
Khóa sinh Vạn Hạnh I | Ảnh: VHI/BHDTƯGĐPTVNHK
Sau biến cố 1975, đồng bào tỵ nạn sang định cư tại Hoa Kỳ muốn duy trì những truyền thống của đạo pháp và dân tộc tại xứ sở mới. Trong tinh thần ấy tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã được xây dựng theo truyền thống Gia Đình Phật Tử ở quốc nội. Trong 40 năm sinh hoạt, Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, một tổ chức giáo dục cho tuổi trẻ, đã trải qua những giai đoạn thăng trầm. Giờ đây tổ chức cần có những sự làm mới hay cải tiến rõ rệt mới có thể duy trì và phát triển cho các thế hệ về sau. Đây là một công trình rất phức tạp và cần có sự chung lòng chung sức của toàn thể những người đang khoác chiếc áo Lam trên mình. Một số quý Tăng Ni và Huynh Trưởng đã đưa ra vấn đề làm mới trong quá khứ. Hãy nhìn lại một số vấn đề và đi đến những biện pháp làm mới hay cải cách.
Thống nhất tổ chức
Nhờ sự đoàn kết các anh chị em Huynh Trưởng áo Lam vào giai đoạn đầu, nên Gia Đình Phật Tử đã phát triển rất mạnh mẽ trên hai thập niên đầu trên đất nước Mỹ. Thế nhưng bắt đầu vào năm 1997, có những biến cố đã đem đến tình trạng phân hóa xảy ra trong tổ chức.
Quyển Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ – 30 Năm Xây Dựng và Trưởng Thành – trang 69-70 có ghi về biến cố tại Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT Miền Thiện Minh kỳ 8:
“…cùng với một số huynh trưởng tha hóa, thiếu lòng thủy chung đã lợi dụng Đại Hội Miền Thiện Minh làm cuộc “đảo chánh” để bức tử và triệt tiêu Miền Thiện Minh… Trong hai ngày 03 & 04.05.1998 tại Trung Tâm Phật Giáo Hayward nhờ tình thương yêu sâu dày của Đấng Chúng Trung Tôn, với những quan tâm hỗ trợ nhiệt tình của Thiện Hữu Tri Thức, Phật Tử Ân Nhân mọi ngành giới; cùng những quan hoài cật ruột của anh chị em Lam Viên khắp mọi nơi ở Hải Ngoại… Miền Thiện Minh vẫn tồn tại. Nhưng dù gì đi nữa, thì Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu rạn nứt trầm trọng với vết thương hằn sâu trong lòng của Tổ Chức từ thời điểm này!”
Tưởng rằng khó khăn đã vượt qua nhưng không ngờ tiếp theo sau lại một biến cố khá đau đớn nữa. Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ – 30 Năm Xây Dựng và Trưởng Thành – trang 83 ghi lại:
“Nhưng, thật đáng buồn và đáng tiếc thay, Đại Hội Hợp Nhất Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ diễn ra trong 2 ngày 10 & 11.04.2004 tại chùa Diệu Pháp, số 311 East Mission, Dr. San Gabriel, CA 91776 đã hoàn toàn tan vỡ, đưa đến sự phân hóa và chia rẽ trầm trọng của GĐPT/VN tại Hoa Kỳ.”
Những biến cố này đã đưa đến sự phân chia của tổ chức. Ban đầu chia ra thành 2, rồi hiện nay đã trở thành 3 hay 4 tổ chức trên nước Hoa Kỳ với danh xưng GĐPTVN tại Hoa Kỳ. Sự phân chia này là một trong những nguyên nhân đem đến nhiều bất lợi trong việc duy trì và phát triển tổ chức GĐPT. Điển hình là một số nhân sự có năng khiếu bây giờ không còn làm việc chung với nhau được nữa.
Trong những năm trước đây một số Chư Tôn Đức đã khuyến khích và các Ban Hướng Dẫn đã có tìm hiểu để đi đến sự thống nhất Gia Đình Phật Tử tại Hoa Kỳ, tuy nhiên công việc này bị dậm chân tại chỗ. Một phần có thể là vì một số các anh chị Huynh Trưởng chưa buông bỏ được những gì đã xảy ra trong quá khứ; hoặc có thể còn nắm giữ khái niệm là bên này đúng bên kia sai, nên bên kia phải chịu thua; hay có thể là các anh chị không muốn buông bỏ thế đứng của mình đang nắm trong tổ chức. Nói chung trong nhà Phật gọi là còn cố chấp nơi cái Ta.
