
Có một lời khuyên như thế này từ những chuyên gia về kỹ năng lãnh đạo và nhà tâm lý học – để cho những người lãnh đạo của chúng ta “cháy hết mình”, trong ý nghĩa “burn out,” thì tất cả chúng ta đều phải chung cùng gánh lấy hậu quả của sự thất bại, nếu có.
Những ai quan sát dòng hoạt động của GĐPTVN tại Hoa Kỳ, từ giữa thập niên 70, sang 80, 90 cho đến thời điểm giữa thập niên 2000, là giai đoạn phát triển của GĐPT tương đối ổn định và tốt đẹp. Đó là giai đoạn mà những người lãnh đạo tổ chức từng “cháy hết mình,” nhưng chí ít chưa “burn out”!
Bấy giờ, chỉ riêng với GĐPT mà không lạm bàn đến nền thống nhất Phật giáo Việt nam Hải ngoại đã từng có – thì tâm huyết gìn giữ cho tổ chức phát triển, bình ổn trước khi lâm vào trận xoáy từ giữa thập niên 2000 trở đi, của Huynh trưởng Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai, quả thật không thể nghĩ bàn!
Nếu quy chiếu thành chuyện lợi nhuận, xem là thù lao, dưới mọi hình thức, tôi tin cuối cùng cũng sẽ không có ai có thể trả sòng phẳng cho sự hy sinh hạnh phúc của những hiện sinh Bồ Tát chung quanh đây. Nhưng điều này không phải là nguyện hạnh Bồ Tát hằng quan tâm.
Vì không quan tâm, nên Bồ Tát chịu đọa!
Từ điểm này, kỹ năng lãnh đạo như bốn phương tiện thiện xảo được trình bày trong bài “Bồ Tát Lãnh Đạo hay Lãnh Đạo Với Lòng Vị Tha” quả là điều để chúng ta suy gẫm, qua đó nhìn lại một nhân cách trên suốt lộ trình Bồ Tát Đạo không chỉ giới hạn trong một đời này. Mỗi giai đoạn đều có những ý nghĩa riêng của nó cuốn tròn theo những nhân duyên nghiệp quả mà cứu cánh cũng chỉ hướng đến thành toàn hạnh nguyện vô thỉ vô chung. Nhìn như vậy, để thấy vẫn có bao người chung quanh ta đã sống một đời sống thật ý nghĩa. Dù thành công hay thất bại trong đời này – Anh Tâm Kiểm đã dám dấn thân bước vào chỗ hiểm nghèo khôn cùng. Chỉ có chúng ta là những hành giả mới bắt đầu với tâm hời hợt, bằng ý mông lung và chân vẫn đang ngập ngừng.
“Cháy hết mình” bao giờ cũng là một phẩm tính cần thiết ở một người lãnh đạo. Nhưng để cho “cháy một mình,” thì chắc chắn không phải là thái độ bản lĩnh của tất cả những ai còn lại trong tập thể tổ chức, cùng thời, đồng hành và đồng sự.
Tôi vinh hạnh được dự phần vào những thành-bại của Anh suốt một lộ trình dài để hôm nay chựng lòng ngoái lại, muốn nghiêng mình và vẫy tay chào nhau ở đôi bờ sinh-tử. Tôi mong những dòng này Anh vẫn còn nghe được bên giường bệnh, dẫu mai này nếu Anh có quyết định bước đi trên một khúc quanh khác, nhưng tôi tin trong từng bước đi bao giờ, Anh, cũng chọn mình làm người đi tiền trạm, đầy rủi ro!
Anh Mai, một hình mẫu Huynh trưởng đã “cháy hết mình” để mai này mỗi kỳ trại dù là huấn luyện hay họp bạn kết thân, ở những đêm thắp lửa bập bùng ngồi quanh, từ trong những tàn tro bay và thoảng thơm mùi cũi cháy. Các thế hệ đàn em của Anh sẽ nhắc mãi hình ảnh của một Đời sống trại, nhà Hoạt động Thanh niên, hay một người Lãnh đạo Tổ chức đầy đảm lược và ấn tượng nhất trong suốt dòng lịch sử GĐPTVN tại Hoa Kỳ.
