
Huynh Trưởng Đồng Thái Phạm Văn Thông (giữa, hàng đầu tiên) | Ảnh: Fb Vạn Hạnh I
Trong thời gian vừa qua trên thế giới xảy ra nhiều sự kiện làm nhiều người quan tâm. Khủng bố, bom súng nổ ở khắp nơi như vụ đánh bom ở Oklahoma City, vụ khủng bố bằng hơi độc Sarin ở Nhật, những vụ giết chóc tàn bạo giữa các sắc tộc khác nhau ở Tích Lan và ở Bosnia-Herzegovina. Lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Jong-un đe doạ sẽ dùng bom nguyên tử để trả đũa những nước nào đụng chạm đến quyền lợi của họ.
Tại sao có những vụ bạo hành như trên xảy ra? Những sự kiện trên có liên quan gì đến nền văn minh thời đại không? Trên hai trăm năm trước thế giới cũng có chiến tranh, có chém giết, có khủng bố, nhưng mức độ tàn khốc không rộng lớn và ảnh hưởng không sâu rộng như bây giờ.
Nếu không có những phương tiện hiện đại như súng ống tối tân, phương tiện giao thông tân tiến, phương tiện truyền thông tiện dụng, nhanh như điện thoại, internet,… thì liệu những nhóm khủng bố có dễ dàng gây ra các cuộc bạo động, hoặc đưa ra những lời đe dọa như nói trên không?
Các phương tiện dùng vào chiến tranh, khủng bố, lúc đầu được làm ra với mục đích phục vụ con người, nhưng vì lòng tham, vì sự sân hận, si mê, con người muốn được, muốn có, muốn chiếm đoạt riêng cho mình, gom góp tài sản khổng lồ, cộng thêm nếu lại nắm trong tay quyền lực chánh trị nữa thì hậu quả của lòng tham kia càng khủng khiếp.
Phật giáo giúp được gì để giải quyết những hậu quả tiêu cực của nền văn minh thời đại?
1- Những đặc điểm
của nền văn minh thời đại
Tiến bộ của Khoa học
Kể từ 200 năm trở lại đây khoa học, kỹ thuật đã có những tiến bộ vượt bực ngoài sự tưởng tượng của con người. Sự tiến bộ trong công nghệ và công nghiệp, những khám phá tân kỳ trong khoa học tự nhiên đã tạo nên những bước ngoặt trong lịch sử tiến hoá của nhân loại. Kinh tế nhờ đó phát triển, khả năng sản xuất gia tăng, tiện nghi vật chất được thêm nhiều, cuộc sống vật chất của con người nhờ đó được nâng cao. Những lãnh vực khác như khoa học nhân văn cũng có những thành tựu đáng trân trọng về học thuật và nghệ thuật. Những tiến bộ này đã làm thay đổi bộ mặt xã hội, giúp con người sống thoải mái hơn, giải trừ được nhiều hủ tục, nhiều vấn đề mê tín dị đoan cho xã hội, chế ngự được nhiều tai ương, khắc phục được nhiều đói rét, bệnh tật.
Một số những thành tựu của nền văn minh thời đại
Trong chưa đầy hai thế kỷ, sự gia tăng của năng xuất nông nghiệp đã nuôi nổi số nhân khẩu gấp 5 lần. Từ năm 1850 đến nay, chủ yếu tại các nước đang phát triển, dân số đã tăng từ 1,15 tỷ lên đến 5,7 tỷ. Tại Đức, năm 1950, mỗi nông dân có thể nuôi được 8 người và năm 1989 có thể nuôi đến 58 người. Nhóm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIAR (Consultative Group on International Agricultural Research) vừa tạo được giống lúa có năng xuất cao hơn 25% so với các giống lúa hiện đại.