Đa số các Đoàn Sinh và Huynh Trưởng trẻ trong tổ chức không biết gì về những sự phân chia này. Có các em rất ngạc nhiên và có nhiều thắc mắc khi nghe về những quá khứ như vậy. Các em không ngờ rằng một tổ chức với mục đích là đào tạo thanh thiếu đồng niên thành những người Phật tử chân chánh lại có sự phân chia đến nỗi như vậy. Có em đã mất niềm tin vào tổ chức.
Nếu phía trên chưa ngồi lại được, thì có thể phía dưới nên bắt đầu những công việc như sau:
- Những đơn vị Gia Đình Phật Tử dưới các Ban Hướng Dẫn khác nhau nhưng sinh hoạt trong địa bàn gần nhau hãy ngồi lại với nhau.
- Trước tiên, lập ra một ban đại diện của những đơn vị trong địa bàn ấy. Ban đại diện sẽ vạch ra một chương trình sinh hoạt giao lưu và tu học giữa các đơn vị trong địa bàn.
- Kế tiếp ban đại diện của nhiều vùng khác nhau ngồi lại và vạch ra một chương trình sinh hoạt giữa các vùng để nêu cao tình đoàn kết giữa các đơn vị.
- Những công việc trên không cần phải qua sự chấp thuận của các Ban Hướng Dẫn Trung Ương.
- Đồng thời các ban đại diện này thúc đẩy các Ban Hướng Dẫn Trung Ương ngồi lại để làm việc với nhau. Mong rằng khi các Ban Hướng Dẫn Trung Ương thấy được rằng các đơn vị phía dưới không có vấn đề trong việc đoàn kết sinh hoạt với nhau thì phía trên cởi mở hơn trong việc thống nhất.
Trong bài Ai là Tâm Minh thế kỷ 21, Thượng Tọa Thích Từ Lực có nhắc nhở:
“Thật may mắn nếu ở trong một tập thể mà có được hình ảnh những Phật tử biết uyển chuyển để có thể chấp nhận những ý kiến bất đồng. Rồi cũng trong chiều hướng vị tha, phóng xả, cố đem hết sức mình dâng hiến cho tổ chức mà họ sẵn sàng ngồi lại để cùng làm việc với nhau thì đó là những viên ngọc vô giá.”
Cải tiến tổ chức
Một nguyên nhân nữa có ảnh hưởng đến tổ chức đó là sự thay đổi về mặt Đoàn Sinh và Huynh Trưởng. Vào thập niên 80 và 90 phần đông Đoàn Sinh và Huynh Trưởng sanh ra ở Việt Nam rồi sang Hoa Kỳ định cư, vì thế sự sinh hoạt và phát triển rất dễ dàng. Qua thời gian số lượng Đoàn Sinh sanh trưởng và lớn lên ở Hoa Kỳ càng ngày càng tăng lên. Hiện nay dự đoán số lượng Đoàn Sinh sanh ra ở Hoa Kỳ có thể trên 92%.
Trong bài viết Vài Suy Nghĩ Về Việc Cải Tiến và Làm Mới Chương Trình Sinh hoạt và Tu Học Của Gia Đình Phật Tử, Huynh trưởng Tâm Giác Tâm chia sẻ một vài nhận xét:
“Có rất nhiều đoàn sinh, nhất là Oanh Vũ sinh ra và lớn lên tại đây. Điều này có thể giải thích như sau: Cha Mẹ của các em bắt đầu thấy được cái phức tạp của xã hội Âu Mỹ với quá nhiều đòi hỏi vật chất, sa đọa về đạo đức và bạo động, vì vậy họ bắt đầu tìm đến những tổ chức giáo dục tuổi trẻ với hy vọng sẽ có thể giúp con em họ giải quyết được vấn nạn này. Đó là chưa kể có những bậc cha mẹ đã mang những con em đang bị trở ngại lớn đến với GĐPT và hy vọng các em sẽ được chuyển hóa!”
