng tình thương. Không có tình thương thì vợ chồng không thể chung sống, anh em không hòa hợp, gia đình không êm ấm, bạn bè không thân cận, tin tưởng. Tình thương ấy được biểu lộ qua cách cư xử, việc làm và lời nói của mình trong cuộc sống hàng ngày.
Khi người phối ngẫu gặp chuyện không vui, lo âu, chán nản, có thể ta chỉ cần biểu lộ sự đồng cảm qua ánh mắt hoặc chỉ một cái vỗ nhẹ trên vai thì cũng đã giúp người ấy bớt buồn rồi; hoặc ngồi chia sẻ, lắng nghe, động viên, an ủi bằng cả tình thương và sự chú tâm thì cũng sẽ giúp người ấy vơi khổ đi rồi. Một chàng thất tình – đau khổ và chán nản đến tột cùng, không còn thấy cái gì là quan trọng ở trên đời nữa, ngay cả mạng sống của mình cũng không màng, nhưng chỉ cần thấy được hình dáng, nghe được hơi thở hay lời nói dịu dàng êm ái của người yêu thì chàng ta sẽ được sống lại. Anh em, bạn bè đang gặp khó khăn đến thối chí, tuyệt vọng, ta chỉ cần tỏ thái độ quan tâm, ban tặng một cử chỉ ân cần để tiếp sức cho họ đứng dậy và bước tới. Năng lượng tinh thần được xây dựng qua những hành động giản đơn thế thôi. Nó sẽ giá trị rất nhiều khi những hành động ấy không bị áp đặt, không bởi xót thương mà được thể hiện bằng chính tình thương, hiểu biết và sự chân thành của mình.
Với người thân trong gia đình huyết thống ta đã có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời như hình với bóng, như thân thể tay chân; cho nên việc nâng đỡ tinh thần cho nhau khác với những người không cùng máu mủ. Đối với đồng sự – những người cùng đi với chúng ta, cùng làm việc, cùng vui, buồn, cộng khổ trong một tập thể, nhất là trong một tập thể vô vụ lợi thì tinh thần cần phải được nuôi dưỡng khéo léo và tế nhị hơn. Người kia siêng năng làm việc, ta cũng nên tỏ sự quan tâm, giúp đỡ và san sẻ; ngược lại, với thái độ thờ ơ, thiếu cộng tác chắc chắn sẽ làm giảm tinh thần không những đối với người kia mà còn huân tập trong ta cái tính ỷ lại, lười biếng. Tinh thần của tập thể vì đó cũng sẽ suy yếu theo. Hãy có mặt, cùng sát cánh bên nhau khi thời gian và điều kiện cho phép, đừng để đồng sự làm việc trong đơn độc rồi đến một lúc nào đó tinh thần của họ bị lay động khiến họ bỏ cuộc thì sẽ mất vui, mất quyền lợi cho cả tập thể. Ta cũng thấy biết nhiều người đã rời bỏ Tổ Chức không phải chỉ vì hoàn cảnh cá nhân, mà phần lớn chính vì tinh thần suy giảm. Thiếu cảm thông, thiếu cộng tác, hỗ trợ, nâng đỡ, san sẻ, hòa điệu…, và những giận hờn ganh ghét, bất đồng, tranh chấp, đố kỵ… là những con mối ăn mòn tinh thần và ý chí của mình. Ta là người có khả năng khiến cho tinh thần của đồng sự phấn chấn, nâng cao hoặc chán nản, xuống dốc.
Thiếu thức ăn, nước uống trong một vài ngày ta có thể chịu đựng được, nhưng thiếu tinh thần thì khó cho ta có thể thi hành công việc. Bởi thế, ngoài việc bồi dưỡng thể chất, ta cần đặc biệt quan tâm đến mặt tinh thần – Nó cần được quân bình và bồi dưỡng như những bữa cơm hàng ngày cho chính mình và cho những người đồng hành khác. Không có nó ta sẽ thiếu năng lượng sống, trở nên thất tha thất thểu như một cái xác không hồn. Gặp lúc tình thế bi đát, tinh thần suy sụp chỉ trong một tích tắc thôi cũng đủ để khiến ta làm những việc đưa đến những hậu quả khó lường. Tinh thần là một nửa nguồn sống của chính mình, cần được chăm sóc và bảo dưỡng trên mọi phương diện, trên mọi hành hoạt.
