
“Tôi cảm thấy nền giáo dục ngày nay không thực sự dạy về tự do. Nếu cố gắng dạy về tự do, đó chỉ là về quyền cá nhân chứ không phải là tự do nội tâm xuất phát từ ý thức sâu sắc về trật tự bên trong. Khi bạn có được trật tự nội tâm này, bạn có thể nằm dài ra và tung tăng trong thế giới hỗn loạn. Thay vào đó, có vẻ như giáo dục hiện đại làm ngược lại, nó khiến ta hỗn loạn nội tâm và cố gắng tạo ra một số loại trật tự bên ngoài.”
Dzongsar Khyentse Rinpoche, vị Sư cố vấn đã nhận xét như vậy trên trang web của trường Trung Đạo – Middle Way School.
Tôi bị cuốn hút vào những đề mục giới thiệu trên trang web này, nó thật thú vị, cả những bài viết hay những đoạn phim ngắn liên quan việc dạy trẻ trong tinh thần Phật Giáo. Và vì vậy cảm thấy thật ích lợi, nếu quý anh chị trưởng ghé qua thăm đôi lần, để thấy có điều gì đó khá quen thuộc, nhưng đồng thời cũng rất tươi mới. Vì vậy biết đâu nó lý tưởng cho chúng ta vì học hỏi được một mô hình, phương pháp và nội dung giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo ở thời điểm này. Rồi, liệu GĐPT có phát triển để đóng vai trò như những cơ sở giáo dục tương tự như vậy trong hiện tại lẫn tương lai?
Middle Way School (MWS) – ngôi trường mang tên Trung Đạo ở Thung lũng Hudson, bang New York, là một trường học tư lập. Đây là một trong những trường Phật giáo đầu tiên dành cho thanh thiếu nhi. MWS khám phá tiềm năng phong phú trong việc kết hợp trí tuệ và lòng từ bi vào nền giáo dục tiến bộ. Khát vọng của Ban điều hành là chuẩn bị cho học sinh bước vào thế giới hiện đại với những phẩm chất cao quý của trí thông minh, sự tự tin và kỷ luật, với hiểu biết về sự phụ thuộc lẫn nhau và phát triển lòng vị tha.
MWS được được Bộ Giáo dục NYC công nhận là trường tư lập, là thành viên của Hiệp hội các trường tư lập Quốc gia (NAIS) và Phòng Thương mại Quận Ulster. Việc nghiên cứu và phát triển mô hình MWS được giám sát bởi Middle Way Education, một tổ chức bất vụ lợi độc lập.
Được hướng dẫn bởi một số giáo viên và học giả, MWS không bị ràng duy nhất bởi một truyền thống hay pháp môn Phật giáo. Song, cũng không pha trộn chúng với nhau cho đến khi chúng không thể nhận ra được. Thay vào đó, MWS tôn trọng sự đa dạng của các truyền thống trí tuệ, các dòng truyền thừa và các con đường đa dạng đã giúp các cá nhân kết nối với sự tỉnh thức của giáo pháp trong 2.500 năm.
Vì vậy, trường là một trung tâm nghiên cứu khám phá cách thức mà trí tuệ vượt thời gian và các phương pháp của Phật giáo có thể nâng cao một nền giáo dục hiện đại. Giáo viên ở đây là những vị có tay nghề cao đủ khả năng cung cấp một nền giáo dục nhân bản đặc biệt đáp ứng chính xác trẻ em ở từng giai đoạn phát triển của chúng. Kết quả là một niềm vui trong học tập. Giáo viên giảng dạy với sự hiểu biết rằng trẻ em là những sinh vật toàn vẹn với đời sống nội tâm phức tạp, hoàn thiện với một tâm trí bẩm sinh được đánh thức. Giáo dục không phải để lấp đầy chúng, mà là để mở ra những hạt giống trí tuệ có sẵn. Bằng cách trau dồi phẩm giá, sự sáng suốt và kỷ luật, học sinh tự tin bước vào con đường học tập trọn vẹn.
Tại MWS, ba lĩnh vực trọng tâm gồm Học thuật, Khoa học đời sống và Phật pháp. Để hoạt động trong nhiều môi trường văn hóa, địa lý và giáo dục khác nhau, chương trình giảng dạy đặt trên nền tảng tinh thần “Trung đạo” để luôn luôn cải tiến. Nó có thể được điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cộng đồng, dựa trên ba lĩnh vực học tập chính này, hoặc các lĩnh vực trọng tâm. Điều này cho phép đan xen các lĩnh vực học thuật truyền thống với giáo lý Phật giáo, trong khi giới thiệu các chủ đề và lĩnh vực nghiên cứu được bản địa hóa. Ba lĩnh vực tồn tại tách biệt và chồng chéo lên nhau tạo nên một tổng thể tích hợp thống nhất chương trình nhà trường. Riêng Phật pháp là lĩnh vực cần phải có để trường áp dụng mô hình Trung đạo.
MWS không phân biệt đối xử với bất kỳ yếu tố nào bao gồm chủng tộc, tuổi tác, nguồn gốc quốc gia hoặc dân tộc, tôn giáo, giới tính, khuynh hướng tình dục, hoặc nền tảng kinh tế xã hội. MWS sẽ cung cấp các điều kiện tiếp cận cho cá nhân khuyết tật ở mức tối đa có thể.
“Thế giới cần trí tuệ bất nhị và Phật pháp có điều đó. Không làm hại bản thân và người khác, giúp đỡ bản thân và người khác, khám phá và nuôi dưỡng bản chất từ bi và tỉnh thức tâm bẩm sinh là trí tuệ. Nó đã được thử nghiệm trong 2.500 năm bởi những người lang thang và yogis, bởi các vị vua, hoàng hậu và giáo sư. Đây là một hệ thống giáo dục rất tinh tế dẫn đến sự giải thoát”. – Dzongsar Khyentse Rinpoche
Trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại miền Nam California, những mô hình lớp học mẫu giáo hay tiểu học Phật giáo không phải là chưa có, đặc biệt như Bodhi Academy khởi đầu do Trưởng Vũ Thị Mỹ Hạnh điều hành đã nhiều năm qua, hay mới đây tại Tu viện Pháp Vương, San Diego, khóa học mùa Thu, 2021 của Phap Vuong Acdemy cũng vừa được khai giảng. Người điều hành là Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ. Là những mô hình giáo dục Phật giáo cho tuổi trẻ mà như Dorje Kirsten đã nhận xét, “điều gì như là một thách thức đối với Phật Tử Hoa Kỳ? Hiện nay, đơn giản là không có nhiều và đủ trường học đúng nghĩa, chịu ảnh hưởng của Phật giáo cho tuổi trẻ ở phương Tây. Để Phật pháp thực sự khắc sâu hơn vào tâm trí của các em, giáo dục Phật giáo vì vậy phải tiếp tục phát triển.”
Các mô hình trường học Phật Giáo như Bodhi Academy hay Pháp Vương Academy quả cần phát triển hơn nữa để đi vào dòng chính của nền giáo dục bản xứ như Middle Way School. Nhưng điều này có nghĩa, nó cũng cần sự hỗ trợ của cộng đồng Phật tử, những ai hằng quan tâm, yêu mến. Song, một khi các mô hình hoạt động thanh thiếu niên như hình thức trường học như vậy trở nên phổ biến ở các tự viện vì chất lượng và tính hiệu quả giáo dục, nó đồng thời đặt GĐPT trước những thử thách mới để buộc phải chuyển mình.
Biết đâu!