
Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT Toàn Quốc năm 1961, tại Giảng Đường Chánh Trí, chùa Xá Lợi Sài Gòn
5. Thời kỳ thống nhất Gia Ðình Phật Tử Việt Nam:
Ðến năm 1961, dưới sự chỉ đạo của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Ủy viên Thanh Niên Phật Tử thuộc Tổng Hội Phật Giáo Việt nam, đại hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử toàn quốc lần thứ 4, đã được triệu tập tại chùa Xá Lợi – Trụ sở Tổng Hội Phật Giáo Việt nam – vào các ngày 26, 27, 28-12-1961 với khoảng 200 Ðại biểu tham dự, đã biểu quyết một Bản Nội Quy Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, hợp nhất Gia Ðình Phật Tử thuộc Ban Hướng Dẫn 4 tập đoàn Phật Giáo (Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Trung Việt, Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Nam Việt, Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Hội Việt Nam Phật Giáo, Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam), đặt dưới sự điều khiển của Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam và đã bầu Ban thường Vụ gồm có:
– Trưởng Ban : Thượng Tọa Thích Thiện Hoa
– Phó Ban ngành Nam : Anh Tống Hồ Cầm
– Phó Ban ngành Nữ : Chị Hoàng Thị Kim Cúc
– Tổng Thư Ký : Anh Trần Quang Thuận
– Phó Tổng Thư Ký : Anh Cao Chánh Hựu
– Thủ quỹ : Bác Nguyễn Ðức Lợi
– và các Ủy viên khác.
Đại hội này nhằm 2 mục đích quan trọng:
Một là thống nhất các Gia Đình Phật Tử thành một mối điều khiển thống nhất. Hai là phát triển tổ chức ra các nước thành viên của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (the World Fellowship of Buddhists), được thành lập năm 1950 tại Colombo, Tích Lan mà Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam là thành viên sáng lập Hội này. Chính vì mục đích đưa GĐPT ra thế giới Phật giáo, nên Gia Đình Phật Tử Việt Nam mới chọn anh Trần Quang Thuận làm Tổng Thư Ký. Anh Thuận nguyên là Đại Đức Thích Trí Không, đệ tử của ngài Đôn Hậu trụ trì chùa Linh Mụ, anh từng du học ở Tích Lan, rồi Anh Quốc mới hồi hương.
Thật sự ra, Ban Hướng Dẫn này chưa làm được điều gì cả thì Pháp nạn 1963 xảy ra, cuối năm 1963, tại chùa Xá Lợi 11 tập đoàn Phật giáo đã thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chia miền Nam thành 7 miền Phật Giáo, trong đó có miền Vĩnh Nghiêm, nên có Gia Ðình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm.
Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964, có 11 chương 32 điều, được 11 vị Trưởng Phái Đoàn các Giáo Phái, Hội đoàn duyệt nhận ký tên…
ĐIỀU THỨ 16.- Để đôn đốc và kiểm tra Phật sự tại các Tỉnh, Viện Hóa Đạo bổ nhiệm 7 vị Đại diện tại 7 Miền, lấy pháp hiệu của 7 vị cao tăng Việt Nam sau đây:
– VẠN HẠNH (Bắc Trung nguyên Trung phần)
– LIỄU QUÁN (Nam Trung nguyên Trung phần)
– KHUÔN VIỆT (Cao nguyên Trung phần)
– KHÁNH HÒA (Miền Đông Nam phần)
– HUỆ QUANG (Miền Tây Nam phần)
– VĨNH NGHIÊM (Phật tử miền Bắc)
– QUẢNG ĐỨC (Thủ đô Sài Gòn, trực thuộc Viện Hóa Đạo).
Về sau Hiến Chương GHPGVNTN thay đổi chia miềm Huệ Quang thành 2 miền:
– KHÁNH ANH (Hậu Giang Nam Phần).
– HUỆ QUANG (Tiền Giang Nam Phần).
Ðại Hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử lần thứ 5, do Tổng Vụ Thanh Niên tổ chức tại trường Nữ Trung Học Gia Long Sài Gòn từ ngày 26 đến ngày 28-4-1964, tham dự có 200 đại biểu của 42 tỉnh miền Nam Việt Nam và Phái đoàn Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Bắc Việt tại Miền Nam.
Ðại hội đã chia ra thành nhiều tiểu ban, họp bàn các vấn đề quan trọng, nhất là thông qua Bản Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng, đặt nền móng vững chắc cho sự thống nhất tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam từ đó.