Cùng với những thay đổi trên, Anh ngữ đã trở thành ngôn ngữ chính áp dụng không những giữa các đoàn sinh mà cả lớp huynh trưởng trẻ tuổi. Vì vậy chương trình sinh hoạt cần có sự cải tiến để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay:
Chương trình Lễ Phật hằng tuần:
Trong bài Gieo Hạt Giống Lành, Cựu Huynh Trưởng Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn đã nói như thế này:
“Về kinh sách: Chỉ nói đến những nghi thức tụng niệm đơn giản dùng hằng ngày mà thôi thì cũng đã thiếu sự thống nhất giữa các chùa và các đơn vị. Văn cổ học chữ Hán tối tăm khó hiểu xen lẫn với văn thuần Việt dịch nghĩa chưa được hoàn thiện trong các kinh sách hiện dùng là một vấn đề thiếu sót và cản trở nghiêm trọng trong việc tu học. Thực tế là các bậc phụ huynh còn chưa hiểu nổi thì làm sao tuổi trẻ – nhất là khi các em ở nước ngoài, nói tiếng nước ngoài – lại có đủ sức để hiểu, để yêu mến và ham thích học Phật cho được.”
Vì thế kinh sách nghi lễ hằng tuần nên có những thay đổi như sau:
- Phần nghi lễ hằng tuần cần phải có thêm một hay hai bài kinh tiếng Anh kèm theo tiếng Việt để trong buổi lễ sẽ có phần đọc trong hai thứ tiếng. Hoặc mỗi tháng có buổi lễ tụng kinh từ bộ kinh tiếng Anh thay thế kinh truyền thống của Gia Đình Phật Tử trong tiếng Việt.
- Phải thay đổi như vậy thì các em đoàn sinh mới hiểu được kinh Phật và chú ý hơn khi đọc kinh. Đã có một vài đơn vị áp dụng phần đọc kinh trong tiếng Anh với hiệu quả khá khả quan.
- Kinh điển Phật Giáo trong tiếng Anh ngày nay được phổ biến rộng rãi nên Gia Đình Phật Tử cần nghiên cứu và áp dụng.
- Lúc ban đầu nếu chưa quen phương cách tụng trong tiếng Anh, thì có thể đọc lớn chung trong buổi lễ.
- Đồng thời cũng không nên áp dụng các bài kinh truyền thống của Gia Đình Phật Tử đã được dịch sang tiếng Anh vì lời dịch không sát nghĩa và khó cho các em hiểu.
Tài liệu Phật Pháp:
Tập tài liệu Phật Pháp của Gia Đình Phật Tử được quý ngài Thích Minh Châu, Thích Thiên Ân, Thích Chơn Trí và Thích Đức Tâm soạn trên 50 năm về trước là một tài liệu căn bản rất hữu ích. Tuy nhiên vì tài liệu sử dụng nhiều danh từ Hán ngữ, và có phần khô khan cho Đoàn Sinh cũng như Huynh Trưởng thế hệ sau này. Tuy tài liệu này đã được dịch sang tiếng Anh nhưng bài dịch không trọn vẹn và vẫn còn khô khan. Các bài dưới dạng kiến thức sách vở chứ không truyền đạt được sự áp dụng trong đời sống hằng ngày. Chương trình tu học cho đoàn sinh và huynh trưởng cần nên có sự cải tiến như sau:
- Ban Hướng Dẫn lập một Ban Cải Tiến tài liệu Phật Pháp, trong đó có 5 đến 7 anh chị huynh trưởng trẻ hoặc trung niên với kiến thức vững vàng về Phật Pháp cũng như có kinh nghiệm thực tập. Ban Cải Tiến được đặt dưới sự cố vấn của 3 vị Chư Tăng Ni và có toàn quyền chọn đề tài cũng như tài liệu Phật Pháp.
- Khởi đầu thì Ban Cải Tiến lo soạn chương trình Phật Pháp các Bậc cho ngành Oanh và Thiếu.
- Bài vở trong tiếng Anh có thể lấy từ các sách vở, tài liệu hay bài giảng của các Chư Tôn Đức hoặc những Phật Tử danh tiếng.
