
Mùa Đông, viết cho hai anh Quảng Giải (Úc châu) – Chiếu Lực (Canada)
và anh-chị-em tôi…
“We’re on the same boat but in different cabin.” — Hlovate
Mỗi ngày chúng ta nhìn, nghe, và nói. Song, cái cách mà chúng ta nhìn, nghe và nói đó làm sao đã khiến cho mình vẫn có những khoảng cách, GĐPT vẫn rơi vào những hố sâu chia rẽ?
Nếu quan sát kỹ những khoảng cách, hố sâu đó bắt nguồn từ tầng lớp huynh trưởng lãnh đạo cao cấp, của các Ban Hướng Dẫn. Và tất nhiên nơi nào có sự tôn sùng lãnh đạo quá độ, nơi đó mầm móng chia rẽ càng bám rễ, đâm chồi nảy lộc dễ dàng. Kết quả chúng ta là một tổ chức rời rạc, chậm phát triển, nếu nhìn trên diện rộng có một lịch sử lâu đời.
Cách nhìn, cách nghe và nói đó, một phần lớn ảnh hưởng từ xu hướng truyền thông đại chúng mang lại.
Cũng chính bằng mắt đó mà chưa chắc cái ta nhìn là đúng, nếu không nghe. Như trường hợp Khổng Tử[1]
Cũng chính bằng tai đó, ta nghe một việc không chắc, mà nghe đi nghe lại nhiều lần, và do nhiều người nói thì ta sẽ tin là có, vì không thấy, như Mẹ Tăng Sâm.[2]
Rồi cũng chính ta nói đó, nói bằng vào việc chỉ thấy, như Khổng Tử thấy học trò Nhan Hồi vụn cơm; hoặc như Mẹ chỉ nghe Tăng Tử giết người, rồi chính ta cũng đi nói lại, rồi phán xét v.v…, thành ra vô tình chúng ta đang thực hành và khuếch trương một thái độ TRUYỀN THÔNG hết sức độc hại cho xã hội, cho nếp sinh hoạt đoàn thể chúng ta. Mọi nghi đố hoảng loạn, ly tán phát xuất từ đó.
Xét cái tình cảnh của mình hiện nay phần lớn là như vậy. Hải ngoại và quốc nội; ban hướng dẫn này và ban hướng dẫn kia; anh chị cấp trên cấp dưới v.v…, bao ngộ nhận bao trùm…
Ngay từ bây giờ đã nghe rôm rả truyền tin nhau, chuẩn bị cho năm 2020 sắp tới sẽ có nhiều hoạt động trọng điểm. Trên có đại hội thế giới, hải ngoại; xuống có Châu Lục, Quốc gia và Miền…
Giá mà có được, có thật cái tinh thần Gia Đình như tên gọi tự hào thì Cha là cha, con là con. Anh, chị và em đã sẵn một trật tự hiển nhiên không phải tranh luận bầu bán. Còn như bổn phận thì cũng từ cái trật tự thiêng liêng mang tên gọi Gia Đình ấy mà mọi thành viên trên dưới không câu nệ nạnh hẹ tiểu tiết để đỡ đần cho nhau, cho tròn việc chung, việc lớn. Lục Hòa cứ đâu phải bắt ông già 80 đi xách nước bửa củi như chàng thanh niên 20 thoăn thoắt trèo non lội suối; rồi đâu phải quyền lợi buộc phải hưởng theo tiêu chuẩn làm ít được ít hay khi nhiều thì mới hưởng nhiều.
Những năm phôi thai của Ban Hướng Dẫn Hải Ngoại, trong nhà còn nhiều ách tắc, hoàn cảnh liên lạc rất giới hạn. Việc nghe, thấy và nói đâu dễ như bây giờ với vô số kênh công nghệ truyền thông, vậy mà Phật sự hanh thông, tình cảm anh chị em thắm thiết.
Con tàu tuy có người tài công nhưng cũng cần anh hỏa tiêu. Anh Hựu làm tài công thì cũng có anh Châu làm hỏa tiêu. Và đâu chỉ có như thế, khắp nơi Châu lục quốc gia đều có những tấm lòng, có anh tự nguyện làm thợ máy châm dầu, có em tát nước và, cả chị tọa thị lâm râm nguyện cầu.
Hồi xưa đi ghe, đêm đầu tiên ra tới cửa biển gặp bão cấp 7, cả ghe ai ai cũng ngất ngư, nằm bẹp. Bố cầm tay lái, sai tôi xuống boong tát nước. Thằng thiếu niên thành phố thư sinh một hôm phải cầm can xúc nước tràn vào ghe để tát ra bể. Mùi dầu quyện với mùi ói mửa nhiều bận làm nó lợm cổ, ói theo. Vậy mà điều gì làm nó hăng say, kiên trì?
