
Chủ trương và thực hiện:
Hoa Ðàm Group, US.
Kết tập:
Nguyên Túc Nguyễn Sung | Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ
Nhuận Pháp Trần Lâm | Quảng Pháp Trần Minh Triết
Mục Lục
Còn ai khóc cho tâm nguyện chưa tròn…? Thay cho lời ngỏ | 7
Về Anh Ngô Mạnh Thu ~ Phúc Trung Huỳnh Ái Tông | 13
Ngô Mạnh Thu, những nét rất đậm trong cuộc đời tuổi trẻ và âm nhạc Việt Nam ~ Nguyễn Đức Quang | 21
Ngô Mạnh Thu, người lái đò trên Dòng Sông Trăng ~ Uyên Nguyên | 33
Cảm Niệm Nhạc Sĩ Huynh Trưởng
Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu ~ Đức Quảng Nguyễn Hoàng Phụng | 43
Bàn ghế cũng mồ côi ~ Nguyễn Trung Tín | 47
Nụ Cười Đôn Hậu Đã Tắt ~ Phạm Phú Thiện Giao | 53
Đại Bàng Gãy Cánh ~ Nguyên Kim | 61
Nhớ Anh Ngô Mạnh Thu ~ Hồng Nga | 67
Nhớ một người Anh, Ngô Mạnh Thu ~ Nguyễn Mạnh Trinh | 71
Nghĩ về Huynh Trưởng Ngô Mạnh Thu ~ Nguyễn Minh Nữu | 75
Mùa Hè Đi Qua, Có Một Nỗi Buồn Đọng Lại ~ Nguyễn Ngân | 79
Một lần bay, là bay đến muôn trùng ~ Trừng Nhĩ Nguyễn Minh Nữu | 89
Ngô Mạnh Thu, còn đó nụ cười ~ Bùi Công Thuấn | 95
Nhớ Ngô Mạnh Thu ~ Nguyễn Tân Văn | 101
Sẽ một lần vẫy tay chào nhau, đi! ~ Quảng Pháp | 109
Phép “Nhìn Người” của Anh Ngô Mạnh Thu ~ Trần Minh Triết | 113
Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Thanh Hùng, hình bóng ~ Phạm Quốc Bảo | 115
Lời nói cuối của Ngô Lê Trọng Tú với bố Ngô Mạnh Thu ~ Ngô Lê Trọng Tú | 127
Còn ai khóc cho tâm nguyện
chưa tròn…?
Thay cho lời ngỏ
Nguyễn Vũ Hoàng Cương hứa từ hai tháng trước, khi nào sách và CD xong sẽ gởi tặng mình. Hôm nay nhận được, vui mừng khôn tả!
Lật mấy trang ngâm nga lại vài nhạc khúc của Anh, chợt thấy mình nhớ và tiếc. Nhớ quá một thời áo Lam. Tiếc quá một thời đã mất hẳn!
Năm 1996, Anh Thu sáng tác một ca khúc mới tặng cho Gia đình Phật tử Miền Quảng Ðức – Vùng Tây Nam Hoa Kỳ, để hát chào đón các anh chị áo Lam từ bốn phương về Cali dự Ðại Hội Toàn Quốc. Ca từ mộc mạc nhưng dào dạt tình cảm, và hướng tầm nhìn xa. Xa mấy rồi cũng quy về một mối tình:
Nhà Lam miền Quảng Ðức,
đón anh chị thân thương
Từ muôn phương tám hướng
đến đây đồng tâm
Cùng nêu Bi Trí Dũng
Sáng soi tình bao la
Niềm vui thêm lan xa
với câu ái hòa.
(… )
Nhìn ra thế giới mới
thấy hoa tình thương tươi.
Nhìn vào trong tâm ta
thấy sen sáng ngời
(Ngô Mạnh Thu, trao nhau tiếng cười)
Hành hoạt của Gia đình Phật tử thời nào cũng vậy, và ở đâu cũng vậy. Trước hết nếu không có Tình Thương, ắt khó vận dụng được sự Hiểu Biết để thấu hiểu mọi nhân duyên dữ/lành, và càng không có Dũng để vượt lên mọi chấp trước.
Vuốt tay lên mặt trang giấy, những nốt nhạc nhạt nhòa, tôi không biết còn có bao nhiêu người đang khóc, không chỉ vì tưởng nhớ nhân cách: Ngô Mạnh Thu, mà còn khóc cho một tâm nguyện TÂM HÒA chưa tròn…
Uyên Nguyên (2015)
_________________________________
Về Anh Ngô Mạnh Thu
Phúc Trung Huỳnh Ái Tông
Tôi được Trần Minh Triết viết gửi qua Messenger: “Kính anh, em chuẩn bị làm cuốn tưởng niệm anh Thu, anh có thể viết cho em xin một bài không? Tháng 8 phát hành”.
Về anh Ngô Mạnh Thu, từ khi anh nằm xuống, tôi đã viết đến 3, 4 bài, lục tìm gửi cho Triết, xem Triết có chọn được bài nào không, vì tôi đang còn mệt sau khi đi chiêm bái Phật tích ở Ấn Độ về, rồi lại đi Huế viếng thăm thiền sư Nhất Hạnh và Hòa Thượng Thích Trí Quang. Ấn Độ khí hậu ngày nóng, đêm lạnh, Huế bị ngọn gió Lào, Sài Gòn nóng có hôm trên 40 độ, gây cho tôi bị cảm nắng nhiều ngày, lại chuẩn bị sang Cali, nên đầu óc không được thanh thản để viết.
Thôi thì nhân dịp này viết để tưởng nhớ đến anh Ngô Mạnh Thu. Tôi không nhớ lần đầu tiên tôi đã gặp anh Thu vào dịp nào, nhưng biết chắc tại chùa Giác Minh vào khoảng năm 1959. Thời gian đó, anh Nguyễn Quang Vui làm Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Giác Minh, anh Nguyễn Đình Thống làm Liên Đoàn Phó, tôi Đoàn Trưởng Đoàn Thiếu Niên, anh Ngô Mạnh Thu được mời làm Ủy viên Văn nghệ của Gia Đình.
Năm 1960, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam được thành lập, anh Thu được bầu làm Ủy viên Văn nghệ, anh Nguyễn Đình Thống Ủy viên phụ trách Ngành Nam, anh Nguyễn Quang Vui Ủy viên Nghiên Huấn, tôi Phó Tổng Thư Ký.
Năm sau, Ban Hướng Dẫn bầu lại, Bác Nguyễn Đức Lợi làm Trưởng Ban, anh Nguyễn Quang Vui làm Phó Trưởng Ban, anh Nguyễn Đình Thống Ủy viên Tổ chức và Kiểm soát, anh Ngô Mạnh Thu Ủy viên Văn nghệ, tôi Tổng Thư Ký, từ đó bốn chúng tôi sát cánh làm việc với nhau, làm cho các Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam sinh hoạt rất năng động và phát triển nhanh chóng về chất lượng cũng như số lượng, cho nên các Huynh Trưởng thời đó gọi chúng tôi là Tứ Tướng: Vui, Thu, Thống, Tông.
Chúng tôi mỗi người có sở trường sở đoản cá biệt, anh Vui có khả năng về các sáng kiến độc đáo như thành lập Ban Hướng Dẫn thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam, thành lập Huynh Trưởng Đoàn. Mở khóa huấn luyện Huynh Trưởng Tuệ Tạng năm 1960. Thành lập Trường Đào Tạo Huynh Trưởng năm 1962, nhưng anh thường bỏ việc dở dang. Anh Ngô Mạnh Thu có những nhận xét chính xác, phát biểu ngắn gọn đầy đủ và tập trung, giao cho ai việc chi anh không cần theo dõi, kiểm soát. Anh Nguyễn Đình Thống luôn quan tâm theo dõi các hoạt động, anh ít gắn bó với sinh hoạt. Còn tôi thi hành tới cùng và làm đúng những chi anh em đã quyết định.
Đại Hội Gia Đình Phật Tử Toàn Quốc, vào dịp Giáng Sinh năm 1961 tại chùa Xá Lợi, phái đoàn các GĐPT miền Bắc của 2 Tập Đoàn thuộc 6 Tập Đoàn của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam hợp nhất thành một phái đoàn với 10 Đại biểu, trong đó anh Ngô Mạnh Thu là một.
Trường Đào Tạo Huynh Trưởng anh Vui thành lập và đảm nhận chức vụ Đoàn Trưởng đầu tiên, anh theo được 5, 7 tháng anh bỏ, Anh Trúc Hải lên thay, tổ chức thi ra trường năm 1963, sau đó anh Hải đi Nha Trang làm việc, tôi lên thay mời được anh Ngô Mạnh Thu làm Đoàn Phó. Từ đây anh hết sức gắn bó với Trường nói riêng và GĐPT nói chung.
Sau cuộc Cách Mạng 1-11-1963 thành công, Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên, mời Đoàn Huynh Trưởng Thủ Đô ra viếng thăm GĐPT Thừa Thiên- Huế, anh Ngô Mạnh Thu có tham gia Phái đoàn, có đi tham quan cầu Hiền Lương ở Bến Hải. Có thăm GĐPT tại vùng quê Mỹ Chánh, nơi ghi nhiều bi thương của Mùa Hè đỏ lửa sau này.
Chúng tôi tổ chức kỳ thi mãn khóa, khóa 2 trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Đa, rồi mở khóa cấp tốc vì nhu cầu Huynh Trưởng đó là khóa Đặc Biệt mở vào dịp lễ Lao Động 1-5-1964. Anh Ngô Mạnh Thu, chị Hồng Loan và tôi có kỷ niệm đẹp, vì rạng sáng ngày này, anh Nghiễn và chị Tâm cho Khóa sinh di chuyển vào lúc 4 giờ sáng từ Trại Chăn Nuôi Tân Sơn Nhất, đi xuyên qua vườn cao su Phú Thọ, tới chùa Giác Lâm. Ven hai bên đường là rừng cao su âm u, trên trời trong trăng sáng vằng vặc, ba chúng tôi mỗi người một chiếc xe, đạp từ từ trên con đường khúc tráng nhựa, khúc đất đỏ, không khí an lành. Nay nó là con đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, nhà phố san sát nhau, đâu còn nên thơ một thuở.
Đại Hội Gia Đình Phật Tử toàn quốc tổ chức tại Trường Gia Long vào dịp Hè năm 1964, anh Thu được Ban tổ chức giao trách nhiệm tổ chức đêm Văn nghệ Chào mừng Đại hội tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc, anh đã cho trình diễn kịch Suối Từ của anh Võ Đình Cường và Trường Ca Lửa của anh dưới sự trình diễn của Ca đoàn Trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Đa.
Từ trái: Tuệ Linh, Tông, X, Ngô Mạnh Thu, Đắc, bác Y, Trung
HT ngồi: Nguyễn Đình Nam – Phía sau là cầu Hiền Lương và sông Bến Hải
Vì sự phân hóa Giáo Hội thành Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang, GĐPT miền Vĩnh Nghiêm ngưng sinh hoạt một thời gian. Năm 1973, sinh hoạt lại anh Thu vẫn tham gia với chức vụ Ủy viên Văn Nghệ.
Sau năm 1975, GĐPT phải ngưng sinh hoạt, đến năm 1993, anh Ngô Mạnh Thu là nhân tố chính góp sức thúc đẩy tái hoạt động các GĐPT miền Vĩnh Nghiêm, anh giữ chức Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT miền Vĩnh Nghiêm, kiêm Đoàn Trưởng Đoàn Huynh Trưởng A Dật Đa, cho đến nay vẫn còn sinh hoạt tại Tổ Đình Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn.
Năm 1991, tôi sắp rời khỏi Việt Nam, các anh chị Thống, Thu, Vui đưa tôi đi ăn cơm chay Tín Nghĩa ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn rồi đi uống cà-phê ở khu Nhà Trẻ Thành phố. Dịp này anh Thu nói với tôi: “Tông sang đó, nói với Đặng Đình Khiết yểm trợ tài chánh để Vui, Thống, Lanh và mình làm một Video tape, quay các cảnh chùa Việt Nam, lồng các bản nhạc Phật Giáo. Thành quả đó có tác phẩm “Dòng sông trăng”.
Năm 1994, anh Ngô Mạnh Thu rời Việt Nam định cư tại Nam California. Năm 1995, anh được bầu vào chức vụ Trưởng Ban, Ban Chấp Hành Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, anh giữ chức vụ này cho đến khi bị tai biến mạch máu não, rồi qua đời vào năm 2004.
Anh Ngô Mạnh Thu sinh năm 1938, tại Hà Đông từng là bạn thuở ấu thơ học chung trường với Phí Ích Nghiễm tức nhà văn Dương Nghiễm Mậu, vào Nam hai anh gặp lại cùng ở khu Chuồng Bò ở Tân Sơn Nhì hay Lò Heo ở khu cư xá Trương Minh Giảng gần nhà thờ Ba Chuông, Phú Nhuận.
Tuy mỗi người có ngành nghề khác nhau, nhưng từng có sinh hoạt GĐPT gắn bó với nhau, từng ăn chung một mâm, ngủ chung một giường, hợp gu uống cà-phê đen. Tôi có nhiều kỷ niệm với anh Ngô Mạnh Thu và Dương Nghiễm Mậu, nhưng cả 2 anh ngày nay đều đã gác kiếm, rửa tay.
Ngày anh Thu thành hôn với chị Xuân Mai, anh chọn Hoàng Văn Ân và tôi làm phù rể. Ân là người công giáo Hố Nai, lại Ngồi Thiền, anh bỏ xác thân trong Conex, anh Thu cho tôi biết; “Hắn bị tẩu hỏa nhập ma, sau gần 49 ngày nhịn ăn ngồi Thiền, để đi gặp Chúa theo lời hắn cho biết. ”
Hàng đứng từ trái: Tông, Ân, Thu, nhà văn Nguyễn Trung Dũng, Liên
Hàng ngồi: Phạm Kim Chi, Lê Xuân Mai, nhà văn Dương Nghiễm Mậu
Năm 1962, sau khi thi xong ra về, ra tới cổng Trường Tư Thục Đăng Khoa, của thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan, bỗng gặp anh Thu cùng dắt xe đạp ra cổng. Thế là hai anh em rủ nhau đạp xe ra Bến Bạch Đằng. Đến nơi dựng xe rồi cùng nằm xuống cỏ, nhìn trời thả hồn theo khói thuốc, yên trí rằng đã trả xong nợ sách đèn. Đậu rớt tính sau.
Tôi biết anh Thu không mê Cải Lương, nhưng có lần anh mua 3 cái vé, anh bảo tôi đi với bà cụ thân sinh và cô Quy em gái của anh, lần đó tôi được xem tuồng Áo cưới trước cổng chùa của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Sài Gòn. Tôi còn nhớ đêm đó Bảo Quốc 12, 13 tuổi ra sân khấu không thuộc tuồng, Thanh Nga phải nhắc cho.
Từ trái sang phải: Tông, Thu, Ân
Trần Minh Triết yêu cầu, tôi viết do sự tin cậy của Triết, cũng để nhớ đến anh Thu, nhớ đến cà-phê và thuốc điếu. Cà-phê thì tôi vẫn còn uống hàng ngày hoặc khi họp mặt với bạn bè. Còn thuốc thì tôi đã bỏ từ lâu, nhớ lại lần đầu vào năm 1966, từ Thành phố Buồn Muôn Thuở về Sài Gòn thăm anh, bên bàn cà-phê, anh mời tôi điếu thuốc, tôi cho anh biết tôi đã bỏ thuốc rồi. Anh cười nói với tôi: “Một ông Linh mục ở nhà thờ Cứu Thế nói với ta – Bỏ thuốc dễ, nhưng hút thuốc lại, lại càng dễ hơn”.
Một lần sang Cali, anh Thu chở tôi đi thăm Huynh Trưởng Bùi Thế San ở Los, khi ra khỏi nhà San, anh Thu không vội vào xe, nói với tôi: “Để ta hát một phút”. Tôi nghĩ, anh là nhạc sĩ mà nghe anh hát thì còn gì bằng. Nhưng không phải vậy “hát một phút” tức là “hút một phát”.
Năm nào đó anh Thu và tôi hẹn gặp nhau ở Washington DC, không ngờ lần đó, có Nguyễn Đức Quang, Bs Nhuận cùng sang, họ cùng trình diễn một đêm văn nghệ “Du Ca”, tôi có dịp gặp lại, nghe những ca khúc Du Ca một thời đã qua, thời kỳ tuổi trẻ.
Năm 2014, tôi dự Lễ Hiệp Kỵ ở chùa Vĩnh Nghiêm, sau đó được dự 10 năm tưởng nhớ Ngô Mạnh Thu, do GĐPT Vĩnh Nghiêm tổ chức.
Ngô Mạnh Thu đi xa, đã lâu rồi, anh em vẫn thương nhớ tới anh, hình ảnh anh và những ca khúc về Phật giáo về sinh hoạt vẫn còn tồn đọng trong lòng của nhiều người.
_________________________________
Ngô Mạnh Thu,
những nét rất đậm
trong cuộc đời tuổi trẻ
và âm nhạc Việt Nam
Nguyễn Đức Quang
Ngẫm nghĩ lại thì mới thấy cái cấu trúc phức tạp trong con người Ngô Mạnh Thu. Khi mới được giới thiệu gặp anh, người giới thiệu này là Trần Dạ Từ, tôi đã bị choáng váng cái thần thái an nhiên của anh. Từ nơi tôi ở đến nhà anh lúc bấy giờ không xa cách bao nhiêu nên chúng tôi có gần như suốt những thời giờ rảnh rang để ngồi bên cốc cà phê xóm Chuồng Bò. Ðó là khoảng thời gian đầu năm 67, tôi đang dấn mình trong một tốc độ khá mạnh của Du Ca lúc đó như một cơn thủy triều đang lên và lên ở mức cao nhất. Nhưng lúc đó cũng là lúc mà các đe dọa cũng đã ló dạng, nặng nhất là đời sống mỗi người không biết sẽ đi về đâu trước thời hạn nhập ngũ trong khi cơ cấu của Du Ca còn rất lỏng chỏng. Ðơn vị tiền phong của phong trào lúc bấy giờ là ban Trầm Ca đang mòn dần lực lượng. Nhưng cuộc tiếp xúc với Ngô Mạnh Thu đem lại cho tôi những phấn chấn khác, một mặt nó như tìm ra một cái trụ ổn định vào lúc phân vân đó, một mặt là phần năng lực của anh về cả phần chỉ huy và phần chuyên môn.
Nhưng không phải dễ dàng gì để anh có thể nhận ngay những công việc với PT. Mất khá nhiều ngày tháng nếu không nói kéo dài gần cả năm trời. Anh nhất định chỉ giúp cho phần chuyên môn thôi, tức là chỉ chấn chỉnh giùm cho cái ban hát “Chúng Ta Cùng Hát”, một chương trình được ông TGÐ đương nhiệm là ông Vũ Ðức Vinh dành cho một chương trình mỗi sáng Chủ Nhật. Tiếng vang của chương trình này khủng khiếp quá, nhưng nó thiếu hẳn về chuyên môn, về kỹ thuật ca hát, lại thiếu cả cái khả năng hợp xướng cần thiết cho cái ban hát trên 40 người. Nhưng anh Thu cũng thú thật là anh mê những ca khúc của ban này tức là của Du Ca, nó là một cái gì đó chưa từng có trong giới ca hát. Thế là anh xắn tay vào cái việc tập luyện cho cái đám lố nhố học trò thường thích gào thét chứ chưa biết ca hát.
Rồi thì anh trở thành huynh trưởng Du Ca lúc nào không ai biết và cũng không ai nhớ là lúc nào. Có anh, tôi nhẹ được hẳn một gánh ngàn cân, những người đứng tiếp tay với tôi cũng nhẹ được bao nhiêu phần. Không hẳn chỉ vì anh có nhiều bài hát, nhiều ca khúc cho anh em sinh hoạt, mà phần chính là vì cái phong thái sinh hoạt của anh vào thời đó. Anh là một người toàn phần dành cho cái công việc mà anh chọn, khổ thay, nó cũng không phải là những việc để mưu sinh. Mái gia đình anh lúc ấy đã khá đông, anh vẫn thường xuyên giữ một nhịp độ rất chỉnh tề trong việc kiếm sống và còn lại anh dành hết mọi cái phong lưu cho sinh hoạt nên chúng tôi lấy được của anh hết cả giờ nghỉ, ngày nghỉ. Nếu biết anh có tới 3, 4 thứ công việc lúc bấy giờ thì mới phục cái phong thái ôn nhu thoải mái của anh: vừa làm việc cho Ban Văn Nghệ Không Quân, vừa lo mấy chương trình phát thanh mà trong đó chương trình của Ca Ðoàn Vô Tuyến Việt Nam tức ca đoàn chính thức của đài phát thanh Saigon, vừa lo tập dợt và hướng dẫn cho một ca đoàn tên Lửa Việt là phần riêng của anh và… một loạt các công tác bên Phong Trào Du Ca, trong đó anh gánh những gánh nặng nề như hướng dẫn Ca Ðoàn Trung Ướng (họ đông đến mức trụ sở phong trào ở Sương Nguyệt AÔnh, tức tư gia của anh Hoàng Ngọc Tuệ không đủ chỗ đứng, nhiều khi phải đứng lan ra cả phía trước cửa nhà, ra ngoài đường), huấn luyện cho các toán trong khu vực Saigon Gia Ðịnh lúc đó đông lúc nhúc không biết cơ man nào mà kể. Anh thay tôi trông nom xưởng du ca tức phần công việc chuyên môn của phong trào… Sau này tôi mới biết thêm một điều là anh còn một gánh nặng rất nặng của giới trẻ Phật Giáo… Do những sinh hoạt túi bụi bên nhau, tôi không hề nghĩ đến chuyện này cho đến mãi về sau mới thấy được những công sức anh đã dành cho bên Phật Giáo thật là đồ sộ.
