
Lễ Khai Khóa Bậc Lực I, Hải ngoại 2017
Vô thường như Xuân-Hạ-Thu-Đông theo ta bốn mùa!
Tôi tâm thành ước ao được ghi danh theo học chương trình bậc Kiên, Trì, Định và Lực, không chỉ một khóa, mà nếu có thể được lặp lại mỗi khóa. Tôi không cầu cái biết, mà trước là để cùng anh chị em sách tấn cho nhau trên đoạn đường buồn vui đời Trưởng. Thời nay, ăn cơm có thể thiếu canh, nhưng tu hành thì nên có bạn. Cái biết không thể gói ghém đủ hay được hết trong những bậc học, dù 1 năm bậc Kiên, hai năm bậc Trì, 3 năm bậc Định và 5 năm bậc Lực. Cộng hết chừng ấy năm lại cũng vậy. Nhưng tham dự với nhau để hiểu tâm tình của tất cả anh chị em, từ đó tìm ra một đáp án khả thi nào không cho nhu cầu cải tiến nội dung, phương pháp đào tạo huynh trưởng GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ. Chỉ khi đặt mình ở vị trí của học viên, tôi tin chúng ta mới cảm nhận trọn vẹn ước vọng của tập thể là gì. Điều này đồng nghĩa là thực hiện hoài bão xây dựng phát triển tổ chức trong thời điểm hiện tại cũng như hướng tới tương lai.
Trong tất cả các truyền thống của Phật giáo, cư sĩ (cận sự nam/nữ) được coi là vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ ở bậc cuối của chương trình đào tạo huynh trưởng bậc Lực, chuẩn bị hành trang tham dự trại cao cấp Vạn Hạnh, chúng ta nhận thức về vai trò của mình là một cận sự nam/nữ Phật tử chứ không chỉ cục bộ là Huynh trưởng của GĐPT. Không chỉ đơn thuần là anh, là chị của các em trong đoàn thể riêng mình. Nói một cách khác, là những vị cư sĩ có khả năng lãnh đạo – nhờ được huấn luyện trong GĐPT, một tổ chức rường cột của Giáo Hội – sẽ đủ sức lãnh đạo bản thân và có thể lãnh đạo một tập thể cư sĩ. Bởi trong Nội Quy và Quy Chế, rõ ràng ở vị trí này, anh chị có bổn phận trách nhiệm tham gia vào tổ chức cấp Giáo Hội.
Lễ Kết Khóa Bậc Lực I, Hải ngoại 2022 (Ảnh: Diệu Nghiêm Trần Thị Thủy Tiên)
Đi tìm nhân cách lý tưởng của một vị cận sự nam/nữ Phật tử như vậy, có thể tìm thấy trong rất nhiều kinh điển Phật giáo. Những phẩm chất của người lãnh đạo cư sĩ bao gồm sự chính trực, độ lượng, tỉnh táo, hiểu biết rõ ràng về giáo lý, gia đình nề nếp và giữ được các mối quan hệ tốt nhất có thể cả trong cộng đồng Phật giáo và ngoài xã hội. Ở đây chỉ xin được nêu lên và chia sẻ hai tiêu chí riêng cụ thể mà bản thân thường chiêm nghiệm, dẫu biết mình mảy may chưa từng xứng đáng:
- Đối với Đạo, với Giáo Hội, (với GĐPT), quý anh chị không phải là người khách lạ! – “You are not a guest!” Chúng ta thực tập phụng sự một cách tận tụy, cống hiến và hỗ trợ nguồn cảm hứng cho tất cả chúng sinh. Trong truyền thống Phật giáo, bình đẳng và không áp bức là những điểm cần ghi nhớ ở vị trí của người lãnh đạo. Thuật ngữ Lãnh đạo không nên biểu thị chức vụ mà là đức tin và hành nguyện của chúng ta – “The word Leader should not denote position but ones deep faith and intent”. Một nhà lãnh đạo theo nghĩa này phải có niềm tin sâu sắc và sự cống hiến cho sứ mệnh “độ trì tất cả chúng sinh và sống trọn vẹn cho lời thệ nguyện này!” Điều đó có nghĩa là chúng ta luôn vào trước và sẽ rời đi sau cùng, để đảm bảo mọi thứ luôn được chuẩn bị sẵn sàng và tất cả các thành viên đều lợi lạc, được truyền cảm hứng từ những tấm gương đức tin và trí tuệ của chúng ta.
- Luôn giữ khái niệm “Tiếp theo là gì?” – “What is Next?” Điều này có nghĩa là chúng ta nhận thức được tổng quát, khôn khéo trong hành động, cần phải làm gì ngay lúc này và tiếp theo sẽ là gì? Sự tỉnh giác được thể hiện qua khả năng tự nhận thức và làm chủ tình hình, nhìn thấy những gì quan trọng. Khi rèn luyện bản thân để nhận thức được tất cả các hành động. Đây là thực hành và thể hiện “Phật tính” hay “cái tầm” của chúng ta!
Các trách nhiệm có thể khác tùy theo nhu cầu của từng giai đoạn, môi trường và vai trò. Học hỏi các vị trí và vai trò khác nhau để phục vụ, hộ trì Tam bảo, đồng nghĩa hỗ trợ các nỗ lực duy trì mạng mạch và hoằng truyền Chánh Pháp.
Luôn kính trọng và thương quý tất cả Anh-Chị-Em!
Bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, 2022.
Uyên Nguyên
Hình Ảnh Lễ Kết Khóa Bậc Lực I do BHD Hải Ngoại tổ chức
Ảnh: Diệu Nghiêm Trần Thị Thủy Tiên