
THAM LUẬN II
Phật giáo là một tôn giáo lớn có hơn 2,500 năm lịch sử, chủ yếu được dân tộc Ấn Độ, Trung Hoa và các nước Á Châu sùng kính tín ngưỡng; nhưng, hiện nay ở các nước Âu Mỹ cũng đã xuất hiện rất nhiều người nghiên cứu và tín phụng, do đó đã trở thành một tôn giáo của nhân loai trên khắp thế giới. Vì thế, lý niệm về trật tự thế giới mới, các dân tộc hài hòa và thế giới hòa bình của thế kỷ 21 sắp đến, tôi cho là nên y theo tư tưởng Duyên Khởi của Phật Giáo để thay thế hình thức Cơ Đốc Giáo thế giới quan của Tây Âu xưa nay.
Khi hiển thị lý niệm trật tự thế giới mới của thế kỷ 21, trước tiên chúng ta nên thâm thiết phản tỉnh quá khứ, sau đó hẳn sáng tạo cái mới.
Do sự tan rã của chủ nghĩa Cộng Sản, tình thế căng thẳng trên thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến, với hai siêu cường Mỹ-Nga đối lập nhau, dường như đã được giải trừ, tiếp theo đó, những phong trào phát động đòi độc lập của các dân tộc lại hưng khởi và khiến cho hiện nay đã có đến một trăm mấy mươi quốc gia lớn nhỏ được độc lập và tự chủ dân tộc. Ngoài ra, những xung đột giữa các dân tộc vẫn tiếp tục và không thể chận đứng. Dù có sự vận động và những hoạt động duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc, cũng khó ngăn cản được tinh thần đấu tranh dân tộc, vì thế, hiện nay có thể nói là vẫn chưa tìm ra trạng huống lý niệm trật tự mới thực sự thích ứng cho nền hòa bình của thế giới. Phong trào dân tộc đấu tranh này thúc đẩy bởi lòng yêu nước tuy có nhiều nguyên nhân nhưng trong ấy có một nguyên nhân lớn nhất, là làm sao có thể tranh đoạt nguyên liệu thiên nhiên. Nguyên liệu địa cầu có thể phân biệt là những túi quặng mỏ dưới đất, trên mặt đất và dưới mặt biển. Do tranh dành những nhiên liệu này mà có sự phân tranh giữa các quốc gia dân tộc, bởi vì những lãnh địa của dân tộc hay quốc gia ấy muốn rằng nguyên liệu thiên nhiên này phải đạt dưới sự chi phối của quốc gia mình. Nói cách khác: Vì lợi ích của quốc gia mình mà muốn lợi dụng tài nguyên của quốc gia khác, tôi nghĩ căn nguyên phân tranh là ở lý do này.
Với danh nghĩa “lợi ích quốc gia” trên thế giới sẽ vẫn còn những cuộc xung độ cho tới khi nào người ta vẫn còn muốn thu được tài nguyên từ ngoài lãnh thổ quốc gia mình. Mấy năm gần đây, chiến tranh vũ khí của những dân tộc ở những quốc gia có liên quan đến dầu mỏ không cần phải nói đến. Còn như chiến tranh kinh tế, vì muốn tranh dành phần hơn cho quốc gia mình mà xảy ra chiến tranh, dân tộc phân tranh, đều xuất phát từ nguyên nhân ấy.
Nhưng, cái gọi là “điạ phận của quốc gia” hoặc tài nguyên thiên nhiên, nguyên thủy thật ra chẳng thuộc về ai. Căn cứ vào địa chất học, địa cầu hình thành vào 4 tỷ 500 triệu năm trước, và đời sống nguyên thủy của sinh vật xuất hiện trên trái đất thì vào 3 tỷ 600 triệu năm trước. Đời sống sơ khai cũng phát triển và chuyển hóa cùng với địa cầu, và trở thành những sinh vật hiện thời của trái đất, với động vật, thực vật, vi sinh vật, khoáng vật sinh tồn ở địa cầu.