Ðó là giai đoạn đầu anh nhảy vào gánh vai đỡ cho Du Ca một cái gánh đang lúc rất ngặt nghèo. Những Nguyễn Quốc Văn rồi Trần Trọng Thảo, Hoàng Kim Châu đã phải rời Sương Nguyệt Ánh để chọn một nơi nương náu khác. Văn đi sĩ quan, Châu và Thảo đi XDNT, bộ máy chính của xưởng Du Ca chỉ còn lại có Quang và Lĩnh và cả hai cũng đang chờ một thời gian ngắn nữa là rời bến. Chính lúc anh Thu vào, anh đã gánh gồng công việc của thời gian chuyển tiếp này thành công không ai ngờ được. Vì cả hai yếu tố chính yếu là phong thái chỉ huy của anh cùng với tài năng. Ðại Hội Du Ca I diễn ra năm 1969, anh đã nối tất cả các cánh tay du ca khắp các miền về một cách rầm rộ. Từ những đơn vị gần như Long An, Biên Hòa, Tây Ninh cho tới xa xa ở vùng 2 như Nha Trang, Bình Ðịnh, Dalat, Banmêthuột, tới cả Ðà Nẵng, Hội An,Huế, Quảng Trị có một dịp gặp Ngô Mạnh Thu bằng xương bằng thịt và thế là tất cả “tắp” vào con người đó và dành sự yêu mến đặc biệt cho anh. Nhớ lại cái lúc quấn quít mà các cô cậu Du Ca viên tuổi còn rất trẻ lúc bấy giờ đi theo Ngô Mạnh Thu mới nhận ra cái hào quang của một người trưởng. Không một ai biết anh đã có một quá khứ thế nào, học trình ra sao và cũng chẳng một người nào thắc mắc tới những vấn đề như tài ca tài đàn của anh. Họ say mê anh vì hình như anh có tất cả các thứ đó rồi, anh đứng trước mặt đám đông đoàn sinh ấy vui tươi và hấp dẫn đến nhường nào. Họ không hề biết anh đã tốt nghiệp 2 trường nhạc ở Saigon (thật ra là hai tên trường của cùng 1 trường sau này là Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon). Thành ra anh có chân vững vàng trên hầu hết các sân diễn: một nhà viết nhạc mà không phải chỉ là viết ca khúc, anh viết từ đại nhạc (trường ca Lửa) tới những ca khúc phổ thông, những bài tình yêu cho tới những bài hùng tráng, những ca khúc lịch sử tới những tiểu khúc cho… nhi đồng. Con số bài anh viết nay cộng lại cũng có đến hàng trăm nhưng… anh lại không có cái tính cá nhân nên nhạc của anh anh cứ tung ra vào những lúc cần thiết chứ không muốn dựng nên công tác tập đại thành. Thật khó cho ai đi sưu tập bài hát của anh. Chúng tôi chỉ gom lại riêng phần mình được một số những sáng tác như dưới đây.
Tác phẩm:
Tổng kê sơ khởi cho thấy Ngô Mạnh Thu sáng tác trên dưới 100 bài hát, nhưng mới chỉ gom lại được một số lượng khiêm tốn:
Nhớ Mãi
Nước Việt Nam
Kết Giấy Thân Tình
Vui À Vui
A Chào Ba – A Chào Má
Ta Hát To
Ngô Quyền
Ta Học tiếng Việt
Hai Bà Trưng
Ðinh Tiên Hoàng
Ta Hát Vang
Tiếng Ca Vàm Cỏ
Tiếng Ca Hải Vân
Từ Một Cơn Mơ
Quê Hương Ta Ðó
Tuổi 13
Oklahoma
Câu hát Này
Quà Mẹ Tặng
Buổi Sáng Nghe Chim Hót
Dìu Nhau
Bãi Hoang (thơ Nguyễn Ngọc Thạch)
Lạc Vùng Ăn Năn
Giấc Chiều
Dòng sông Trăng
Hoài Niệm (thơ Hồng Khương)
…
là 2 trong số khoảng 40 ca khúc Phật Giáo chưa thu thập đủ. Anh còn một loạt tác phẩm về những người thân của anh:
Tuyển tập Lê Ðình Ðiểu
Tuyển tập ảnh Trần Ðại Lộc
Tuyển tập 69 bài hát Dưới Ánh Mặt Trời của Nguyễn Ðức Quang
Băng nhạc Du Ca Việt Nam 1
Tuyển tập 4 khuôn mặt Du Ca
Lối sống của anh thật là khiêm cung bình dị. Thật ít khi thấy anh khoác lên người bộ áo vét. Anh có đôi dép rất thân quen và chiếc áo sơ mi cụt tay quanh năm suốt tháng và chỉ có một món quà mở đầu với bất cứ ai là nụ cười rộng rãi luôn nằm sẵn trên môi.
Tôi rất ngạc nhiên nhớ lại suốt thời gian chúng tôi làm việc chung, chưa bao giờ tôi thấy anh to tiếng, hình như anh có một bộ máy sẵn trong óc anh, tất cả những gì bực bội, khó chịu vào đến tâm hồn anh là lập tức chúng bị xoay nhuyễn ra trở thành chất vui vẻ dí dỏm. Một lần anh hẹn tôi cùng đi dự trại Họp Bạn Hướng Ðạo, thấy anh lại lê đôi dép tôi bỗng nổi cáu sao anh quên mất lễ nghi. Thế mà anh… cười còn chọc tôi: mấy ai biết mình là quan cách gì đâu!
Công trình mà tôi cho là anh làm lớn nhất là ở đâu anh cũng giữ gìn hồ sơ rất đàng hoàng. Bên Du Ca thiếu hẳn một chân này thì may thay có anh tới tôi dúi hết cho anh những gì thuộc về bài bản mà tôi nhận được hoặc tôi có. Nhờ có anh, những tài liệu, những tập sách nhạc như Tuyển Tập Du Ca 1,2,3 mới được thành hình, băng nhạc Du Ca Việt Nam 1 mới ra đời và sau này, ra hải ngoại những sách như sách nhạc riêng của tôi Dưới Ánh mặt Trời mới thực hiện xong, những sách về anh Lê Ðình Ðiểu, Trần Ðại Lộc… mới thành hình…
Anh Ngô Mạnh Thu cất bước du ca phải nói là khá mạnh mẽ. Anh đi nhiều nơi và có nhiều dịp hơn rất nhiều anh em khác nên cuộc gặp gỡ của anh được cất rất kỹ lưỡng trong bộ nhớ đặc sắc của anh. Sau này, cứ mỗi chuyện gì đụng đến các anh chị trong phong trào gần cũng như xa, tôi lại dựa vào bộ nhớ của anh: người đó là ai, tài năng ra sao, công việc ra sao. . anh cứ thế tăm tắp ghi sẵn trong đầu. Tôi không thể nhớ được ai là Trần Minh Hùng hay Nguyễn Minh Minh Hùng, ai là Châu Ðình Quang và sẵn sàng lộn với Nguyễn Văn Quang. Quan trọng hơn nữa là việc sắp xếp lưu giữ bài bản của các anh em nay, ai sáng tác bài gì, hay dở ra sao, có thể nói chỉ có Ngô Mạnh Thu anh làm được hết các việc ghi nhận trên và nhớ rõ từng người từng việc. 1975 kéo ập đến, mỗi người một tơi tả, tôi đi vào trại học tập, anh ở ngoài không biết xoay chuyển những gì vì anh cũng… nặng nợ như ai. Anh là hạ sĩ quan nhưng cũng không tránh được búa đe vì anh dính vào nhiều thứ quá, những thứ đó là Du Ca. Nhiều lúc ngay cả sau này ra tới hải ngoại rồi, tôi vẫn bị nỗi lo âu đó ám ảnh, không biết rồi những người thân thiết kia còn chịu đựng được bao lâu. Ðây là thời kỳ đen tối nhất với anh. Và màu đen đó không kéo dài lâu lắm vì chỉ mấy năm sau thì con trai trưởng của anh, cháu Tú tới Mỹ. Tú tạm trú tại nhà chúng tôi đem lại cho chúng tôi nhiều tia hy vọng, ít nhất là bắt lại được cái đường liên lạc để hiểu rõ anh cùng gia đình ra sao, tiếp cứu nhau bằng cách nào… Nhưng cũng phải gần cả chục năm sau, vấn đề Ngô Mạnh Thu mới được giải quyết, tức là anh chị đến được bến bở tự do năm 1994, tức là chỉ mới cách đây có 10 năm và sau gần 20 năm kẹt lại.
Nhiều anh em du ca khác đã tới Mỹ trước anh, nhiều hoạt động du ca cũng đã tái sinh mạnh mẽ của những ngày đầu rất giới hạn ở Mỹ. Nhưng phải nói khi Ngô Mạnh Thu đến Mỹ, sinh hoạt có đổi khác ngay. Ðến Mỹ ở cái độ tuổi trở nên nặng nề, gần 60, anh khốn đốn không ít khi bơi trong chiếc áo mới, nơi đó tốc độ và kỹ thuật đã ở mức chóng mặt. Thế nhưng anh rất bình tâm và cũng rất bình tĩnh đốt lại ngọn lửa sinh hoạt, ở một phía là Du Ca chúng tôi xác nhận điều này rất rõ ràng. Anh lại dồn sức cho con đường anh đi. Anh đốt đuốc cho một Trầm Tử Thiêng bước hùng dũng đầy sức lực trong những ca khúc vào thời gian sau cùng, anh thôi thúc dậy Trần Ðình Quân, thúc đẩy anh này in nhạc in băng, anh làm lại những buổi hát lớn cho phong trào Hát Cộng Ðồng, anh dựng nên những buổi hát Thanh Niên và Quê Hương cho Nguyễn Ðức Quang, anh sưu tập đủ các tài liệu để ấn hành tập nhạc Dưới Ánh Mặt Trời cho Nguyễn Ðức Quang và còn dự định cho một tổng tập Du Ca, anh nhảy vào tiếp tay cho Hội Khuyến Học và Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ sưu tầm và sáng tác nhạc thiếu nhi để giúp trẻ học tiếng Việt và nhất là anh dành không biết bao nhiêu năng lực để đẩy mạnh sinh hoạt Phật Giáo, đặc biệt miền Vĩnh Nghiêm mà anh là một trong những con chim đàn, là cánh chim đại bàng từng tung cánh bay cao…
Nếu anh không ra đi sớm như thế này, người ta nghĩ anh sẽ thành Phậ,t hiểu một cách rất rộng rãi của những người được gần gũi với anh. Phong trào Du Ca dù những năm gần đây đã dịu đi nhưng mỗi khi ai nhắc tới nó là nhắc tới khuôn mặt dịu dàng cởi mở và đầy hấp lực của một người trưởng xuất sắc. Anh là một cột trụ của phong trào, anh là một cột trụ của giới trẻ. Chính vì vậy mà tiếng than buồn thương tiếc anh trong lúc này không chỉ vang trong phong trào Du Ca từ trong nước qua khắp các đại lục, mà lời thương nhớ anh nó còn ầm ỹ lên trong giới Phật tử, các nhóm thanh niên sá kể gì đến màu sắc tôn giáo, gốc nguồn. . Ngay khi tôi kết thúc những dòng này thì một tiếng gọi từ đầu dây tận DC trách tôi “Anh tưởng chỉ có Du Ca với GÐPT là tiếc thương anh ấy thôi sao, chúng em, những đứa em hướng đạo cũng yêu anh ấy có thua gì ai”. Võ Thành Nhân trách yêu tôi như vậy, câu nói của Nhân làm tôi lại thấy cái giá trị lớn lao của Ngô Mạnh Thu là lớn lao hơn nữa. Chúng ta có thể một chút trong câu hát để thành như thế này:
“Anh như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn”
Ngô Mạnh Thu,
người lái đò trên Dòng Sông Trăng
Uyên Nguyên
Còn đây lễ lạc con người
Vườn hoa gác cũ lệ đời đã xa
(Trịnh Công Sơn)
1.
Vạn pháp vô thường, nên danh chẳng thật có. Thân phận con người nổi trôi bọt bèo, hợp tan, biến hiện theo dòng sinh diệt, diệt sinh… Mỗi ngày qua, tôi cảm nghiệm sâu sắc hơn điều này và nhiều thêm nữa từ sự đột biến ngã quỵ, và đột ngột qua đời của người Anh thương quý: Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu.
Chỉ trong một khoảnh khắc thời gian thật ngắn ngủi, bằng sự ra đi của chính mình, người nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu đã làm thành một tác phẩm lớn, một bản Thiền Ca, Đạo Ca và Tình Ca Quê Hương bằng những ca từ “sắc không vô hình tướng”, mà vẫn “thơm ngát ý nguyện cầu”… Tác phẩm như tia chớp sáng lòe xẹt ngang trên đỉnh phận con người, bất chợt, bắt mình phải dừng lại giây lát để một lần tự hỏi với chính mình: “là hư hay ảo?”.
Và trong thời khắc vỡ bùng tính giác ấy, biết đâu tất cả chúng ta sẽ có cơ hội tung mình trườn tới, vượt qua mọi trật tự tù ngục hạn hữu của không gian và thời gian, nghĩa là đúng vào cái lúc tia sáng lòe Ngô Mạnh Thu như ngọn thiền trượng vung cao rồi bất thần quật xuống, đánh dội thật mạnh làm đau điếng tận cùng tâm thức đang đóng đầy bụi mờ, thì cũng là lúc ta còn kịp nhận ra, rằng, mình cũng đang mang một “cõi hình phù du”, thì có cần hỏi thêm chi về chuyện “hư hay ảo”…
2.
Từng ngày qua, là những ngày đã mất, điều mà tôi đã cảm nhận kia lại thêm phần thấm đậm qua câu chuyện do anh Tâm Trí Nguyễn Quang Vui kể lại chung quanh cái Pháp danh TÂM HÒA ở một buổi chiều tại ngôi nhà vốn từ lâu đã chẳng còn có ai là chủ, và ai là khách, bởi chủ nhân của nó – Anh Thu – là người thích quanh năm bầu bạn…
Hơn 40 năm trước, sau ngày di cư, hai Anh Thu và Vui đã có cơ duyên quen biết nhau khi theo học trường Nhạc tại Sài Gòn. Thuở ấy cuộc sống hai người thanh niên trai trẻ như đã hòa thành một thể, nhờ Anh Thu có một Bà Mẹ nhất mực thương đám trẻ con bơ vơ “cơm hàng cháo chợ” như thương chính con ruột của mình, để lúc nào cũng san sẻ hòa chung cho chúng một bát cơm đầy, một vóc rau xanh, một đĩa đậu rán trong mọi lúc đói lẫn khi no… Tuổi trẻ các anh lớn dậy hồn nhiên, sung mãn, ấp đầy nhiệt huyết hòa điệu với nhau trong một Tình Thương của Mẹ. Mà chắc cũng nhờ như vậy nên Anh Thu đã sẵn mang một dòng máu đậm tình nhân nghĩa, một tâm hồn hòa ái khi sải bước vào đời giữa lúc quê hương ngập tràn khói lửa chiến chinh, để cất tiếng gọi mời tình thương đồng loại, xóa dấu hận thù đang bao trùm khắp nơi nơi: “Dìu nhau cho nhau nhận rõ lòng nhau… Dìu nhau đưa nhau chạy trốn khổ đau… Dìu nhau qua cơn lo sợ… Xin dìu nhau bằng đôi mắt bao dung cười, và dìu nhau tìm qua hướng chói chang mặt trời. Xin dìu nhau qua khổ đau, xin dìu nhau trong dài lâu…”…
Anh Vui đã gia nhập Gia đình Phật tử sớm hơn Anh Thu, vì thấy nhu cầu văn nghệ đang cần thêm người phụ trách, nên đã rủ Anh Thu cùng tham gia, nhưng bấy giờ Anh Thu chỉ nhận phần hướng dẫn văn nghệ cho gia đình làm chính.
Dần dà vì nhu cầu thăng tiến bản thân và đoàn thể, để trở thành Huynh trưởng chính thức của Gia đình Phật tử thì một trong các yếu tố phải có mà tất cả đoàn viên cần làm là quy y Tam Bảo, như vậy mới thực thụ là Phật tử sống trong khuôn pháp giới đã quy nguyện. Cho nên vì thế mà anh Vui một lần nữa đã nài ép Anh Thu “phải quy y để có Pháp Danh, mới có thể trở thành Huynh Trưởng”. Và nhân khi có đợt quy y do Thầy Tâm Giác chủ trì, anh thúc giục Anh Thu, nhưng lúc này tuy còn rất là trẻ, Anh Thu đã tâm sự: “thật tu thì tự bản thân tu tập được rồi, đâu nhất thiết phải có pháp danh…”. Nhưng rồi anh Vui nằn nỉ mãi, tự động làm luôn giấy xin quy y cho Anh Thu. Và khi Thầy Tâm Giác thiết lễ ghi Phái, đã có lời nhận xét: “… vì thấy cái nét hòa ái, hiền từ thể hiện ngay trong mọi cung cách hành xử và khuôn mặt của anh, nên đặt Pháp danh là TÂM HÒA…”
Vậy là cái pháp danh TÂM HÒA đã có từ lúc đó, mà suốt cả cuộc đời của Anh Thu về sau này luôn thể hiện không một mảy may sai lệch. Trong mọi tình huống cuộc đời, Phật tử Ngô Mạnh Thu đã “lừng lững mà đi” giữa dòng thác lũ oan khiên của mọi thời thế diễn bày muôn trùng sự sai biệt bất đồng…
3.
Anaheim, buổi tối nơi con phố tình thâm, từ gian nhà nhỏ nhìn ra sân trước, hàng cây cọ tựa hồ đang “đứng lặng trầm tư” ngóng đợi một bóng hình thân quen từ đây sẽ không còn dịp quầy lại. Ánh đèn vàng hắt hiu từ một góc tường phả ra không đủ làm sáng hết căn phòng nhỏ, nhưng vẫn đủ làm nên một sự ấm cúng đang là điều rất cần thiết cho gia đình, và cả cho chúng tôi ở vào cái khoảnh khắc nặng nhọc đang tập nhẫn chịu một sự thay đổi đột ngột và lớn lao, sự ra đi vĩnh viễn của Anh Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu.
Nhìn sâu trong đôi mắt của người đang kể chuyện – anh Tâm Trí Quang Vui – có điều gì như sóng xô từ một cõi trùng khơi kéo vào tận bãi sâu, quấn quít, lôi kéo nhau tạo thành âm ba của bản tình ca dạt dào, bãi bờ lưu luyến, rồi cũng có lúc phải cuốn rút xa xôi, trở ra miền vô tận. Câu chuyện có lúc như ánh lửa bập bùng giữa đêm sâu, có lúc như lửa… rưng rưng khóc!!!
Lửa thắp lên soi rạng ba nghìn phương thế giới “trầm lời biển dâu”, lửa khơi nguồn từ một thuở vang vang bản Trường Ca do Anh Thu sáng tác, anh Vui đã có phần góp công tổng phổ và phân phổ…
4.
Anaheim, tháng ngày in hằn nỗi nhớ… nơi chốn ngày xưa tôi hồ mơ nghe như quyện giữa mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ bát nhang trên bàn thờ Phật, vang vang có tiếng dép lẹp xẹp, và bóng dáng Anh Thu hiện rõ sau mảng tường vôi trắng với nụ cười hân hoan như thể lúc nào cũng sẵn lòng chờ bạn đến chơi, rồi tiếng róc rách mỗi khi Anh nâng ấm rót trà thơm ra tách:
Mời nhau một chung trà thơm
Thơm từ tâm, thơm lừng hương Đạo
Thơm nghĩa bầu bạn, thơm tình anh em
Dòng sông Trăng sáng êm êm
Tâm Hòa vụt nở bên thềm Lăng Nghiêm…
(Uyên Nguyên)
Bộ đồ nhật bình màu lam nhạt, hay nâu sòng là điều đã vĩnh viễn ghi khắc đậm sâu trong cõi ức tôi hình ảnh hiền hòa và chân chất thể hiện trong từng động tác của Anh, và cũng từ cái cung cách bình dị trong đời sống thường nhật ấy, tôi cảm nhận dung chất hài HÒA thoát ra từ TÂM Anh dẫu “sắc không vô hình tướng”, vậy mà đã đủ sức tỏa vào cái thế giới ba nghìn phương “trầm lời biển dâu” một sự bình yên “thơm ngát ý nguyện cầu”.
Mời nhau, ta mời nhau
Chung trà thơm, thơm lừng hương Đạo
Thơm tình Anh, thơm nghĩa ân sâu
Dòng Sông Trăng sáng bấy lâu
Quầy Kim Cang đổ bên cầu nhân sinh.
(Uyên Nguyên)
Mỗi ngày qua, là những ngày đã mất, biết tìm đâu giữa không khí ngột ngạt của địa cầu lao ngục một chút tự do đích thực, “như con chim trong lồng thèm bầu trời bên kia màn lưới, như con én trong chậu mơ sống lại biển rộng sông dài. Là con người trên trái đất, ai không yêu tự do… Tự do ơi…”…
Hôm nay, Anh Ngô Mạnh Thu đã vươn cánh bay về miền tự do đích thực, và ở đó tiếng vỗ cánh vẫn đồng vọng âm ba một bản tình ca Quê hương thiết tha, báo hiệu sự bắt đầu của một vụ mùa thanh bình: “tôi đã thấy từ đồng hoang lúa ngô đã xanh tốt trổ bông. Tôi đã thấy từ bờ tre tiếng ai cười nói vang trên ruộng đồng. Tôi đã thấy từ dòng sông tiếng mái chèo khua nước thật đông. Tôi đã thấy người nhìn nhau… Tôi đã thấy từng bàn tay run run mừng đón nhau trên đường về… Tôi đã thấy ngọn triều lên xóa tan đi dấu nhăn trên cát mềm… Tôi đã thấy đường sạch trơn đưa tôi về tháng năm dịu hiền…”…
5.
Anaheim, những ngày tháng không quên, tôi ngồi đây bên cạnh người bạn già của Anh Thu – Tâm Trí Nguyễn Quang Vui – để nghe Lửa, “Lửa lên! Lửa lên! Lửa ơi… Lửa mang nguồn sống vô biên về… Lửa lên!… Lửa ơi!…”. Lửa tỏa bùng, Lửa thâm trầm, Lửa hòa nhập trong cung điệu người kể và thấm biến vào lòng người nghe… Lửa rưng rưng khóc!!!
