
Một cách chung chung, hầu hết Phật tử sẽ đồng ý rằng bản chất của Phật giáo là trau dồi nhận thức, lòng từ bi và khám phá sự hiện hữu của chúng ta một cách khoáng đạt, không chấp thủ. Theo một nghĩa nào đó, Phật giáo luôn là cái mà người Tây phương xem là sự kết hợp giữa tôn giáo và khoa học. Không giáo điều, nhưng đồng thời cũng không có gì để tin mà không cần phải xác minh.
Phật giáo được coi là một truyền thống phi hữu thần. Theo quan điểm đó, là sự kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng khoa học, công nghệ và duy lý. Ở đây là từ điểm nhìn của một Phật tử Tây phương, đang giữ vai trò giáo dục Phật giáo, David Nichtern.
David Nichtern & Chogyam Trungpa Rinpoche, 1981
Ông là người sáng lập Dharma Moon, thực hành và giảng dạy thiền định suốt 40 năm qua. Là một trong những học trò người Mỹ đầu tiên của Chogyam Trungpa Rinpoche, khi vị thiền sư nổi tiếng này đến Hoa Kỳ vào năm 1970. Ông đồng thời là tác giả của hai cuốn sách từng được giới phê bình đánh giá cao: “Awakening From the Daydream: Reimagining The Buddha’s Wheel of Life” và “Creativity, Spirituality & Making a Buck”. Hiện ông đang hướng dẫn học viên qua hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến, đồng thời dẫn dắt các chương trình đào tạo giáo thọ thiền định trên khắp thế giới.
David cũng là một nhạc sĩ từng được đề cử giải Grammy và giải Emmy. Thu âm và chơi với Stevie Wonder, Christopher Guest, Jerry Garcia, Lana Del Rey, Maria Muldaur, Paul Simon và nhiều người khác. Đã phát hành nhiều đĩa hát, phim ảnh và chương trình truyền hình, David là tác giả của bài hát “Midnight at the Oasis”, in thành nhiều đĩa hát cho các chuyến lưu diễn định kỳ với nghệ sĩ kirtan, được đề cử giải Grammy Krishna Das. (đọc thêm tiểu sử ở đây)
Trong hơn 50 năm qua, giáo lý Phật giáo đã bắt rễ (ở một mức độ nhất định) trong nền văn hóa phương Tây. Nhiều bậc thức giả đã làm việc chăm chỉ để dịch những giáo lý và các phương pháp thực hành này sang các ngôn ngữ tiếng Anh và châu Âu, hay các hình thức mà sinh viên phương Tây có thể tiếp cận được. Mặt khác, trong một số trường Phật giáo, các sinh viên được yêu cầu học các hình thái văn hóa, truyền thống từ ngôn ngữ gốc.
Quá trình cấy ghép giáo lý Phật giáo ở phương Tây dường như đã phát triển theo một số cách khác nhau:
Hình thức truyền thống được cấy ghép, bén rễ và phát triển (ví dụ, nhiều thiền viện ở phương Tây, các bài kinh vẫn được đọc bằng tiếng Trung Hoa, Nhật, hay Việt…v.v, và đa phần, các hình thức lễ nghi được áp dụng theo chuẩn mực truyền thống).
Một loại cây lai tạo, sự pha trộn giữa văn hóa và ngôn ngữ gốc Châu Á vào văn hóa và ngôn ngữ “bản xứ” cũng đã và đang phát triển. Ví dụ, dòng Phật giáo Shambhala đã pha trộn một số yếu tố của Phật giáo Tây Tạng và đạo Bon với một số yếu tố được lai tạo của truyền thống Âu Mỹ.
Chuyển đổi hoàn toàn các truyền thống ban đầu sang các hình thái phương Tây ví như về sức khỏe, tâm lý, hiện đại, giảm căng thẳng, thư giãn, chánh niệm…v.v, nơi mà ngôn ngữ cũng như hương vị văn hóa phương Tây áp đảo thì các truyền thống châu Á chỉ còn là dấu vết mờ nhạt sau khi đã truyền cảm hứng cho những cách tiếp cận này.
