
Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đã gây ra sự gián đoạn chưa từng có đối với các định chế xã hội, đặc biệt là lãnh vực y khoa.
Trong tình hình chung, có ít nhất 190 quốc gia đã yêu cầu đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần các hệ thống trường học như một biện pháp để ứng phó đại dịch, nên ảnh hưởng đến hơn 1,7 tỷ học sinh trên toàn thế giới (Ngân hàng Thế giới, 2020). Vì vậy điều quan trọng là cần nhìn nhận đại dịch cũng là một cuộc khủng hoảng giáo dục toàn cầu.
“COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn chưa từng có trong lịch sử giáo dục”, theo Bà Audrey Azouley, Tổng giám đốc UNESCO, đã tuyên bố
Hiện nay, các tổ chức giáo dục trên khắp thế giới đã thực thi các biện pháp nhằm duy trì các chương trình giảng dạy của họ, trong khi vẫn phải bảo vệ vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh như vậy, mục đích Gia Đình Phật tử cũng không ngoài lãnh vực giáo dục. Khi các buổi nhóm họp hàng tuần truyền thống tại khuôn viên chùa đang bị đặt trước những thử thách thì chúng ta cần phải định hướng ngay một giải pháp thích ứng, không chỉ vì đại dịch mà xa hơn, phát triển như một nền tảng hoạt động chính quy trong tổ chức khi thực sự đã bước vào thời đại “new normal.”
Cách đây ít ngày trong một bài giới thiệu tổng quát, trưởng Hồng Liên đã chia sẻ khái niệm “Distance Learning – Giáo dục từ xa”, như một giải pháp đề nghị cần được cấp hướng dẫn quan tâm và tiến hành cho chương trình tu học, huấn luyện của Gia Đình Phật Tử giữa đại dịch lẫn hậu đại dịch. Để tiến đến một nền tảng như vậy, tất nhiên mỗi anh chị trưởng, dù muốn dù không là một nhà sư phạm, cũng băn khoăn, và cân nhắc. May mắn thay trong một chủ đề đặc biệt: “Pandemic Pedagogy: Teaching Continuity in Times of Global Disruption,” đăng trên tranh web Kyoto Review Of Southeast Asia, Ban Biên Tập đã tập hợp một số nhận định về sự phức tạp và khả năng của các phương pháp sư phạm giữa mùa đại dịch từng được các nhà giáo dục ở Đông Nam Á triển khai. Các chuyên gia của nhiều bộ môn đóng góp đã được yêu cầu chia sẻ những trải nghiệm về sự chuyển đổi đột ngột từ mô hình truyền thống sang hình thức đào tạo từ xa đã ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả sư phạm, chẳng hạn như trong việc soạn thảo chương trình giảng dạy, nội dung và bảo toàn quyền lợi của học viên? Song song đó là tầm ảnh hưởng của đại dịch như thế nào đến các chính sách của các cơ sở giáo dục, chẳng hạn như các chính sách liên quan từ cơ cấu tổ chức cho đến điều hành nhân sự.
Hiện tại, các biện pháp kiểm dịch và cách ly xã hội đã đang định hình lại cảm xúc địa lý của chúng ta, xác định lại một cách toàn triệt các bản thể luận của chúng ta với vai trò là những sinh vật xã hội hóa. Đồng thời, nhiều người trong chúng ta sống qua cơn khủng hoảng với cảm giác thay đổi về thời gian, sự bất ổn khi một số thói quen chuyên nghiệp mà chúng ta từng có thay đổi. Những điều kiện không gian và thời gian mới này tạo thành khái niệm “điều bình thường mới” (New Normal), là một trạng huống khó chịu của chúng ta được nhà nhân chủng học Ghassan Hage mô tả là “sự bế tắc” vĩnh viễn: “Thay vì được coi là những vấn đề mà người ta cần phải thoát ra bằng bất cứ giá nào, thì hiện nay đang phải trải qua, trong một trạng thái bệnh lý không thể tránh khỏi mà phải chịu đựng”(Hage 2009: 90).