Thì ra, lúc sống cho đến ngày ra đi, bản thân của người Huynh trưởng khả kính Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu đã là một bản trường ca bất tuyệt, như chính là ngọn lửa kia một thời cháy bỏng, chan hòa, nhập vào hồn người. Lửa phát tỏa nghìn tia ấm cho cõi đời thôi băng giá… Rồi mai, sẽ còn nguyên vẹn đây một ngọn lửa sáng rực, như ánh đuốc soi đường cho bao thế hệ các em của Anh tiếp bước, như lời nguyện Anh đã nhắn nhủ: “Chúng con xin nguyện theo bước Thầy, như ngày nào tim hồng Quảng Đức, đã nêu cao nguồn đạo Từ Bi, bao nhiêu năm nay còn sáng soi. Chúng con xin nguyện theo bước Thầy, Tâm Bồ Đề vẫn hằng kiên cố, quyết hy sinh vì đạo Từ Bi, đem yêu thương xóa mờ oán thù… Trong tăm tối Hương Sen tỏa ngát, trong u sầu Hoan hỷ tràn dâng, trong nguy khó nêu cao Đại Dũng, không phân vân không chút ngập ngừng…”…
Giờ đây, trong mọi thế cách khác nhau, mỗi chúng ta với tình thương và lòng trọng nể Anh Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu, đã dành tặng cho anh nhiều cái tên, nhiều tước vị, và một vị trí… Đứng trước hoàn cảnh đó, bao giờ và vẫn bao giờ, với Anh Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu, cũng chỉ có một lời nói tưởng chừng rất bâng quơ: “Thì cứ để đó”, bởi Anh Thu muôn đời vẫn là Anh Thu chứ không thể là ai khác biệt. Anh Thu không nhận tên, và cũng không nhận mọi tước vị, dù điều đó rất xứng đáng. Nhưng cũng không có nghĩa là Anh hờ hững với mọi tấm lòng thương kính trông cậy nơi Anh… nên Anh chỉ nhận việc, để một đời miệt mài với cái công việc rất bình thường của NGƯỜI LÁI ĐÒ TRÊN DÒNG SÔNG TRĂNG…
6.
Anh Thu ơi,
Hôm nay ngày tiễn Anh, em hồ mơ thấy một Dòng Sông năm cũ, một ánh Trăng xưa vằng vặc đêm sâu đã chan hòa với Lửa, và người lái đò Ngô Mạnh Thu đã khua mái chèo xuôi về Giác Ngạn. Anh với Sông, với Trăng, với Lửa đã hóa thành một, còn lại em nơi này nâng chung trà kính tiễn:
Mời Anh chung trà cuối
Ngày tiễn nhau về đâu?
Hương lừng thơm chín suối
Chén cạn một mùa vui
Dòng Sông Trăng ngày đó
Sông với trăng đâu còn
Người lái đò xa khuất
Một vòng Không Như Không
(Uyên Nguyên)
Thương tiếc tiễn Anh Ngô Mạnh Thu, Pháp danh TÂM HÒA…
Mùa Vu Lan Phật lịch 2548
Garden Grove, California, USA.
25 tháng 8 năm 2004
_________________________________
Cảm Niệm Nhạc Sĩ
Huynh Trưởng
Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu
Đức Quảng Nguyễn Hoàng Phụng
Thuở bình minh của âm nhạc Phật giáo và Gia đình Phật tử phải kể đến người anh tài năng, Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu, thủ khoa nhạc viện thành phố khoa thanh nhạc và rất nghiêm chỉnh trong các khuynh hướng sáng tác nhạc Phật giáo và GĐPT. Lần đầu tiên gặp anh năm 1985 tôi hát cho anh nghe vài bài do tôi tự biên, anh phê bình: “Nhạc gì mà buồn quá! Nhạc Phật giáo thể hiện ra những tâm khúc làm cho người ta nhẹ nhàng giải thoát, không nên u buồn vấn vương thế!” Những lời nói nghiêm khắc này đã cảnh tỉnh tôi về đường lối sáng tác nhạc sinh hoạt, hành khúc, đoàn ca trong GĐPT mà tôi viết sau này.
Những nhạc phẩm bùng lên tràn nhựa sống của anh như Nhịp vui khánh đản; Mùa vui Vu lan… đều lấy tên Trần Tâm Hòa, bên lãnh vực du ca anh có them các nghệ danh khác như Trần Tú… chẳng hạn.
Về Tâm ca, có lẽ anh đắc ý và được mến mộ nhiều nhất là bài “Dòng sông trăng” nơi tâm thức trở về nguồn cội.
Ngày anh di trú qua Mỹ tôi không biết để từ biệt – Tôi và anh tuy gặp đã lâu nhưng đối đãi nhau như nước lã (quân tử chi giao như nhược thủy) bình thủy tương phùng không vương vấn chi.
Thế mà một ngày nghe tin anh mệnh chung nơi khách địa, lòng bỗng xúc động dữ dội, đêm về đi tới đi lui như mộng du, đêm đó cúp điện tối đen, tôi thấy ánh trăng đu đưa theo hàng hoa giấy, người bán chè đâu xanh gánh rao vang xóm, tiếng bà mẹ Bắc ru con đong đưa cánh võng kĩu kịt qua song, ý tưởng nhạc điệu bừng lên, cuối cùng ngồi vào bàn kẽ nhạc viết notes và ê… a, véo von với cây sáo cho tới sáng thì nhạc phẩm Trở về dòng sông trăng ra đời.
Thế mà bài ca đã kịp qua đến Mỹ theo đường E. mail và em Diệu Mỹ đã hát trước linh anh. 49 ngày sau đã thu âm và nhờ Kelvin Tran phổ biến trong thân hữu thế giới tuy hoàn cảnh bản thân lúc đó rất nghèo, nhưng có lẽ thương anh, tri ân một lời chỉ giáo của anh, cùng thương tổ chức áo lam mới cố được như vậy.
Tưởng niệm Ngô Mạnh Thu:
Bàn ghế cũng mồ côi
Nguyễn Trung Tín
Sáng Thứ Bảy ngày 21 tháng 8 tôi ghé tòa soạn để đưa bài, như một thói quen trước khi vào phòng biên tập tôi rẽ phải, đi qua cánh cửa nhỏ, vào hành lang dẫn đến chỗ ngồi của anh Thu. Nhìn qua khung cửa kính, căn phòng nhỏ vắng vẻ chiếc bàn anh thường ngồi vẫn còn nguyên, bên tay phải là bộ máy vi tính mà anh hay nói đùa là dùng để làm cảnh cho có vẻ văn minh vì anh ít thích dùng, mà cũng chẳng biết dùng nhiều, anh chỉ làm việc bằng xấp giấy và cây bút bi, chỉ khi nào cần lắm anh mới mở ra dùng chút đỉnh, bên tay trái của anh là xấp báo hàng ngày và ngay chính giữa bàn là tấm lịch tháng ghi chép những việc cần làm. Trên xấp báo, số cuối cùng anh đang đọc dở dang vẫn để vậy. Ðặc biệt là trên chiếc ghế da, cái áo khoát xanh, cổ màu trắng ngà cũ kỹ còn để nguyên, anh chỉ dùng khi nào đến tòa soạn mà trời chợt lạnh bất ngờ.
Chị Thu và các cháu bận rộn với tang lễ chưa thể đến nhận những di vật của anh, tòa soạn thì không muốn đụng tới vì tôn trọng sự ra đi bất ngờ của anh, nhưng một phần khác tôi cảm nhận được mọi người không muốn hiểu là từ nay anh sẽ không còn hiện diện bên trong tòa nhà to lớn của công ty Người Việt. Nhất là Thành, người phụ tá thân cận của anh vẫn có vẻ như chờ đợi anh đến.
Còn tôi hàng ngày cứ khoảng 10 giờ sáng là đến tòa soạn, không nhất thiết là để giao bài mà nhiều khi chỉ đến đó nhìn anh ngồi làm việc và chờ đợi anh rủ ra hành lang “làm một điếu” và sau đó qua phòng anh Phạm Quốc Bảo, gọi phôn cho Thọ để cùng ra Thanh Mai hay Tịnh Tâm Chay cho buổi ăn trưa. Nếu không thì kéo ra ngoài Croissant Doré làm 1 ly café trước khi bắt tay vào công việc cho đến gần 8 giờ tối mới trở về nhà. Hôm nào 11 giờ hơn mà anh chưa đến thì tôi gọi phôn về nhà hỏi thăm, nhiều bữa chị Thu cho biết anh không được khỏe nhưng đưa phôn thì anh lại nói không có gì, khi nào anh ra tòa soạn sẽ gọi cho biết.
Cuộc sống, thời khóa biểu cứ như thế mà đi qua, trừ những lúc tôi hay anh có công tác phải rời quận Cam.
Hôm nay cũng thói quen đó tôi đến bên khung cửa kính hẹp nhìn vào, chiếc áo xanh cũ vẫn còn đó, chiếc bàn vẫn y nguyên mà chủ nhân của nó không còn nữa. Bỗng nhiên tôi thấy cái bàn và chiếc ghế như là hai đứa trẻ mồ côi. Dĩ nhiên bàn và ghế sẽ không bao giờ biết người chủ của nó chẳng bao giờ trở lại, thật là tội nghiệp. Tôi thì còn có Thành lâu lâu vỗ vai vài cái, anh Bảo nhìn tôi với đôi mắt buồn thông cảm nhưng chiếc bàn và cái ghế kia thì chẳng có ai hỏi thăm. Chúng nó vẫn tưởng người chủ rất nhân hậu của mình hôm nay đi làm trễ, hay có việc phải đi xa vài ngày. Chúng đâu biết rằng hôm nay, khi tờ báo Thứ Hai ngày 23 tháng tám năm 2004 phát hành và nếu Thành có thói quen lấy số báo mới ra để trên bàn cho anh thì chắc nó cũng vẫn không hiểu rằng Ngô Mạnh Thu của nó chẳng bao giờ đọc được. Mười hai giờ trưa khi tờ báo xuất hiện, thân xác anh sẽ được ngọn lửa của nhà quàn Peek Family làm cái nhiệm vụ cuối cùng trong tang lễ, xóa sách dấu tích của anh trên cõi ta bà này. Nhưng như nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang đã nói trong lễ tưởng niệm đêm Thứ Sáu: Dù còn sống hay đã chết, dấu ấn Ngô Mạnh Thu sẽ còn đậm nét trong lòng nhiều người…
Những người nghệ sĩ lớn thường hay để lại trong tác phẩm của họ những lời tiên đoán về những gì chung quanh mà họ va chạm và ngay chính bản thân của họ trong tác phẩm của mình. Ngô Mạnh Thu đã tiên đoán con đường kết thúc của anh cách đây 40 năm trong “Trường Ca Lửa”. Anh có lòng tin cái chết của người nhân hậu như ngài Thích Quảng Ðức và dù cho ngọn lửa có đốt cháy tan thân xác thì nhân cách của họ vẫn có thể mang lại một nguồn sống mới cho nhân loại hay ít ra cho những người từng biết đến họ.
Tôi đứng nhìn qua khung cửa kính, nhìn bàn ghế mồ côi tội nghiệp và cũng nhìn lại thấy mình cũng tội nghiệp không kém. Bóng dáng của anh, dấu ấn của anh đã ăn sâu vào trái tim tôi từ lúc nào không hay. Cái bàn, cái ghế rồi đây sẽ có người chủ mới, còn thân tâm tôi có hy vọng gì kiếm được người thay thế anh trên con đường sẽ đi? Khi còn nhìn thấy nhau, tôi cũng có nhiều lúc tranh luận với anh ra trò, rất căng thẳng nhiều khi to tiếng, nhưng sau đó thật là thoải mái vì sự tranh luận không nhằm mang lại thắng lợi cho ai mà chỉ là để soi sáng một vấn đề và anh là người luôn luôn đem ra được những vấn đề cho tôi học tập.
Ngày anh ra đi nhiều người đã từ ngàn dặm xa xôi về tham dự lễ tang, những đứa em của anh từ khắp bốn phương trời không về được cũng tìm cách nhắn đôi lời, không ai quên anh được.
Chiếc ghế có cái áo khoát màu xanh cũ vẫn yên lặng kiên nhẫn đợi chờ người chủ, tôi đứng ngoài bồn chồn vì nữa muốn bước vào ngồi vào chiếc ghế đối diện nhưng ngần ngại. Cả hai đang nhìn nhau, thách thức nhau, cuối cùng thì tôi phải chịu thua vì chiếc ghế có áo xanh cũ kỹ và cái bàn có xấp báo hình như nhiều kiên nhẫn hơn tôi.
Tôi quay lưng đi về phía hành lang dẫn qua phòng thu thanh của VNCR và thầm nghĩ:
“Tôi chịu thua vì thấy chúng nó mồ côi rồi, tội nghiệp, tranh chấp làm gì với những đứa trẻ mồ côi về một tình thương mà chúng chẳng bao giờ có được nữa…” Tự nhiên nước mắt tôi chảy quanh, thì ra tôi cũng không hơn gì cái bàn, cái ghế bất động bên sau khung cửa kính.
Nguyễn Du than thở không biết ba trăm năm sau có ai còn khóc được cho Tố Như, còn anh Thu chắc chắn là anh chẳng mong gì điều này, hơn ai hết tôi biết là anh chỉ muốn nhìn về tương lai, ít khi anh quay đầu về với quá khứ, trước đây thì tôi không biết nhưng từ 3-4 năm trở lại đây, nếu muốn nhắc đến người đã đi qua thì anh luôn gọi tôi đến, cho tin tức, ý kiến rồi bảo tôi làm, họa hoằn lắm anh mới viết một hai bài cho ai đó mà cả tôi và anh Phạm Quốc Bảo không thể làm được. Nên chắc anh cũng không có cái bứt rứt của Nguyễn Du lo hậu sự của mình tới 300 năm sau. Nhưng dù anh có muốn hay không, thì chúng tôi, những người từng cộng tác với anh, những đứa em trong Du Ca, Gia Ðình Phật Tử thì chưa dám nói đến 300 năm sau, nhưng mấy chục năm còn lại chắc chắn dấu ấn của anh khó lòng phai nhạt trong trái tim chúng tôi.
Hôm nay, khi tờ báo Người Việt phát hành, cũng là ngày anh được ngọn lửa mà anh đã mường tượng cách đây 40 năm chính thức làm cái nhiệm vụ cuối cùng: Xóa đi cái thân tứ đại hiện hữu của Ngô Mạnh Thu.
Nhưng xin lập lại lời của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang để từ giã tấm thân vô thường của anh:
– “Dù còn sống hay đã chết đi, dấu ấn Ngô Mạnh Thu vẫn sẽ rất còn đậm nét trong lòng nhiều người và có thể ở nhiều thế hệ kế tiếp…”
_________________________________
Nụ Cười Đôn Hậu Đã Tắt
Phạm Phú Thiện Giao
Cuộc sống con người cứ mãi phải tập làm quen, với điều đang có và với điều đang có bị mất đi: sự mất mát.
Tôi “làm quen” với bác Thu từ lúc còn nhỏ, qua những câu chuyện kể từ ba tôi. Những câu chuyện về các sinh hoạt thanh niên, trại hè, du ca mà Bác ruột tôi, bác Phạm Phú Minh, là một thành viên. Những câu chuyện kể đã để lại trong tuổi thơ của tôi những dấu ấn mang tính huyền thoại về thế hệ cha chú của mình. Tôi biết, những hoạt động của họ đã để lại những ảnh hưởng và dấu ấn nhất định lên xã hội và thời đại mà họ đã trải qua.
Và rồi, tôi thật sự làm quen với bác Thu, trong tư cách một đồng nghiệp, vào năm 2002, khi vào làm việc tại Nhật Báo Người Việt. Làm quen với bác Thu thật dễ. Khuôn mặt chất phác và nụ cười đôn hậu thể hiện một tấm lòng độ lượng. Bác Thu có thể là bạn của tất cả mọi người, ngay từ lần đầu gặp mặt.
“Về chưa cháu?”
“Dạ vâng, năm phút nữa thôi.”
Mẫu đối thoại ngắn cứ lập đi lập lại mỗi ngày vào cuối giờ làm việc tại Nhật Báo Người Việt. Phòng làm việc của tôi nằm đối diện với căn phòng của bác Thu và sát bên cạnh phòng lưu trữ báo. Mỗi chiều, trước khi ra về, bác Thu thường ghé qua phòng lưu trữ để mang báo về nhà đọc. Không như những người khác, bác Thu thường tự tay tìm những số báo mình cần. “Anh cứ làm việc đi, tôi tự tìm báo được rồi. ” Bác Thu hay nói với người chịu trách nhiệm kho lưu trữ như vậy. Có hôm, người thủ thư nhanh tay tìm báo và đưa bác Thu hai tờ báo của cùng một ngày, bác cười nhẹ nhàng: “Một tờ xem đủ rồi bác ạ. Hai tờ phí lắm. “
Rồi bác quay sang phòng tôi: “Về chưa cháu?”
“Dạ vâng, năm phút nữa thôi. “
Tôi đã quen với điều này, như chiếc đồng hồ nhắc giờ ra về. Ngày mai, tôi sẽ phải tập một thói quen mới. Sẽ không còn bác Thu mỗi chiều đến phòng lưu trữ báo để nhắc nhở tôi: “Về chưa cháu?”
Chiều hôm qua, đến thăm bác Thu lần cuối tại phòng săn sóc đặc biệt thuộc bệnh viện UCI, tôi thấy lũ lượt những cánh áo màu lam đủ mọi lứa tuổi đến thăm bác. Có người lần đầu tiên đến đây nên không biết đường vào. Tôi đến gần, chỉ họ số phòng và đường đi. Ai cũng ngạc nhiên: “Sao anh biết tôi đến thăm bác Thu?” Tôi cười, chiếc áo màu lam của gia đình Phật Tử đã tiết lộ điều đó.
Bác Thu là một phật tử thuần thành. Tham gia sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ năm lên bảy tuổi rồi trở thành một huynh trưởng mẫu mực của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Sang đến Hoa Kỳ, bác vẫn tiếp tục sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ và trở thành cố vấn cao cấp của tổ chức này. Mỗi khi viết bài về Gia Đình Phật Tử, khi thắc mắc điều gì, tôi thường hỏi bác. Bác chỉ bảo cho tôi từng chi tiết về tất cả những sự kiện đã xảy ra trong lịch sử của tổ chức này. Những giải thích của bác về Phật Giáo, về kinh kệ, thường được diễn đạt đơn giản, mộc mạc và dễ hiểu. Mối quan hệ của bác Thu với mọi người, có lẽ được đặt trên nền tảng của người tu hành. Nụ cười luôn nở trên môi. Tôi chưa bao giờ thấy bác to tiếng với bất cứ ai trong suốt ba năm làm việc chung với bác.
Tôi đã từng làm công việc bỏ báo buổi sáng sớm. Một ngày như mọi ngày, tôi luôn luôn đón nghe chương trình “Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương” trên VNCR do bác Thu đảm nhiệm suốt mấy năm qua. Tôi, và cả các bạn nữa, sẽ phải tập làm quen với việc một buổi sáng thức dậy không còn được nghe giọng nói đều đều, trầm ấm của bác Thu trong chương trình này. Tìm một người thay thế bác Thu đảm nhiệm nội dung của chương trình không khó, nhưng tìm một người thay thế được chất giọng của bác chắc hẳn là điều khó làm. Tôi yêu chất giọng này, vì phù hợp với nội dung chương trình. Chất giọng bắc, chuẩn, trầm, nghe hơi buồn buồn cho tôi âm hưởng quê hương mỗi nữa giờ một ngày. Từ Việt Nam sang đây, bác Thu “mang theo quê hương” cho mọi người vào mỗi buổi sáng. Hôm nay, bác Thu ra đi về miền cõi lớn, làm chuyến viễn du trong đời, bác Thu đã mang cả quê hương đi theo.
Bác Thu không bao giờ phải nói lời xin lỗi, vì bác chẳng bao giờ làm ai phật lòng. Nhưng bác Thu không bao giờ quên nói lời cảm ơn, dù rất muộn màng. Bác vẫn hay nhờ tôi những công việc lặt vặt, như sai bảo con cháu trong nhà. Tuổi trẻ ham chơi, thỉnh thoảng tôi vẫn quên những điều bác nhờ. Chẳng bao giờ bác Thu giận. Gặp nhau, bác Thu vẫn cười nụ cười đôn hậu như mọi khi, và chẳng bao giờ nhắc lại lỗi lầm của tôi. Một hôm, bác nhờ tôi in danh sách các hội đoàn chuẩn bị cho một sinh hoạt tại Nhật Báo Người Việt, tôi ham chơi nên nhắm mắt in tất cả những gì đang có trong disk. Khi trao lại cho bác, tôi thấy bác hơi nhăn mặt: “In nhiều như thế này, phí lắm. ” Những lần sau, bác cẩn thận ghi rõ những gì cần in. Bác biết tuổi trẻ ham chơi nên chẳng nhớ được điều gì chính xác. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bác “nhăn mặt. ” Nhưng không bao giờ to tiếng.
Tôi sẽ phải hối hận mãi về cái tính trì trệ của mình. Tôi đã xin, và bác Thu đã hứa, sẽ chỉ cho tôi nhạc lý. Tôi chơi Guitar nhưng rất dốt về nhạc lý. Biết bác Thu là một nhạc sĩ, tôi xin bác chỉ cho tôi nhạc lý. Thế rồi tôi cứ lần lữa mãi: “Cứ bước một bước là sang phòng bác thôi, có gì phải gấp. ” Tôi cứ nói như thế mãi để rồi sẽ chẳng bao giờ có dịp “bước một bước” sang phòng bác Thu nữa. Bác Thu tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn năm 1961 với hai chuyên môn Ca Trưởng và Hòa Âm. Đến giữa thập niên 60, cùng với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, bác Thu trở thành một huynh trưởng của phong trào Du Ca. Làm việc tại Nhật Báo Người Việt, bác Thu thường “gánh” tất cả các công việc tổ chức âm nhạc. Mùa thu này, bác Thu cùng với bác Phạm Phú Minh sẽ lo tổ chức chương trình âm nhạc Trung Thu cho chương trình Thiếu Nhi Vẽ Trung Thu. Tối hôm qua, khi được tin bác Thu qua đời, bác Phạm Phú Minh ngậm ngùi: “Ông Thu đi rồi, không biết ai sẽ lo mấy chương trình âm nhạc của Người Việt đây. “
Mấy hôm gần đây, bác Thu thường ghé vào phòng tôi vào buổi chiều trước khi ra về. Bác cho tôi thuốc lá. Tôi hút thuốc rê, những khi hết giấy, tôi hay sang xin bác thuốc hút. Có lẽ, bác tưởng tôi “kẹt” nên chủ động ghé cho. Không như mọi khi, bác cho tôi từng điếu và rủ tôi “hát một phút” (hút một phát) hoặc “liều một đám” (làm một điếu), lần này bác cho cả gói. Tôi hơi ngạc nhiên, có lẽ là “điềm” gì chăng? Tôi hỏi bác sao không giữ lại tối hút. Bác cười: “Ngày mai, bác sẽ mở gói mới. ” Bác muốn nói về “ngày mai” nào? Hôm nay, chắc bác Thu đã mở gói mới trong “ngày mai” đầu tiên của “chuyến đi xa. “
Chiều hôm qua, cùng Hạo Nhiên đến thăm bác Thu, tôi linh cảm đây là lần cuối gặp bác. Trước khi đi, tôi ghé sang phòng làm việc của bác. Mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn không xê dịch. Trên bàn làm việc, tờ báo Người Việt đề ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Tám Năm 2004 vẫn còn trên bàn. Bên trên tờ báo là chiếc kính cận. Bên tay trái là chồng báo cũ. Bên dưới chiếc bàn là đôi dép bác để phòng hờ. Bác Thu ít khi mang giày. Trên lưng ghế là chiếc áo khoác màu xanh cũ kỹ. Góc phòng này và không gian này, sẽ khắc mãi hình ảnh một huynh trưởng Phật Tử, một nhạc sĩ du ca, một nhà văn hóa, và trên hết: một con người với tấm lòng thuần hậu, đơn sơ và đầy độ lượng. Những kỷ vật sẽ được chuyển giao lại cho gia đình, nhưng tên tuổi Ngô Mạnh Thu sẽ vĩnh viễn trở thành một phần lịch sử Nhật Báo Người Việt. Và những sinh hoạt xã hội của huynh trưởng Ngô Mạnh Thu cũng đã vĩnh viễn khắc ghi một dấu ấn nhất định trong phong trào sinh hoạt thanh niên Việt Nam trước 1975.
