
Khi còn tại thế đức Phật không tự nhận là người dẫn dắt Tăng-già. Người nào thấy Pháp là thấy Phật. Vì thế, trước khi nhập niết-bàn, ngài không chỉ định người thay thế, mà chỉ khuyên hãy lấy PHÁP & LUẬT làm Thầy.
Một trong những Pháp đã được ngài áp dụng để giải quyết hầu như tất cả các vấn đề trong cuộc sống xuất gia cũng như tại gia bao hàm 4 bước.
— Không trốn tránh hoặc tự đánh lừa bằng ảo tưởng, mà thành thật và can đảm đối mặt khó khăn đang gặp phải
— Với sự thành thật và can đảm này có thể tìm ra chính xác những nhân-duyên nào đã tạo ra khó khăn.
— Pháp có thể giúp vượt qua tất cả.
— Tin tưởng và ứng dụng Pháp để vượt qua.
Các yếu tố nổi bật trong 4 bước này là sự thành thật, lòng can đảm và niềm tin vào Pháp của người học.
Trở lại vấn đề đã nêu trước đây về các hiện trạng tiêu cực của xã hội: Có thể trả lời rốt ráo câu hỏi “Tại sao lại như thế?” đồng nghĩa với việc người học đã nắm được các nhân-duyên dẫn sinh vấn đề. Trên cơ sở một cái nhìn thấu đáo và triệt để như thế, người học có thể dựa vào Pháp để tìm kiếm phương án khả thi nhất. Lịch sử phát triển của PG cho chúng ta thấy một số phương hướng hành động đã được các Phật tử tại gia đưa vào thực tế:
— Sử dụng quyền lực: Tự thân quyền lực không có “thiện-ác”. Thiện-Ác nằm ở ý chí của người sử dụng. Một ý chí đúng Pháp là thiện; không đúng Pháp là bất thiện. Hướng hành động này đã được một số người đứng đầu trong 16 tiểu vương quốc Ấn-độ thực hiện vào thời đức Phật. Và sau đó tiếp tục được duy trì và phát huy bởi các quốc vương Aśoka, Songtsän Gampo, Đường Thái Tông, Thánh Đức Thái tử, Trần Nhân Tông, Bhumibol Adulyadej, v.v.
— Sử dụng tài vật: Để thực hiện đường hướng này, người học được khuyến khích làm giàu trên tinh thần Chánh mạng (right livelihood). Càng có nhiều của cải thì khả năng góp phần ổn định trật tự xã hội càng lớn, như trường hợp các vị trưởng giả thời đức Phật.
— Cải thiện bản thân: Đây là giải pháp dành cho những Phật tử nào không có đủ điều kiện như hai trường hợp trên. Mỗi Phật tử cũng là một thành viên của xã hội. Tuy không sở hữu quyền lực và tài vật, nhưng hành động “làm lành, tránh dữ, giữ gìn tâm ý luôn luôn trong sáng” đã là một đóng góp tích cực của người Phật tử tại gia vào sự ổn định và an lạc của xã hội.
Trên đây là 3 hướng phát triển dành cho tất cả các Phật tử tại gia. Triết lý hành động của 2 hướng đầu tiên là sáu ba-la-mật: “bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ”. Của đường hướng thứ 3 là “nệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, v.v.”
Một điều cần lưu ý là cả 3 hướng hành động nói trên đều lấy “trí tuệ” & “từ bi” làm nền tảng phát triển. Các thủ thuật thế gian như “đấu tranh”, “phê bình”, “tự phê”, v.v., đều bị loại trừ trong Phật pháp, bởi chúng nuôi dưỡng và làm tăng trưởng các tâm sở bất thiện như hận thù, đố kỵ, ngã mạn, tự kiêu. Chính trên tinh thần này mà Chögyam Trungpa Rinpoche đã giới thiệu cho các Phật tử phương Tây một khẩu quyết (slogan) trong cuộc sống tu tập hàng ngày:
WATCH, DON’T JUDGE, PLEASE!