Đức Karmapa XVI, Jamgon Kongtrul Rinpoche và David Nichtern – khoảng năm 1976
Bất chấp những lời khuyên của chính Đức Phật, và trên thực tế nhiều bậc thầy Phật giáo vẫn khuyên rằng Phật tử nên trực tiếp xác minh mọi thứ mà mình học được dựa trên kinh nghiệm bản thân – Phật giáo Châu Á đã phát triển theo hướng triệt để về sự tôn trọng, thờ phụng và thậm chí lệ thuộc vào vị Thầy. Sự thờ phụng, tận tụy như vậy có thể được tìm thấy trong nhiều hệ thống giảng dạy ở Châu Á. Sẽ không có gì lạ nếu một người học trò quỳ và đặt chân của vị Thầy người Ấn Độ lên đầu mình, nhưng thật khó để hình dung điều đó xảy ra ở Juilliard hay Berklee!
Mặc dù đề cao và khuyến khích trí tuệ và sự khai phóng là quan trọng, nhưng trên thực tế, hầu hết các hệ thống giảng dạy của Phật giáo Châu Á có vẻ đều chuyên quyền và hướng nhiều đến việc thiết lập một hệ thống học vị, rồi tô điểm cho thích hợp với hệ thống cấp bậc như vậy.
Đối với Phật giáo Kim Cương thừa, đạo sư được coi là giác ngộ và có giá trị ngang bằng với Đức Phật theo một nghĩa nào đó, thậm chí còn có giá trị hơn Đức Phật bởi vì chúng ta chưa (hay sẽ không có) may mắn được gặp Đức Phật tận mắt. Vị đạo sư hoàn toàn được đồng nhất với sự giác ngộ, và những chỉ dẫn của họ phải được tuân theo một cách nghiêm mật.
Đồng thời, dù vị đạo sư nói với bạn rằng hãy sử dụng trí tuệ của chính mình để tìm ra sự thật. Ngay cả trong hệ thống Phật giáo châu Á, sự tương phản như vậy có thể tác động thành một sự căng thẳng trong quá trình học tập và sáng tạo của học trò, rồi khi trộn lẫn với nền dân chủ phương Tây, nó lại có thể tạo ra một sự xung đột gần như không thể vượt qua cho học trò, những người phải đấu tranh để hòa hợp hai hệ thống lãnh đạo rất khác nhau: Mô hình dân chủ và chế độ quân chủ.
Còn quá sớm để nói hết về “Phật giáo Hoa Kỳ”. Lịch sử cho chúng ta biết rằng có thể mất vài trăm năm để thực sự có một số quan điểm nhất định về quá trình tiến hóa này. Nhưng thật thú vị khi nhìn lại 50 năm qua và nhìn vào tình hình hiện tại. Thực tế là nhiều sinh viên phương Tây đóng vai trò giảng sư trong cộng đồng Phật giáo của họ, như là người cố vấn, hướng dẫn hoặc “người bạn tinh thần” cho những sinh viên mới hơn. Có thể nói rằng càng ngày càng có rất nhiều vị thầy hướng dẫn giáo lý người Tây phương có trình độ cao đang phục vụ trong ngành giáo dục Phật giáo. Nhưng cũng cần lưu ý rằng cũng có các vị không được thừa nhận là đã đạt được trình độ, hay sự thành thạo, nghiêm túc, đủ đảm bảo cho nhu cầu tu tập của Phật tử. Chỉ cần hình dung một vị thầy đang ngồi trên một ngai vàng cao bằng gấm, nếu là Đức Đạt Lai Lạt Ma thì trông rất bình thường đối với chúng ta, nhưng với vị thầy người Tây phương thì vẫn là một hình ảnh khó hình dung đối với nhiều người. Điều này còn có nghĩa, hoặc là các đạo sư Phật giáo phương Tây chưa thể hiện đầy đủ, hoặc chúng ta đang có một luồng va chạm văn hóa lớn ở đây.
__________________________
Phỏng theo: David Nichtern, The Future of Buddhism in the West