Trong lãnh vực y học, nhờ sự cải thiện tốt các phương pháp trị liệu và vệ sinh, những bệnh nan y, bệnh dịch giết người hàng loạt như dịch tả, dịch hạch, đậu mùa, ho lao, … đã bị đẩy lui. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh đã giảm từ 30% vào năm 1870, xuống còn 6% vào năm 1960 và hiện nay, tại nhiều nơi, còn thấp hơn 4%.
Trong lãnh vực công nghiệp, vô số mặt hàng đã cung cấp những tiện nghi vật chất như ti vi, tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ,… Ngoài ra, mạng lưới đường xá giao thông hiện đại với tốc độ cao đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giúp con người đến tận mọi địa điểm trên quả đất.
Công nghiệp phát triển kéo theo sự đô thị hoá. Thành phố mọc lên như nấm. Năm 1800, thế giới chỉ có 21 thành phố lớn, không thành phố nào có được 1 triệu người. Một trăm năm sau con số này tăng gấp 15 lần và đã có 22 thành phố tập trung hàng triệu người. Năm 1950 thế giới có 946 chùm đô thị với hơn 422 triệu người ở, năm 1980 tăng lên 1886 với hơn 1,1 tỷ dân cư. Thành quả của những tiến bộ đã tạo niềm tin vào sự phát triển của nền văn minh thời đại.
Nhưng đó chỉ là mặt tích cực. Nếu xét kỹ chúng ta sẽ thấy ngoài cái bề ngoài với nhiều thành quả khả quan, nền văn minh thời đại còn có những hệ quả tai hại không lường được.
Những hệ quả tiêu cực
Tiện nghi vật chất dồi dào tuy đã đem lại cho con người cuộc sống vật chất được nâng cao, nhưng con người vốn ích kỷ, hầu như mọi hành động đều do tham dục thúc đẩy, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư, muốn có nhiều hơn, khi đã có nhiều, lòng tham càng lớn, ngã mạn càng cao, nếu không được thoả mãn sẽ đưa đến sân hận và dùng chiến tranh để giải quyết. Để bảo vệ cái tôi, cái của tôi, con người đã đấu tranh, giành giựt một cách điên cuồng, phá tan sự hoà điệu mà cuộc sống đáng ra đã được có. Do đó nó cũng đưa đến những hệ quả tai hại như là ô nhiễm môi trường, các cuộc chiến tranh tàn khốc, các phong trào cải tạo xã hội, các cuộc khủng bố gieo rắc sợ hãi, chết chóc cho con người. Chiến tranh đã xảy ra dưới mọi hình thức: Chiến tranh thế giới, Chiến tranh cục bộ, Chiến tranh nguyên tử, vũ khí hoá học, bạo động, khủng bố, bạo lực chính trị, bạo lực quân sự.
Mức tai hại của các cuộc chiến tranh, các cuộc bạo động đã đưa đến các kết quả đáng ghê sợ. Thế chiến thứ 2, bắt đầu từ cuộc xâm lăng Ba Lan năm 1939 của Đức Quốc Xã cho đến khi trái bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Nagasaki ngày 9 tháng 8 năm 1945 đã có tới 51 triệu người chết, trong số đó có tới 34 triệu người là thường dân vô tội. Từ thế chiến thứ 2 chấm dứt đến năm 1990, đã xảy ra 127 trận chiến tranh vừa lớn vừa nhỏ làm cho khoảng 30 triệu người phải thiệt mạng. Chiến tranh còn kéo theo các hậu quả tai hại khác như bệnh tật, suy dinh dưỡng ở các quốc gia nghèo.
