
Ảnh minh họa | Seng Trắng
Dẫn nhập
GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ. Chúng tôi muốn nói đến giáo dục Phật giáo mà anh chị em huynh trưởng đã được trao truyền và áp dụng, không chỉ trong việc giáo dục đàn em mà còn áp dụng cho chính bản thân mính. Người làm công việc giáo dục trong GĐPT không phải chỉ biết trao truyền kiến thức, cũng không phải là nhà truyền giáo đơn thuần, mà còn phải biết dùng những phương tiện để thu hút các em, lôi cuốn các em đến học Phật và thấm nhuần Phật pháp một cách tự nhiên. Ngoài Phật pháp còn có Hoạt động thanh niên, Văn nghệ, Trại & Sinh hoạt Trại, ở hải ngoại còn có thêm môn học Việt ngữ. Người Huynh trưởng GĐPT là những nhà giáo dục, tuy không được đào tạo từ một trường Sư phạm nào cả, nhưng với tấm lòng thương yêu trẻ, vì Tam bảo và tổ chức GĐPT, nên các anh chị đã đảm trách sứ mệnh giáo dục các em sống đúng theo tinh thần Phật giáo. Với tinh thần trách nhiệm, với tình thương các em, các anh chị trưởng đã không ngừng thao thức, trăn trở… tìm những phương pháp thích hợp để hướng dẫn cho các em. Do vậy ở đây tôi xin được chia sẻ cùng quý anh chị em huynh trưởng một số kiến thức sư phạm cần có của một nhà giáo dục, mà bản thân tôi đã góp nhặt được hơn 50 năm ở trong ngành giáo dục và làm huynh trưởng GĐPT, hầu góp chút kinh nghiệm nhỏ nhoi của mình, giúp quý anh chị dễ dàng thực hiện tôn chỉ và mục đích của tổ chức Gia Đình Phật Tử là:
– Đào luyện thanh – thiếu – đồng niên thành người Phật tử chân chính.
– Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.
Trước khi bàn về phương pháp giáo dục, chúng ta cũng nên định nghĩa giáo dục, Và triết lý giáo dục thời Việt Nam cộng Hòa là gì? sau đó sẽ bàn đến phương pháp sư phạm để cho việc giáo dục đạt kết quả tốt đẹp.
Giáo dục (tiếng Anh: education) theo nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, và thói quen của một nhóm người, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua việc giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Bất cứ kinh nghiệm nào có ảnh hưởng đáng kể lên cách mà người ta suy nghĩ, cảm nhận, hay hành động đều có thể được xem là có tính giáo dục. Trong tiếng Việt, “giáo” có nghĩa là dạy, “dục” có nghĩa là nuôi (không dùng một mình); “giáo dục” là “dạy dỗ, nuôi nấng đủ cả trí dục, đức dục và thể dục.Giáo dục thường được xem là phương tiện giúp người vượt qua nghịch cảnh, đạt được sự công bằng chân thiện mỹ, và có địa vị trong xã hội Góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.Nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã được xây dựng trên triết lý “Nhân Bản, Dân Tộc, Khai phóng”, trong phạm vi bài này tôi chỉ đề cập đến “nhân bản” vì trách nhiệm của hàng ngũ huynh trưởng Gia Đình Phật Tử là Đào luyện thanh – thiếu – đồng niên thành Phật tử chân chính.là con người hướng đến chân thiện mỹ, để phục vụ cho đạo pháp và dân tộc, lấy con người làm căn bản mà trong triết lý giáo dục gọi là nhân bản.
Nhân bản: Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trên thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản, có giá trị thiêng liêng của mỗi con người. Chủ trương sự phát triển quân bình và toàn diện của mỗi người; Cách đây trên 3000 năm đức Thế Tôn cũng đã chủ trương một nền giáo dục mang các đặc tính mà hiện nay, các nhà trường tiên tiến trên thế giới đang áp dụng: tinh thần thực tiễn, tinh thần hướng dẫn, khích lệ, tinh thần tự tín tự chủ, tinh thần độc lập, tinh thần tùy duyên bất biến, v.v. Để phát triển toàn diện mỗi cá nhân.
Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân đoàn sinh, giáo dục GĐPT hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người ( mỗi người đều có Phật tính, có thiện tâm. Nhân chi sơ tính bổn thiện) và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của đoàn sinh được lưu ý đúng mức. Giáo dục tôn trọng giá trị đặc thù, các truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam, dân tộc và đạo pháp không thể tách rời, trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia.Tại Hải ngoại, giáo dục trong gia đình Phật Tử đã biểu hiện tinh thần bảo tồn và phát huy những tinh hoa,văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, qua chương trình dạy và học tiếng Việt, tại mỗi Gia Đình Phật Tử ở mỗi địa phương, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.Ngôn ngữ là cửa ngõ đưa văn hóa dân tộc vào lòng người, văn hóa dân tộc là cốt lõi nuôi ý chí tiến thủ khiến dân tộc và đạo pháp được trường tồn. Giáo dục còn nhằm bảo đảm sự đoàn kết và trường cửu của dân tộc, sự phát triển điều hòa và toàn diện của quốc gia.Tinh thần giáo dục của GĐPT đã được nêu lên làm châm ngôn của GĐPT, đó là: Bi, Trí, Dũng. Giáo dục trước hết phải thương yêu đối tượng mình giáo dục là con người, bởi vì chúng ta mỗi người một gia đình, chúng ta đến với nhau từ nhiều gia đình, chứ không phải từ một gia đình; từ nhiều hoàn cảnh, từ nhiều điều kiện, từ nhiều trình độ tu tập khác nhau. Nhưng khi chúng ta đã xác định Áo Lam là lý tưởng của chúng ta, thì dù chúng ta có dị biệt đến mấy, nhưng tất cả chúng ta cũng chỉ là một. Và mục đích của chúng ta duy nhất cũng chỉ là mục đích “giáo dục thanh thiếu đồng niên thành người chân chính góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.
Muốn giáo dục có kết quả, người huynh trưởng GĐPT phải có phương pháp giảng dạy, hay còn gọi là sư phạm. tôi xin tóm tắt nguyên tắc sư phạm căn bản trong câu “dạy ai? Dạy những gì? Và dạy như thế nào?”
I.-DẠY AI?
Đối tượng giáo dục của chúng ta là thanh, thiếu, đồng niên, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, trình độ tuổi tác không đồng đều; Tiếng mẹ trở thành ngôn ngữ thứ hai.vì hoàn cảnh lịch sử, nhu cầu bảo tồn tiếng nói của dân tộc đã trở thành quan trọng, vì đạo pháp và dân tộc không thể tách rời với nhau “Tiếng Việt còn, dân Việt còn, dân tộc còn thì đạo pháp được xiển dương” do đó việc giáo dục trong Gia Đình Phật Tử đã trở nên khó khăn hơn, nhưng tổ chức GĐPT Việt Nam luôn có mặt tại các địa phương có người Việt sinh sống vì giáo dục Phật giáo lấy con người làm gốc, những thanh, thiếu, đồng niên, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại làm căn bản ( nhân bản).
II.- DẠY NHỮNG GÌ?
