
Hình tượng các vị tăng sĩ ngoại quốc trong Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, thế kỷ XV, Việt Nam.
Phật Triết 佛哲 (có dị bản còn chép là Phật Triệt 佛徹) là một nhà sư dưới triều đại Lâm Ấp (192-756) của Champa. Thời trẻ, ông sang Thiên Trúc (tức Ấn Độ) học chú thuật Mật tông từ bậc thày Bodhisena (Bồ Đề Tiên Na). Năm 736, ông cùng thày mình sang Nhật Bản, dạy tiến Phạn tại chùa Đại An 大安寺 ở Nara. Năm 752, ông cúng dường một điệu múa ở Pháp hội Khai nhãn tượng Phật lớn tại chùa Đông Đại 東大寺. Điệu múa này được gọi chung là nhạc Lâm Ấp, một phần quan trọng trong Nhã Nhạc Nhật Bản được nhắc tới ngày nay.
Phật Triết được nhắc đến trong giới học giả Nhật Bản ít nhất hơn 100 năm qua. Tuy nhiên, tại Việt Nam gần như không ai nhắc đến ông. Takakusu Jyunjiro lần đầu tiên nhắc tới Phật Triết trong luận văn Bát nhạc Lâm Ấp – Âm nhạc của triều đại Nara (1907). Luận văn này chủ yếu dựa vào những ghi chép từ sách Nguyên Hưởng thích thư và bia Nam Thiên Trúc Bà La Môn tăng chính bi tịnh tự 南天竺婆羅門僧正碑並序 được Tu Vinh là đệ tử của Bodhisena ghi lại vào năm Cảnh Vân thứ tư (770). Thông sử Phật giáo Nhật Bản giai đoạn đầu cũng nhắc đến Phật Triết. Năm 1984, Tomita Haruo viết chuyên khảo Phật Triết trong nhã nhạc, khảo sát về âm nhạc và đề cập đến pháp thuật Phật Triết đã sử dụng. Chuyên khảo này chủ yếu trích dẫn những ghi chép trong Đông Đại tự yếu lục 東大寺要錄, niên đại 1106.
Có ý kiến cho rằng Phật Triết là người miền Bắc Thiên Trúc, tuy nhiên nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam là Onishi Kazuhiko đã phản biện lại giả thuyết này, đồng thời khẳng định Phật triết là người Lâm Ấp ở bán đảo Đông Dương. Phật Triết cũng như nhiều nhà sư khác của Champa, Việt Nam vào thời điểm đó đều đã trở thành những cầu nối giữa văn hoá Ấn Độ và văn hoá Trung Hoa. Phật Triết tinh thông tiếng Hán, Phạn, Pali, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy tiếng Phạn – Sittan tại chùa Đại An ở Nara bấy giờ. Hoạt động của ông đã khiến người Nhật bắt đầu nhận thức được âm tiết đầu của tiếng Nhật, tạo nền tảng cơ bản để hình thành hệ thống chữ viết tiếng Nhật gồm 50 âm. Cùng chung quan điểm này với Onishi, còn có Koike, Nakamura Hajime. Riêng Nakamura Hajime khẳng định, chính Phật Triết chứ không phải ai khác đã đem hệ thống chữ Phạn, Sittan đến Nhật Bản và tạo ra hệ thống chữ Nhật Bản.
Với những đóng góp của Phật Triết đối với văn hóa Nhật Bản, có thể nói ông đã “hoàn tất vai trò truyền bá văn hóa […] chính là nhân vật mà sử liệu Nhật Bản có thể xác nhận là người có vai trò sớm nhất trong việc truyền bá văn hóa Ấn Độ và Phật giáo Mật tông của Champa” (trích lời của nhà nghiên cứu Onishi).
Nguyễn Hữu Sử