Do kết quả của tiến bộ kỹ thuật, tình trạng vệ sinh được cải thiện, đời sống con người được nâng cao nên đà gia tăng dân số càng mạnh, tạo nên nạn nhân mãn, đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ai cũng biết khi dân số gia tăng thì nhu cầu về lương thực, nhà ở, trường học, bệnh xá, v.v. cũng tăng theo. Để thoả mãn cho nhu cầu tăng trưởng này, thiên nhiên càng bị khai thác triệt để, môi trường càng thêm bị ô nhiễm. Nhân số tăng nhưng diện tích canh tác không tăng, đưa đến rừng cây bị đốn. Rừng mất đưa đến nạn lụt. Đất bị xói mòn, màu mỡ cạn kiệt, khiến cho đất ngày càng thoái hoá, biến thành sa mạc. Hàng năm, các nước đang phát triển bị mất 6 triệu mẫu đất nông nghiệp do sa mạc hoá.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, thiên nhiên không ngừng bị khai thác và tàn phá. Môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Muốn đạt chỉ tiêu phát triển, người ta đã không quan tâm đến hệ quả của sự khai thác quá độ. Trong vài thập niên gần đây việc bảo vệ môi trường mới được quan tâm và nhiều biện pháp ngăn chặn sự phá hoại thiên nhiên mới được tích cực thi hành.
Không những môi trường thiên nhiên bị tàn phá mà môi trường tâm linh cũng bị ô nhiễm. Vì mãi lo làm sao cho năng xuất tăng nhanh mà con người làm gì cũng hối hả, bị cuốn hút vào guồng máy cạnh tranh. Tình trạng căng thẳng đã làm nảy sinh một căn bệnh mới, bệnh thời đại là bệnh trầm cảm (stressful).
Bạo động
Sống trong môi trường mạnh được yếu thua, cạnh tranh để sinh tồn, cộng thêm với lòng tham vô độ và sự si mê vì vị kỷ nên dễ đưa đến bạo động. Ta thấy bạo động khắp nơi. Phương tiện để các nhóm khủng bố lợi dụng để gieo rắc kinh hoàng ngày càng tinh vi, càng dễ kiếm trên thị trường, bom nguyên tử cỡ nhỏ có thể mua dễ dàng. Builden, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân, phát biểu: “Nếu không phải trong đời tôi, thì có thể trong một tương lai gần, vũ khí hạt nhân sẽ được phổ biến đến tận tay cá nhân, có thể các cá nhân sẽ chế tạo được vũ khí hạt nhân bằng nguyên liệu đang lưu hành trên thị trường thương mại.” Đây có phải là đặc điểm của nền văn minh thời đại không? Bạo động có dẹp được không?
Bạo động tuy không giải quyết được vấn đề, nhưng nếu không có bạo động thì tình trạng bất quân bình trên thế giới càng mau gia tăng. Sự bóc lột sẽ không có gì ngăn cản. Tuy nhiên bạo động cũng không giải quyết được gì. Tuy các nhóm khủng bố có lý do của họ. Nhưng họ không thể biện hộ cho các người khủng bố đã ném bom giết hại những thường dân vô tội.
Sartre viết: “Tôi thừa nhận rằng bạo động, dù biểu lộ dưới bất cứ hình thức nào, đều là một sự thất bại. Nhưng là một sự thất bại không thể tránh được bởi vì chúng ta đang ở trong một thế giới bạo động. Và nếu quả thật rằng dùng bạo lực để chống bạo lực có nguy cơ duy trì bạo lực vĩnh viễn, thì cũng quả thật rằng đó là phương tiện duy nhất để chấm dứt bạo lực.” (Văn Hoá Phật Giáo, trang 77).
Stephane Hesel thì không phê phán bạo động là đúng hay sai nhưng cho rằng khủng bố là không hiệu quả vì khủng bố giết luôn cả hy vọng.
Kết quả ta thấy văn minh thời đại tuy có đem lại tiện nghi cho cuộc sống, nhưng cũng tạo thêm nhiều hệ luỵ, đem lại nhiều khổ đau cho nhân loại. Trong kinh Pháp cú Đức Phật dạy: “Kẻ ngu vì tham giàu, hại mình và hại người” và “Ác nghiệp chưa chín mùi, người ngu nghĩ là ngọt. Khi ác nghiệp chín muồi, người ngu chịu khổ đau.”