Ðại hội đã bầu ra một Ban Hướng Dẫn Trung Ương, nhiệm kỳ 1964-1967 như sau:
Ban Chấp Hành:
Trưởng Ban: Võ Đình Cường
– Phó Trưởng Ban đặc trách ngành Nam: Tống Hồ Cầm
– Phó Trưởng Ban đặc trách ngành Nữ: Hoàng Thị Kim Cúc Tổng Thư Ký: Cao Chánh Hựu
– Phó Tổng Thư Ký: Đoàn Văn Lộc, Nguyễn Xuân Quyền Thủ Quỹ: Nguyễn Thị Bắc.
Các Ủy viên:
– Nội vụ và Điều hành: Nguyễn Văn Thục. Nghiên huấn: Phan Văn Gái
– Tổ chức và Kiểm soát: Nguyễn Khắc Từ Văn nghệ: Lê Cao Phan
– Hoạt động Thanh niên và Xã hội: Đoàn Văn Thiệp
– Doanh tế: Lê Văn Lộc
– Tu thư: Nguyễn Minh Hiền
– Nam Phật tử: Nguyễn Hữu Thạnh
– Nữ Phật tử : Đoàn Thị Kim Cúc sau do Hoàng Thị Kim Cúc kiêm(1)
– Thiếu Nam: Tôn Thất Liệu sau thay thế Phú Toàn Cương (2) Thiếu Nữ: Phạm Thị Xuân Viên
– Nam Oanh Vũ: Bùi Công Phương Nữ Oanh Vũ: Trần Thị Tuệ Tâm
– Các Đại Diện Miền: Vạn Hạnh: Lương Hoàng Chuẩn
Liễu Quán: Trần Ngọc Giao Khuôn Việt: Nguyễn Châu Khánh Hòa: Mã Thành Cưng
Huệ Quang: Nguyễn Thanh Quang Vĩnh Nghiêm: Nguyễn Đức Lợi
Quảng Đức: Thuộc Ban Hướng Dẫn Trung Ương
(1) Do chị Đoàn Thị Kim Cúc và Hoàng Thị Kim Cúc có chút mâu thuẫn nên chị Đoàn Thị Kim Cúc từ chức. Chị Hoàng Thị Kim Cúc muốn chị Đoàn Thị Kim Cúc rời các chức vụ ở Miền Vĩnh Nghiêm, để dờn tâm trí chỉ hoạt động cho Ban Hướng Dẫn Trung Ương mà thôi, nhưng chị Đoàn Thị Kim Cúc không muốn rời khỏi nơi chị đã gắn bó sinh hoạt đời Trưởng. Do đó chị Đoàn Thị Kim Cúc từ chức Ủy viên Nữ Phật Tử trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương, nên chị Hoàng Thị Kim Cúc, Phó Trưởng Ban phải kiêm nhiệm.
(2) Do GHPGVNTN phân chia Ấn Quang và VN Quốc Tự, nên Ban Đại Diện Miền và Ban Hướng Dẫn GĐPT Vĩnh Nghiêm tự ngưng sinh hoạt vào lúc đó cho đến năm 1973 trước Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ VIII năm 1973 tại Đà Nẵng Ban Đại Diện và BHD GĐPT Vĩnh Nghiêm mới tái hoạt động lại theo yêu cầu của anh Võ Đình Cường. Do đó Tôn Thất Liệu đương nhiên không hoạt động trong BHDTW.
Ban Hướng Dẫn này đã mở những trại Huấn luyện Huynh Trưởng A Dục, Huyền Trang, Vạn Hạnh. Ấn hành những tài liệu lập quy về hành chánh, những sách về tổ chức như Sứ Mệnh Người Áo Lam của Lữ Hồ, Gia Trưởng của Nguyễn Khắc Từ…
Ngay sau Đại Hội 1964, Trại Huấn luyện Huynh Trưởng A Dục đầu tiên được mở ra tại Sài Gòn thuộc Miền Quảng Đức, Trại dành riêng cho ngành Nữ mở ra từ ngày 11 đến 18-7-1964 tại chùa Phước Hải, do Sư cô Tịnh Nguyện trụ trì và Sư cô cùng một số Sư cô khác tham dự Trại này. Trại do chị Hoàng Thị Kim Cúc làm Trại Trưởng.
Ban Hướng Dẫn Trung Ương nhiệm kỳ này với những Huynh Trưởng tuổi trung bình ở Tam Thập Nhi Lập, Ban Hướng Dẫn này đã thực hiện từng bước vững chắc, quy củ cho tổ chức. Ðã mở ra một thời kỳ rực rỡ trong lịch sử Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
[ Kỳ tới: Thời kỳ khó khăn trong nước và phát triển ở nước ngoài ]