Tôi đã quen với sự hiện diện của bác Thu. Hôm nay, tôi sẽ phải tập một thói quen mới. Sẽ không còn bác Thu nhắc nhở tôi như chiếc đồng hồ: “Về chưa cháu?” Sự thật quí báu vẫn nằm ngay bên ta và trong lòng ta, nhưng ít khi chúng ta nhận thức được giá trị của sự thật ấy, đến khi sự thật ấy không còn nữa.
Ðại Bàng gãy cánh
Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu trong thập niên 70′
Nguyên Kim
Hôm 17 tháng 8 năm 2004 đang có công việc ở phía Bắc Cali, bỗng nghe anh Ngô Mạnh Thu bị tai biến mạch máu não đã chở vào bệnh viện UCI, tôi vội vàng lái xe quay về và đi thẳng vô bệnh viện.
Nhìn anh nằm trên giường cấp cứu như đang ngủ, Tôi đến bên cạnh bóp nhè nhẹ vào đôi vai anh, đưa tay vuốt lại mái tóc hai màu cho ngay ngắn, tôi chẳng hề muốn khóc trước mặt mọi người nhưng nước mắt cứ tự nhiên chảy ra, tôi ôm cháu Khuê chỉ nói mấy chữ: Chú đau lòng quá.
Ngoài ra không nói thêm được gì, biết nói gì bây giờ khi cuộc đời của anh có quá nhiều điều để nói. Anh như là một bóng cây để nhiều thế hệ đàn em ngồi kề, tâm sự. Anh như là một biểu tượng cho sức làm việc.
Lãnh đạo với thái độ đơn giản, lắng nghe mọi người, suy nghĩ chín chắn và rất cương quyết sau khi đã quyết định. Anh là một con chim “Ðại Bàng” chính hiệu như biệt danh mọi người ưu ái trao tặng cho anh.
Mặc dù ai cũng biết anh là thành viên kỳ cựu, suốt đời lo lắng cho màu áo lam nói chung, cho GÐPT Vĩnh Nghiêm nói riêng nhưng thật ra anh còn là người của nhiều nơi khác, anh là một trong những trưởng du ca kỳ cựu, là thành viên của hội đồng quản trị Công Ty Người Việt, là giám đốc Ðài Phát Thanh VNCR và hơn hết anh là một nhạc sĩ với rất nhiều ca khúc mang tải đậm tình người được anh chị em du ca sử dụng cũng như nhiều nhạc phẩm đang được anh chị em áo lam hát trong các buổi sinh hoạt của mình và gần đây nhất là những tác phẩm anh viết cho Giải Khuyến Học.
Nhưng với chúng tôi, những đứa em thân cận thì anh là một người anh chịu khó lắng nghe, hình như anh sinh ra để nghe lời ta thán, không biết bao nhiêu điều phiền muộn của các đứa em được anh lắng nghe. Ngược lại các đứa em đó cũng trông chờ nơi anh những lời khuyên nhủ, lúc nào cũng chân tình, nhỏ nhẹ. Anh đúng là bóng dáng của một Ðại Bàng để các em nhìn vào.
Tấm gương đạo đức của anh không ai có thể dị nghị, nhưng cái đạo đức mà anh có là cái đạo đức trí tuệ, không giả dối, không làm bộ làm tích điều này khiến chúng tôi kính trọng anh nhiều hơn nữa.
Từ ngày anh nhận lời đỡ đầu cho đứa con gái lớn của tôi và đứng ra làm chủ hôn cho cháu và cũng vì công việc tôi với anh gần như ngày nào cũng gặp nhau, ăn chung với nhau nên tôi mới có dịp nghe anh tâm sự nhiều chuyện, thì ra anh đã phải nghe nhiều nên cũng muốn cho người khác nghe lại những gì sâu kín từ trái tim của mình, từ chuyện nhỏ xíu như cháu X… mới tốt nghiệp, thằng Y… vừa mới có đứa con đầu lòng cho đến chuyện lớn hơn như chuyện trong họ Vĩnh Nghiêm, chuyện của anh chị em áo lam phải trải qua nhiều sóng gió, chuyện đùa vui về hậu sự của mình, tôi cảm nhận được những lời tâm sự của anh một cách sâu sắc và càng thêm kính trọng anh hơn.
Khi nói về ai đó với tôi, ngay cả những vấn đề của quý thầy anh cũng rất thẳng thắn nhưng luôn kèm theo những kết luận rất tình người, cái phê bình anh dành cho ai đó cũng nằm trong ý thức xây dựng tuyệt đối, không phải nói ra để đả kích một ai. Tôi hiểu thêm ra một điều chính vì cái “tâm” từ bi này đã làm lời nói của anh thật sự có trọng lượng ngay cả với những người bị anh khiển trách, ai cũng có thể cảm nhận được tấm lòng của anh đối với mình.
Gần đây nhất khi có vài chuyện không vui trong nội bộ GÐPT, nhiều người đã in trên net xuống nhiều bài viết cho anh đọc, anh đưa cho tôi và nói là: Cần phải thật kiên nhẫn, bình tĩnh và đừng bao giờ trả lời một điều gì, cho dù họ có đề cập đến tên một ai đó, tôi hiểu tấm lòng bao la của anh đối với tiền đồ của GÐPT nên lúc nào cũng kính cẩn nghe lời dạy bảo của anh và xếp qua hết qua một bên. Khi cuốn kỷ yếu Vĩnh Nghiêm sắp hoàn thành anh gọi tôi vào phòng và nói: “Cậu về viết cho anh 2 trang “Bình thư pháp” để anh cặp vào giữa, khi mở ra là thấy ngay”.
Tôi hỏi anh chữ gì? Anh nói:
Cậu về viết hai chữ “nhẫn” và “quan”.
Tôi hỏi sao lại viết 2 chữ này mà không viết những chữ khác như là “tâm” “Phật” hay là “viên” v. v. anh nói lúc này chúng ta cần có “nhẫn” và cần quán tưởng đến cửa ải “quan” mà mọi người cần phải vượt qua.
Tôi nói lừng khừng là để coi, vì tôi đã nắm bắt được ý của anh, nhưng sau khi suy nghĩ tôi hẹn với anh là sau kỳ đại hội ở Texas về sẽ viết tôi biết rằng những điều mình viết ra sẽ khó khăn vô cùng, vì ngay chính bản thân tôi ngay lúc ngồi đối diện với anh trong căn phòng làm việc trong tòa soạn tôi cũng đã thấy mình chưa đủ “nhẫn” và chưa đủ sức để vượt qua “quan” mà anh muốn diễn đạt.
Anh khuyến khích tôi rất nhiều để cố tâm suy nghĩ cho 2 trang giấy này, những ngày rời xa Cali, gặp lại nhiều anh chị em Lam Viên, tôi chiêm nghiệm và càng cảm thông được với tâm tư của anh, nên dự tính khi về tới sẽ trình bày với anh và giao bài cho anh ngay tức khắc. Nhưng quá trễ, khi nghe tin anh đã không còn có cơ hội đọc những gì tôi định thay anh viết xuống trang giấy của “Kỷ Yếu Vĩnh Nghiêm” và giờ đây đứng trước thi hài bất động của anh, tôi thấy có lẽ mình cũng không cần phải viết ra.
Anh đã một mình vượt “quan ải” ra đi, để lại sau lưng biết bao điều chưa làm được, anh đã kiên nhẫn chờ đợi những đứa em của mình cùng với anh lên đường vượt qua cửa “quan” của tâm thức bằng cái tâm “nhẫn” của bậc bồ tát, nhưng hình như anh có quá nhiều những con chim se sẽ bên cạnh khiến cho cánh chim Ðại Bàng của anh dù có rộng lớn bao nhiêu cũng không đủ sức cưu mang và anh đã gãy cánh giữa đường bay để lại bao nhiêu là nước mắt và những cánh chim se sẽ tan tác không còn luồng gió lớn của cánh chim rộng nâng đỡ.
Trên đường lái xe về nhà, tôi vô thức lại chệch sang những khúc quanh, đi lạc về nhà mình trên một đoạn đường ngắn mà vốn dĩ tôi tự hào có thể “nhắm mắt” lái cũng tới nơi.
Thì ra khi mất đi cái bóng dáng của cánh chim đang dang rộng trên bầu trời, mới hay mình yếu đuối cỡ nào? Mới hay mặt trời nóng đến mức nào? Từ lâu luồng gió lớn của cánh chim Ðại Bàng đã mòn mỏi ra sức quạt gió để nâng đỡ các chú chim non có đủ sức bay theo đàn mà những con chim se sẽ như tôi cứ tưởng là cái luồng gió đó chính là do từ đôi cánh bé tí của mình.
Ngô Mạnh Thu!!! 3 chữ đó không gói vào một hội đoàn nào mà đã trở thành một niềm hãnh diện chung cho những ai, những nơi nào, những hội đoàn nào có dịp sinh hoạt cùng với anh, vì có anh là có sự hòa thuận, là có sự yêu thương. Nhiều khi anh chỉ đến đó, ngồi nghe vậy mà năng lượng từ bi của anh hình như cũng lan tỏa ra chung quanh khiến cho một ai đó sắp nổi nóng cũng phải chùng tâm, những lời gay gắt sắp nói ra cũng kịp thời giữ lại.
Anh đúng là cánh chim Ðại Bàng của các em, chúng em giờ đây đâu còn dịp nào ngồi nhìn anh mỉm cười trên chiếc ghế sau vườn nhà, dưới giàn nho xanh um do chính anh vun trồng, chúng em cũng đâu còn có cơ hội gặp anh để “mè nheo” đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện gia đình đến chuyện bạn bè hay lớn hơn là chuyện các hội đoàn nhất là trong các vấn đề liên quan đến anh chị em Lam Viên.
Anh nằm xuống đột ngột quá, chúng em cứ nghĩ là anh quá mệt mỏi muốn nằm yên để dưỡng thần, nhưng sự thật vẫn không thể nào dấu đi được.
Cánh chim Ðại Bàng Ngô Mạnh Thu đã gãy cánh trên đường bay dài, để lại đàng sau lưng biết bao hoài vọng, có những nỗi niềm chưa kịp nói ra và nhất là cánh chim lớn xếp lại bất ngờ đã làm hụt hẫng nhiêu cách chim non đang chập chững bay theo sau.
Nước mắt và nỗi đau của chúng em cũng không làm gì được trong lúc này, chỉ có một điều chúng em cảm nhận rõ ràng là mình đã mất đi một hình bóng dễ thương, đáng kính trong “cuộc chơi”.
Trên bầu trời rộng, đầy bão táp, những con chim se sẻ giờ đây đã không còn nơi mà “nương gió” để bay cao.
Ðại Bàng Ngô Mạnh Thu đã gãy cánh thật sự trên đường bay dài.
_________________________________
Nhớ Anh Ngô Mạnh Thu
Hồng Nga
Và cũng từ đó, sự thân thiết cộng với thứ tình cảm ngọt ngào như ruột thịt đã mang tôi đến với gia đình anh lúc nào không hay, không biết. Tôi được vợ chồng anh thương và nâng đỡ như đứa em gái nhỏ trong nhà. Tôi rất thích món bún ốc mà chị Thu lại là người có biệt tài nấu món này ngon tuyệt cú mèo. Thỉnh thoảng, tôi và chị Bích Huyền vẫn thích đến thăm anh chị, nửa để tìm được bữa cơm đầm ấm, quên đi những muộn phiền xung quanh, nửa để nghe anh nhắc nhở, ủi an hoặc khuyên bảo những điều cần thiết. Cứ mỗi lần sắp ngã quỵ, tinh thần sa sút, chỉ cần nói chuyện với anh đôi phút, nhìn nụ cười hiền hòa, sự cân nhắc khoan dung và độ lượng của anh, tôi bỗng chốc như quên đi tất cả, lòng nhẹ nhàng, bình thản lạ lùng.
Thời gian qua nhanh thật. Mới đó mà VNCR đã hơn 10 tuổi. Cách đây 6 năm, căn bệnh ung thư đã cướp đi người anh, người thầy khả kính của tôi là anh Lê Đình Điểu. Tôi phải mất thời gian khá dài để tự vực dậy. Vết thương chưa kịp lành thì nay lại đến phiên anh. Tôi nhận được tin anh qua đời lúc đang cùng phái đoàn du lịch đi Tây Âu do chị Simone Nga tổ chức. Hôm đó dừng chân lại Mont Martre để ăn cơm trưa, chị Simone Nga bỗng kéo tay tôi và chị Mỹ Sương đi chậm lại. Tôi thoáng giật mình vì thấy tay chị run run và mắt chị ươn ướt. Chị nghẹn ngào, tiếng nói như đứt quãng: ” Anh Thu vừa mất cách đây mấy tiếng… Tai biến mạch máu não”…
Trời ơi! Sao lại có thể như thế này? Tàn nhẫn quá! Cả đoàn người trước mặt bỗng nhòe đi. Tôi muốn nói với họ đừng bước quá nhanh, hãy đi thật chậm, cho tôi nhìn rõ khuôn mặt từng người, cho tôi tìm hình bóng người anh thân yêu của tôi. Không, tôi không thể tin những gì chị Simone Nga vừa nói là sự thật. Có thể anh vắng mặt vì đang đi với anh Phạm Quốc Bảo thăm người bệnh hoặc bận một vài công việc trên Chùa. Hay tối hôm qua, lúc trời xuống lạnh, anh lại quên đội mũ nên bệnh nhức đầu trở lại và bây giờ anh chỉ cần uống thuốc và nghỉ ngơi vài giờ sẽ khỏe ngay thôi. Mai chiều, tôi vẫn còn gặp anh kia mà. Tôi sẽ vẫn thấy hình dáng quen thuộc của anh. Tôi sẽ không bao giờ thiếu anh trên đoạn đường trước mặt. Nhớ lại cả khoảng thời gian dài, khi các con tôi chưa lập gia đình, tôi chưa có cháu nội ẵm bồng… sáng sáng, lúc thành phố còn đang yên giấc, tôi, Nguyễn Trường, anh và anh Vũ Ánh đã lặng lẽ chia sẻ nhau từng cơn mưa nặng hột, từng đợt gió giông bất chợt để giữ đúng giờ phát thanh, đem tiếng nói gửi đến quý thính giả mỗi ngày. Sau này, vì nhu cầu phát triển, đài có thêm chương trình cuối tuần trên làn sóng 1190 AM, tôi và nhóm thực hiện lại có dịp gặp anh nhiều hơn, được anh cận kề chỉ bảo cho những thiếu sót cần sửa chữa. Hình ảnh cảm động nhất là khi đêm đã về khuya, nhìn khuôn mặt mỏi mệt của từng đứa em, anh đã bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc chúng tôi bằng cách tự tay đi mua ổ bánh mì, ly cà phê về ăn chung. Những điều đó nhỏ bé, lặt vặt tưởng như không có gì nhưng thực sự đã để lại trong lòng mọi người những kỷ niệm khó quên. Như tôi, lần cuối cùng gặp anh là chiều Thứ Sáu 13- tháng tám, trước khi tôi lên máy bay đi Tây Âu 1 ngày. Anh đã ân cần dặn dò như lo cho người thân sắp đi xa. Anh nói: “Ừ, đi cho vui. Nhưng nhớ phải mang theo áo ấm, thời tiết bên đó nắng mưa bất chợt. ” Chỉ ngần đó thôi, chỉ những lời giản dị mà anh trao cho, anh đâu có biết nó trở thành hành trang cho tôi suốt 14 ngày du lịch đó đây. Người ta thường dùng câu “đau như cắt” để diễn tả nỗi đau đớn cùng cực mà chúng ta khó chấp nhận. Riêng tôi, nếu bây giờ, ai cầm dao xẻ quả tim tôi ra hằng trăm mảnh cũng không đau bằng nỗi đau tôi mất anh. Anh không phải là máu mủ, ruột rà của tôi. Nhưng tôi nặng tình như vậy vì tôi nhận nơi anh quá nhiều. Với tấm lòng bao la rộng mở, anh luôn luôn đưa đôi bàn tay ấm áp để đỡ nâng, chia sẻ chân tình với tôi từng đổi thay, thăng trầm, nghiệt ngã trong đời sống. Từ đây, tôi như con chim non đã mất đi tổ ấm. Tôi lạc lõng, bơ vơ giữa dòng đời xa lạ. Tôi không biết mình phải làm gì để chống chỏi với bão táp mưa sa. Tôi muốn khóc thật nhiều để vơi đi mối sầu nặng trĩu trong lòng. Nhưng nước mắt dường như cũng đi đâu vắng. Tại sao và tại sao?…
Có phải chết là hết? Là mọi việc sẽ được xếp vào ngăn lưu trữ. Và thời gian sẽ trôi mau, chôn vùi tất cả những gì mình lưu luyến? Mọi người rồi ai cũng có cuộc sống riêng, họ sẽ trở lại sinh hoạt thường nhật, vui với gia đình, với bạn bè, người thân và bỏ lại sau lưng tất cả ưu tư, phiền muộn, mất mát ngày hôm nay.
Tôi không nghĩ như vậy. Đối với tôi, chết có nghĩa là mọi người sẽ nhìn thấy tên mình in rõ và đậm nét trong trang cáo phó và phân ưu mà thôi, chứ hết làm sao được. Như anh, tôi tin dù vật đổi sao dời trăm bận, dù 5 hay 10 năm nữa, vẫn không thể nào ai quên được tên anh, không thể nào để trôi vào dĩ vãng một con người sống trọn vẹn vì người khác.
Cuộc đời này vô thường. Nhưng tôi thì bất thường. Tôi nhỏ nhoi và yếu đuối, không chịu đựng nổi những nắng mưa, bất hạnh. Tôi cần có những con người như anh dìu dắt tôi đi hết quãng đường còn lại. Nhưng rất tiếc, anh ra đi vội quá. Chỉ vài ngày nữa tôi trở lại Cali mà anh không đợi. Tôi không kịp nói với anh lời từ tạ, không kịp kể cho anh nghe những điều tôi đã học hỏi nơi xứ người. Tôi nhớ anh quá. Tình cờ, cuối tuần qua, tim tôi thắt lại khi nghe giọng nói trầm trầm, ấm áp của anh giới thiệu chương trình: “Chúng ta đi mang theo quê hương”…
Thưa anh, em buồn lắm. Mỗi lần đi ngang phòng thu là mỗi lần em cảm thấy khóe mắt mình cay cay. Nhưng thôi, anh hãy ngủ yên, đừng mãi bận tâm lo cho đàn em nhỏ. Rồi một ngày, em ao ước được gặp lại anh, dù chỉ trong mơ, được nắm bàn tay anh đã từng dắt em đi từ những ngày chập chững trong ngành phát thanh, được ngắm nụ cười khoan dung, độ lượng của anh.
_________________________________
Nhớ một người Anh,
Ngô Mạnh Thu
Nguyễn Mạnh Trinh
Có một nhạc sĩ đã viết những dòng nhạc thắm thiết, nhiều trao gửi sâu sắc:
” Câu hát này xin dành cho thù hận.
Câu hát này xin dành cho ngày mai
Tình yêu tôi mùa xuân nằm trên đỉnh núi
Tình yêu tôi mùa đông nằm trong bàn tay
Núi mùa xuân thì xanh đi vào tuổi lớn.
Tay mùa đông ấm tình đây tình mẹ cha…”
Trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến, tiếng hát ấy vẫn vươn lên, kêu gọi thương nhau kêu gọi hòa bình, không phải là hòa bình cưỡng ép, hay hòa bình trong thua bại. Tiếng hát những người du ca.
Có một nhạc sĩ sáng tác đã hoàn tất hơn một trăm ca khúc, trong đó có những bài như Lạc Vùng An Năn, Giấc Chiều, Buổi Sáng Nghe Chim Hót, Dìu Nhau, Từ Một Cơn Mơ, Quà Mẹ Tặng, Dòng Sông trắng, Hoài Niệm, Tiếng Ca Vàm Cỏ,… Cũng như là tác giả của những ca khúc cho tuổi thơ độc đáo như A Chào Ba- A Chào Má, Vui À Vui,…
Có một người cầm bút, ở trong cuối đời lưu lạc, viết những dòng chữ gửi về nơi cố hương của mình. Mỗi buổi sáng tinh sương trên làn sóng điện, những dòng chữ ấy được đọc bằng giọng nói có nhiều ảnh hưởng của hơi thuốc lào dân dã. Gửi về quê nhà với tất cả tấm lòng, vẽ lại một đời sống đã qua nhưng sống mãi trong trí nhớ hồi tưởng. “Chúng ta đi mang theo quê hương”, những bước chân trở lui trong hành trình đời người, như một nhắc nhớ cho lớp trẻ đi sau.