2- Nguồn gốc những tiêu cực
của nền văn minh thời đại.
Tham ái và vô minh
Đâu là nguồn gốc của những tranh chấp, những hỗn loạn trên. Theo Phật giáo, tranh chấp hỗn loạn bắt nguồn từ lòng tham của con người. Lòng tham phát sanh từ sự chấp ngã, muốn cái gì cũng thuộc về mình. Lòng ham muốn vô độ đã thúc đẩy sự chiếm hữu của người khác làm của mình do đó tạo nên xung đột, chiến tranh. Thời nay tác hại của lòng tham càng mãnh liệt nhờ vào phương tiện của nền văn minh hiện đại. Lòng tham càng lớn, nỗi bất an càng mạnh, đưa đến sân hận càng tăng. Tham sân càng lớn, cộng với quyền lực vô bờ càng dễ lạc vào vòng si mê, dễ làm con người thiếu suy nghĩ, mất nhân tính, dễ đưa nhân loại đến bờ vực thẳm. Tất cả cũng chỉ vì sự chấp ngã, vì cái tôi, vì sự ngã mạn. Đúng như Sartre đã nói: “Cái tôi là đáng ghét.” Hậu quả là bạo động, khủng bố khắp nơi, khắp chỗ. Lịch sử đã cho thấy tham vọng cá nhân của Hitler, của Khmer Đỏ… đã tạo ra bao chết chóc cho hàng triệu người trong thế chiến thứ 2, trong cuộc tàn sát đẫm máu tại Căm-pu-chia…
Một lý thuyết mới cũng đã ảnh hưởng không ít đến tình trạng bất ổn của nền văn minh thời đại là thế giới quan “cuộc đấu tranh sinh tồn” (struggle for life) của Darwin. Cuộc đấu tranh mạnh được yếu thua, ai chết mặc ai.
Phật Giáo Đối Diện Với Văn Minh Thời Đại
Phật Giáo giải quyết các hệ quả của nền văn minh thời đại như thế nào?
Xét cho cùng phần lớn những hệ quả xấu của nền văn minh thời đại đều bắt nguồn từ lòng tham, từ sự chấp ngã, hệ quả là làm cho tình trạng thế giới hiện nay như lò lửa. Thế giới sẽ nổ tung nếu không có giải pháp hữu hiệu để lo cứu chữa.
Những vấn đề cần giải quyết
Như chúng ta đã thấy, bạo động, chiến tranh là do cái tâm của con người. Do lòng tham đưa đến hận thù, hận thù đưa đến chiến tranh, bạo động, khủng bố.
Đặc điểm của xã hội hiện đại là mức độ kỹ thuật, lối sống thay đổi một cách nhanh chóng, thay đổi toàn cầu, (thời đại toàn cầu hoá). Các nước kỹ nghệ Tây phương có sức mạnh áp đảo về nhiều phương diện, đã ảnh hưởng rất mạnh đến các nước mới phát triển.
Con người thời văn minh hiện đại vì mãi chạy theo vật chất, vì chỉ mãi lo chạy theo cái ta giả với những thèm khát cuồng loạn không được thoả mãn đã đánh mất con người thật của mình.
Con người luôn luôn cảm thấy bất an đưa đến mất thăng bằng do đó dễ đưa đến nhiều loại tội phạm như giết người, hút chích cần, sa ma tuý, tự sát. Do những hệ quả trên, tìm một giải pháp cứu vãn con người, thế giới khỏi thảm họa nhân loại diệt vong là cần thiết.
Bàn tay nào có thể cứu vớt con thuyền của nhân loại ra khỏi cơn bão tố của nền văn minh vô định hướng hiện đại?
Tôn Giáo được chăng?
Nhưng tôn giáo nào? Thế giới hiện nay có bốn tôn giáo lớn: Thiên Chúa giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo.