Những thứ ấy do ai tạo nên? Nếu dựa theo quan niệm của Cơ Đốc Giáo, thì: Tất cả sinh vật, kể cả nhân loại, và vô sanh vật đều do đức Chúa Trời, một vị Thần duy nhất (Jehovah) sáng tạo. Nhưng nếu căn cứ theo Phật giáo thì từ sự sanh thành của toàn vũ trụ cho đến sự sản sanh của địa cầu hay sinh vật, vô sinh vật đang ở trên địa cầu đều đã hình thành và biến hóa, phát triển, tuỳ theo đạo lý “Duyên Khởi” (do những nguyên nhân trực tiếp và những nguyên nhân gián tiếp), cũng là y biến hóa này, y phát triển này. Vì thế, địa cầu chẳng thuộc về ai. Khi một dân tộc ngẫu nhiên quần tụ tại vùng đất nào thì họ chiếm độc quyền tài nguyên vùng đó, rồi họ tổ chức dân chúng thành những cơ cấu và thành lập một quốc gia. Những điều đó chính là do quan hệ Nhân Duyên tạo nên.
Người ta thường thấy các loài dã thú sống trong những vùng đồng cỏ khô nhiệt đới ở Phi Châu cũng có loại hành vi chiếm hữu độc quyền tài nguyên thiên nhiên như vậy. Theo khảo cứu, các loài dã thú đó đánh dấu vùng đất cần thiết đối với sự sinh tồn của mình (lý do chính là thực phẩm), và chiếm cứ làm lãnh vực sinh sống của mình. Khi động vật khác xâm phạm đến lãnh vực đã đánh dấu, những con thú ở vùng đó liền dũng cảm chiến đấu, xua đuổi chúng phải rời xa. Không những thế, theo số lượng chủng tộc lần lượt tăng gia, những thổ ngơi đã đánh dấu cũng dần dần nới rộng đến nỗi phải xâm lấn sang lãnh địa của động vật khác, vì thế mà xảy ra tranh chấp giữa các chủng tộc. Đặc biệt là xã hội loài khỉ, tình hình này rất dễ nhận thấy.
Ở xã hội nhân loại cũng có thể nhận thấy tình huống đồng dạng như thế. Trong xã hội động vật, chủ yếu vì nhu cầu sinh tồn mà xảy ra tình trạng tranh đoạt tài nguyên thực phẩm. Nhưng ở xã hội nhân loại, không những vì mật độ nhân khẩu dân tộc tăng gia cho nên cần có thêm thực phẩm mà còn vì muốn hưởng thụ đời sống văn hóa cao cấp nên muốn thu thập những tài nguyên ở lãnh thổ quốc gia khác mà nội địa của mình không có đủ, thế là xảy ra xung đột hoặc chiến tranh. Ở xã hội động vật chỉ vì nguyên nhân sinh tồn mà tranh đoạt tài nguyên, còn ở xã hội loài người thì lại vì ý đồ bảo trì sinh hoạt văn hoá cao, vì muốn lợi dụng tài nguyên hiếm quý để hưởng thụ một đời sống văn hoá phong phú, tiện nghi hơn. Trông thấy tài nguyên ở ngoài nước mình, vì muốn mang những lãnh vực có tài nguyên ấy đặt dưới sự chi phối của quốc gia mình nên đã tiến hành dùng vũ lực, áp lực kinh tế, tư tưởng v.v.. để công kích, áp chế mà phát sinh ra những tranh chấp giữa các dân tộc.