Có một trưởng du ca mang tiếng hát và nốt nhạc vào trong mục đích phụng sự nhân sinh, thiết tha với nhiệt huyết tuổi trẻ: Là trưởng ca đoàn Lửa Việt, thành lập ban tam ca Ngàn Thông, ca trưởng Ca Đoàn Vô Tuyến của đài Phát Thanh Sài Gòn, khi còn trong nước. Sang xứ sở định cư, nỗ lực gây dựng lại phong trào du ca, dựng nhóm Hùng Sử Ca, kích thích những sinh hoạt văn nghệ cho những người trẻ với VAALA, tham gia tích cực vào các công việc sáng tác ca khúc hoặc biên soạn các tài liệu về âm nhạc cho các Trung tâm Việt ngữ.
Có một trưởng hướng đạo, mà suốt cuộc đời, đã mang phương hướng của B. P. làm phương châm, đem sự rèn luyện con người làm mục đích và coi sự giáo dục là con đường tốt nhất để dân tộc được phát triển. Bao nhiêu công sức đã góp thành cho Gia Đình Phật Tử, để qua bao nhiêu đổi dời thời cuộc, bao nhiêu biến thiên nghiệt ngã của dòng đời, vẫn đứng vững những lý tưởng cho đời và cho người, làm sáng rỡ tâm thức bác ái từ bi để những mầm xanh đã được cấy lên từ lòng yêu đời tha thiết…
Nhưng với tôi, gần gũi nhất vẫn là một người anh dù thỉnh thoảng gặp gỡ nhưng vẫn là một người anh mà mình có thể tin tưởng và kính mến. Có lẽ, suy nghĩ ấy không phải của riêng tôi mà là chung của nhiều người trẻ tuổi hơn anh. Như Đặng Đình Khiết, như Đào Hiếu Thảo, như Nguyễn Văn Khanh, như Nguyễn Minh Nữu,… Ở anh, chúng tôi tìm thấy ngoài con người nhạc sĩ, con người nghệ sĩ cầm bút, con người hướng đạo, còn có một vóc dáng con người đầy tính nhân bản thật nhiều thân ái, thật nhiều chia sẻ và gần gũi. Anh cho và không đòi hỏi lấy lại bao giờ. Anh Ngô Mạnh Thu.
Cách đây một năm, đúng ngày 17 tháng 8 năm 2004, anh đã ra đi vào một nơi thật xa. Thời gian nhanh thật, lật bật mà đã đến giỗ đầu của anh. Một năm, để những xúc cảm lắng đi. Một năm, hình ảnh vóc dáng anh chưa phai nhòa trong ký ức những người thân thuộc.
Tôi vẫn nhớ trước vài ngày anh ra đi gặp anh ở quán cà phê Factory. Ngồi bên cạnh tôi, xếp bằng tròn trên bờ gạch đỏ, nâng ly nước trà, sao thấy yên bình lạ. Chung quanh có rất nhiều người và câu chuyện rôm rả đầy những nụ cười. Không ai có thể linh cảm được một cuộc chia ly người đi kẻ ở vào vài ngày tới. Thế mà, một cuộc viễn hành mà ai cũng phải trải qua đã đến với anh…
Mỗi buổi sáng đi làm, bật contact radio nghe nhạc tôi lại nhớ đến những ngày trước nghe giọng nói của anh trong chương trình của đài VNCR, “Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương”. Giọng của anh, nghe sao gợi lại những cảm xúc. Một thời đã qua trong một đời Người được nhắc lại. Những địa danh, những ca dao câu hát câu hò, những món ngon đặc sản của dân tộc, những nhân vật có khi nổi danh có khi dân dã… Tất cả nhắc lại một quê hương luôn luôn hiện hữu trong những người con dân xa xứ. Trong dòng chữ, hiển hiện những cơn mưa phùn của đồng chiêm Bắc bộ, những cơn mưa bóng mây trưa chiều của phố Sài gòn. Và, còn mùi thơm của tô hủ tíu Mỹ Tho thơm mùi tỏi ớt, hay thoang thoảng tô phở cá đặc thù của quê hương miền bắc nghèo nàn thời kháng chiến chống Pháp xa xưa… Phở cá, sao lại có món ăn kết hợp giữa nhu cầu ăn ngon và vật chất hạn chế hiện có hài hòa đến thế? Để cho tôi, buổi sáng tinh mơ lái xe, nghe nước bọt trào lên theo từng câu đọc. Và lúc ấy, tự nhiên thấy quê hương gần gũi biết bao.
Tôi biết, anh Thu có nhiều cảm tình với mình. Sư săn sóc, nhiều khi nhỏ nhặt nhưng làm tôi cảm động. Khi biết tôi có những ” nỗi niềm ” hoặc khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, anh gặp và hay có những an ủi làm ấm lòng hoặc những lời cố vấn làm tôi cảm kích. Những buổi chiều, buổi trưa dưới bóng mát của bờ hiên đằng sau tòa soạn nhật báo Người Việt, hai anh em nói chuyện với nhau hàng giờ và tôi không bao giờ quên được nụ cười của anh với con mắt có đuôi mà tôi có lúc đã đùa nghịch trêu anh: “Nụ cười này vẫn còn làm nhiều người mê mẩn lắm đấy…” Bây giờ, nụ cười ấy đã vào hư không rồi…
Một điều thấy rõ ở anh, là thái độ trầm tĩnh. Anh hay nói với tôi “Bây giờ em đã khá “tịnh” rồi đấy. Cái bức xúc với đời có lúc cũng phải ít đi khi mình hiểu được cái lẽ của cuộc sống “.
Anh Thu, em viết bài viết này hơi muộn màng. Một năm qua mới có một bài viết nhỏ. Đã có quá nhiều người viết về anh, mà trong đó phần đông là những người mà anh coi như em. Bây giờ, em cũng là một trong những người ấy. Biểu lộ tình cảm cũng là một điều tốt đẹp nhưng không hiểu em viết những dòng chữ này có làm cho độc giả thấy dư thừa không? Dù sao, em cũng phải nghĩ và viết thật lòng về một người anh mà mình kính mến.
_________________________________
Nghĩ về Huynh Trưởng
Ngô Mạnh Thu
Nguyễn Minh Nữu
Buổi chiều thứ ba 17/8/2004, trong lúc đang lái xe từ Eden center về tòa soạn, điện thoại reo vang và một tin được thông báo, Anh Thu đang mê man trên giường bệnh. – Anh Thu? – Phải, Anh Ngô Mạnh Thu.
– Từ lúc nào? Đang khỏe mạnh bình thường mà.
– Đêm hôm qua, lúc 2 giờ sáng.
Đầu giây bên kia là Huynh Trưởng Đặng Đình Khiết, Trưởng Khiết còn nói thêm một vài câu gì nữa, dặn dò tôi theo dõi tin tức ở Cali, và thông báo tin này tới một vài người. Nhưng tôi không còn nghe rõ. Xe đang dừng lại ở ngã tư đường Heritage Dr và đường Little River chờ đèn xanh đèn đỏ. Tôi nói cám ơn, tắt điện thoại và chậm chậm ghé xe vào khu parking của tiệm Seven Eleven ngay đầu đường. Tắt máy xe. Ngồi im lặng một chút.
Ở tuổi chúng tôi, những tin tức thông báo với nhau theo nội dung như thế này, không phải là điều bất ngờ gì cho lắm. Những chiếc lá xanh tươi của mùa xuân năm nào, tất nhiên sẽ sẩm màu hơn khi mùa hạ tới, và cũng tất nhiên sẽ chuyển qua vàng, qua úa khi tới độ thu sang. Nhưng kiềm chế lòng mình trước những mất mát chia xa mới là khó khăn cho người ở lại.
Huynh Trưởng Ngô Mạnh Thu được nhiều người biết tới là một Nhạc Sĩ có tài, là một trong những người đầu tiên xây dựng phong trào Du Ca Việt Nam cùng với các Trưởng Nguyễn Đức Quang, Hoàng Ngọc Tuệ, Hoàng Kim Châu, Đỗ Ngọc Yến. Là một Huynh Trưởng kỳ cựu trong hệ thống tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, và cho đến cuối đời, vẫn tiếp tục khoác trên người tấm áo màu Lam trong các công tác của Ái Hữu Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại. Nhưng dường như với tôi, đó chỉ mới là những cái bên ngoài. Thâm sâu hơn trong lòng mỗi người là cái chất riêng của Trưởng Ngô Mạnh Thu, cái điềm đạm, tế nhị, sâu lắng nhưng nồng ấm của tình anh em toát ra từ Trưởng mới thật sự là cái kết dính của trưởng với những người chung quanh.
Tháng hai năm 2004, tôi về Cali để chịu tang người anh ruột. Trưởng Thu đến với tôi, nhẹ nhàng nói rất ngắn vài lời chia buồn, sau đó, cùng với Phạm Quốc Bảo, anh đưa tôi đi thăm một số người. Không, thực ra anh đưa tôi đi thăm một số mộ trong khu nghĩa trang của thành phố Westminster. Đầu tiên là ngôi mộ của Huynh Trưởng Đỗ văn Phố, rồi với nắm hương đang nghi ngút khói, trưởng dát tôi đi thắp hương ở các mộ quen biết trong khu vực, đây là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, đây là nhà văn Mai Thảo, kia là họa sĩ Long Ân. .
Sau đó khi ngồi ở một chỗ uống tách cà phê, Trưởng Thu vẫn giữ nụ cười, nháy mắt bảo tôi, này, hay ta ra ngoài làm tí khói cái nhá. Tôi nghĩ rằng Trưởng Thu không thèm một tí khói, nhưng trưởng Thu biết tôi thèm. Cái chia sẻ được với người khác phát xuất từ sự thật sự quan tâm tới nhau. Đi bên cạnh Trưởng Thu, tôi luôn tìm được cảm giác bình an, thanh thản và một hòa điệu không bày tỏ được bằng lời. Chỉ biết rằng luôn luôn, mọi việc mình làm, mọi lời mình nói luôn luôn được cổ vũ bằng tất cả sự độ lượng và cảm thông. Điều mà tôi nhận được từ Trưởng Thu là mọi hành xử của mọi người chẳng bao giờ sai, mà chỉ đôi khi chưa đúng lắm mà thôi. Đó chính là một khích lệ lớn lao để tôi có thể nói ra tất cả mọi điều, kể cả những điều kín đáo nhất.
Khi viết những dòng này, chưa có tin chính thức từ Cali để biết cơn bệnh có nguôi ngoai hay không. Nhưng cái hoang mang buổi chiều vẫn còn vướng vất. Tất nhiên chúng ta chờ đợi một tin lành, nhưng cũng sẵn trong lòng chuẩn bị cho một tin khác hơn.
Vào những lúc cận kề với sự mất mát. Tôi bỗng giật mình thấy rằng chúng ta đã làm quá ít những việc cần làm cho những người chung quanh. Dường như chúng ta chưa có sự chuẩn bị gì đối với tuổi 60. Và ngay chính chúng ta, khi lao mình vào cuộc sống, đã có ai một giây dừng lại, xem lại mình và xem lại chung quanh.
TB: Bài viết trên đăng trên Tuần Báo Văn Nghệ số ra ngày thứ sáu 20/8, nhưng thật sự đã được đưa đi in từ sáng thứ tư 18/8. Đưa báo đi in xong, ghé qua Phở Xe Lửa uống ly cà phê buổi sáng, Anh Toàn hỏi tôi cậu biết tin gì chưa, anh Ngô Mạnh Thu mất rồi, bản tin của Nhật báo Người Việt Online vừa phổ biến bản tin. Tôi ngồi lặng người. Ly cà phê hờ hững và cổ họng như cái gì đó nghèn nghẹn.
Tôi hiểu rằng cái mất mát đã là có thật, và bây giờ, những điều cần làm là lưu giữ lại và phổ biến thật rộng ra những gì anh Ngô Mạnh Thu đã để lại cho đời, trong suốt 67 năm để được mọi người nhìn nhận là một Nhạc Sĩ, một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử đạo đức và trách nhiệm, một nhà Giáo và một Nhà Văn Hóa.
_________________________________
Mùa Hè Đi Qua,
Có Một Nỗi Buồn Đọng Lại
Nguyên Kim Nguyễn Ngân
Tôi hiểu và biết là nước mắt của hai anh em sẽ còn đỗ ra nhiều khi gặp nhau và cả sau này khi nhắc đến “Đại Bàng Ngô Mạnh Thu”.
Ưu ái dành riêng cho Dương Thị Mỹ khi em vượt ngàn dặm đường về dự tang lễ anh Ngô Mạnh Thu.
Tháng 8, trời Cali năm nay hình như nắng và nóng hơn mọi năm. Không biết là do thời tiết thay đổi trên mặt địa cầu hay là do chính bản thân tôi đang từ bóng cây bước ra ngoài quá bất ngờ và vội vàng? Có lẽ lý do thứ hai nhiều phần đúng hơn, tôi đang đứng dưới bóng cây của Ngô Mạnh Thu, bỗng nhiên cây cổ thụ này bị cơn bão ngầm bứng bay ra khỏi nơi đang sống, bóng mát của tàn cây hiện hữu từ hơn nữa thế kỷ qua cũng theo đó biến mất và cơn nóng đổ ập xuống đám đàn em đang ngồi bên dưới.
Vẫn biết con người sinh ra có sanh ắt có tử, chuyện thế nhân thường tình, nhưng sự ra đi của anh Ngô Mạnh Thu xảy ra quá sức bất ngờ, đến nỗi nhiều người nghe tin còn tưởng đây là một vụ “cá tháng 4” trái mùa.
Phần tôi thì từ khi nghe tin anh hôn mê đến khi về tới được bệnh viện mất hết gần 6 giờ lái xe, trong thời gian đó tôi như người mộng du, trăm ngàn kỷ niệm dồn dập bay về, tay cầm lái mà nhìn phía trước hình như cái gì cũng mang lại cho tôi 1 kỷ niệm với anh.
Hàng cây chạy bên đường làm tôi nhớ đến hôm hai anh em lái xe đi thăm trại huấn luyện Anoma Ni Liên trong một vùng rừng núi gần Los Angeles, khi xe xuống tới thị trấn anh mới thở phào rồi nói: “Gớm, lái xe cứ như là hành quân, may mà anh cũng thuộc loại “tim thép”, thôi ngừng lại để cùng “liều một đám” làm một điếu 3 số cho tỉnh người”.
Nụ cười hiền lành, lạc quan của anh làm tôi cũng tức cười theo, dù là đã khá mệt khi anh bắt làm tài xế trèo đèo vượt núi cả trăm cây số đưa anh đến thăm các em đang dự trại. Quả thật thì tuổi trẻ là niềm vui, là hy vọng của anh, có như thế ở cái tuổi mấp mé “cổ lai hy” mà vẫn còn viết được những ca khúc cho trẻ con lứa tuổi lên 4 lên 5, trong lễ Hoa Hồng hàng năm thì chuyện vinh danh khen thưởng cho các cháu trong họ Vĩnh Nghiêm luôn luôn được anh đưa lên hàng đầu cho nên dù bận rộn đến mức nào anh cũng gọi điện thoại nhắc mọi người gởi hình ảnh và tiểu sử của các cháu mới ra trường về để anh sắp xếp cho đàng hoàng. Anh làm công việc này với tất cả nổi háo hức, trang trọng.
Mùa hè hàng năm anh vẫn thường dò hỏi xem nhà ai có con cháu mới ra trường, có cháu nào được khen thưởng trong lớp học rồi ghi chép vào cuốn sổ nhỏ để nhắc mọi người gởi hình ảnh và tiểu sử cho anh.
Dĩ nhiên khi nói đến Ngô Mạnh Thu thì không chỉ gói gọn trong những hoạt động của Gia Đình Phật Tử mà tấm lòng anh luôn mở rộng, ngay những ca sĩ mới lên, tuổi nhỏ đều nhận được nơi anh sự ưu ái và dành cho tất cả mọi điều kiện để giúp đỡ khi có dịp. Mùa hè năm nay tôi có nhiều dự án để làm và anh luôn luôn đứng bên cạnh, bất kể khi nào cần đến sự cố vấn thì anh đều đáp ứng một cách nhiệt tình.
Ngày trình bày với anh dự định tổ chức một đại nhạc hội vào đầu năm 2005 để gây quỹ cho Trung Tâm Sinh Hoạt GĐPT tại La Mirada trong đó có phần vinh danh các huynh trưởng cao niên đã có nhiều công sức đóng góp vào nền âm nhạc Phật Giáo và Gia Đình Phật Tử trong đó có tên anh, chúng tôi rất lúng túng khi để tên anh vào danh sách này, vì lần nào mới nói ra thì anh cũng nói: “Thôi cứ để cho quý trưởng cao niên, công lao nhiều chứ anh thì cứ từ từ”.
Mãi sau này đến gần ngày kết thúc dự án anh mới chịu đưa tên anh vào sau khi đã tốn không biết bao nhiêu là nước trà và thuốc lá.
Mọi người thật sự mừng rỡ vì sự đồng ý của anh, nhưng rồi cái gì cũng không thể qua “số trời” tất nhiên chương trình vẫn giữ nguyên có điều anh sẽ không có cơ hội nhìn các đứa em của anh tận tay, giáp mặt cám ơn những đóng góp của anh cho nền âm nhạc Phật Giáo nói chung và cho Gia Đình Phật Tử nói riêng.
Mùa hè rồi sẽ từ từ qua đi nhưng nỗi buồn của tôi vẫn còn đọng lại, không biết đến bao giờ mới tan, bóng cây không còn nữa, chúng tôi cũng chẳng biết mình sẽ làm gì trong những ngày sắp tới, âm hưởng cái chết của anh vẫn còn quá đậm đà trong trí tưởng, phần tôi mọi hoạt động gần như bị ngưng đọng lại hết, suốt ngày chỉ nghĩ đến đám tang sắp tới, anh em ngỏ ý bảo tôi phụ trách chụp hình cho lễ tang nhưng tôi cương quyết từ chối vì biết rằng mình sẽ không cầm nổi chiếc máy ảnh trong những giờ phút như thế này.
Kim Mỹ gọi về để đi đón em ở phi trường, tôi cũng bối rối quá chừng, một mặt tôi không muốn em về dự lễ tang của anh Thu vì tôi hiểu em hơn ai hết, mối tình của “nó”ù đối với anh Thu chắc khó ai có thể so sánh được, một mặt tôi cũng muốn em về để đưa anh đi lần cuối.
Cận kề ngày giờ em tới phi trường tôi lo sợ quá mức, nên nhờ Hằng đón giùm, không phải là tôi không có giờ dành cho em, mà tôi thật tình quá sợ khi phải gặp em, tôi sợ giây phút đối mặt với em tại phi trường, tôi sợ vòng tay của em, tôi sợ nước mắt của em, tôi sợ nỗi xúc động của em.
Ngày nào đây khi về Cali cả ba anh em tung tăng đùa giỡn dưới tàn cây trước phòng làm việc của anh Thu hay ghẹo nhau dưới giàn nho sau nhà của anh, thật tình chưa bao giờ tôi lại sợ giờ phút gặp em tại phi trường như lúc này.
Nhưng Kim Mỹ thì nhất định kêu tôi phải đón em mà không muốn một ai khác dù là cô nàng có cả hàng tá bạn hữu ở ngay tại đây. Trước khi lên phi cơ em còn gọi cho Kim Anh là bạn học đang ở dưới Cali nhắc tôi đừng quên em, đừng bỏ em một mình ở phi trường.
Mọi lần khi về Cali tôi có muốn đi đón “nó”ù cũng không cho còn nói: Gặp anh chán thí mồ… thật ra em sợ tôi mất thì giờ vì phải chờ chực ở phi trường. Kim Anh cũng biết là trong lúc này tôi sẽ rất bận rộn nên muốn để cô đi đón Kim Mỹ, nhưng em dứt khoát là không muốn gặp ai hết. Tôi hiểu là em không muốn ai thấy em phải khóc khi về tới chỗ mà em từng ghi nhận không biết bao nhiêu là tình thương mà em đã được thừa hưởng nơi anh Ngô Mạnh Thu cũng như em chỉ muốn được chia xẻ nỗi đau thương của em với riêng một mình tôi trong những giờ phút đầu tiên khi về nơi kỷ niệm củ.
Hai anh em chúng tôi cùng với anh Thu có nhiều kỷ niệm riêng biệt mà chúng tôi quý mến giữ với nhau, dù là những kỷ niệm nếu kể ra có vẽ lẩm cẩm, không ra chuyện gì, nhưng chính vì những cái không ra gì đó khiến ba anh em chúng tôi thật tình hiểu nhau và thật sự thương mến nhau.
Những tâm sự đôi khi (theo ngôn ngữ của anh Thu) “rất ư là lẩm cẩm chẳng ra quái gì” của ba anh em trên Email, trên điện thoại và những giờ phút hiếm hoi khi mặt đối mặt làm cho em gắn chặt tâm tưởng với chúng tôi. Thành thật mà nói trong số tất cả những đứa em thì Kim Mỹ là người được cả anh Thu và tôi dành hết tình cảm nồng hậu của mình cho em, từ đó lan truyền đến tất cả những gì thuộc về em, chồng em là Dzu, hai con của em cũng vui lây, nhất là Dzu thì hay đùa là: Mỗi khi “cái Mỹ” gặp 2 ông anh là quên béng hết cả chồng với con.
Hôm tôi gọi lên em báo hung tin, em khóc nức nở và giữ điện thoại chặt cứng không chịu buông ra dù tôi nói “bye” đến mấy lần, lúc đó tôi chợt nhớ là sao không hỏi em đang ở đâu, chỉ sợ “nó” nghe tin khi đang lái xe thì khổ.
Cũng may là không phải, mấy phút sau em mới bình tĩnh nói: “vâng! anh lo việc đi, em không sao đâu ạ!!!” tôi mới yên tâm cắt máy. Tôi hiểu là mùa hè sẽ đi qua và nỗi buồn đọng lại không chỉ riêng trong lòng tôi mà bên cạnh còn có em, có nhiều người khác, có hàng ngàn anh chị em Vĩnh Nghiêm và các Lam viên khắp bốn phương trời cũng sẽ thấy nỗi buồn đọng lại trên mí mắt mỗi khi nhớ về anh. Khi ngồi xuống ghi lại những suy nghĩ này trong lúc chờ đến giờ đến phi trường, hàng ngàn kỷ niệm, hình ảnh của anh cứ dồn dập đổ về, có thể là sự diễn đạt của tôi về tình cảm dành cho anh Thu có vẽ hơi quá lố đối với một ai đó, nhưng tôi biết là nếu Kim Mỹ có đọc thì em cũng vẫn nói là tôi chưa đủ “văn tài” để nói hết những gì mà tôi và em nghĩ về anh, một bóng mát êm đềm bên dòng đời đầy bão táp, phong ba.
