
Thầy Arittha chắc hẳn nghe Bụt nói tới an lạc, nhưng chắc thầy chưa phân biệt được ranh giới giữa an lạc và dục lạc. Sự hiểu lầm này cố nhiên là sự hiểu lầm của thầy. Nhưng ta không nên nghĩ rằng thầy là người duy nhất hiểu lầm lời dạy của Bụt về vấn đề dục lạc là tai họa. Chắc chắn là đã có một số các thầy đã lầm lẫn dục lạc với an lạc, và sợ hãi cả an lạc. Chính trong thời đại chúng ta mà cũng có những người Phật tử có thái độ sợ hãi đối với an lạc. Họ không dám thưởng thức những gì đẹp đẽ và mầu nhiệm của chiếc nạng và bắt rắn ở phía đầu, để rắn đừng quay lại cắn mình. Đây là một ví dụ thật độc đáo: “Cũng giống như người ta bắt rắn ở miền hoang dã, thấy rắn lớn liền lấy tay chụp vào mình nó cho nên bị rắn quay đầu lại mổ vào tay, vào chân hoặc vào một bộ phận khác của cơ thể. Bắt rắn như vậy thì không có ích lợi gì mà lại mang họa vào thân. Lý do là tại người ấy không biết thủ thuật bắt rắn. Người học kinh không thông minh chủ trương ngược lại và do đó đã đi quá đà và đã bị Bụt chỉnh lý.
Bụt dạy: “Những giáo pháp tôi nói, các thầy phải tìm hiểu nghĩa lý một cách tường tận và đúng mức rồi mới đem ra hành trì. Nếu chưa tìm hiểu được nghĩa lý một cách tường tận và đúng mức thì trước hết nên hỏi lại chính tôi hoặc hỏi lại các bậc trí giả và các bậc phạm hạnh đã.” Các bậc trí giả nói đây tức là các bậc có chứng đắc chứ không phải chỉ là những người có nhiều kiến thức. Các bậc phạm hạnh là những người đang sống trong sạch và gương mẫu chứ không hẳn là những người đang sống khắt khe và khổ hạnh về phương diện hình thức.
Có hai nguyên do khiến người ta hiểu ngược ý kinh: Một là thiếu trí tuệ và khéo léo, hai là học kinh chỉ vì mục đích tranh luận và tìm cầu danh lợi. “Có những người thiếu trí tuệ, vì có nhận thức sai lạc về văn và về nghĩa, đã hiểu ngược những điều đề cập đến trong các thể tài kinh điển như chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tụng, nhân duyên, soạn lục, bàn khởi, thử thuyết sinh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghị. Những người ấy đã học với chủ đích tranh luận hơn thua mà không học vì mục đích tu tập giải thoát nên đã bị kẹt vào sự việc mà không tiếp nhận được chân nghĩa của kinh.” (Nguyên văn chữ Hán: “tri thử pháp bất đắc thử nghĩa” có nghĩa là: kẹt vào sự mà đánh mất lý).
Những người học kinh với chủ đích tranh luận hơn thua cố nhiên là đáng trách, bởi vì họ đã không nhắm đến mục đích tu tập giải thoát. Nhưng không phải vì thế mà tất cả những người nào học kinh với mục đích tu tập giải thoát đều là những người đi đúng đường. Dù có ý hướng tốt, họ cũng phải có trí tuệ và sự khéo léo thì mới không hiểu ngược ý kinh. Nếu không thì họ cũng “trải qua nhiều cực khổ mà không có ích lợi gì, rốt cùng là chỉ thêm mệt mỏi.” Bụt nói: “Người con trai hay con gái nhà lành khi học hỏi kinh điển phải khéo léo tiếp nhận văn kinh và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm bắt được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi mà chỉ với mục đích tìm cầu giải thoát. Họ không trải qua những cực khổ và nhọc nhằn.”
“Khéo léo tiếp nhận văn kinh và nghĩa kinh một cách không đảo lộn”, là chìa khóa của sự học hỏi chánh pháp. Đó là dịch từ nhóm chữ bất điên đảo thiện thọ giải nghĩa cập văn. Bất điên đảo là không đảo lộn. Thiện là khéo léo. Thọ là tiếp nhận. Sự khéo léo thường đi đôi với sự thông minh, nghĩa là với trí tuệ. Học hỏi giáo lý thì phải khéo léo và phải thông minh. Nếu không thì sẽ hiểu ngược lời Bụt dạy.
(Trích “Im Lặng Sấm Sét”)