Thiên chúa giáo đã gắn chặt với văn minh Tây phương từ hơn 2000 năm và đã giúp đưa tình trạng xã hội đến hệ quả tàn khốc trên thế giới ngày nay.
Hồi giáo? Gần đây hỗn loạn, bạo động xảy ra khắp nơi mà tác nhân chính là do các nhóm Hồi giáo quá khích gây ra.
Do Thái giáo thì phạm vi sinh hoạt quá nhỏ, quá hạn hẹp, không đủ để ảnh hưởng đến sinh hoạt của toàn cầu. Hơn nữa Do Thái Giáo cũng là tôn giáo độc thần, thờ Nhất Thần như Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo, những tôn giáo do bản chất thần quyền đã không giúp cho sự ổn định, sự phát triển cân bằng của xã hội.
Tôn giáo Tây phương đã không còn là nguồn cảm hứng để cho Tây phương trông chờ sự cứu rỗi nữa, thì họ hướng về Đông phương. Đông Phương có Ấn Độ giáo và tam giáo Nho Phật Lão.
Ấn Độ giáo thì thờ nhiều thần, không thích hợp với người Tây Phương. Lão giáo thì thoát tục, xa lìa cuộc đời. Khổng giáo có những triết lý về xã hội cho xã hội Trung Hoa hơn 2000 năm về trước, hiện không còn thích hợp cho người Tây Phương. Riêng Phật giáo, các giáo lý Vô ngã, Vô thường, Tứ vô lượng tâm: từ bi, hỷ, xả, có thể là phương thuốc đem lại hoà bình, an lạc cho xã hội, cho con người trong thời đại này.
Để giải quyết những tiêu cực, những hệ quả tàn khốc của văn minh hiện đại, đối kháng lại “sức mạnh của văn minh, văn hoá vật dục Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, bản thân Phật Giáo cũng ở trong một cơn thử thách sinh tử. Đó là thử thách đặt ra cho một nền đạo lý lấy nếp sống đơn giản, tri túc làm ngõ vào Đạo, lấy Giải thoát, Giác ngộ làm mục tiêu đối diện với một nền văn minh văn hoá lấy dục vọng làm động cơ cho mọi sự tiến bộ, luôn xô đẩy con người vào sự hưởng thụ để cuối cùng nô lệ hoá con người (Thích Nguyên Hạnh, PG Đang Đối Diện Trước Những Vấn Nạn, PG Trong Thế Kỷ Mới, Trang 27-33).
Hơn nữa “xã hội Tây phương với những điều kiện khoa học và dân chủ tiên tiến sẽ dễ dàng chấp nhận tư tưởng Đạo Phật. Tây phương sẽ dễ dàng chấp nhận Phật giáo vì Phật giáo không trái với khoa học, vì Phật giáo giải quyết được những vấn đề tâm lý, xã hội do văn minh thời đại tạo ra, vì “Đạo Phật chú trọng và đề cao con người và tự do ý chí, và có trách nhiệm hành vi đạo đức. Tây phương đã nhìn thấy đạo Phật là con đường tâm linh, có khả năng song hành với khoa học, xóa bỏ các ảnh hưởng thần quyền” (Thích Nhật Từ, Phật Giáo Trong Thế Kỷ Mới, trang 61).
Đạo Phật đề cao sự an lạc, hạnh phúc tinh thần. Đạo Phật khuyến khích con người trở về con người thật của chính mình, hòa mình với xã hội, hòa mình với thiên nhiên. Phật giáo khuyên, dạy con người sống tự tại, xây dựng Niết Bàn ngay chính tại cuộc đời này.
Đạo Phật không cần đi theo ai, Phật giáo có con đường riêng của mình, vượt mọi cực đoan của thế gian. Con đường giúp chấm dứt sự đau khổ, đưa đến an lạc, giải thoát của Phật Giáo, là xóa bỏ tham sân si, thực hành bất bạo động.