Hai anh em chúng tôi được đứng dưới bóng cây Ngô Mạnh Thu kể ra không nhiều bằng những người khác, nhưng có điều ít ai có được là hai anh em chúng tôi cảm nhận rất rõ ràng bóng cây Ngô Mạnh Thu đã làm dịu đi cơn nóng của dòng đời mà cả hai chúng tôi đang hứng chịu. Kim Mỹ có may hơn tôi được anh Thu sách tấn trong vấn đề tu học cùng với chồng là Dzu nhiều hơn, nên gia đình hạnh phúc cũng từ đó mà vững bền keo sơn hơn, cách sống ngoài đời của hai vợ chồng cũng từ đó thoải mái hơn. Còn tôi thì được anh ưu ái tặng cho danh hiệu “Ma Vương Bồ Tát” vì tính tình nhiều khi quá cứng rắn trong xử thế, như anh thường hay nói.
Nhưng hơn ai hết anh hiểu là tôi chỉ “mạnh miệng mà lại yếu lòng” hay là “To tiếng mà lại nhỏ gan”. Từ ngày xảy ra chuyện không vui trong GĐPT anh biết là tôi đang dự tính viết lại hết tất cả những suy nghĩ của mình, của anh và của em Mỹ mà ba anh em thường tâm sự nên anh mới biểu tôi viết cho Kỷ Yếu Vĩnh Nghiêm hai trang “Bình Thư Pháp” Chữ NHẪN và chữ QUAN mà tôi đã có lần đề cập đến trong bài “Đại Bàng Gãy Cánh” từ đó tôi càng thêm kính phục anh dù là đôi lúc tôi cũng cho anh là “nhát gan” không dám nói thẳng sự việc.
Anh kiên nhẫn giải thích, phân tích từng sự kiện nhỏ để vẽ ra cái tổn thất sẽ còn lớn hơn hiện tại, nếu không biết Nhẫn, anh thường nhắc tới nhắc lui chữ Nhẫn của Phật Giáo khác với chữ Nhẫn của Khổng Lão mang tinh thần “chịu đựng”.
Trong tinh thần Phật Giáo chữ Nhẫn bao hàm tư tưởng Vô Úy, nó mang tải tính Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi mà chỉ có người biết sử dụng đúng mức trí tuệ Bát Nhã mới thực hiện nỗi. Dĩ nhiên tôi chưa có đủ trí tuệ Bát Nhã để thực hiện chữ Nhẫn theo anh, nhưng từ tấm lòng từ bi của anh cũng khiến tôi mấp mé được vài hình ảnh “tự hào” của chữ Nhẫn để “biết nhiều chuyện” nhưng “không nhiều chuyện”.
Anh không phải chỉ nói một lần mà cả chục lần mỗi khi có dịp đề cập đến. Từ đó lần lần tôi học thêm được nơi anh câu nhật tụng: “Để nó qua một bên, làm một điếu, nhưng đừng liều cả đám”. Để ghi lại những kỷ niệm về anh, tôi có thể viết hàng trăm trang giấy, nhưng như em Mỹ thường hay chê: “cái văn tài của anh Ngân nghe phát chán, nhưng thích đọc để coi ông anh viết ẹ đến mức nào và nhất là coi có còn ai viết tệ hơn ông anh thân yêu của em hay không. Đừng tưởng thấy em làm bộ khen mà nghẹt mũi hồi nào không hay!”. Đã đến giờ đi đón “Công Chúa Khỉ” nên tạm gác chuyện buồn cùng cười một cái. Tôi hiểu và biết là nước mắt của hai anh em sẽ còn đỗ ra nhiều khi gặp nhau và cả sau này khi nhắc đến “Đại Bàng Ngô Mạnh Thu”.
Một lần bay,
là bay đến muôn trùng
Trừng Nhĩ Nguyễn Minh Nữu
Dường như cái chung của những người nghe tin chuyến đi xa này của anh Ngô Mạnh Thu là một nỗi tiếc nuối, xót xa, nhưng ở riêng từng góc, lại là những tưởng tiếc về các góc cạnh khác nhau về một cuộc đời.
Là một cư sĩ Phật tử đạo hạnh, một Huynh trưởng Gia đình Phật tử nhiệt thành, một nhà hoạt động Giáo Dục đầy năng lực, một nhà truyền thông kinh nghiệm và yêu nghề, một nhạc sĩ sáng tác tài ba. Nhưng nếu gom tất cả những cái đó lại, có phải là chúng ta có được một cái nhìn về con người của Ngô Mạnh Thu hay không? Tôi thấy dường như đã đầy nhưng mà chưa đủ. Mặc dù chỉ là một trong những nghiệp danh trên đã nhiều khi với tôi đã bơi mãi chưa đến được bờ. Cái mà tôi nhìn thấy từ nơi anh là một cái khác hơn, đơn giản hơn và cũng gần gũi hơn nhiều,.
Quen biết với anh từ những ngày cuối năm 1974, do Nguyễn Quyết Thắng đưa đến chơi với Du Ca, Lúc đó Phong trào Du Ca Việt Nam tổ chức đêm gói Bánh Chưng cho đồng bào tỵ nạn Cộng Sản tại trại tạm cư Phú Văn Bình Dương. Tác giả ca khúc nổi tiếng “Từ Một Cơn Mơ” xuất hiện trong bộ quần áo màu nâu, bên cạnh đống lửa trại để bắt nhịp cho chúng tôi một bài ca sinh hoạt, tiếng nói trầm ấm và phong cách tác động đám đông đã lập tức lôi cuốn chúng tôi vào vòng tròn của say mê, và nồng nhiệt cùng anh trong các tình ca quê hương, nhận thức ca, sinh hoạt ca tiếp theo nhau. Câu chuyện bên ánh lửa tàn tại Trung Tâm Liên lạc Sinh Viên Quốc Nội Hải Ngoại số 19 đường Kỳ Đồng quận 3 Saigon đã làm tôi gần gũi với anh hơn.
Cuốn hút từ anh để tôi bước vào thế giới Du ca và trở lại với màu áo Lam mà tôi đã bỏ quên, hình như sau thời gian sinh hoạt Oanh Vũ ở Gia Đình Phật Tử Giác Hoa hồi còn thơ ấu.
Biết tên tuổi của anh là vì anh là một Nhạc Sĩ có tác phẩm mà minh yêu thích, nhưng từ khi quen biết và kết thân với anh, để trở thành một đứa em của anh, cho đến nay, khi nghe tin bất ngờ anh đi xa, tôi mới bàng hoàng nhận ra là mình đã quên hẳn cái nghiệp danh nhạc sĩ của anh từ lâu lắm. Anh luôn luôn có mặt trong tôi như một người anh, một chỗ dựa tinh thần, một người chia sẻ, an ủi, khuyến khích và chỉ bảo cho tôi ở bất kỳ một sự việc nào trong đời sống.
Như chiếc áo len bỏ quên trong góc tủ, bất ngờ được lục ra khoác trên người khi trời trở rét, như cái quạt tay bỏ quên trong bên bàn viết, bỗng được lục tìm khi hơi nóng bức mùa hè bắt đầu. Anh Ngô Mạnh Thu trong suốt hơn ba mươi năm quen biết vẫn thường xuyên năm yên đâu đó trong ký ức, để bất ngờ tôi lục lọi tìm kiếm mỗi khi đụng chuyện cần có người chỉ bảo. Vẫn nồng nhiệt chào đón khi gặp lại, vẫn thân mật trữ tình khi tiếp đón, vẫn ân cần nhẫn nại khi nghe trình bày và vẫn bao dung và nhẹ nhàng khi phân tích và khuyên bảo. Giống hệt chiếc áo len ngày xưa trong góc tủ, vẫn sẵn lòng tỏa ấm khi mùa đông đến, giống hệt như chiếc quạt lá cầm tay, vẫn sẵn lòng cho hơi gió khi hè về. Anh Ngô mạnh Thu vẫn nhẹ nhàng từ trong ký ức bước ra, xòe đôi cánh độ lượng tăng cho tôi những khuyên bảo hợp lý hợp tình.
Sau 1975, các sinh hoạt thanh niên dừng hẳn lại. Tôi và anh thỉnh thoảng mới có dịp gặp nhau. Cuối thập niên 80, hay đầu thập niên 90 gì đó bỗng một lần anh ghé lại thăm và gọi tôi lên sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm, đầu tiên là tham dự khóa huấn luyện huynh trưởng A Dật Đa ở Chùa Vĩnh Nghiêm.
Mười năm rồi tôi mới có dịp gặp lại các cháu, con của anh, Những Xì, Xịt, Xiu, Xìu ngày xưa, nay đã là các Huynh Trưởng trẻ, năng động của Gia Đình Phật Tử với tên thật ngoài đời: Ngô Lê Trọng Tú, Ngô Lê Trọng Thuấn, Ngô Lê Trọng Tường, Ngô Lê My Uyên… và tôi cũng đã có con để trở thành các Oanh Vũ, thiếu niên trong GĐPT Vĩnh Nghiêm.
Những Huynh Trưởng trẻ dẫu khả năng chuyên môn cao, nhưng kinh nghiệm cầm đoàn chưa vững lắm, và khác biệt giữa tổ chức Gia Đình Phật Tử với các tổ chức thanh niên khác chính là cái giới hạn tuổi tác. Với các tổ chức thanh niên khác, khi qua khỏi một giới hạn tuổi tác nào đó, họ trở thành phụ huynh, hoặc bạn đoàn, nhưng tổ chức Gia Đình Phật Tử chúng ta có Bác Gia Trưởng, thì tự nhiên hình thành không chính thức một hàng lớp các Huynh Trường cao niên, Không còn là Anh là Chị của đoàn sinh nữa, mà là Chú, là Bác, là Ông, là Bà của các Thiếu niên, Oanh Vũ trong Gia Đình.
Đứng chung trong một vòng tròn, người điều khiển sẽ khó khăn khi thưa gửi, chẳng lẽ dài dòng thưa quý Chú, Quý Bác, Quý Ông, Quý bà, Quý Cô Quý Dì… Chính Anh Ngô Mạnh Thu đã tạo ra một phương thức xưng hô ngắn gọn: Hãy gọi các Huynh Trưởng chung bằng một chữ thưa Trưởng, và thêm vào chữ Huynh Trưởng cao niên nếu trong văn bản. Giải quyết của Anh Ngô Mạnh Thu đã lập tức trở thành thông dụng. Chữ Trưởng Thu mà bây giờ ai cũng gọi đã xóa hẳn chữ Anh Thu trong trí nhớ nhiều người.
Năm 1994, Trưởng Thu và gia đình rời Việt Nam, trước lúc chia tay, một cuộc trại tổ chức tại Hòn Một Vũng Tàu, Trại Tuệ Tạng 3, với các Gia Đình Giác Long, Giác Ngạn, và Vĩnh Nghiêm. Tôi là Huynh Trưởng Điều Hợp cho buổi trại, khi đại diện cho tất cả các Huynh Trưởng Đoàn Sinh nói lời chia tay với Trưởng Thu, tôi không kiềm được cảm xúc của mình khi nói tới những thiếu vắng mất mát Trưởng Tâm Hòa đối với chúng tôi trong lần chia xa ấy. Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu đã đứng lên, trầm ấm và nhẹ nhàng như thói quen cố hữu, Trưởng nói là “Sao lại có chuyện chia xa là mất mát, dẫu rằng không đứng chung một vòng tròn như bây giờ với các em, nhưng lúc nào anh cũng vẫn chung một suy nghĩ, chung một nỗ lực trong tình Lam như từ bấy đến nay với các em”
Mười năm qua, Trưởng Thu luôn chứng tỏ lời nói ấy trong rất nhiều công việc cụ thể với tập thể áo Lam.
Năm 1995, tôi cùng gia đình cũng rời Việt nam để định cư tại Hoa Kỳ. Tôi ở miền Đông, Trưởng Thu ở miền Tây. Ngay khi vừa đến Mỹ, món quà của Bùi Hữu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại gửi tới với lời nhắc của Trưởng Thu “hãy mau mau ổn định đời sống và bắt tay vào các sinh hoạt với GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại” Ở cách xa nhau ba ngàn dặm, mà hầu như gần gũi cận kề.
Năm 2001, khi dự Đại Hội Lưỡng Niên Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại ở Chùa Pháp Quang, Texas. Chúng tôi lại có dịp ngồi vòng tròn chuyện trò suốt đêm với nhau. Tôi có dịp hồi tưởng lại lần đầu gặp gỡ ngày xưa. Cái tôi ghi nhận được là thời gian có thể làm trán người ta nhăn lại, mắt người ta mờ đi, nhưng dường như lòng người ta đầm ấm hơn, trí tuệ người ta thâm trầm sâu lắng hơn. Cái nhìn cái nghĩ của Huynh Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu không chỉ là Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm nữa mà là phương hướng hoạt động sao cho hợp với thời đại của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Cái nhìn cái nghĩ của Huynh Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu không chỉ thu gọn trong màu áo Lam, mà còn nhìn tới cả thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong và ngoài nước, Niềm ước mơ của Trưởng tỏa rộng ra cho tất cả Thanh Thiếu Niên Việt Nam, Những lời ca thật đơn giản cho các cháu tập học tiếng Việt như: “a, con chào Ba, a, con chào Má”… Những bài viết hướng nỗi nhớ về quê nhà trong loạt bài phát thanh ” Chúng Ta Đi mang Theo Quê Hương” Những sưu tập tác phẩm bạn bè như góp tay biên soạn tập ca khúc của Trần Đình Quân, của Nguyễn Đức Quang, tham gia các hoạt động của các Trung Tâm Việt Ngữ, những sắp xếp cho các buổi sinh hoạt văn nghệ tại Hội Trường Nhật Báo Người Việt, và rất nhiều công sức với các tổ chức Aùo Lam.
Những hoạt động thật đa dạng và bận rộn, nhưng nhìn chung lại là những hoạt động trong một phạm trù Văn Hóa mà thôi. Những vị trí của Trưởng Thu đứng trong mọi công việc cũng thật quá nhiều, nhưng nói chung vẫn là người tạo chất kết dính nhiều người, và tác động để công việc đến nơi đến chốn.
Tôi gọi mỗi công việc mà Trưởng Thu làm là mỗi chuyến bay, Mỗi lần cất cánh bay lên là mỗi lần chung với nhiều người tạo ra những điều mới lạ trong niềm say mê về sự nghiệp văn hóa dân tộc. Nhưng khác với các chuyến bay ngày trước là đáp xuống sau khi công việc kết thúc. Chuyến bay này của Trưởng là chuyến bay dài hơi hơn nhiều, chuyến bay đi vào các thế hệ Việt Nam tiếp nối mãi mãi cho đến vô cùng. Kết quả của những công việc Trưởng làm hôm nay, không chỉ gặt hái kết quả bây giờ, mà còn về lâu, về dài ngày sau, đời này còn có đời sau mỗi khi nhắc tới.
Có điều, họ sẽ không nhắc tới như chúng tôi bây giờ khi thân ái gọi là Trưởng Ngô Mạnh Thu, mà họ sẽ gọi là Nhà Văn Hóa Ngô Mạnh Thu.
_________________________________
Ngô Mạnh Thu,
còn đó nụ cười
Bùi Công Thuấn
Ngô Mạnh Thu ra đi trong rạng rỡ nụ cười, nhưng tôi vẫn thấy anh hiển hiện bên anh em như ngày nào. Hôm lễ viếng anh ở chùa Giác Uyển, hẳn anh rất vui vì bên anh, có đông đủ những người thân yêu, bằng hữu và những anh em Du Ca cùng sinh hoạt với anh: các anh Anh Trần Trọng Thảo, Bùi Bích tâm, Châu Đình Quang, Trần Văn Bùi, Tôn Thất Lan, Hồ Văn Thành, Châu Bá Hân, Đặng Mục Tử, Lm Tiến Lộc… Mỗi người đều nói với anh những lời tốt đẹp nhất mà bấy lâu nay cất giấu trong lòng. Nói với anh nhưng cũng là đang cùng anh sống những ngày Du Ca đã qua đầy ắp niềm vui, đầy ắp sự dấn thân và đầy ắp những ước nguyện cho đất nước hoà bình tươi xanh, cho đồng bào ấm no hạnh phúc, cho nơi nơi vang tiếng cười và ánh mắt tin yêu, những điều mà anh ước nguyện ngày xưa.
“Câu hát này xin dành cho hòa bình / Câu hát này xin dành cho ngày mai / Nghìn năm qua tạo nên Việt Nam hùng vĩ /Nghìn năm sau còn nguyên giữ vẹn màu da / Câu hát này xin dành trang sử hùng /Câu hát này xin dành cho đời chung…” (bài: Câu Hát Này Xin Dành Cho “_ Ngô Mạnh Thu )
Tâm hồn Ngô Mạnh Thu và ấp ủ những điều lớn lao cho đời chung, cho lịch sử, cho dân tộc,lại vừa nâng niu tất cả những gì tưởng như bé nhỏ, mong manh nhưng thật tinh khôi.
“Câu hát này xin dành cho nụ hồng / Câu hát này xin dành cho mầm xanh /
Có đi qua những năm tháng dân tộc phải trầm luân trong chiến tranh: có trăn trở với một đất nước, một quê hương hoang tàn trong mưa bom bão đạn, có nhìn về nghìn xưa và hướng về nghìn sau, mới thấy được nụ cười của Ngô Mạnh thu rạng rỡ, hồn nhiên nhưng uy dũng thế nào trong tinh thần con người Việt Nam. Ngày xưa chúng tôi đã hát những ước nguyện ấy của Ngô Mạnh thu và giờ đây, cuộc sống đang vang lên những câu hát ấy. Người Du ca lúc nào cũng dành những câu hát cho đời chung, cho dân tộc, cho quê hương, cho những giá trị cao đẹp của tình người, cho những khát vọng tươi sáng của tương lai. Ngô Mạnh Thu vẫn đang cười và cùng hát với chúng ta trong niềm hân hoan vô bờ.
Tôi nhớ như in ngày đầu đến với Du Ca những năm 1970. Chúng tôi được dự trại huấn luyện. Anh Ngô Mạnh Thu dạy cho chúng tôi những kỹ năng tác động tập thể, những bài hát sinh hoạt, những bài hát Du Ca. Chúng tôi như được tiếp thêm niềm hăng say, niềm vui dào dạt, sức trẻ như lớn hẳn lên. Lúc ấy anh Thu trẻ trung linh hoạt và dễ thương chi lạ. Lại nhớ hôm anh làm chương trình giới thiệu ca khúc Bùi Công Thuấn trên đài phát thanh Sài Gòn, Vũ Dũng dẫn chương trình. Tôi hồi hộp và sung sướng vô cùng, chẳng phải vì được “lên đài”, mà vì từ lần giới thiệu đó, tôi: “Đến Với Quê Hương Tôi”, tôi được hòa mình vào đời sống rộng lớn của anh em Du Ca cả nước. Những đại nhạc hội Du Ca trong Tuần Lễ Văn Hoá tổ chức ở trường Quốc Gia Âm Nhạc, quả thực là một dịp anh em Du ca bốn phương trời gặp gỡ, nối vòng tay Việt Nam trong sinh hoạt chung của cả cộng đồng. Du Ca tỏa sáng những giá trị tốt đẹp giữa một quê hương mịt mù lửa đạn, mịt mù niềm tin, mịt mù tương lai, giữa một dân tộc mà khát vọng hoà bình cháy bỏng hơn bao giờ. Tất cả anh em Du ca đều biết rằng anh Ngô Mạnh thu đã có những đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của phong trào Du Ca, bên cạnh các anh Nguyễn Đức Quang, Hoàng Ngọc Tuệ và nhiều huynh trưởng Du Ca khác. Anh Ngô Mạnh Thu là niềm tin yêu và là niềm tự hào của tất cả anh em Du Ca chúng tôi…
Nhưng cuộc sống không chỉ có những niềm vui sôi nổi rộng lớn, mà còn có những nỗi buồn và cả những âu lo, có lúc tưởng không vượt qua được. Tôi vẫn gặp anh Ngô Mạnh Thu trong những tháng ngày ấy, những tháng ngày sau 1975. Nhưng thật lạ lùng, anh vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên và một tâm hồn trẻ trung như ngày nào. Dù rằng không dấu được những ngậm ngùi tiếc nuối cho những ước vọng tươi xanh chưa thành hiện thực. Thế nhưng bao giờ anh cũng hướng về tương lai với mắt nhìn trong trẻo. Rồi những ngày vui lại tiếp nối, những tháng ngày vui với Thuỳ Dương, với những chuyến dã ngoại Nha Trang, quê hương của Châu Đình Quang…
Chỉ tiếc một điều, tôi không có mặt hôm tiễn anh lên máy bay đoàn tụ với gia đình. Anh Bùi Bích Tâm đã có những dòng thơ chứa chan nước mắt trong buổi chia tay ấy:
“Còn ngươi
Thôi cũng ra đi!
Ta bưng mặt
bước ta về
Buồn tênh!
Từ này, hề!
Những lênh đênh
nổi chìm… hề!
chỉ một mình ta ư?…”
Tưởng rằng sẽ có ngày được gặp lại anh, để nghe anh kể những chuyện vui. Anh Tuệ có hẹn sẽ cùng anh em ngồi hát bên bờ hồ Hoàn Kiếm trong một ngày xuân nào. Tôi hình dung ra khuôn mặt lấp lánh ánh sáng của anh Thu. Vậy mà, không ngờ những câu thơ Bùi Bích Tâm tiễn anh ngày nào lại là những lời thống thiết anh em khóc anh trong buổi lễ truy điệu
“… Thế là
Thu đã xa vời
Ta bưng mặt
khóc
lại cười
A ha!
Cuộc rong chơi mới đây mà
Vỗ tay nào
Vỗ tay ca cộng đồng
Mỉm cười… Thu hhé
Nghe không
Tâm Hoà?!”