Hơn bao giờ hết tuổi trẻ cần được dìu dắt về mọi mặt, nhất là về cuộc sống tâm linh. Vì đó là nền tảng đạo đức, phẩm chất giá trị của con người, và sự phát triển theo chiều hướng tốt của xã hội. Phật giáo là một tôn giáo lớn, đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ cho sự hòa bình, hưng thịnh cho xã hội, nhân cách con người luôn được coi trọng. Trong kinh điển Phật giáo, chúng ta thường được nghe từ ba chữ đi liền với nhau như: Phật-Pháp-Tăng (Ba Ngôi Báu); Giới-Định-Tuệ (Tam Vô Lậu Học); Tín-Hạnh-Nguyện; Văn-Tư-Tu; Bi-Trí-Dũng; Hoà-Tin-Vui v.v… những con số “3” trong Phật giáo có thể xem như là “mục đích của giáo dục phật giáo, là sự vận hành”; là phương thức để “hành trì”;là công phu để “tu tập”; đó chính là nền tảng “huân tu” trong lãnh vực giáo dục của Phật giáo.Chúng ta có thể tùy nghi chọn bất kỳ một cụm từ nào để làm nền tảng huân tu cho chính bản thân mình, rồi từ đó chúng ta mang “phương pháp thực tiễn này / this practical way” vào việc giáo dục cho gia đình Phật tử. Lấy kinh điển của Phật giáo làm nền tảng cho sự giáo dục đạo đức con người để đi đến giải thoát chính là Giới, Định, Tuệ.
Chúng tôi đề nghị 7 bài học căn bản để đào luyện cho đàn em như sau:
1.- HẠNH VỊ THA: tha thứ cho tha nhân và chính mình, hướng về tương lai, sống trong hiện tại và không chấp nhất quá khứ. Buông bỏ, Từ bi hỷ xả, giúp người không cần nghĩ nhớ, sống cuộc đời không dính mắc, không câu nệ chấp trước. Dùng tất cả kiến thức có được cách tốt nhất, đúng nhất với tấm lòng thành tâm, với đạo đức và trách nhiệm cao nhất. Làm thế nào để giúp xã hội an bình, khống chế tội ác và giúp cho con người ta làm việc tốt, không làm việc xấu ác. Hãy thương yêu, thông cảm, giúp đỡ, chia sẻ… với tất cả mọi người xung quanh như hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô giáo… Bố thí là cho đi một cách thành thật, không tính toán, không cần nghĩ nhớ, không cần đền đáp, thì sẽ có ích lợi rất lớn. Bố thí có nghĩa là cho đi những gì mình có thể cho từ tiền bạc, đến kiến thức, đến lời khuyên, sự tán thán khen ngợi, tấm lòng yêu thương nhân ái, bác ái từ bi. Có 3 hình thức bố thí:
a.- Bố thí tài là cho tiền có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, mà không cần người ta trả công trả ơn, thì sẽ giúp mọi người rất nhiều.
b.- Bố thí pháp là giảng dạy, giúp lời khuyên theo chánh pháp, chia sẻ làm người lắng nghe, khi người ta có chuyện vui buồn muốn tâm sự. Bố thí pháp sẽ được thông minh trí tuệ.
c.- Bố thí vô uý là cho đi với lòng yêu thương, tôn trọng sự sống, hạnh hiếu, hiếu thảo: yêu thương cha mẹ, ông bà, cô chú, anh em, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, thầy cô, và tất cả chúng sanh. Làm mà không nghĩ nhớ, buông bỏ, hỷ xả. Buông bỏ không có nghĩa là bỏ hết mọi sự sống là yếm thế, quên đời, mà ta phải nhập thế, phải sống cuộc đời đầy đủ ý nghĩa là sống vì mọi người trong đó có mình. Có như vậy thì cuộc đời mới hạnh phúc viên mãn, mới thành công trọn vẹn, “BI”.
2. SỰ TRÌ CHÍ: Cố gắng, trì chí, bền bỉ, nỗ lực, tinh tấn tu học. Trì chí, bền bỉ, kiên nhẫn, nhẫn nại, cố gắng hết sức mình cho bất cứ một việc gì, dù nhỏ dù lớn, tinh tấn từng giây phút… Có cố gắng nỗ lực thì mới thành công, thành đạt được, đã bắt đầu bắt tay vào làm việc phải nhẫn nại, ráng làm cho được, dù gặp khó khăn trở ngại. Làm việc gì thì cũng phải làm hết lòng, làm cho đến nơi đến chốn.