Như trên đã nói bạo động không giải quyết được những xung đột, những tranh chấp trong thời đại văn minh hiện nay. Nhưng thực hành bất bạo động để giải quyết những tranh chấp trên thế giới ngày nay cũng không phải là chuyện dễ dàng. Camus đã nói: “Tôi không đủ mạnh để chấp nhận bất bạo động”. Gandhi, lãnh tụ của phong trào bất bạo động của Ấn Độ, người đã lãnh đạo dân tộc Ấn Độ giành lại độc lập cho Ấn Độ từ tay người Anh bằng phương pháp bất bạo động cũng thấy vấn đề không phải dễ dàng. Ông nói: “Nếu bắt buộc phải lựa chọn giữa hèn nhát và bạo động, tôi khuyên bạo động.”
Vậy Phật giáo phải làm gì? Phật giáo giải quyết các hệ quả như tranh chấp, bạo động của nền văn minh thời đại như thế nào?
Phát triển lâu bền
Năm 1992 Hội nghị của 178 nước về quả đất tại Rio de Janeiro, khẳng định để tránh các hệ quả của nền văn minh thời đại, mục tiêu của sự phát triển phải là “phát triển lâu bền”. Để phát triển lâu bền, kế hoạch phát triển là phải “bảo vệ thiên nhiên”. Nội dung của sự “phát triển lâu bền” gồm 4 điểm:
– Đáp ứng được nhu cầu cơ bản của con người
– San bằng hố cách biệt giàu nghèo và hoàn cảnh xã hội
– Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn sự trong sạch của môi trường
– Tạo những điều kiện tốt giúp con người nhận thức được giá trị làm người, hiểu rõ những vấn đề chung của nhân loại, biết những ưu tiên và giúp con người đạt được quyền tự quyết trong cộng đồng.
Về mặt “bảo vệ môi trường”, ngoài việc phòng chống ô nhiễm môi sinh, còn phải chú trọng bảo vệ môi trường sống, bảo vệ những công trình xây dựng, những loài sinh thực vật hoang dại trước nguy cơ diệt chủng v.v. Con đường “phát triển lâu bền” cùng với “bảo vệ môi trường” có nhiều điểm tương đồng với nội dung con đường Bi Trí Dũng của Phật Giáo.
Đức Phật dạy:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
dịch:
Tránh các điều ác
Làm mọi việc lành
Làm sạch tâm ý
Đó là lời dạy của chư Phật
Muốn tránh các việc ác, muốn làm các việc lành trước hết phải làm cho thân tâm an tịnh bằng thiền định, bằng tỉnh thức.
Muốn tránh được việc ác, làm được việc lành, phải thực hành tứ vô lượng tâm là từ bi hỷ xả. Đây là con đường Bồ Tát Đạo.
Diệt Trừ Tham Sân Si
Đạo Phật nếu muốn đóng góp vào hòa bình thế giới hoặc giải thoát thế giới hiện đại khỏi bạo lực, áp bức cần phải đương đầu với ba nguyên nhân căn bản gây nên khổ đau là tham sân si. Tham sân si là nguồn gốc sinh ra mọi tội ác.
Phải diệt trừ Tham, Sân, Si thì mới có thể tránh làm mọi việc ác, vì tham sân si là động lực thúc đẩy con người làm mọi việc ác. Phương pháp duy nhất để trừ tham sân si là thực hành chánh niệm. Thực hành chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hành động trong cuộc sống hàng ngày. Gieo trồng hạt giống từ bi, hỷ xả trong tâm. Mỗi khi ta có chánh niệm, tâm ta sẽ cảm thấy an lạc. Thực tập chánh niệm lâu dần tâm trí sẽ đạt tới định, từ đó tuệ giác sẽ phát sinh. Điều này giúp chúng ta gieo hạt giống hoà bình trong nội tâm. Lo sợ, khổ đau sẽ không còn ám ảnh. Tâm an thì ngoại cảnh cũng bình an, mọi người bình an thì xã hội hoà lạc, thế giới sẽ hưởng thái bình. “Tâm bình tắc thế giới bình, tâm an tắc xứ xứ an”.