Cuối cùng, người đi tiền trạm chỉ có thể quyết định, tiên liệu một số điều giới hạn. Nhưng con đường Hoa Sen Trắng là con đường của Trò Chơi Lớn đầy thử thách mà những ai kinh qua tự phải ứng dụng mọi kiến thức đã được trui rèn. Trong đó ý chí của người Huynh Trưởng đặt trên nền tảng Bồ Đề nguyện, Bồ Đề hành trong nhiều đời và một trong những kỹ năng vượt thắng trong sinh hoạt đoàn thể trụ thế gian là Tứ Nhiếp Pháp.
Trưởng niên Nguyên Tịnh Trần Tư Tín và Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai hội ngộ Hoa Kỳ, tháng Sáu, 2019
Lần gần nhất, 2019, khi Anh Mai trở lại Mỹ một cách lặng lẽ, tôi có dịp đưa Anh đến đảnh lễ cố Hòa Thượng Quảng Thanh trước giờ Hòa Thượng viên tịch. Trên xe Anh căn dặn: “Con lấy điện thoại ra thu lại, đây như là lời trăng trối của bác*…”. Buổi đó, tôi thưa với Anh điều cần nhất bây giờ là nên họp quý Anh Chị Trưởng nào, xét thấy có trách nhiệm về sự thịnh suy của tổ chức – đóng cửa lại – mà nói cho hết việc cần nói. Đừng để tình trạng trong (quốc nội) và ngoài (hải ngoại), giữa anh chị em, tiền và hậu bối, không biết, không hiểu việc đúng và cần phải làm. Nhất là không hiểu lòng nhau!
Lúc thăm Hòa thượng Quảng Thanh xong, lên xe tôi hỏi Anh có muốn đi tiếp sang Chùa Liên Hoa đảnh lễ Hòa Thượng Chơn Thành như ban đầu dự tính không, Anh nói “thôi, cho bác về..”, giọng Anh mỏi mệt.
Buổi chiều anh ghé về nhà tôi ngả lưng lên ghế ngủ một giấc sâu. Tôi cố tình không để Anh nói thêm điều gì, những điều mà cả đời Anh không thể dứt khỏi. Trong thâm tâm tôi chỉ mong Anh có được những giây phút cho riêng Anh, cho thân thể máu huyết vốn cũng đang vay mượn nhân duyên trọn vẹn được nghỉ ngơi trong an lành.
Sức người có hạn, một lúc nào đó cũng phải tan chảy theo tuổi thời gian, sau bao tân toan giằng sốc cuộc đời. Duy chỉ có tâm huyết của Anh dành cho tổ chức GĐPT ngày nào, đâu đó vẫn còn đầy trong từng mẫu chuyện kể. Đồng thời cũng qua đó, tôi hiểu Anh đã không còn nhạy bén như xưa, không tiên liệu được hết tâm tình đã khác của bao cõi lòng Anh-Chị-Em lúc này.
Điều hạnh phúc nhất, “như những điều bác muốn trăng trối” là chuyến đi đó, Anh có dịp ở lại một đêm với Anh-Chị Nguyên Tịnh Trần Tư Tín. Tôi cho đó là cái hậu thật Đẹp mà chúng ta không cần nghe hai Anh giải bày!
Cái hậu Đẹp rưng rưng của Tình Lam bất biến!
Đôi dòng gởi về Anh, Người Đi Tiền Trạm và tác giả Trò Chơi Lớn của GĐPTVN tại Hoa Kỳ – Huynh trưởng Cấp Dũng GĐPT Việt Nam TÂM KIỂM BẠCH HOA MAI.
Ngưỡng nguyện Chư Phật chứng minh cho thời lễ Cầu An của bao tấm lòng Áo Lam khắp thế giới đang hướng về Anh, cũng như hướng về tất cả thành viên Đại Gia đình Phật tử của chúng ta chung một quốc độ địa cầu, sớm tiêu tai dịch bịnh và đoàn viên.
Bác Mai à, con vẫn mong Bác nghe được những lời này!
Chốn bụi, Mặc Cốc, Đông giá. Tháng 12, 2021
UYÊN NGUYÊN
Quảng Pháp Trần Minh Triết
______________________________
* Trong tình riêng, tôi và Anh Mai vẫn xưng với nhau là bác-cháu, bắt nguồn từ mối quan hệ của bác Nguyên Hiền Nguyễn Tứ Đại. Cách mà bác Đại thương bác Mai, là cách mà tôi đã học để tập thương-hiểu bác Mai sau này.
1 thought on “Quảng Pháp: H.Tr Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai, Người Luôn Đi Tiền Trạm…”