Là một huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử, ai cũng đã ít nhất một lần đối trước Tam Bảo đọc lời phát nguyện tự đáy lòng: “Nguyện trên cầu Phật đạo, dưới dìu dắt đàn em…”, “… trọn đời trung kiên với lý tưởng và mục đích của Tổ Chức…”, “… giữ gìn mạng mạch và phát huy Tổ Chức…”, “… tự đào luyện nhân cách để thực hiện hoàn mỹ bổn phận và trách nhiệm của một người huynh trưởng…” vân vân. Những lời phát nguyện này là châm ngôn, là kim chỉ nam cho cuộc đời của người huynh trưởng. Thực hiện đúng với lời phát nguyện này chắc chắn sẽ trở thành một người mẫu mực, một người dấn thân đúng nghĩa.
Chuyên cần tu học và hành theo lời Phật dạy nhằm trau dồi sự hiểu biết và phát triển trí tuệ để có ý thức về suy tư, lời nói và hành động của mình sao cho hợp tình hợp lý hầu mỗi hành động đều mang niềm vui và lợi lạc đến cho mình và cho người. Được như thế chính là đang bước những bước chân vững chãi trên con đường “trên cầu Phật đạo”. Và khi có được sự vững chãi, thảnh thơi thì việc “dìu dắt đàn em” ắt sẽ có hiệu quả.
“Suy nghĩ theo sự lý mà thành cái tư tưởng hoàn toàn”[1] tức là lý tưởng. Lý tưởng không thể tự nhiên mà thành mà được xây dựng qua sự dấn thân và phục vụ theo mục đích mà ta đeo đuổi. Khi việc làm của chúng ta mang lại niềm vui và lợi ích cho mình và cho người, cho đàn em thì ta đang xây dựng một lý tưởng đẹp. Cái đẹp ấy được bồi đắp qua thời gian và dần dần xây dựng trong ta một lý tưởng vững chắc. Niềm tin đối với việc ta đang làm cũng được tăng trưởng khi mỗi ngày ta cảm nhận được niềm hạnh phúc vì đã dâng tặng niềm vui cho người, cho đời. Cho nên “trọn đời trung kiên với lý tưởng và mục đích của Tổ Chức” chính là ta đang thể hiện nghĩa vụ cao quý, đang mang niềm vui đến cho người, làm tươi mát cho cuộc đời. Khi đã nguyện “trung kiên” tức là luôn trung thành và kiên trì đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc.
Tinh thần được xây dựng trên những nền tảng ấy.
Trách nhiệm:
Nguyện sẽ theo bước chân của các bậc Tiền Bối đem Tâm, Ý, Lực để đóng góp cho Tổ Chức, quyết không làm điều gì tổn hại đến uy tín và danh dự của Tổ Chức. Ngay cả việc tham gia vào sinh hoạt một đoàn thể thiện nguyện khác mà làm ảnh hưởng đến sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, huynh trưởng cũng cần nên tránh. Ý thức như thế tức ta đang “giữ gìn mạng mạch và phát huy Tổ Chức”. Đồng thời, “… để thực hiện hoàn mỹ bổn phận và trách nhiệm của một người huynh trưởng”, ta cần đặc biệt lưu tâm tới những khía cạnh nhỏ mà đôi khi ta đã vô tình không nghĩ đến, như:
Thời gian: Ai cũng có cùng bấy nhiêu thời gian, mỗi ngày đêm 24 tiếng; và ai cũng bận rộn với nhiều việc – nhất là huynh trưởng chúng ta vừa chăm lo gia đình vừa gánh vác việc của Tổ Chức. Tuy thế, chúng ta ý thức rằng lấy thời gian và sự bận rộn làm lý do chính để tự cho mình cái quyền trễ nải công việc chung là một thói quen cần nên tránh. Sắp xếp thời điểm và công việc trước sau để có thể hoàn thành tươm tất công việc mình đảm nhận là điều mà mỗi huynh trưởng cần chú tâm đến.
Công việc: Trong thời gian qua, vì nhu cầu của Tổ Chức, chúng ta đã gồng mình gánh vác nhiều trách nhiệm Tổ Chức giao phó. Nhưng rồi quá khứ đã cho thấy, sức chúng ta có hạn và thời gian không cho phép khiến những việc chúng ta làm nhiều khi chưa được hoàn tất hoặc phải bỏ dở nửa chừng hoặc chưa hề đụng tới. Có lẽ vì quan niệm kỳ này làm chưa xong thì kỳ tới làm cũng không sao, cho nên chúng ta không cảm thấy áy náy (feel guilty) về những tắc trách của mình. Thực sự điều này đã ngấm ngầm làm suy giảm tinh thần và nghị lực không những của chính mình mà còn tác động đến tinh thần và niềm tin của những đồng sự khác. Đó cũng là yếu tố làm chậm tiến Tổ Chức.