- Chú trọng là các bài Phật Pháp thực tiễn để các em có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày.
Nhấn mạnh Thiền Tập:
Tuổi trẻ bây giờ rất năng động và bị ảnh hưởng rất nhiều với những kích thích bên ngoài xã hội. Các em rất dễ bị căng thẳng khi đối diện với gia đình và xã hội. Hiện nay, vì chương trình Phật Pháp của Gia Đình Phật Tử nhấn mạnh nhiều về lý thuyết và kiến thức, cho nên Đoàn Sinh và Huynh Trưởng không nắm được các phương cách căn bản để có thể đem lại sự an lạc trong đời sống hằng ngày. Vì thế các pháp môn thiền tập cần phải nhấn mạnh và hướng dẫn trong chương trình tu tập của Gia Đình Phật Tử.
Huynh Trưởng Tâm Giác Tâm đã đề nghị vấn đề này trong bài Vài Suy Nghĩ Về Việc Cải Tiến và Làm Mới Chương Trình Sinh hoạt và Tu Học Của Gia Đình Phật Tử:
“Những giờ phút tĩnh lặng sẽ giúp chúng ta tìm lại sự an tịnh của nội tâm, bồi dưỡng lại năng lượng của mình đã mất mát do sự năng động về thể chất, hầu có thể đi đường dài. Vì vậy nên đưa một số thực tập Thiền căn bản vào sinh hoạt tu học: Thở có ý thức, chuông chánh niệm, thiền hành, thiền tọa, ăn cơm trong im lặng, thiền trà, pháp đàm…”
Có thể phát triển pháp môn thiền bằng cách:
- Trong mỗi đơn vị phải có ít nhất 1-2 Huynh Trưởng có khả năng hướng dẫn thiền tập một cách hữu hiệu.
- Cho Đoàn Sinh thực tập thiền tọa và thiền hành thời gian dài hơn là thì giờ để vào phần đọc kinh. Ví dụ, thay vì ngồi thiền 5 phút và đọc kinh 20 phút thì nên tăng giờ thiền lên 15 phút và rút lại giờ đọc kinh lại còn 10 phút.
- Thường xuyên cho các em tham gia các khóa tu thiền hoặc thỉnh Chư Tăng Ni hướng dẫn về thiền căn bản về hướng dẫn các em.
- Tổ chức các buổi thiền tập cho Huynh Trưởng và nếu được cho Đoàn Sinh hằng tuần ngoài giờ sinh hoạt.
- Thỉnh thoảng dẫn các em đi tham gia các buổi ngồi thiền của các nhóm thiền của người ngoại quốc trong thành phố nếu có.
Khai triển Văn Mỹ Nghệ:
Văn Mỹ Nghệ là một bộ môn quan trọng và hiện nay trên trang nhà của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ (http://www.gdptvn-hoaky.com) đang có trên 500 nhạc phẩm về những chủ đề về Gia Đình Phật Tử, tuổi trẻ, đạo pháp và dân tộc. Đây là một tủ nhạc phong phú. Tuy nhiên tất cả các bài đều trong tiếng Việt. Để duy trì và phát triển, tổ chức cần có một số bài nhạc về tổ chức, đạo pháp và dân tộc trong tiếng Anh để lôi cuốn các em Đoàn Sinh sanh ra ở Hoa Kỳ. Khi hát các em thấu hiểu được và có sự cảm hứng được thì mới thích thú và thuộc bài.
Cải tiến cách đào tạo nhân sự
Hoà Thượng Thích Tịnh Từ viết trong bài Vai Trò Giáo Dục và Hướng Đi của Gia Đình Phật Tử:
“Sự phát triển lớn mạnh và tồn tại lâu dài của các đơn vị Gia Đình ở mỗi địa phương là tùy thuộc khả năng nhân sự ở các cấp Huynh Trưởng. Huynh Trưởng hướng dẫn và cầm đoàn của mỗi đơn vị Gia Đình thiếu khả năng hoặc không có đủ nhân sự cung cấp điều khiển các ngành thì đơn vị Gia Đình ấy được thành lập nhưng sớm bị tan rã; tệ tại hơn nữa là có hình thức sinh hoạt mà không thể hiện được hướng đi cao cả, sáng đẹp của Gia Đình Phật Tử.”