Trước hết nó biết nếu ghe ngập nước sẽ chìm, nó sẽ chết, người thân nó sẽ chết, cả ghe 27 người sẽ chết. Trong số đó có người là thầy, là bạn của nó…
Nó kiên trì, nó nhìn thấy tất cả mọi người trên ghe cùng một thân phận như nó, nó nhìn sự sống mãnh liệt. Bóng tối hãi hùng và sóng trắng thét gào bấy giờ chỉ có tác dụng làm cho nó thêm nghị lực… Tát nước, tát cho hết vũng nước đọng trong thân ghe cho đến khi có bóng người thanh niên khác lòm còm bò dậy, tiếp tay tiếp sức. Rồi thêm một người, thêm hai người đứng dậy, thay phiên nhau, khi đó là khi tất cả hiểu được hoàn cảnh của mình, của chung. Và hiểu rốt ráo ở đây là hiểu cả sự chưa hiểu của những người đồng hành. Hiểu cái hoàn cảnh, giới hạn của người khác.
Ở vào thời điểm nguy kịch như thế, có lẽ chúng ta ít nghĩ đến sự “chia chức, thứ bậc”. Tát nước xong, tôi vẫn được bố cho cầm tay lái, chỉ cho cách đâm mũi ghe vào sóng, bày hướng nào sẽ tới dù đường đi dích dắc.
Những đại hội ngày nào, tuy có sự sắp xếp giữa các anh chị lớn (nhất), nhưng sự đó làm nền tảng cho sự thăng tiến ổn định. Không gây nhiều xáo trộn. Đó là giai đoạn hòa hợp, ít ra là sự hòa hợp của các anh, các chị lớn nhất trong gia đình. Khi mà cá nhân trách nhiệm làm theo nguyên tắc đoàn thể.
Không có Ban Hướng Dẫn Thế Giới, không có Ban Hướng Dẫn Hải Ngoại hôm nay… nếu như không có sự hòa hợp là nền tảng căn bản nhất xây dựng nó, vì trước hết nó chính là sự tương ứng do hoàn cảnh CHUNG, trong một thời điểm lịch sử. Và mọi cương yếu điều hành, nếu không được soạn thảo dựa trên nền tảng nhằm dung hóa mọi dị biệt vốn phải có giữa các thể chế chính trị, đảng phái quốc gia, xã hội; giữa muôn vàn hệ thống tư tưởng, truyền thống văn hóa thế giới… để gìn giữ tính hòa hợp thì tất nhiên chúng ta cần Nhìn lại, Nghe lại để Thấy, để cảm nhận chân thành, và thực hiện mọi phương án nhiệt tình. Một khi chưa có một công trình nghiên cứu / nhận định sâu rộng lịch sử khai sinh và phát triển các cơ chế Thế Giới lẫn Hải Ngoại, liên đới với các Châu Lục Quốc Gia mà trên hết là giai đoạn gắn liền cùng vận mệnh thịnh suy của GHPGVNTN, thì khó có thể kết tinh được ý chí tập thể. Chúng ta rất hời hợt khi đề cập đến một mô hình “Dân Chủ Đại Nghị”, mà thực chất không mấy ai am hiểu về nó, điều đó thấy được trong nội dung cương yếu điều hành. Cũng như khi nói đến cơ chế Liên Hiệp Quốc chẳng hạn v.v… chúng ta thật sự không có ai đào sâu hơn để biết rõ về tổ chức này. Chúng ta tự hào “chỉ có PGVN mới có GĐPT” thì không sao, nhưng rõ ràng là chúng ta cần biết thêm PGTG đang vận hành như thế nào với nhiều mô hình sinh hoạt thanh niên PG rất thiết thực.
Ở đây, bài học Khổng Tử nêu trên là thầy trò đã ngồi lại để lắng nghe nhau. Trên hết là sự nhận chân bản thân, nhận chân sự việc của một bậc trưởng thượng đông học trò và được không ít người đời xưng tụng là Đức Thánh, mà vẫn có chỗ thấy, biết phiến diện.
Và ở đây cũng là bài học khiếm diện của Mẹ Tăng Sâm, do ảnh hưởng tính bầy đàn thời thượng mà nhũng loạn niềm tin, để rồi cuốn cuồng trốn chạy, bỏ cả nắm ruột của mình.
Đồng thời cũng để trả lời câu hỏi “Đi Đại hội để làm gì?”.
Ở đây, chúng ta chỉ cần nhận thức một cách tỉnh táo yếu tính của hai mặt trong một vấn đề, trong ý nghĩa tích cực.
Mặc Cốc, để tiễn những ngày cuối năm 2019
Quảng Pháp
[1] Điển tích “Chuyện Nồi Cơm Khổng Tử”, www. hoavouu.com/a21102/chuyen-noi-com-cua-khong-tu
[2] “Tăng Sâm Giết Người”, Cổ Học Tinh Hoa, http://www.sachhayonline.com/tua-sach/co-hoc-tinh-hoa/tang-sam-giet-nguoi/2355