Biết rằng huynh trưởng thì không hề từ nan việc gì mà Tổ Chức giao phó, nhưng, nếu hoàn cảnh cho phép, mỗi người chỉ nên nhận lãnh những công việc có thể kham nổi trong khả năng của mình, không nên quá tải với sức lực và thời gian cho phép. Thà làm một việc được tươm tất đâu vào đó còn hơn làm nhiều việc lỡ dở nửa chừng.
Chúng ta cũng nên ý thức rằng công việc của Tổ Chức là công việc chung của mọi người, của hàng huynh trưởng các Cấp. Công việc được hoàn thành mỹ mãn là nhờ sự góp tâm, góp sức của tất cả mọi người nên ta cùng chung vui với niềm vui thành tựu; ngược lại, nếu vì một lý do nào đó mà công việc không được chu toàn thì ta cũng cùng nhau san sẻ, gánh chịu. Tóm lại, sự thăng trầm của Tổ Chức, sự thành bại của công việc là trách nhiệm chung, chứ không phải của riêng ai. Đã là một huynh trưởng thì không nên quy trách một cá nhân nào, không nên có ý niệm “việc đó là việc của các anh chị lớn” hoặc “việc đó là việc của Ban Hướng Dẫn” không phải là phận sự của tôi v.v. Chúng ta đều biết cùng chung lo công việc và cùng san sẻ trách nhiệm sẽ tạo nên không khí hài hòa thân thương trong tập thể, sẽ nâng cao tinh thần làm việc cho mọi người. Đây là một trong những điều cần thiết để đưa công việc đến chỗ thành tựu tốt đẹp.
Tham gia các phiên họp: Những phiên họp định kỳ trong Đơn Vị hoặc của Ban Hướng Dẫn là cơ hội để anh chị em ngồi lại bàn thảo, vạch ra phương thức xúc tiến các phật sự chung; do đó, mỗi một chúng ta cần ý thức rằng sự có mặt của mình quan trọng lắm. Chỉ cần có mặt trong buổi họp thôi chúng ta cũng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ và san sẻ rồi, chưa nói đến việc chúng ta sẽ đóng góp và sẵn sàng nhận lãnh công việc để giúp nhau hoàn thành. Đến với nhau, ngồi bàn thảo với nhau, có mặt bên nhau, nhìn thấy nhau, nghe giọng nói của nhau, chia sẻ những khúc mắc cho nhau, giúp nhau tìm giải pháp tốt đẹp v.v. là những yếu tố giúp nâng cao tinh thần gắn bó với tổ chức, cho ta sự cảm thông và hiểu biết đối với đồng sự. Tình Lam trong ta cũng được nảy nở ở những nơi như thế. Sự lớn mạnh của Tổ Chức được xây dựng từ nền tảng tinh thần và trách nhiệm, sự hòa đồng, hăng hái, vui vẻ của mọi người trên mọi công việc. Vì thế, việc tham gia các phiên họp định kỳ là một ưu tiên lớn mà người huynh trưởng cần lưu ý và sắp xếp để có mặt hầu nắm rõ diễn tiến công việc và thấu suốt các vấn đề của Tổ Chức. “Không có mợ chợ cũng đông” hoặc “không có mình thì có người khác lo” là một ý niệm tiêu cực khiến ta chùn chân, thối chí, huân tập trong ta cái tính ỷ lại, lơ là mà người huynh trưởng nên tránh.
Đối với đồng sự
“Một động lực chính để khuyến khích nâng đỡ và trợ lực cho anh chị em Huynh Trưởng làm việc đó là đồng sự. Ðồng sự là người cùng đi với chúng ta, cùng làm việc, cùng vui, buồn, cộng khổ. Tuy nhiên cũng là người có thể làm cho chúng ta có thể đứng lại hoặc nằm xuống. Vai trò của người đồng sự rất quan trọng. Vì vậy chúng ta phải tạo mối tương quan giữa nhau thật thân tình và mật thiết.