Với những sự thay đổi trong môi trường bên ngoài hiện nay, phương cách đào tạo Huynh Trưởng cũng cần có phần thay đổi. Cũng như chương trình tu học cho Đoàn Sinh, chương trình tu học các Bậc của Huynh Trưởng cũng cần có sự làm mới. Dĩ nhiên vấn đề tác phong, đạo đức và lý tưởng của người Huynh Trưởng thì không bao giờ thay đổi, vì một người Huynh Trưởng trong tổ chức phải có đủ những phẩm chất cao thượng ấy. Chương trình các Bậc hiện nay nghiêng nhiều về lý thuyết và kiến thức. Đó là điều quan trọng vì Huynh Trưởng là những người anh người chị hướng dẫn cho các đàn em. Ngoài ra, người Huynh Trưởng cần nâng cao sự chuyển hóa tâm linh để có thể đem lại niềm an lạc trong chính thân tâm của mình. Khi có sự an lạc thì trí tuệ nảy nở từ đó người Huynh Trưởng mới có sự sáng suốt trong việc điều hành tổ chức cũng như hướng dẫn các em. Làm thế nào khi người Huynh Trưởng đối diện với các em, các em nhận diện và hấp thụ được những hạt giống từ bi, hỷ xả và thanh tịnh từ anh từ chị.
Trong quyển Đạo Phật của Tuổi Trẻ, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đã giảng như sau trong một khóa tu cho Gia Đình Phật Tử:
“Quý vị phải được trao truyền những pháp môn rất cụ thể, rất thực tế để có thể nuôi dưỡng được hạnh phúc, lòng thương và sự hiểu biết của mình. Quý vị phải được học những biện pháp cụ thể có thể trị liệu được những khổ đau của mình, có thể thiết lập được sự truyền thông giữa mình và các em, giữa mình và cha mẹ mình, giữa mình và các con của mình. Vị Huynh Trưởng phải có khả năng chuyển hóa được gia đình mình, làm cho gia đình mình trở thành một gia đình có hạnh phúc, có truyền thông thì vị Huynh Trưởng đó mới có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng, và trị liệu cho những đoàn sinh được gởi tới cho Gia Đình Phật Tử của mình.”
Cũng trong bài Vai Trò Giáo Dục và Hướng Đi của Gia Đình Phật Tử, Hòa Thượng Thích Tịnh Từ có chỉ dạy về việc cụ thể hóa chương trình tu học cho các phần:
– Học giáo lý căn bản và đào sâu phương thức ứng dụng giáo lý ấy trong đời sống bản thân gia đình và đoàn thể;
– Thực tập phương pháp thiền quán để trau dồi thân, miệng, ý cho trong sạch hầu làm hiển lộ khả năng trí tuệ và đạo đức đích thực trong con người Huynh Trưởng;
– Ðào sâu lãnh vực tâm học và nắm vững khoa tâm lý trị liệu để bổ sung cho kinh nghiệm cầm đoàn và trước hết là thiết lập đời sống hạnh phúc cho cá nhân và gia đình;
– Tạo cho các em đoàn sinh trong các Ngành có một vốn liếng Phật Pháp căn bản, có một đức tin Tam Bảo sâu sắc và có những phương cách sống đạo được bền bỉ trong mọi môi trường tiếp xúc.
– Về với các khóa tu, sống chung và thực tập đạo tỉnh thức với nhau vài ba hôm bên cạnh quý thầy Thiền chủ và Quý vị Tăng Ni hướng dẫn tinh thần là những dịp tốt để quý vị Tăng Ni được thương mến, được chia sẻ những kinh nghiệm tu học và đời sống an lạc cho tuổi trẻ;
– Lý do chư vị Tăng Ni và giữa Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử có một khoảng xa cách và đôi lúc gần như không có sự lưu tâm giáo dưỡng, bảo trợ là vì chúng ta không tạo được những môi trường sinh hoạt tu học có chiều sâu như những Khóa Tu Học.”