Nhân loại dùng trí huệ sẵn có phát minh đủ loại dụng cụ, cơ giới tốt, được gọi là lợi khí văn minh. Muốn sản xuất được những lợi khí văn minh có phẩm chất, cần phải có các loại nguyên vật liệu. Cộng thêm kinh tế tiền tệ phát triển sẽ giúp cho sự di động của tài nguyên một phương tiện rất lớn. Nhưng, tiền tệ nhiều hay ít cũng là điều chứng minh cấp độ cao thấp của sinh hoạt văn hóa quốc dân, thậm chí sinh ra chiến tranh kinh tế, làm cho trình độ cao thấp của đời sống văn hóa dân tộc bị lệ thuộc không nhiều thì ít vào tiềm lực của tiền tệ. Nhưng kinh tế tiền tệ muốn có được quyền lực tiền tệ thì phải có tài nguyên để định vị tiền tệ, nếu không có tài nguyên thì kinh tế tiền tệ cũng không thể thành lập.Loại tài nguyên này do ai sáng tạo? Nếu dựa theo thuyết Cơ Đốc Giáo như trên dã trình bày thì tất cả vạn vật từ sinh vật có sanh mạng cho đến những vật chất tài nguyên vô sanh đều do Chúa Trời sáng tạo, càng phải chú ý là: Chúa Trời ban cho nhân loại do ngài sáng tạo quyền lực chi phối “Tất cả những vạn vật do Chúa Trời sáng tạo”. Đây là Sáng Thế Ký đã ghi tải trong Thánh Kinh.
Điều này nói lên nhân loại do Chúa Trời ban cho cái quyền lục tự do chi phối tất cả. Nói cách khác, tất cả vạn vật trên toàn thế giới, toàn vũ trụ là vì nhân loại mà có. Chiếu theo quan niệm này thì nhân loại vì sinh hoạt phong phú, có thể sử dụng mọi tài nguyên, nhưng cũng vì tham đoạt tài nguyên mà xảy ra tranh chấp. Ở thế kỷ 19 và 20, nguyên nhân xa khiến xảy ra chiến tranh có thể phát hiện nổi bật tư tưởng này. Nhất là gần đây những tranh chấp khu vực, ảnh hưởng khuynh hướng này mạnh hơn. Trong đó như đã đề cập, có thể nhận thấy lối đạt định nhân loại chi phối thiên nhiên mà Cơ Đốc Giáo đã chủ trương. Tại Nhật Bản, đã từng có chính trị gia đề xướng luận thuyết “Nhật Bản liệt đảo cải tạo luận” trên danh nghĩa thì khai phát thiên nhiên nhưng lại tiến hành phá hoại thiên nhiên; từ đó thấy rằng nguyên ủy của tư tưởng khai phát dường như là vì nhân loại đã bị chi phối một cách tự nhiên bởi cái tư tưởng hiện vẫn tồn tại ấy của Cơ Đốc Giáo.
Vì muốn đời sống văn hóa phong phú hơn, nên người ta sử dụng vũ lực, kinh tế, ý thức hệ, v.v.., để chống chế, mượn danh nghĩa lợi ích quốc gia để xâm phạm lãnh thổ nước khác, và muốn chi phối tài nguyên, vì thế mà xảy ra tranh chấp đến nỗi nhiễu loạn nền hòa bình toàn cầu. Lịch sử thế giới đã chứng minh như thế. Hiện nay khắp nơi đang tiến hành hủy hoại thiên nhiên đến nỗi được gọi là tiến hành sa mạc hóa địa cầu. Hiểm họa này gây ra bởi nhân loại, do nhân loại chi phối tư tưởng về thiên nhiên mà căn nguyên tư tưởng ấy há không phải là tư tưởng của Cơ Đốc Giáo sao?
Vì thế, thế giới ở thế kỷ 19, 20 từ khi tư tưởng Cơ Đốc Giáo kiến lập đã là thế kỷ của tranh chấp, cho nên tôi nghĩ thế kỷ 21 sắp đến, con người nên chung sống với thiên nhiên, chung sống với các dân tộc khác để cùng nhau cộng tồn, đó là tư tưởng nhân loại hòa đồng và thiên nhiên hợp nhất, thay thế cho chủ trương chi phối thiên nhiên của tư tưởng Cơ Đốc Giáo.
Như thế, trong tư tưởng Duyên Khởi của Phật giáo chúng ta phát hiện loại tinh thần điều hợp này.