Song, ở cấp độ thực tế, các mô hình sư phạm trong đại dịch đề cập đến khả năng giải quyết vấn đề và khắc phục sự cố, đồng thời cần thiết trong việc cấu trúc (lại) và điều chỉnh chương trình giảng dạy với các định dạng và khung thời gian mới. Một trong những khía cạnh cũng cần quan tâm đến là các nhà giáo dục đã phải thực hiện các liệu pháp nhằm giảm bớt cảm giác bị cô lập, mệt mỏi và lo lắng giữa sinh viên và giảng viên. Một mô hình như vậy, không chỉ là về sự thay đổi trong hình thức tổ chức các lớp học, về bản chất, đó là một thái độ giảng dạy đòi hỏi sự sắp xếp lại các chỉ số hoạt động thông thường, sao cho cái được coi là “phương pháp sư phạm hiệu quả” được đo lường bằng cách chúng ta có thể định hướng các nền tảng học tập qua trung gian công nghệ để đạt được mục tiêu song song là duy trì việc dạy và học được liên tục.
Những chia sẻ này có thể cung cấp cho chúng ta cơ hội để nhìn nhận lại hiện tại và tương lai của giáo dục, và làm thế nào các cơ sở giáo dục của chúng ta có thể tiếp tục đóng vai trò trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Một chủ đề chính nổi lên như một thách thức của mô hình dạy và học từ xa là tính năng đặc trưng của nó là các nền tảng trực tuyến khả thi. Trong các tình huống khủng hoảng, điều này dễ xảy ra do thực tế là học viên và giảng viên thường không thể dựa vào chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật nhằm đưa ra các hướng dẫn đầy đủ hoặc khắc phục sự cố. Bên cạnh những khó khăn về kỹ thuật, vấn đề cấp bách khác là về tinh thần mà những học viên tự giam mình trong nhà phải đối mặt. Việc đóng cửa các cơ sở giáo dục, học ở nhà với một “sự thân mật giả tạo” đã khiến cảm giác bị cô lập và lo lắng có khi trở nên trầm trọng thêm (Petriglieri 2020). Một cuộc khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới với hơn 68.000 người trong độ tuổi 16-35 ở ASEAN cho thấy khoảng 70% xác định cảm giác bị cô lập khi làm việc hoặc học tập từ xa trong thời gian đại dịch COVID-19.
Như vậy, làm cách nào để định hình giáo dục trực tuyến trước những căng thẳng về tinh thần? Các học giả Đông Nam Á, Ho Gia Ahn Le (Le 2020), chia sẻ về tầm quan trọng cốt yếu của việc tự chăm sóc và thực hành chánh niệm giữa mùa đại dịch. Giáo dục là cả một quá trình xã hội và nhận thức đòi hỏi từ nhiều phương pháp tương tác nhân bản ngoài việc truyền tải nội dung chương trình học.
Một số đã định hướng sửa đổi giáo trình của họ theo hướng nâng cao ý thức phản xạ và nhận thức tình huống về đại dịch, đồng thời làm thế nào mà phương pháp dạy cũng như học từ xa có thể khiến học viên cảm thấy được kết nối với nhau hơn.
Việc áp dụng giáo dục từ xa đạt được tính liên tục trong giảng dạy đề cao một nguyên tắc là tất cả học sinh đều bình đẳng để được hưởng các nền tảng giáo dục, tôn trọng sự đa dạng, xóa bỏ các rào cản phân biệt đối xử, khi được cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu theo sở thích học tập. Ngay cả trước đại dịch COVID-19, UNESCO đã báo cáo rằng 20% thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới bị loại khỏi các cơ hội giáo dục tốt (UNESCO 2020: iii). Việc chuyển sang giáo dục từ xa có thể đã phá vỡ sự chênh lệch kinh tế xã hội và văn hóa đã có từ trước dựa trên các mức độ tiếp cận khác nhau đối với các nền tảng công nghệ cần thiết cho việc giảng dạy liên tục.
