
(TVPV) Lời thưa: Tài liệu Phật pháp (còn gọi là Phật pháp bốn cấp) được quý Thầy Thích Minh Châu (1918-2012), Thích Thiên Ân (1925-1980), Thích Đức Tâm (1928-1988), Thích Chơn Trí cùng phối hợp soạn thảo cho việc tu học của Đoàn sinh Ngành Thiếu Gia đình Phật tử vào năm 1950. Quý Thầy cũng là Ban Cố vấn Giáo lý Gia đình Phật hóa phổ Trung phần vào năm 1947, sau khi Ban Hướng Dẫn được thành lập. Với mục đích giới thiệu Đạo Phật cho Thanh Thiếu Nhi, tài liệu được phân thành bốn bậc Hướng thiện, Sơ thiện, Trung thiện và Chánh thiện, nội dung gồm các mục về giáo lý, lịch sử, pháp hành, nghi lễ, mẫu chuyện đạo, tiền thân,… Đây chính là nền tảng căn bản cho các Đoàn sinh Ngành Thiếu trong quá trình tu học và sinh hoạt của các em. Nghĩ rằng tài liệu này đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với việc tu học Phật của người Phật tử. BBT Thư viện Phật Việt thực hiện đánh máy tập tài liệu được Ban Hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử Việt Nam xuất bản năm 1973 và tuần tự đăng vào chuyên mục của Gia đình Phật tử.
LỜI GIỚI THIỆU
Mục đích Gia đình Phật tử của Tổng vụ Thanh niên Phật giáo là đem Phật pháp giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên, hy vọng các em trở thành những người Phật tử, những người hữu ích.
Chương trình Phật pháp ấy đã soạn xong, do các vị Giáo hạnh trong các cấp Hướng dẫn và các Gia đình, biên tập với những kinh nghiệm đã thâu hoạch. Chương trình Phật pháp này Ban hướng dẫn Trung Ương Gia đình Phật tử đã duyệt y. Tuy vậy, chương trình này chưa phải đã đầy đủ về mọi mặt, vì trong sự hướng dẫn Gia đình Phật tử, bao giờ chúng ta cũng phải chú trọng đến sự kinh nghiệm, và chúng ta hy vọng hướng dẫn các em vượt lên trên chương trình này nữa.
Phật pháp rất cần cho tuổi trẻ. Người mù mắt thì ánh sáng có thể không cần cho họ, nhưng ánh sáng thật cần thiết cho người có mắt. Tuổi trẻ không có lý tưởng thì thôi, chứ có lý tưởng thì tuyệt đổi cần phải có Phật pháp hướng dẫn, vì chẳng có lý tưởng nào được gọi là một lý tưởng đẹp mà không tôn trọng sự an lạc của người (Bi) không nhận định lẽ phải (Trí), và không dũng cảm làm theo lẽ phải ấy (Dũng).
Đó là lý thuyết ấy. Lý thuyết áp dụng vào thực tế, kinh nghiệm cho chúng ta thấy, dù trong một điểm nhỏ hẹp, cũng chỉ có Phật pháp mới giáo dục cho trẻ em bớt niềm bỉ thử, biết thương mến nhau, sống vui hòa với nhau như cùng chung một Gia đình.
Chương trình Phật pháp này ấn hành, các em Gia đình Phật tử sẽ được huấn luyện hoặc tự huấn luyện lấy, để dần dần hoàn thành ba đức tánh: Bi, Trí, Dũng của một Phật tử.
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GIA ĐÌNH PHI TỬ VIỆT NAM
HT Thích Chơn Trí, trú trì chùa Phước Điền, Huế ký tặng sách Phật pháp cho các Huynh trưởng GĐPT.
LỜI NÓI ĐẦU
Tập Phật Pháp này ra đời có một chủ đích: «giới thiệu đạo Phật cho Thanh Thiếu Nhi». Chương trình gồm các mục lịch sử, giáo lý, pháp hạnh, nghi lễ, mẫu chuyện đạo, chuyện tiền thân, kinh điển… soạn tuần tự theo bốn cấp bậc Hướng Thiện, Sơ Thiện, Trung Thiện, Chánh Thiện cho Thiếu Niên, Thiếu Nữ với sức học tương đương từ đệ thất lên đến chuyên khoa. Một tập thứ II soạn sau, dành riêng cho Nam Nữ Phật tử sẽ bổ túc cho tập này.
Người dạy đạo Phật cho tuổi trẻ cần để ý:
1.– Bậc Hướng Thiện, Sơ Thiện, bài dạy dễ hơn, vì các em mới ở Đồng Niên, Đồng Nữ lên, hoặc mới vào bậc Trung Thiện, Chánh Thiện có khó hơn vì các em đã ở hai năm trong Đoàn, và để sửa soạn cho các em học chương trình Nam Nữ Phật tử.
2.– Tùy theo trình độ các em, có thể soạn lược các bài (nếu các em còn nhỏ và trình độ học kém); hay bổ túc thêm với tài liệu ở ngoài (nếu các em lớn tuổi hay sức học khá).
3.– Các bài làm thiên về đại cương. Người dạy cần tìm tài liệu ở ngoài để giảng giải thêm. Trong khi dạy, cần diễn giảng rõ hơn, tìm những ví dụ ở ngoài lấy trong hoàn cảnh các em hiện sống, tìm những đoạn kinh, những mẫu chuyện có quan hệ đến bài giảng, và tìm cách ứng dụng bài giảng trong đời sống hằng ngày của các em.
Cả tập Phật pháp này chỉ là những dòng chữ đen trắng phối hiệp lại. Nghệ thuật của người dạy là làm thế nào cho những dòng chữ đen trắng này biến thành những sức mạnh khiến các em sống đúng theo năm hạnh TINH TẤN, HỶ XẢ, THANH TỊNH, TRÍ HUỆ và TỪ BI, lợi ích cho các em, cho mọi người. Đó là sở nguyện chơn thành và tha thiết của ban biên tập.
BAN BIÊN TẬP
NỘI DUNG SÁCH