Ngoài ra Huynh Trưởng nên nhấn mạnh thêm những phần sau đây:
- Pháp môn Thiền tập là một đề tài bắt buộc phải có trong mỗi Bậc tu học của Huynh Trưởng.
- Yêu cầu Huynh Trưởng phải trải qua những khóa tu thiền thường xuyên ít nhất một năm 1 lần.
- Các Ban Hướng Dẫn cần tạo cơ hội cho Huynh Trưởng tham gia các khóa tu thiền do Ban Hướng Dẫn tổ chức tại các thiền viện hoặc thỉnh cầu Chư Tăng Ni về các đơn vị để hướng dẫn.
- Thành lập một chương trình ngồi thiền viễn liên qua video hay điện thoại hằng tuần cho Huynh Trưởng toàn quốc dưới sự hướng dẫn của một vị Tăng Ni. Sau khi ngồi thiền thì có thể chia sẻ về sự thực tập.
- Mỗi Huynh Trưởng cần phải đọc quyển Đạo Phật của Tuổi Trẻ của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và quyển Mười Phương Pháp Thực Tập, Ten Methods for Mindfulness Practice do Thượng Tọa Thích Từ Lực soạn cho GĐPT Miền Tịnh Khiết, Trại Tu Học Mộc Lan – 2011.
Kết luận:
Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã được xây dựng và phát triển trên đất nước Hoa Kỳ trên 40 năm qua. Đó là một niềm khích lệ lớn lao cho tổ chức. Tuy nhiên để có thể tiếp tục duy trì cho những thế hệ mai sau tổ chức cần có sự cải tiến và làm mới. Một số Chư Tôn Đức Tăng Ni cũng như Huynh Trưởng đã thao thức về vấn đề này và nhiều lần đã chỉ dạy và cho ý kiến trong việc chuyển hóa tổ chức để phù hợp với tuổi trẻ sanh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ. Công việc này có làm được hay không là tuỳ thuộc vào sự đoàn kết và lòng quyết tâm thay đổi của toàn thể Huynh Trưởng các cấp các ngành, nhất là cần có sự cởi mở từ thế hệ Huynh Trưởng đi trước. Sự cố chấp, không muốn thay đổi, không muốn uyển chuyển sẽ không mang lại lợi ích cho tổ chức. Trong các thế hệ Huynh Trưởng đi sau có những Huynh Trưởng với đầy năng khiếu và kiến thức để cải tiến tổ chức. Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại hoa Kỳ hãy tin tưởng và ủy thác trách nhiệm để quý anh chị Huynh Trưởng ấy lèo lái tổ chức hướng về tương lai. Việc cải tiến quy mô cần tiến hành càng sớm càng tốt để tổ chức được bền vững lâu dài trên đất nước Hoa Kỳ.
_________________________________
Tài Liệu Tham Khảo:
– BHD Trung Ương (2006). Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ – 30 Năm Xây Dựng và Trưởng Thành. Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ – 30 Năm Xây Dựng và Trưởng Thành.
– H.T. Thích Nhất Hạnh (2004). Đạo Phật của Tuổi Trẻ.
– H.T. Thích Tịnh Từ. Vai Trò Giáo Dục và Hướng Đi của Gia Đình Phật Tử. Tài Liệu Huấn Luyện Huyền Trang III. Mùa Vu Lan PL: 2547-2003.
– Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn (2009). Gieo Hạt Giống Lành (Giáo Dục Trong Gia Đình Phật Tử).
– Tâm Giác Tâm Đặng Văn Thành (2006). Vài Suy Nghĩ Về Việc Cải Tiến và Làm Mới Chương Trình Sinh hoạt và Tu Học Của Gia Đình Phật Tử. Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ – 30 Năm Xây Dựng và Trưởng Thành.
– . Thích Từ Lực. Ai là Tâm Minh thế kỷ 21. Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo, Đường Hướng Giáo Dục của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hoa Đàm Số 1, Tháng 3/2015.
– . Thích Từ Lực. Mười Phương Pháp Thực Tập, Ten Methods for Mindfulness Practice. Trại Tu Học Mộc Lan – 2011.
Nguồn: Facebook Vạn Hạnh I, BHDTƯ/GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