Nói chung, từ những nhận định của các nhà chuyên môn góp tiếng trong chủ đề như đã trình bày, phần nào chúng ta có thể đánh giá chung về tầm ảnh hưởng của đại dịch đối với năng lực sư phạm của chúng ta như thế nào vào thời điểm mà kiến thức ngày càng quan trọng hơn trong xã hội của chúng ta. Nỗ lực này có giá trị vì nó làm nổi bật cách mà các nhà giáo dục chia sẻ trong cùng một trận tuyến và đưa ra các giải pháp linh độn, sáng tạo cho các vấn đề và thách thức chung. Việc nhận ra tình trạng khó khăn chung của chúng ta là cơ sở để để đưa ra những dự kiến cũng như cách thức thực hiện mô hình sư phạm của chúng ta đang thay đổi và chúng có thể không bao giờ giống nhau. Một ý tưởng khả thi xuất phát từ những phản ánh này là nỗ lực của chúng tôi để tạo điều kiện cho việc giảng dạy liên tục dựa trên nền tảng trực tuyến như đã được đề cao. Mặc dù, những vấn đề nên lên này có thể không được quý trưởng quan tâm trong khi chúng ta vẫn còn trong tình trạng loay hoay, bế tắc. Tuy nhiên những phản ánh đã được ghi nhận qua chia sẻ của các chuyên gia trong loạt bài được giới thiệu theo đường dẫn trên, ít nhất có thể góp phần để anh chị em, từ bình diện rộng sư phạm, thu hẹp lại trong lãnh vực tu học huấn luyện của Gia Đình Phật Tử, ít nhiều giúp hình dung một mô hình giáo dục mà chúng ta mong muốn cho huynh trưởng và đoàn sinh. Việc tối ưu hóa phương pháp sư phạm trong mùa đại dịch mang một tầm quan trọng trong việc xác định xem liệu đại dịch có phải là loại hình đổi mới đột phá hay không (Christensen et.al. 2015) cần thiết để thúc đẩy thế giới nói chung và nền giáo dục phát triển sau COVID-19.
Trở lại một chút với khái niệm “Dạy và Học từ xa” mà trưởng Hồng Liên đã trình bày, “Distance Learning – dạy và học từ xa” là một hình thức giảng dạy giữa hai bên (học sinh và giáo viên) được tổ chức tại một thời điểm và / hoặc địa điểm khác nhau, sử dụng các tài liệu giảng dạy khác nhau (Moore et al., 2010). Ngày nay, định nghĩa về đào tạo từ xa gắn liền với công nghệ trong đó người học có thể tiếp cận giáo dục mọi lúc mọi nơi.
Trong một bài báo, “Giáo dục trong thời kỳ khủng hoảng: Những tác động tiềm tàng của việc đóng cửa trường học đối với giáo viên và học sinh”, tác giả Lisa-Maria Müller và Gemma Goldenberg đã nhận xét rằng đào tạo từ xa có thể hiệu quả nếu các phương pháp giảng dạy được sử dụng có chất lượng cao .
Các phát hiện của Müller và Goldenberg đã xác định một hình thức học tập từ xa có chất lượng bằng cách đưa ra những lời giải thích rõ ràng, tổ chức và điều hành có kế hoạch, đánh giá và phản hồi có thể dễ dàng đạt được thông qua các lớp học ảo, nơi giảng viên thảo luận kỹ lưỡng về bài học. Giao tiếp giữa giáo viên và học sinh là một phần thiết yếu của nền giáo dục khai phóng.
Chúng ta vẫn thường nghe “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, phải chăng khái niệm “new normal” đang nhắc chúng ta về điều này, nhận thức thực trạng “sống với dịch” một cách tỉnh thức. Song, bất biến không phải là thái độ thụ động, để trôi, vô định, nhất là những vấn đề huyết mạch duy trì giá trị của tổ chức. Các cấp hướng dẫn trong vị thế của mình, cần đưa ra những giải pháp cụ thể, bảo đảm tính hiệu quả đáp ứng tình thế lúc an, lẫn lúc nguy.