“Xóa bỏ tranh chấp, ganh tỵ – gạt hẳn những nghi kỵ nhỏ nhen – yêu thương tha thứ – chan hòa trong ý niệm thật sự. Nếu không có đồng điệu chúng ta sẽ không thể nhìn thấy nhau – hiểu được nhau – yêu thương và tha thứ cho nhau. Phải mãi nhắc nhau: ‘Yêu thương đồng sự như yêu thương chính mình’. Có như vậy chúng ta mới có thể dìu dắt lẫn nhau tiến mãi trên bước đường phụng sự.”[2]
Có điều gì không vừa lòng giữa nhau ta hãy thực sự trực tiếp đến với nhau, bày tỏ cho nhau nghe trong tinh thần hài hòa, xây dựng. Không nên giữ mãi trong lòng những điều không vừa lòng hoặc thổ lộ chuyện không thỏa mãn với một người thứ ba khác, bởi như thế sẽ tạo nên phe cánh và không khéo sẽ gây hiểu lầm, nghi ngờ, biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn – Tình đồng sự từ đó cũng sẽ bị rạn nứt, đưa đến hậu quả không tốt cho cá nhân và tập thể.
Giúp đỡ, hỗ trợ: Chúng ta biết rằng Anh/Chị kia đang cần phần đóng góp của mình để hoàn thành công việc của họ, nếu ta chần chờ, lơ là thì công việc chung sẽ bị chậm trễ. Chúng ta cũng ý thức rằng làm việc trong tổ chức Gia Đình Phật Tử hay trong một công sở, một cơ quan nào khác cũng đều làm việc theo sự liên đới hợp tác giữa các đồng sự – dính mắc như một sợi dây chuyền – như một máy xe nổ được thì phải có tất cả các bộ phận, dù là bộ phận nhỏ. Do vậy, mỗi khi đồng sự nhờ chúng ta làm việc gì thì, nếu có thể được, ta hãy đáp ứng ngay, nếu không thì hãy tranh thủ để thực hiện trong thời gian sớm nhất mà ta có thể. Có như thế thì công việc chung mới được trôi chảy, guồng máy của Tổ Chức sẽ được vận hành đều đặn, suôn sẻ.
Liên lạc (Email): Trên thế giới ngày nay, email là phương tiện truyền thông khá phổ biến; ở trong Tổ Chức chúng ta cũng đang dùng email rất nhiều cho việc liên lạc. Dù thế, chúng ta cũng nên lưu ý và thận trọng, không khéo thì email chính là một loại ám khí khá lợi hại. Trước nhất nó đang biến chúng ta trở thành những người máy nói chuyện với nhau. Tình cảm và sự gắn bó giữa anh chị em do đó cũng phai nhạt dần. Thứ đến, nó chuyên tải không hết ý của người diễn đạt. Mặt đối mặt, tai bên tai, lắm lúc chúng ta không hiểu được trọn ý của nhau huống hồ là đọc những mặt chữ trên màn ảnh máy computer. Từ đó chúng ta có thể hiểu sai ý của nhau, đưa đến những ngộ nhận, nghi ngờ đáng tiếc. Nhất là khi chúng ta muốn giải quyết một khúc mắc gì đó qua phương tiện email, không khéo thì sẽ làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng hơn, rắc rối thêm. Vì thế, chúng ta nên giới hạn việc dùng email làm phương tiện truyền thông và liên lạc chính.
Trong những năm gần đây, khi điện thoại thông minh (smartphone) lan rộng thì việc gửi tin nhắn (text messaging) qua điện thoại lại được chú trọng hơn cả việc sử dụng email. Chúng ta đang bị lệ thuộc vào các thứ kỹ thuật điện tử này, không có nó nhiều lúc chúng ta cảm thấy thiếu tay hụt chân. Gần như chúng ta đang bị các thứ đó điều khiển mà không biết. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng khi gửi một email hoặc một tin nhắn (text message) đừng nghĩ rằng (assume) người bên kia đã nhận bởi có những emails và tin nhắn không được chuyển hoặc vài ngày hoặc cả tuần sau mới đến. Do vậy, khi nhờ một ai làm việc gì khẩn cấp thì không nên dùng email/text, để tránh trường hợp người kia không đọc email hôm ấy, khỏi làm hỏng việc.
Mỗi khi thời gian cho phép, lúc chúng ta thong thả thì cũng nên gọi cho nhau qua điện thoại, thay vì dùng tới email, để được nghe giọng nói, hơi thở, nụ cười của nhau. Đây chính là yếu tố tạo dựng tình cảm gắn bó, thân thương giữa huynh trưởng và huynh trưởng, giữa người với người.