3. HẠNH KHIÊM CUNG: Khiêm tốn, nhẫn nhục, nhường nhịn, khiêm tốn là tôn trọng người khác, trân trọng những điều tốt của người khác, nhìn vào những điểm chưa tốt của mình để sửa chữa, nhìn điểm tốt của người khác để học hỏi. Có khiêm cung thật sự thì mới được mọi người tin tưởng, yêu thương, và giúp đỡ để thăng tiến trưởng thành, KHIÊM CUNG là món trang sức đẹp nhất, tốt nhất mà con người có thể tự trang điểm cho mình.
4. HẠNH LẮNG NGHE: nói ít, nghe nhiều, đọc nhiều, học nhiều từng giây phút, từ chuyện nhỏ nhất đến lớn.” phải biết lắng nghe. Nói ít đi, làm nhiều hơn, học nhiều hơn, đọc nhiều hơn và lắng nghe nhiều hơn nữa, để lãnh hội hết tất cả những kiến thức, trí tuệ, trí huệ cần thiết để làm người tốt. Lắng nghe và phải phân biệt điều gì đúng điều gì sai, điều gì tốt điều gì xấu, “TRÍ”.
5. HẠNH BỐ THÍ VÔ UÝ: Bố thí vô uý là cho đi, với lòng yêu thương, tôn trọng sự sống. Từ tâm, không sát sanh hại vật, Không tìm lỗi của người, cố nhìn lỗi của mình để tu sửa. Cầu nguyện cho chính mình và gia đình, và tất cả mọi người đều có sức khỏe an bình, thân tâm an lạc. Thấy người khác thành công thì khen ngợi, khích lệ, tán thán không ganh tỵ, nói xấu, thấy người ta thất bại, buồn phiền khổ sở thì tùy theo khả năng, điều kiện của mình mà giúp đỡ một cách thành tâm thành ý không tính toán, không cần báo ơn báo đáp. Thực hành hạnh Bố thí vô uý sẽ được sống lâu, mạnh khoẻ. Hành động vì tất cả chúng sanh, không làm tổn người lợi mình. Lợi cho mình nhưng cũng phải lợi cho người.
6. TÙY DUYÊN: có nghĩa là phải thành thật, thẳng thắn và cố gắng làm mọi việc nhưng phải hết sức cẩn thận, khéo léo, mềm mỏng, tuỳ duyên, tuỳ thời tuỳ lúc, tuỳ người… Không nên cưỡng cầu, không nên gấp gáp, vội vàng, “dục tốc bất đạt”, làm nhanh quá thì sẽ không thành. Phải tùy theo hoàn cảnh điều kiện thực tế mà làm, phải biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng. Phải biết lúc nào nên nói nên làm và lúc nào nên im lặng. Biết sắp xếp lời nói việc làm theo thứ tự thích hợp nhưng phải linh hoạt, linh động tuỳ cơ ứng biến.
7. HƯỚNG THƯỢNG: Học hỏi không ngừng, cầu tiến, hướng thượng, phục thiện. Nếu làm lỗi lầm thì phải hối lỗi sám hối và tu sửa không tái phạm nữa. Và phải luôn học hỏi không ngừng, đọc sách, học từ cuộc sống và những người đi trước. Phải quý trọng thời gian, “DŨNG”.
III. DẠY THẾ NÀO?
Để đạt được mục đích trên, Những đức tính cần có của người huynh trưởng là:
* Ý thức việc làm thanh cao vì tiền đồ của dân tộc và đạo pháp vì đàn em, lấy sự tiến bộ của đoàn sinh làm niềm vui.
* Luôn trau dồi đạo đức bản thân trung tín. công bình, vui vẻ, nhã nhặn, tác phong nghiêm chỉnh.