Giáo lý Duyên Sinh Vô Ngã
Một trong những đóng góp to lớn của Phật giáo trong việc giải quyết những hệ lụy khốc liệt của nền văn minh thời đại là giáo lý duyên sinh vô ngã. Đức Phật dạy: “Cái này sanh vì cái kia sanh, Cái này diệt vì cái kia diệt”. Con người và thiên nhiên liên hệ mật thiết với nhau. Vì mối liên hệ này con người nên chung sống với thiên nhiên, chung sống với các dân tộc khác để cùng nhau cộng tồn.
Điều này thể hiện tư tưởng Duyên khởi của Phật giáo. Xã hội sở dĩ có tranh chấp là vì lòng tham, tham là vì ngã chấp, vì ngũ dục thúc đẩy, muốn chiếm đoạt cho mình nhiều của cải, nhiều quyền lực do đó đưa đến tranh chấp, đưa đến chiến tranh, làm phát sinh bạo động. Nếu không còn chấp ngã, mọi động lực đằng sau các tranh chấp, các bạo động, khủng bố sẽ không tồn tại. Mọi xung đột giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia, giữa dân tộc với dân tộc sẽ không còn nữa. Vì cội rễ của xung đột chính là ngã chấp. Ngã chấp không còn, tham sân si sẽ bị bứng rễ. Giác ngộ giáo lý vô ngã, con người có thể dễ dàng sống thân thiện, hoà hợp với mọi người, không còn phân biệt bạn thù vì không còn bị tham sân si sai sử, không còn bị ngũ dục quấy nhiễu.
Vô ngã cũng giúp con người phát triển lòng vị tha. Đây là con đường của Bồ Tát. Tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn. Phát triển lòng vị tha, thương yêu mọi người như chính mình thì đâu còn hận thù, tranh chấp, mà chỉ tìm cách nghĩ đến niềm vui, hạnh phúc và sự an lạc của người khác. Đặc tính thứ nhất của con đường Bồ Tát là bố thí, là chia sẻ. Chia sẻ sự khổ đau bằng miếng cơm, manh áo, bằng lời an ủi, bằng những bài pháp khai mở trí tuệ giúp người khác vượt được những khổ đau của kiếp người.
Phật giáo được áp dụng tại một số nước ở Á Châu
Lịch sử đã ghi lại vua A Dục, Vua Ba Tư Nặc, vua A Xà Thế ban đầu đều là những ông vua tàn ác, độc tài, sau nhờ tin theo giáo lý Đạo Phật, thực hành, áp dụng những điều Phật dạy trong việc cai trị mà đất nước trở nên thanh bình, thịnh trị.
Ngày nay Phật giáo là quốc giáo của nhiều nước ở Á Châu như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, Tây Tạng, Nhật Bản.
Tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, áp dụng tinh thần bất bạo động Phật giáo để đối kháng lại chế độ quân nhân. Bà đã được dân chúng nhiệt liệt ủng hộ tuy rằng chế độ quân nhân không tôn trọng chiến thắng của bà.
Tại Thái Lan, Sulak Sivaraksa đã thành lập những tổ chức phi chánh phủ theo tinh thần Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhist) để phục vụ hoà bình, phục vụ nhân quyền, phát triển cộng đồng.
Tại Việt Nam, Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh đã có những nỗ lực chống chiến tranh những năm 1964-1975. Thầy là một trong những người đã khởi xướng phong trào Phật Giáo dấn thân (Engaged Buddhist).
