
Hai người bạn gặp nhau, trong lúc trò chuyện, Anh Sân chợt thấy anh Hận cầm chiếc điện thoại rất tầm thường, bèn hỏi: “Fone gì sao trông rẻ tiền vậy?”
“Rẻ, lỡ bể không tiếc. Nhưng vấn đề không phải là vì tiếc.” Anh Hận trả lời.
Chợt nhìn kỹ lại, thấy mặt kiếng có nhiều đường nứt chằng chịt như sắp vỡ, anh Sân hỏi tới: “Sao lại bể?”
“Ðập”, chẳng giấu bạn, anh Hận trả lời ngay.
Anh Sân trố mắt, tới đây càng làm anh thắc mắc: “Sao lại đập?”
Cũng cách trả lời cụt lủn giữa hai người bạn thâm giao, anh Hận vừa cười vừa nói: “Giận”
“À!” Anh Sân gật gật gù gù, cũng miễn cưỡng cười theo bạn, mà có vẻ không cam lòng.
– Sao không thay fone, hoặc thay mặt kiếng đi?
– Thay làm gì, để đó khi nhìn là nhớ. Giận mấy cũng không đập nữa. Ðập thêm một lần nữa thì chắc chắn vỡ tan, không dùng được.
*
Trong đám bạn Phật tử của tôi, có nhiều người chế ngự sân hận bằng cách lần xâu chuỗi, hay thủ sẵn một viên sỏi trắng trong túi, mỗi khi nổi xung thiên thì lấy ra nắm trong bàn tay, hít sâu thở đầy.
Tôi, mỗi ngày cầm chiếc fone “cùi bắp”, mặt kiếng rạn nứt mà nhiều người lỡ khi nhìn thấy cứ hỏi duyên do. Với riêng mình, tôi vẫn soi vào mặt kiếng điện thoại đó như một phương tiện để phản quan tự kỷ.
Chốn Bụi, 11.6.2017
Uyên Nguyên
(Quảng Pháp Trần Minh Triết)
* Quán: 觀; S: vipaśyanā; P: vipassanā; Nghĩa là quán sát bằng trí huệ, minh sát; có thể hiểu hai cách, đó là: 1. Phương pháp tu tập quán sát song song với tu Chỉ và 2. Kết quả, mục đích, sự trực chứng Ba tính chất của vạn sự (s: trilakṣaṇa) là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Trong Ðại thừa, quán cũng được xem là sự phân tích sự vật để tự trực nghiệm tính Không (s: śūnyatā). Kiến giải này giúp ngăn ngừa tham ái khởi sinh. Quán là một trong hai yếu tố giúp đạt Giác ngộ, yếu tố kia là Chỉ (s: śamatha).