Đối với đàn em
Người huynh trưởng luôn quan niệm rằng Đàn em là đối tượng chính cho việc phục vụ và dấn thân của mình. Các em không chỉ sẽ là những người tiếp nối gìn giữ và phát huy tổ chức Gia Đình Phật Tử mà còn là những phần tử xây dựng xã hội lành mạnh mai sau. Hướng dẫn các em trở thành những Phật tử chân chánh, những người con hiếu thảo trong gia đình, những công dân hữu dụng cho xã hội là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của người huynh trưởng. Thực hiện được công việc này là ta đã đền đáp được phần nào về bốn trọng ân mà ta luôn mang nặng: ân Cha Mẹ, ân Thầy Bạn, ân Quốc Gia Xã Hội và ân Tam Bảo. Vì thế việc trau dồi kiến thức, khả năng và trí tuệ là điều thiết yếu giúp ta thấy xa hiểu rộng hầu làm mới việc giáo dục hợp với thời đại và đáp ứng được nhu cầu của các em. Khư khư nghĩ rằng những điều mình đang thực hiện hôm nay là tốt đẹp nhất nên không cần thay đổi, không làm mới là đang dẫm chân tại chỗ, đang đi lùi với đà phát triển của xã hội, đang trôi ngược dòng với sự tiến hóa của vạn vật.
Đối với các em, người huynh trưởng luôn thể hiện tình thương, hy sinh và nhẫn nại. Tình thương là chất liệu ngọt ngào giúp ta dễ dàng gần gũi và thân thiện với các em – từ đó ta mới nhìn thấy được nhu cầu các em là gì để có thể dễ dàng đáp ứng.
Hy sinh cũng là một đức tính cần có của người huynh trưởng đối với các em. Nhiều lúc ta cũng phải nhận phần thua thiệt, quên những quyền lợi riêng tư vì sự tươi mát của các em. Tất cả cho đức tin và niềm vui của đàn em chính là thế.
Chúng ta cũng biết các em gồm nhiều thành phần khác biệt. Có em ngoan ngoãn hiền lành, dễ thương dễ bảo, cũng có những em khiến cho chúng ta điên đầu nhức óc nếu chúng ta không biết nhẫn nại. Thiếu kiên nhẫn và chịu khó chúng ta sẽ dễ bị chán nản ngã lòng, tinh thần suy giảm, từ đó sẽ không gây được niềm tin tưởng cho các em.
LỜI KẾT
Chúng ta có thể ví “tinh thần” là một cảm giác vô hình ngự trị trên mọi hành động của mình. Nó có thể cho ta năng lượng tràn trề để hoàn thành một công việc vô cùng khó khăn và nó cũng có thể khiến ta ngã quỵ, đầu hàng trước một thử thách nhỏ. Do đó, việc nuôi dưỡng tinh thần rất quan trọng trên bước đường dấn thân phục vụ trong một tổ chức thiện nguyện, trong sứ mệnh huynh trưởng Gia Đình Phật Tử. Tinh thần có được tăng trưởng cũng một phần nhờ vào sự khắng khít với những đối tượng bên cạnh: Đàn em và Đồng sự. Thương yêu đàn em như thương yêu chính mình, cũng như tin tưởng, san sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ, hài hòa với đồng sự sẽ tạo không khí vui vẻ thân thương trong tập thể; và biết rõ vai trò và thể hiện hoàn mỹ trách nhiệm của mình sẽ là những đóng góp thiết thực cho sự lớn mạnh và tươi sáng của Tổ Chức. Niềm tin trong ta cũng được bồi đắp, lý tưởng cao quý cũng được dạt dào trong lòng khi mỗi ngày chúng ta làm được việc gì đó giúp ích cho mình, cho đời và cho người.
Nội dung được nên lên ở trên chỉ là một vài khía cạnh nhỏ trên nhiều phương diện hành hoạt xin được mạo muội tâm tình cùng quý anh chị huynh trưởng. Mong rằng bài viết này có thể góp một chút năng lượng nhỏ trong việc thăng hoa sứ mệnh người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử.
_________________________________
[1] LÝ TƯỞNG và SỨ MỆNH CỦA HUYNH TRƯỞNG. Tài liệu Huấn Luyện A-Dục, BHD Miền Tịnh Khiết, 2012
[2] TƯ CÁCH và NHIỆM VỤ ĐOÀN TRƯỞNG. Tài liệu Huấn Luyện A-Dục, BHD Miền Tịnh Khiết, 2012