(Tâm Hoà là pháp danh cuả anh Ngô Mạnh Thu)
Nỗi buồn sẽ chẳng vơi được, nếu như chúng ta không nhớ rằng: Ngô Mạnh Thu luôn tươi cười. Anh và tất cả chúng ta vẫn đang hát “câu hát này xin dành cho nụ cười…” Tôi bỗng ngẩn người như gặp gỡ một điều lạ lùng: Anh đã dành cho chúng ta những lời này từ lâu lắm rồi mà!
Nhân ngày giỗ Ngô Mạnh Thu 2009
_________________________________
Nhớ Ngô Mạnh Thu
Nguyễn Tân Văn
Ngô Mạnh Thu là một huynh trưởng gia đình Phật tử, ấy vậy mà vào khoảng năm 1978-79 tôi tới nhà Thu lại thấy trên tường treo một bức tượng Chúa (đã lâu ngày nên tôi không nhớ rõ là tượng hay tranh, và là hình Chúa Giê-Su hay hình Ðức Mẹ). Tôi hỏi sao lạ thế, Thu nói sau ngày 30 Tháng Tư 1975 có người vất ra ngoài đường, Thu mang về nhà treo lên.
Trong ca đoàn Phật tử của Thu cũng có vài người Công Giáo. Trong số những người đó tôi thân với Mai Văn Vịnh. Vịnh dạy học cùng trường với tôi, Vịnh là một người Công Giáo thuần thành mà tỏ ra hiểu biết về Phật Giáo: Nhớ hồi mới sang Mỹ, Vịnh mang theo một tượng Phật (Bồ Tát Quán Thế Âm thì phải) tặng Thu. Trong lúc nói chuyện với chị Thu, Vịnh nói tính mang sang cả tượng Ðức Văn Thù Sư Lợi bên con sư tử. Nghe vậy tôi rất ngạc nhiên vì tôi chỉ loáng thoáng biết về các bồ tát trong Phật Giáo, nhưng hình tượng vị nào thường kèm theo với hoa sen, vị nào kèm theo với con voi hay sư tử là tôi không nhớ.
Riêng cá nhân tôi, cứ nghe người nói về hòa hợp tôn giáo thì tôi chẳng mấy tin: Họ chỉ nói ngoài miệng một cách “chính trị” thế thôi, chứ chưa chắc họ thực lòng tôn trọng gì tôn giáo khác họ bao nhiêu. Nhưng với Thu và Vịnh thì tôi tin.
Có lần nghe nhắc tới mấy nhóm công kích kịch liệt các tôn giáo khác, một người nói: “Mấy người chuyên phát biểu quá khích vì họ cứ nghĩ chỉ có tôn giáo họ theo mới là chân chính, còn các đạo giáo khác đều là tà đạo mê tín. Cũng cần có người nói ra cho họ biết là họ cũng mê muội, chẳng khác gì ai…” Thu lắc đầu phản đối: “Dĩ nhiên là con người thì có ai mà hoàn hảo đâu. Cần phải xiển dương đạo lý ấy. Nhưng coi chừng: không nên bài xích nhau như thế, có hại hơn là lợi trong tình thế hiện nay.”
Lại một lần, sau vụ khủng bố 9-11 (2001), trong cuộc trò chuyện khi nhắc tới ý kiến của một mục sư Mỹ và một linh mục già Việt Nam nói rằng đó là Chúa trừng phạt nước Mỹ, một người bạn nói, “Sao lại có thứ người nghĩ rằng Chúa lại đi trừng phạt người vô tội như vậy,” tôi thấy Thu giương mắt nhìn người ấy lắc đầu! (trong bàn có cả vài người Thiên Chúa Giáo).
Thu cũng không bao giờ phê phán các nhà sư. Có lần tôi hỏi: “Nghe-nói-rằng nhà sư ấy có vợ có con…” thì Thu chỉ nói: “Mình không biết. ” Một lần tôi than phiền việc tôi gửi tiền của bà cô vợ cứu trợ thuyền nhân bên Thái Lan cho một nhà sư, sau đó lại nghe người ta đồn là nhà sư này bị tố cáo sàm sỡ với vài phụ nữ, tôi nghĩ tiền đó kể như mất toi, nhưng Thu nói: “Về tiền bạc không sao đâu, ổng tin được; còn vụ sàm sỡ thì chắc hôm đó… Phật đi vắng…” Thu nói vậy mà cười mỉm, mặt thì buồn buồn.
Trên tường nhà Thu ở Việt Nam có treo một bức tranh lấy từ bìa báo Xuân Tự Do (vào một năm cuối thập niên 1950), tranh Nguyễn Gia Trí vẽ con nai. Thu chỉ cho tôi thấy hai con ngươi của đôi mắt nai là hình hai con cọp! Ấy là cái thâm trầm qua tài vẽ của họa sĩ. Tôi liên tưởng nhớ tới bức tranh dân gian “Cá chép trông trăng,” một nhà Nho đã nói với tôi: “Bức tranh này có ý mỉa mai. ” Nhờ câu nói ấy tôi mới thấy ra là con cá chép không ngắm trăng ở trên trời mà ngắm trăng ở dưới nước!
Thu có một quan niệm về thông tin rất…”khách quan.” Có lần tôi nghe Thu đọc trên đài phát thanh một bài viết trong đó dẫn bài thơ tứ tuyệt của Thôi Hộ, câu thứ ba: “Nhân diện bất tri hà xứ khư. “Ô Thu đọc không đúng như bản lưu hành. Khi gặp, tôi nói câu ấy Thu đọc sai, Thu đáp: “Bài của người ta viết sao, mình đọc đúng như thế, không sửa!” Tôi đùa: “Thời buổi báo chí đầy dẫy những lỗi ấn loát lỗi biên tập mà nhất định cứ đọc nguyên văn trên giấy như thế e rằng có tác giả sẽ hộc máu mồm mà chết!”
Lại có lần Thu đọc bài của một nhà văn viết về một nhà thơ. Nhà văn nhiếc móc chuyện nhà thơ (còn ở trong nước) dự tính làm một trường ca về Hồ Chí Minh. Sau đó gặp tôi, Thu tâm sự: “Lẽ ra ông (nhà văn) ấy không được như vậy, vì phê bình thì phải dựa trên văn bản, chứ không thể căn cứ ở những lời đồn đại được!” Cũng ông nhà văn ấy khi phê bình một nhà thơ khác (người miền Nam) là “Bắc kỳ hơn cả Bắc kỳ,” Thu cũng cho là không được: Viết như thế là nhận xét chủ quan chứ không còn là phê bình văn chương nữa!
Lần khác, nhắc đến việc một nhà biên khảo tung ra tin: Nhạc sĩ nọ nói ông ta soạn nhạc trong khi đi cầu, và ông ta bảo ông ta không chống Cộng, mà chỉ “chống gậy” v. v… Thu nói: “Ðưa những điều người ta chỉ nói bông lơn tán dóc trong lúc trà dư tửu hậu ra thành như những câu phát biểu nghiêm trang về nghệ thuật là không được!” Về văn chương nghệ thuật, Thu nghiêng về mặt hoạt động văn hóa đại chúng trong xã hội hơn là thứ văn nghệ kiêu kỳ “trí thức” (có lẽ vì vậy mà Thu sinh hoạt tích cực trong Gia Ðình Phật Tử và Du Ca?). Nhớ có lần Thu tấm tắc nhắc tới bài “Lòng Mẹ”của Y Vân, anh cho rằng bài này được mọi tầng lớp xã hội yêu thích, ngay cả các nhạc sĩ đại thụ cũng không ai có được bài nào lại tạo nên một ảnh hưởng sâu rộng trong đại đa số quần chúng đến như thế… Trong một lần đàn đúm đông người, nói tới những nhóm văn đoàn ca đoàn các địa phương, tôi nghe loáng thoáng Thu nói: “… bị gái nó đá cho, làm được vài bài thơ, rồi chê người ta là ‘văn nghệ tỉnh lẻ’” (không nghe Thu nói tên thi sĩ nào bị chê như thế, và tôi cũng không tiện hỏi).
Một buổi trình diễn văn nghệ của Gia Ðình Phật Tử (chùa Giác Minh thì phải), khoảng 1958-59, Thu rủ Nguyễn Hải Hà và tôi tới coi. Hôm đó Thu điều khiển phần ca nhạc, Phí Ích Nghiễm đạo diễn vở kịch “Tiếng Trống Hà Hồi” của Hoàng Như Mai (hình như vậy). Thuở đó người ta ưa thích những vở kịch có vai một tráng sĩ lên đường diệt giặc, một thiếu nữ tiễn người yêu, một lão trượng đưa đò… Nghiễm đóng vai lão trượng, phải dán chòm râu bạc bằng bông gòn ở cằm, đang diễn thì chòm râu bông gòn bong ra, lão trượng Nghiễm từ lúc ấy tay luôn luôn phải bợ cằm (vuốt râu liên tục)… Xong vở diễn ra hậu trường, Nghiễm cười sằng sặc ngoắc chân đá vào mông tôi, còn Thu và Hà thì cười ngỏn ngoẻn…
Thời đó chúng tôi đều còn là thư sinh tóc xanh, sau này ra đời ngổn ngang với thế sự, không còn gặp nhau thường nữa. Rồi Thu học Quốc Gia Âm Nhạc, đi lính, đi hát, và du ca… Thu coi trọng việc sinh hoạt (Gia Ðình Phật Tử, Du Ca) hơn là phổ biến sáng tác của mình. Trong sáng tác, Thu thường không đặt nặng những lời ca than thở “thân phận” mà cất tiếng kêu gọi:
… Dẫu ngày nay đạn bom điêu tàn ngập lối
Nhưng ngày mai sẽ về trong niềm vui
… Câu hát này xin dành cho hòa bình
Câu hát này xin dành cho tuổi xanh…
(Câu Hát Này)
hoặc bâng khuâng “Quẩy kinh ai đổ trên cầu nhân sinh”:
… Từ dòng sông trăng đó từ dòng sông trăng đó
Ðá ướm hỏi lòng Thu vàng rơi còn bao kiếp
Cây đứng lặng trầm tư cây đứng lặng trầm tư
Sắc Không vô hình tướng sao hỏi có vàng thu?…
(Dòng Sông Trăng)
Các sáng tác của Thu lại ký nhiều bút hiệu (như thế là không biết “marketing” gì cả!). Thu có một trường ca đã viết xong (Trường Ca Lửa), mọi người giục hoàn tất thì Thu cứ nói “Ðể từ từ…” Thu kể: Sau Tháng Tư 1975 có hồi Thu phải đi xa thì ở nhà xảy ra vụ “kiểm tra văn hóa Mỹ Ngụy phản động đồi trụy,” gia đình sợ quá đem thiêu hủy một số sách vở giấy tờ, trong số đó có bản nhạc quân hành của Trầm Tử Thiêng. Thu nói: Ðó là một trong vài bản quân hành hay nhất của Việt Nam. Thu không nói gì về các bản thảo của riêng Thu, nhưng tôi nghĩ chắc anh cũng đã mất đi nhiều từ những dịp ấy…
Thời thiếu niên Thu có làm thơ. Tôi còn nhớ Thu có một tập thơ chép tay (chép làm 5 bản) nhờ Nguyễn Hải Hà minh họa, chẳng biết đến giờ có còn ai giữ được bản nào không… Cái anh chàng Thu này kín tiếng tới mức ngay như các con của Thu chắc cũng không biết là bố mình có làm thơ.
Chúng tôi cùng học trường Chu Văn An, Hà Nội, trong lớp còn có Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu). Trong các bạn học ấy của tôi Thu là người có phong thái điềm đạm từ tốn của một nhà Nho (chúng tôi học ban Cổ Ðiển, học nhiều giờ chữ Nho hơn tiếng Anh), cũng có người nói Nghiễm là ông đồ Nho (riêng tôi thì chẳng được ai ban cho tước hiệu như vậy!)…
Khi mới vào Nam, Thu và tôi hay đi với nhau. Công việc đầu tiên tôi làm trong đời là do Thu giới thiệu: dạy kèm chữ Việt cho mấy bà già trầu Bắc kỳ di cư ở Ngã Bảy Sài Gòn. Thu cũng là người cho tôi uống ly cà-phê đầu tiên trong đời (ở quán Gió Nam đường Lý Thái Tổ thì phải). Nhớ có một lần uống cà-phê ở quán Thăng Long (ngã Ba ông Tạ): Uống ly cà-phê phin xong tôi bị say (say cà phê!), Nghiễm và Thu phải dìu tôi băng qua bãi đất trống về nhà. Thu cũng là người kéo tôi đi nghe những buổi hòa nhạc cổ điển Tây phương đầu tiên…
Chúng tôi hay đạp xe đi chơi quanh Sài Gòn. Khi nhớ tới mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền: “… Muốn làm người học trò mười bảy tuổi/ đạp xe trên đường đồng…” là tôi nhớ tới hình ảnh Thu và tôi cùng nhau đạp xe mười mấy cây số trên đường gió lộng từ Sài Gòn xuống Lái Thiêu chơi. Ðời sống thuở ấy sao cứ phơi phới như vậy…
Trước ngày mất độ 2 tuần, Thu tới nhà tôi. Khi ra về Thu khoát rộng tay nói: “Giờ ta chỉ muốn rong chơi thôi!” Tôi không hiểu sâu xa gì nhưng mơ hồ thấy có điều gì không ổn… Rồi nghe tin Thu vào bệnh viện khẩn cấp, Thu mất… Và như thế Thu chưa có được ngày nào hoàn toàn thỏa chí rong chơi…
Thu mất vào Tháng Tám năm 2004, 66 tuổi, kể cũng là thọ. Thu kể với tôi là lúc Thu chín mười tuổi theo mẹ đi lễ Tết ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội), lễ xong ra cổng đền coi số, ông thầy coi số nói số Thu yểu mệnh, sống tới 20 tuổi là cùng. Thu nói: “Từ đó mình luôn nghĩ còn sống ngày nào thì cố sức trả ơn cha mẹ, ơn xã hội…” Tôi rất ngạc nhiên, như người khác nghe mình chết yểu thì sẽ buồn bã tuyệt vọng, nhưng Ngô Mạnh Thu thì không hề.
(Santa Ana, 20 Tháng Giêng 2017)
_________________________________
Sẽ một lần
vẫy tay chào nhau, đi!
Quảng Pháp
Buổi trưa hôm đó, Anh gọi Bích Khuê và rủ cả tôi ra quán Cháo Cá Chợ Cũ, tọa lạc trên đường Westminster cùng ăn trưa. Khi tôi và Khuê vừa đến, Anh đã ngồi chờ sẵn nơi đó chừng mươi phút rồi.
Bích Khuê trong thời gian này đang làm việc cùng với tôi cho một hãng in của người Trung Đông. Mặc dù tôi là “sếp”, trông coi phòng thiết kế có nhiều nhân viên, nhưng hình như công việc ở đó tôi đều nhờ cậy vào Khuê hết cả. Khuê sắp xếp từ trong ra ngoài, còn tôi mỗi buổi sáng khi vào công ty chỉ gặp gỡ mọi người “chiếu lệ”, rồi nhanh chóng trở vào văn phòng riêng, đóng cửa và chuyên chú… làm việc “chùa”.
Thuở ấy, gặp gỡ nhau ở quán Cháo Cá Chợ Cũ, khi chia tay Anh còn gọi vói theo, nhắc Khuê nhớ gởi một ít quà về cho các chị, tức mấy cô con gái của Anh còn kẹt lại bên quê nhà, nhân dịp có sinh nhật của cháu chắt gì đó. Nhưng tôi đâu ngờ buổi trưa hôm ấy là ngày định mệnh, lần cuối tôi gặp Anh, vì rạng sáng hôm sau Khuê gọi rất sớm báo tin, “Bố bị tai biến mạch máu não, hôn mê sâu ở bệnh viện”.
Rồi từ đó Anh đi biệt!
…
Bây giờ trong trí nhớ lờ mờ, ẩn hiện bất chợt trên những khúc sông đời tấp giạt, lở bồi, tôi vẫn nhớ nụ cười tươi tắn và cánh tay vẫy cao lạ thường không như những lần gặp gỡ và chia tay nào trước đó, lúc Anh tiễn tôi và Khuê ra xe, trở về. Nghĩa là, có những cuộc chia tay tưởng chỉ tạm gác lại một cuộc chơi để hẹn hò thêm lần tương phùng tiếp nữa, nhưng lại là cuộc chia tay muôn trùng, xa. Biết đâu!
Sau này, có rất nhiều người kể lại với tôi, khoảng thời gian gần ngày Anh mất, Anh hay “đột kích” đến thăm bằng hữu, anh chị em áo lam nhất là Ái Hữu Gia đình Phật tử Vĩnh Nghiêm. Trong những lần gặp gỡ này, anh hay đề nghị mọi người chụp hình để lưu niệm, một việc làm mà trước đó Anh luôn tránh né. Bạn bè nếu có được những tấm hình của Anh, thì chỉ là chuyện tùy duyên, ngẫu nhỉ.
Ừ, mọi chuyện đều ngẫu nhĩ, như Anh đến và đi trong cuộc đời này cũng chỉ là ngẫu nhỉ, nhưng hành trạng của một kiếp người có ngẫu nghỉ chăng? Khi Anh mang sứ mệnh chuyên chở Phật Chất vào cuộc sống này bằng hiện thân của gã chèo đò thâm trầm xuôi ngược trên Dòng Sông Trăng, mảnh Trăng tròn đầy trí huệ Phật!
Bấy giờ, còn bao người qua bến, mà nhớ kẻ chống sào!
*Trong kế hoạch ấn hành sách vở Phật giáo giá trị, hồi đó Anh có ý định thực hiện Toàn Tập Thích Đức Nhuận, quyển sách đầu tiên anh đang sưu lục, bàn với tôi và định cho thực hiện trước là “Phật học tinh hoa”. Quyển này ở quê nhà lúc ấy Hòa Thượng Đức Nhuận có gởi ra một cuốn, đích thân ghi chú tay những điểm cần sửa chữa, và do anh Đặng Đình Khiết trao lại. Tiếc là chưa làm kịp, Anh đi biền biệt!
_________________________________
Phép “Nhìn Người”
của Anh Ngô Mạnh Thu
Trần Minh Triết
1.
Nghiêm Quý Ngô Lê Bích Khuê gọi, bảo, “chiều nhớ ghé chỗ Bố”.
Trước đó tình cờ gặp các anh trưởng Đặng Đình Khiết, Tuệ Linh và Như Không ở cà phê Gypsy, cũng được các anh nhắc rồi. Nhưng phải cám ơn em Nguyễn Vũ Hoàng Cương, ở tận Việt Nam báo cho mình sớm nhất, Chiều Ngô Mạnh Thu sẽ tổ chức tại thiền viện Sùng Nghiêm, ngày 6 tháng Sáu, 2015.
2.
Chiều nay mình ghé lại với anh chị một chút, với Anh Thu một chút. Nhưng không muốn ở lại lâu. Dường như càng về sau, mình không thích đến những chốn nặng trình diễn, lễ nghi. Anh Thu ngày xưa cũng vậy, giờ khai lễ, diễn ngôn v. v… anh hay kéo mình ra hiên “liều một đám”. Song, không có nghĩa là anh chẳng để tâm đến những việc cần làm.
3.
Chiều nay đứng ở hiên ngoài, nhìn nắng đọng trên đọt lá chuối. Màu xanh xanh nhuốm chút hoe vàng, không gay gắt. Màu nắng cũng bớt gay gắt so với buổi ban trưa.
Mình nghe qua những lời tự sự, tự tình của từng anh chị em có mặt bày tỏ niềm thương nhớ Anh, từng anh chị đều nhìn thấy Anh Thu mỗi nét đẹp riêng, khác. Còn mình nghĩ, anh Thu thì khác hẳn chúng mình, Anh đối với tất cả mọi người trong cùng thể tánh bình đẳng – “Không ma/không phật” – Đó chính là phép Nhìn Người của anh Thu, hay còn gọi là “Bình Đẳng Tâm”, đã làm nên nhân cách TÂM HÒA của Anh vậy!
Mình kính trọng anh Thu, ở chỗ này!
Chiều “Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu”,
6 tháng Sáu, 2015 tại Thiền Viện Sùng Nghiêm
_________________________________
Ngô Mạnh Thu,
Nguyễn Thanh Hùng,
hình bóng
Phạm Quốc Bảo
Ngô Mạnh Thu mất tháng 8 năm 2004, hưởng thọ 67 tuổi; còn Nguyễn Thanh Hùng mất năm 2011, lúc ấy anh khoảng gần 80 gì đó.
Tôi nhớ như vậy, và không tự thúc giục mình phải đứng lên lục lại tài liệu sách vở ra để truy cứu cho đích xác. Bởi thực tâm tôi lúc này thấy không còn cần phải thực hiện những cách thức mà thường ra mấy năm trước tôi vẫn áp dụng. Chính xác hay không thì theo cá nhân tôi thấy hai bạn tôi đều đã sống một cuộc đời đáng sống. Như vậy, đối với tôi là đủ.
Tuy nhiên tôi vẫn nhớ tiếp rằng khi mất họ, tôi đã thương tưởng đến họ ít nhất trong việc ghi lại vài ba bài viết nào đó trong quá khứ rồi… Mà nói cho cùng kỳ lý ra thì tôi có viết gì về họ, cũng đều phát xuất cụ thể từ những gì tôi nhớ về họ vào những thời gian ấy mà thôi.