Hiện tại, tất cả vạn vật sinh tồn ở dưới nước hoặc trên mặt đất của địa cầu, tất cả sinh vật hiện hữu, gồm cả nhân loại và vô sinh vật, đều đã trải qua một thời gian kéo dài 3 tỷ 600 triệu năm tiến hóa mà trở thành như ngày nay. Sư sanh thành ấy có nguyên nhân trực tiếp để trở thành, cũng có những nguyên nhân gián tiếp trợ giúp, những nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp phức tạp này kết chung lại một mối, liên quan lẫn nhau mà sanh thành, hiện tồn, tức là địa cầu hiện nay. Đây gọi là pháp Duyên Sanh (Tồn Tại). Tất cả đều do những Duyên trực tiếp, gián tiếp sanh khởi.
Trong Câu Xá, thuyết Duy Thức, thì gọi đây là Lục Nhân, Tứ Duyên. Loại nhân và duyên này tánh lưu động rất phong phú, do đó quan hệ nhân duyên thường xuyên thay đổi. Từ đấy suy ra, bản thân địa cầu (sanh vật, vô sanh vật) luôn luôn thay đổi một cách liên tục. Vật không thay đổi (thực thể) chẳng thể tồn tại, tức gọi là “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã.” Sinh tồn nơi thế giới chúng sanh này, nếu vì muốn bảo vệ, duy trì sinh hoạt phong phú của một quốc gia, một dân tộc, mà có ý đồ muốn thu thập tài nguyên từ khu vực ngoài nước mình, có thể nói đó là một loại lý niệm “Quốc gia ngã, dân tộc ngã” (Ngã: Ta, cái tôi ích kỹ), tinh thần này chính là nguyên nhân nhiễu loạn hòa bình thế giới.
Tư tưởng Duyên Khởi Vô Ngã của Phật Giáo như đã trình bày, phải chăng đã phủ định hành vi ngã dục của một cá nhân nhưng đồng thời cũng phủ định “Quốc gia ngã, dân tộc ngã”? Và càng khiến con người hiểu rõ tất cả vạn vật sinh tồn trên địa cầu liên quan lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau mà sinh tồn. Một quốc gia, một dân tộc là bởi có quốc gia, dân tộc khác mới có quốc gia dân tộc của mình mình. Nhân loại sở dĩ là nhân loại là bởi vì nhân loại đã và đang chúng sống với thiên nhiên. Thiên nhiên sở dĩ có giá trị là bởi sự tồn tại của nhân loại. Hạnh phúc của con người, y theo người mà khác người; những người có cuộc sống văn hóa cao cố nhiên là hạnh phúc, nhưng những sắc dân sinh sống theo hình thức sinh hoạt nguyên thủy ở lưu vực sông Amazon thì không thể gọi tất cả họ là những kẻ bất hạnh. Vì thế, những quốc gia dân tộc bảo trì cuộc sống văn hóa cao, muốn mang văn hóa của mình nhồi nhét bừa bãi cho những quốc gia đang phát triển nhưng còn duy trì lối sống nguyên thủy, cần phải suy xét lại.
Tất cả sinh vật sinh tồn trên địa cầu, kể cả nhân loại, đều do nhân duyên sanh khởi. Vì thế, tất cả nhân loại đều bình đẳng, do ở nhân duyên mới chia ra rất nhiều dân tộc, hình thành rất nhiều quốc gia; Bởi vì có phân biệt quốc gia, dân tộc khác, mới ý thức có quốc gia, dân tộc của mình. Cho nên phải thừa nhận sự tồn tại lẫn nhau, điều hợp với nhau, vì hòa bình mà nỗ lực. Hòa bình có được là do sự nỗ lực hoạt động. Lý niệm căn bản của nó được cho là tư tưởng Duyên Khởi, một tư tưởng căn bản của Phật giáo. Tôi nghĩ đây sẽ là nguyên nhân hình thành lý niệm cơ bản của hòa bình thế giới ở thế kỷ 21 sắp đến