Tại Tây Tạng, tinh thần bất bạo động dưới sự lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV đã được áp dụng triệt để để đối kháng lại sự xâm lược của Trung Quốc. Ngài luôn chống đối việc sử dụng bạo lực. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Ngài vẫn kiên trì theo con đường của mình. Ngài tuyên bố: “Tuy vậy tôi vẫn chủ trương phải tiếp tục tranh đấu để đòi hỏi công nhận những quyền của chúng tôi bằng cách thức bất bạo động, dù có vài giới trẻ cho rằng chúng tôi quá thụ động.”
Tại Nhật Bản, tuy Phật giáo không phải là quốc giáo, nhưng hơn 80% dân Nhật tin và thực hành theo Đạo Phật. Trong thời kỳ hậu chiến, nhiều tông phái Phật giáo tích cực hoạt động hỗ trợ cho hoà bình. Một trong những tông phái được nhiều người biết đến đó là phái Nhật Liên Tông. Tín đồ của phái này lên đến 30% Phật tử Nhật.
Kết
Đức Phật đã dạy: “Hãy chế ngự hận thù bằng thương yêu, xoá điều ác bằng tạo điều thiện, thay lòng ti tiện bằng bố thí, chinh phục người gian dối bằng sự thật.” (Dhammapada 103). Chỉ có thực hành miên mật lời dạy này mới huân tập cho ta một sức mạnh tâm linh để có thể đối đầu với tất cả phong ba bão táp trong trong thời đại văn minh hiện nay. Chúng ta phải tin tưởng vào sức mạnh tâm linh để nuôi dưỡng cái tâm hướng đến mục tiêu là hoà bình. Chính nhờ cái sức mạnh tâm linh này mà giới trí thức Tây phương nhận chân được giá trị của tinh thần Phật giáo và chính sự thức tỉnh của giới trí thức Tây Phương đã làm cho Tây Phương thấy rõ Phật giáo là nguồn hy vọng duy nhất có thể đem lại hoà bình cho nhân loại, có khả năng hoá giải được những ảnh hưởng tiêu cực của nền văn minh thời đại. Để bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với nền Đạo học tuyệt vời của Phật giáo, một số các nhà tri thức Phương Tây có những khen ngợi Đạo Phật như sau: Nhà sử học Arnold Toynbee đã phát biểu: “Sự kiện có ý nghĩa nhất của thế kỷ 20 này là sự gặp gỡ giữa đạo Phật và phương Tây.” Nhà bác học Albert Einstein cũng nhận định: “Tôn giáo trong tương lai phải là một tôn giáo mang tầm vóc vũ trụ. Tôn giáo đó phải vượt lên trên một Thượng Đế được xây dựng theo hình ảnh con người và tránh được giáo điều và thần học. Vì bao hàm được cả yếu tố tự nhiên và tinh thần, nó phải đặt nền tảng trên một cảm thức tôn giáo được phát khởi từ kinh nghiệm về vạn hữu như là một Thể Nhất Như đầy ý nghĩa, trong thế giới tự nhiên lẫn tinh thần.
Đạo Phật đáp ứng được điều này. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu với những yêu cầu khoa học hiện đại thì đó sẽ là Phật Giáo”. Hy vọng rằng thông điệp của Đức Phật sẽ được mọi người, Đông cũng như Tây, lắng nghe và thực hành hầu thế giới có thể được hưởng cuộc sống an lành.
Nguồn: Vạn Hạnh I | GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ
Tài Liệu Tham Khảo:
Một số các ý kiến và tất cả các số liệu đều được rút ra từ các tài liệu sau đây:
- Tạp Chí Văn Hoá Việt Nam, Ấn phẩm mùa Thu, 2014
- Phật Giáo Trong Thế Kỷ Mới 1,3, NXB Giao Điểm, 2006
- Đạo Phật và Khoa Học, Paul Dahlke, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, NXB Phương Đông, 2009
- Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21, Thích Viên Lý dịch, Việt Triết Lý VN & Triết Học Thế Giới, 2000