Riêng cá nhân tôi, năm nay cũng đã 73 tuổi. Cái cảm nhận về chính tôi cũng mang một màu sắc hiu hắt trong tâm tưởng của chính mình… , và tôi chợt thấy hiện ra trong trí nhớ mấy câu thơ mở đầu cho bài “Thăm mả cũ bên đường” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939). Đó là mấy câu có âm điệu ngang cành bứa, vừa tạo cho người đọc chia sẻ một niềm xúc động chua xót nửa vời đến mênh mang mà lại vừa khiến ta bị chi phối bởi một cảm giác bơ vơ buồn man mác. Mấy câu thơ này đã dẫn nhập tôi vào một khung cảnh bùi ngùi thương tiếc một cách đặc biệt của trọn bài thơ diễn ra sau đấy:
“Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà
Đường xa người vắng bóng chiều tà
Một rẫy lau cao làn gió chạy
mấy cây thưa lá sắc vàng pha…
Ngoài xe trơ một nấm đất đỏ
Hang hốc đùn lên đám cỏ gà
Người nằm dưới mả ai ai đó
Biết có quê đây hay vùng xa”…[1]
Sau này tôi được biết là anh Thanh Hùng đã tốt nghiệp kỹ sư công chánh từ thời học ngoài Bắc, “vượt tuyến” vào Nam năm 1957 qua ngã Lào. Còn Ngô Mạnh Thu thì tốt nghiệp ca trưởng và soạn hòa âm ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn; và ngay sau đó anh Thu đã sinh hoạt rộn ràng trong ngành hợp ca, như điều khiển ban hợp ca Liên Hoan Văn Nghệ Tổng Liên Đoàn Học Sinh Việt Nam trình diễn vào 25 Tết (đêm mùng 2 tháng 2 năm 1959), rồi Ban Hợp Ca Duy Linh (1964)… Tết năm 1963 sang 1964, ban hợp ca Đại Học Xá Minh Mạng chính thức xuất hiện trình diễn trên khán đài của Đại Học Xá và trong Hội Tết Làng Văn Khoa Sài Gòn. Giới sinh viên và hàng ngàn khán thính giả thời ấy đã được nghe Thanh Hùng ngâm thơ sang sảng, còn Ngô Mạnh Thu thì điều động và Minh Thánh Tổ bắt nhịp: “Vào rừng hoang, ngắt một cành hoa, hoa non ngàn…”
Cùng năm 64, nhân dịp đại hội giới huynh trưởng Phật Tử, Ngô Mạnh Thu chính thức hướng dẫn ban hợp ca mấy chục ca viên hát Trường Ca Lửa do anh sáng tác và soạn hòa âm, mà theo tôi được biết là nội dung khởi hứng từ sự kiện hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. để đòi tự do và bình đẳng cho sinh hoạt tôn giáo trong xã hội bấy giờ. Rồi suốt mười mấy năm sau đó, nghĩa là tới 30 tháng Tư 1975, anh Ngô Mạnh Thu liên tục sinh hoạt chính thức để trở thành huynh trưởng cấp Tấn của hệ thống Huynh Trưởng Phật Tử; và đồng thời cùng với Nguyễn Đức Quang, anh Thu là một huynh trưởng sáng tác- tổ chức nổi danh của phong trào Du Ca. Bên cạnh đấy, anh Thu còn là một nhạc sĩ có bề dày sáng tác tình ca với các nhạc sĩ sáng tác đồng thời như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An… , tuy nhiên đáng kể nhất là về ba lãnh vực nhạc Phật Giáo, Hùng Sử Ca và nhạc thiếu nhi, cùng với các bậc đàn anh như Lê Thương, Lê Cao Phan…
Trong khi ấy, ngoài tư cách công chức chuyên môn ngành kỹ sư, Thanh Hùng đã là một tên tuổi ngâm thơ nổi tiếng trong ban Tao Đàn do Đinh Hùng chủ xướng xuất hiện thường xuyên hằng tuần trên các đài phát thanh và truyền hình VNCH.
Sau 75, ngòai hải ngoại, ba mươi năm đầu, Thanh Hùng nổi tiếng với nghệ danh Nguyễn Thanh trong sinh hoạt văn hóa hằng năm như tại các Đại Hội Văn Hóa Việt ở Houston, Texas và các lần Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế ở Mỹ thường diễn ra tại New York mà có sự tham dự tích cực của cộng đồng gốc Việt…
Trong nhóm anh em cùng hoạt động văn nghệ hai mươi năm 1954- 1975, Ngô Mạnh Thu cùng gia đình sang Mỹ định cư trễ nhất, dường như tôi nhớ không lầm là cuối năm 1994. Sang đến nơi là Ngô Mạnh Thu bắt tay vào công việc cùng với anh em luôn:
– Anh lập tức hướng dẫn lịch trình hoạt động của Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm, tổ chức liên tục những trại họp bạn và thực hiện liên tiếp mấy đặc san Miền Vĩnh Nghiêm cho riêng nhóm gia đình này: Đặc biệt nhất là phải nhắc đến cuốn tóm tắt như một tài liệu, Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm 2003, và cuốn Kỷ Yếu Vĩnh Nghiêm năm 2000 do anh chủ trương biên soạn.
– Anh phục hoạt phong trào Du Ca đang trên đà rời rạc, kể từ Đêm Du Ca Mùa Xuân năm 1986 tại Hội trường của Orange Coast College, bằng những hình thức sinh hoạt mới, phù hợp với nhu cầu phát triển địa bàn hải ngoại của cộng đồng gốc Việt, như những kỳ trình diễn. cũng như những tập tài liệu in ấn cho phong trào Hát Cộng Đồng, Hùng Sử Ca, Tù Ca, Tỵ Nạn Ca…
– Anh hăng hái tiếp tục sáng tác nhạc đủ loại, từ nhạc Phật, nhạc thiếu nhi, nhạc Du Ca và tình ca… Ngoài ra anh còn cộng tác với các tổ chức văn hóa, gồm phong trào dạy Việt ngữ và viện Việt Học để soạn, ấn hành và thực hiện những tập sách, video và CD nhạc thiếu nhi Việt…
– Riêng một phương tiện vừa để kiếm sống lại vừa phù hợp & phát triển khả năng sẵn có của gia đình anh trong cuộc sống mới tại xứ người, Thu hằng ngày bắt tay vào công việc ngay với đài phát thanh VNCR. Trong công tác này, anh nổi bật nhất là chủ biên những tập Kỷ Yếu VNCR YearBook xuất bản hằng năm và phụ trách thường ngày tiết mục được giới thính giả thương mến trân trọng nhất là chương trình Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương.
– Bên cạnh đấy, anh còn thường xuyên cộng tác với Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA) để thực hiện những tập san sinh hoạt hằng năm của VAALA, chủ trì một số sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật… Trong đấy, đặc biệt nhất là anh làm chủ biên cho tuyển tập nhiếp ảnh của Trần Đại Lộc và tập nhạc của Nguyễn Đức Quang có tên là Dưới Ánh Mặt Trời…
*
Đọc mấy dòng tóm tắt về hành trạng của hai anh vừa nêu trên, chắc quí bạn đã thấy rõ rằng trí nhớ của tôi bây giờ nó nhảy cóc giữa hai anh thì đủ biết là nó đã tồi tàn đến mức nào rồi. Nghĩa là mặc dù các anh ấy đã sống ít nhất cũng được sáu mươi mấy -bẩy mươi mấy năm mà được tôi diễn tả phơn phớt qua, y như là hai anh chỉ phất phơ trong đời sống đã qua rồi mà như hai cái bóng vậy…
Nhưng thật sự tôi phải thú nhận với quí bạn rằng xưa nay tôi vốn chỉ tham gia mà chưa bao giờ để ý ghi nhớ đến những hoạt động đại loại, không những của thân hữu mà ngay của cả chính mình nữa! Xin thứ lỗi cho tôi cái thiếu sót không thể tránh được này.
Điều mà tôi mong được chia xẻ ở đây với quí bạn là những cảm nhận về đời sống mà tôi cùng có mặt với hai người bạn này, cho đến bây giờ chúng vẫn còn sống động trong tâm khảm của tôi:
Cùng làm việc chung trong một cơ sở truyền thông, có những chiều Ngô Mạnh Thu và tôi đi lại vơ vẩn ở mảnh sân phía sau sở làm, miệng ngậm điếu thuốc lá, mắt vẩn vơ nhìn những đám hải âu từng đòan lặng lẽ từ đất liền bay về hướng biển, thỉnh thoảng hai chúng tôi nghe một tiếng gọi đàn lẻ loi vang vọng giữa không trung bao la mây xám… Viết lại bây giờ, tôi nhớ đến mấy câu của Hàn Mặc Tử:
“Trước sân anh đứng đợi
đăm đăm trông nhạn về
mây trời còn phiêu bạt
lang thang trên đồi quê…”[2]
Có những tối, kết thúc việc thu vào băng chương trình dài nửa tiếng để 6 giờ sáng ngày mai cho phát thanh sớm, trên đường về thì Ngô Mạnh Thu vẫn thích tạt qua nhà tôi, thường là đúng lúc vợ chồng tôi đang còn ở bàn ăn, anh ngồi ngoài hiên tối, lặng lẽ đốt điếu thuốc chờ tôi ra; và sau đó thì hai đứa chúng tôi… cũng chỉ nhâm nhi với nhau một bình trà mộc Thái Nguyên, chứ nhiều khi chả có trao đổi với nhau một câu chuyện làm quà nào cả…
Có lần từ Dallas qua chơi, bù khú với nhau ở nhà Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Thanh Hùng hứng khởi “thuyết” về khoa địa lý và miên man khen lao từ Cao Biền đến cụ Tả Ao, rồi lan man đổi đề tài, anh không ngớt lời ca tụng những nhân vật như các bồ tát hiện thân trong lịch sử Việt, từ hoàng thái hậu Dương Vân Nga (952- 1000) đến công chúa Huyền Trân (1287- 1340), công chúa Ngọc Vạn (năm 1620 được gả cho vua Chân Lạp, tạo mối giao hảo giữa triều chúa Nguyễn trong Nam với xứ này), anh lại bắt quàng sang những nhân vật huyền thoại của Đạo Mẫu như bà chúa Thượng Ngàn, bà chúa Liễu Hạnh, Bà Đen, và cả nhân vật trong truyện cổ tích Tấm-Cám là Cô Tấm. Anh kể dài dòng một cách thán phục cái đoạn kết mà sau này người ta chú ý thêm thắt vào nội dung nguyên thủy một cách bôi bác là cho cô Tấm trả thù bà dì ghẻ lẫn cô Cám (tôi thấy kỳ nên không muốn nhắc nguyên văn ở đây). Đến “nước” này thì Ngô Mạnh Thu không thể “nhịn” được nữa rồi, anh chỉ “phán” một câu cụt ngủn: “Bồ Tát đọa!” Cho đến khi quá khuya, tôi đứng dậy từ giã ra về thì anh Thu mới nhẹ nhàng nói với Thanh Hùng mà cũng để cho tôi nghe được luôn: “Anh đừng để cho tình thế cô độc hiện giờ ở bên chỗ trú ngụ của anh nó lấn áp tâm tư anh một cách tai hại tới độ anh đã thả lỏng sức tưởng tượng của mình bành trướng quá đáng, làm sai lệch đi cái chất lãng mạn là vốn liếng sẵn có của anh từ xưa đến nay ”…
Đề cập tới chất lãng mạn này, tôi lại liên tưởng đến một sự kiện là trưa ngày thứ ba, mùng 10 tháng 8 năm 1999, nghe tin chị Thái Hằng ốm nặng và mới được bệnh viện cho về săn sóc ở nhà (nơi mà chính anh Phạm Duy đã từng ghi là Thị Trấn Giữa Đàng, Midway city), và cũng nhân dịp Nguyễn Thanh Hùng vừa từ Dallas sang chơi, Đỗ Ngọc Yến rủ cùng với tôi và thuận tiện có thêm Lý Kiến Trúc tháp tùng theo nữa, đến thăm. Anh Phạm Duy hứơng dẫn chúng tôi vào tận giường chị đang nằm ở phòng trong. Bất ngờ một lúc gặp được mấy đứa em văn nghệ thân tình, chị Thái Hằng tươi tắn hẳn lên, tiếp chuyện khá rôm rả. Cầm tay chị, Thanh Hùng vô cùng “điệu nghệ” nhắc lại sự kiện anh sinh viên cầm đầu cuộc biểu tình đòi độc lập hồi tháng Tám 1945 tại Hà Nội và bị bắn chết (Tôi chỉ nhớ, nghe nói anh sinh viên này vốn là “bạn” thuở ấy của chị Thái Hằng); rồi Thanh Hùng ngâm luôn một đoạn bài Phạm Thái- Quỳnh Như (thơ của Nguyễn Đình Toàn), giọng anh vừa trong trẻo vừa thủ thỉ tâm tình, đã khiến ánh mắt chị Thái Hằng long lanh…
Ngay sau đấy, mặc dù chị vẫn cứ cố níu lại, nhưng chúng tôi đã phải nghe theo lời anh Phạm Duy ra hết ngòai phòng khách ngồi uống trà… Chưa bao giờ chúng tôi thấy anh Phạm Duy cảm động đến như lúc ấy. “- Cảm ơn các em…”, giọng anh mềm nhũn…
*
Nhưng có hai sự kiện mà tôi thấy cần nhắc lại ở đây:
– Trường Ca LỬA vốn là một sáng tác dài hơi và đắc ý nhất của Ngô Mạnh Thu mà cho đến nay, trên nửa thế kỷ rồi, tác phẩm này “biến mất” vào hư không, giống như nó không hề xuất hiện, kể cả bản thảo tập nhạc lẫn những ký âm-ký hình!
– Thêm nữa, suốt gần 10 năm, theo như những thúc giục của thân hữu, Ngô Mạnh Thu đã nhận trọng trách thu hình lẫn âm thanh cho một chương trình tiêu biểu cho sự nghiệp văn nghệ của Nguyễn Thanh Hùng. Thế mà biết bao lần từ Dallas sang Nam Cali chơi, đôi khi cả vài tháng trời, Thu chỉ “bắt xác” Hùng được dăm chục phút thu âm lẻ tẻ thôi, chứ còn bao nhiêu thời gian Thanh Hùng bị mắc bận “ta bà thế giới”, la cà bù khú với bạn bè thân sơ hết trọi!
Đến khi họ qua đời, những gì đóng góp đáng kể nhất ở cuộc đời của họ, theo cái nhìn của một người đang sống thì đều không được cụ thể ghi lại một chút gì cả! Đây có lẽ là một thiếu sót đáng tiếc… Tuy nhiên, cũng để tự an ủi, và với mức hiểu biết của tôi hiện giờ về yếu chỉ của Thiền, thì hai người bạn của tôi, anh Ngô Mạnh Thu và anh Nguyễn Thanh Hùng, tôi lại thấy họ đã sống thanh thản như đã “thõng tay vào chợ” suốt cả cuộc đời của họ.
Cuối cùng, xin các bạn đọc lại bài thơ tôi đã viết lúc tiễn anh Thu, nhưng trong bối cảnh như tôi vừa diễn đạt ở trên, tôi nhớ đến cả hai anh và gửi lời theo họ, Ngô Mạnh Thu & Nguyễn Thanh Hùng:
Gửi theo Ngô Mạnh Thu
Tối thứ Năm, Aug. 19- 2004.
Ru anh anh ngủ cho yên
từ nay tôi chẳng êm đềm như xưa
hơi thuốc rồi sẽ thẫn thờ
với nhiều chì chiết hững hờ ở quanh
Còn đâu ấm áp từ anh
cho tôi mơ ước biến thành mênh mông
Ru anh anh cứ mộng thường
để đời thấy rõ mà thương việc lành
ở đây người chỉ lanh tranh
những yêu cùng ghét riêng mình cá nhân
Ru anh anh vẫn cầu thân
cùng cây cỏ tới vô ngần nhân gian
cho người ở lại tỉnh dần
khỏi cơn ảo mộng lần khân tự mình
Ru anh anh lại làm thinh
cho tôi sống nhẹ nhõm tình anh em
mai sau dù có lèm bèm
thì ta đánh giấc chẳng thèm xác đây
Ru tôi sống chết mặc thây
dốc lòng phục vụ cho đầy nghiệp thân
thõng tay giữa chợ bẽ bàng
rồi ra số kiếp bàng hòang ấy thôi
Ru anh mà cũng ru tôi
trước sau mấy nhẽ nhắc người trầm luân…
Đốt lên điếu thuốc, ngại ngần…
(Viết lại lần thứ ba vào 16h 31; Thứ Tư, May 13 /2015.
Trích Kỷ Yếu GĐPT Vĩnh Nghiêm 2015
_______________________________
[1] Thăm mả cũ bên đường
Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà
Đường xa người vắng bóng chiều tà
Một rẫy lau cao làn gió chạy
Mấy cây thưa lá sắc vàng pha
Ngoài xe chơ một nấm đất đỏ
Hang hốc đùn lên đám cỏ gà
Người nằm dưới mả ai ai đó?
Biết có quê đây hay vùng xa
Hay là thủơ trước kẻ cung đao?
Hám đạn, liều tên, quyết mũi dao
Cửa nhà xa cách, vợ con khuất
Da ngựa gói bỏ lâu ngày cao
Hay là thủơ trước kẻ văn chương?
Chen hội công danh nhỡ lạc đường
Tài cao, phận thấp, chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương
Hay là thủa trước khách hồng nhan?
Sắc sảo khôn ngoan giời đất ghen
Phong trần xui gặp bước lưu lạc
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn
Hay là thủa trước khách phong lưu?
Vợ con đàn hạc đề huề theo
Quan san xa lạ đường lối khó
Ma thiêng nước độc phong sương nhiều
Hay là thủa trước bậc tài danh?
Đôi đôi lứa lứa cũng linh tinh
Giận duyên tủi phận hờn ân ái
Đất khách nhờ chôn một khối tình!
Suối vàng sâu thẳm biết là ai
Mả cũ không ai kẻ đoái hoài!
Trải bao ngày tháng trơ trơ đó
Mưa dầu nắng giãi giăng mờ soi
Ấy thực quê hương con người ta
Dặn bảo trên đường những khách qua:
Có tiếng khóc oe thời có thế
Trăm năm ai lại biết ai mà!
(Nguồn: Tản Đà, Khối tình con-Quyển thứ nhất, Tản Đà thư cục in lần thứ hai, 1918)
[2] Tình quê
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê.
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước quên trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu mang mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề.
* Hàn Mặc Tử. (1912- 1940)
_________________________________
Lời nói cuối
của Ngô Lê Trọng Tú
với bố Ngô Mạnh Thu
Ngô Lê Trọng Tú
Kính bạch chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức Tăng Ni;
Kính thưa quý vị đại diện các cơ quan truyền thông, đoàn thể cộng đồng;
Kính thưa quý bác, cô, chú thân hữu của bố chúng tôi và các bạn hữu của gia đình,
Xin cho phép chúng tôi được nói chuyện với bố của chúng tôi như khi bố còn sống lần cuối.
Bố,
Cả tuần nay, con được nghe thật nhiều về bố. Những thước phim tâm thức về một huynh trưởng Gia Ðình Phật Tử; một trưởng Du Ca; một người của nghệ thuật, văn hóa, âm nhạc, xã hội; một người có khả năng tiếp nhận mọi điều với một nụ cười v. v… Một người rất hòa ái với tất cả mọi người.
Khi con ở tuổi thiếu niên, những câu chuyện cổ tích có tính cách ngụ ngôn qua những lá thư bố gửi từ trong nước. Bố đã chỉ dạy những đức tính “bao dung (hay từ bi) tha thứ (hay hỷ xả) với mọi người và nghiêm khắc với chính mình (hay thanh tịnh để tinh tấn) phải là châm ngôn cho con đường sống của mình để vươn lên ngày càng tốt đẹp hơn. Ðó là những đức tính cầm thiết cho một người có tâm chí và có tâm hồn”.
Những bài học về tinh thần và vật chất chỉ là phương tiện. Cứu cánh của mỗi người chính là con người với trọn vẹn tình người của nó. Chính điều này khiến con người trở thành động vật cao quý.
Những điều bố tin tưởng tuyệt đối về tình thương không nhất thiết chỉ có trong ruột thịt mà còn có cả trong cộng đồng xã hội nữa là những điều bố luôn luôn nhắc nhở chúng con.
Và, còn rất nhiều điều nữa… mà nhiều quá, trong một tuần lễ, từ lúc bố nằm xuống đến ngày cuối tang lễ của bố, con và các em mới thấy ra hình ảnh khá đầy đủ về bố qua những tâm tình, những câu chuyện của các bác, các chú, cô và bạn hữu của bố đã kể lại trong mấy ngày hôm nay. Nhiều quá làm sao chúng con nhớ hết hả bố. Nhưng có một điều chúng con học được trong mấy ngày ngắn ngủi này là sống một cuộc sống có giá trị và hết lòng với những giá trị đó và tận tụy với mọi người chung quanh.
Thưa bố,
Chúng con hiểu bài học đó không dễ để thực hành, nhưng chúng con sẽ hết sức. Chúng con xin hứa trước vong linh của bố trước giờ chúng con không còn bao giờ trông thấy bố bằng xương thịt của tấm thân tứ đại. Nhưng bố sẽ ở mãi bên chúng con, chúng con biết chắc như thế. Mấy ngày hôm nay mẹ mệt nhiều, bố yên tâm, chúng con sẽ hết lòng yêu thương nhau và hết lòng chăm sóc cho mẹ.
12 Tháng Chín tới này sinh nhật bố, con xin đọc một bài thơ góp vào hành trang TÌNH NGƯỜI mà suốt mấy ngày nay quý Thầy, Gia Ðình Phật Tử các miền, các bác, cô, chú đã sửa soạn cho chuyến viễn du này của bố.
MỘT BUỔI TẬP ÐÀN NHỚ BỐ
ghi-ta chập chững ngòn đàn,
măng-đô phím nhịp rung ngàn nốt không.
xưa con dạo khúc vỡ lòng,
cạnh đàn Bố đệm tơ đồng quyện vương.
hợp hòa phụ tử thân thương,
đêm đêm vang tấu con nương Bố dìu.
bên ngoài cây đứng chắt chiu,
từng cơn gió thổi bên chiều buông lơi
đêm nay đàn tiếng chơi vơi,
măng-đô vắng nhịp, phách rơi, nhạc tàn.
Kính bạch quý thầy tôn quý,
Kính thưa quý vị đại diện các đoàn thể, các cơ quan truyền thông, quý bác, cô, chú, và các bác, cô, chú trong tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam và Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, các bạn hữu của gia đình,
Chúng tôi thay mặt mẹ và toàn thể gia đình thành tâm biết ơn và xin ghi khắc ân nghĩa này.
_________________________________
ĐÃ PHÁT HÀNH
HOA ĐÀM SỐ 1 – THÁNG 3, 2015
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
Đường hướng giáo dục
trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ
HOA ĐÀM SỐ 2, – THÁNG 6, 2015
TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO
HOA ĐÀM SỐ 3 – THÁNG 6, 2016
PHẬT GIÁO ẤN DỤNG VÀ MÔI SINH
HOA ÐÀM SỐ 4, THÁNG 2, 2017
DẪN VÀO THẾ GIỚI VĂN HỌC PHẬT GIÁO
HOA ĐÀM SỐ 5, THÁNG 8, 2018
ĐẠO PHẬT VỚI DÂN TỘC
_________________________________
2 thoughts on “Hoa Đàm: Ngô Mạnh Thu, Người Lái Đò Trên Dòng Sông Trăng”