* Người Huynh trưởng, phải mở rộng lòng mình ra để bao dung cho người đoàn sinh, đàn em của mình (bi). Nhưng lòng bao dung không phải là nuông chiều quá mức để đàn em của mình sinh hư, mà phải có kỷ luật, nề nếp, vì vậy cần phải có hiểu biết (trí tuệ) mới có thể thương yêu đúng cách được. Sự hiểu biết và thương yêu này không chỉ duy trì trong vài giờ vài ngày vài tháng mà có khi đến vài năm cho nên cần phải có một tình thương vững bền, một sự tinh cần cao độ, một sự hy sinh không tính toán, một sự hỷ xả vô điều kiện (dũng) mới được.Tạo niềm tin: Hiểu nhau trọn vẹn thì tin nhau trọn vẹn,tin tưởng nhau và hòa thuận với nhau tuyệt đối, thì chúng ta sẽ có được niềm vui tuyệt đối với nhau.sống với nhau , vui với nhau , nỗ lực duy trì Phật tánh. Đó là cùng nhau tinh tấn tu tập Hòa Tin Vui; tinh tấn với Em tưởng nhớ Phật, Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, Em thương người và vật. Trong Tinh tấn có Bi, Trí, Dũng. Trong Tinh tấn. Phật là Bi. Pháp là Trí. Tăng.
Tinh tấn của của người Phật tử theo định hướng này.
Điều luật thứ nhất: Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện. Thực tập bốn niềm tin bất hoại của người Phật tử.
Điều luật thứ hai: Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống. Thực tập hạnh Từ bi của người Phật tử.
Điều luật thứ ba: Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật. Thực tập hạnh trí tuệ và chân thật của người Phật tử.
Điều luật thứ tư: Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Thực tập chánh nghiệp và chánh hạnh của người Phật tử.
Điều luật thứ năm: Phật tử sống hỷ xả để dũng tiếng trên đường đạo. Thực tập hạnh hỷ xả và tinh tấn của người Phật tử.
Nếu chúng ta biết ôm ấp, nâng niu những gì tinh hoa của Gia đình Phật Tử và chúng ta sống với nó, chết với nó và nỗ lực giáo dục các em mình đi theo hướng đó và phải lấy bản thân mình làm chứng cứ cho lý tưởng của mình. Mình nói hòa thuận (lục hòa) là mình sống hòa thuận, mình nói tin vui là mình sống tin vui. Các anh chị nói và sống như vậy, mới là tín cứ sống động cho các em, mới thổi vào trong đời sống của các em cái hồn sống của GĐPT.
Tuổi trẻ cần có môi trường lành mạnh. Trong tổ chức GĐPT, sự giáo dục được đặt trên nền tảng chủng tử và huân tập. Ngoài ra, Đạo Phật Ứng Dụng (Engaged Buddhism) – đã nêu ra phương thức giáo dục và ứng dụng rất hữu hiệu và thực tiễn. Nói chung, nếu chúng ta có một nền tảng bất thối chuyển; một điểm tựa vững chắc; thì chúng ta sẽ có một tương lai rạng ngời, một hướng đi đúng đắn, một môi trường sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ. Và cứ thế, chúng ta tiếp tục vận hành sự TU HỌC và HÀNH TRÌ những giá trị cốt lõi đạo đức đó, thì nền tảng giáo dục của Phật giáo cho tuổi trẻ ngày càng thêm vững mạnh.
Transform: Metanoia – A shift of Mind (Chuyển hóa) / Thay đổi cái nhìn (perception) của mình. Be innovative / !!!
Trong kinh Pháp Hoa có dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, Tâm tạo tác…”, ngày nay các nhà nghiên cứu về giáo dục như Peter Senge nhấn mạnh: “Sự phát triển trong việc giáo dục bắt nguồn từ sự chuyển hóa tâm thức” Ngài Dalai Lama trong cuốn sách Nghệ Thuật của Hạnh phúc (The Art of Happiness) có chia sẻ “chỉ đổi cách nhìn của mình không thôi cũng đủ làm cuộc sống nhẹ nhàng và an vui hơn”.
Tuổi trẻ như một tờ giấy trắng, nên phải tạo cơ hội và huân tập tuổi trẻ những cách nhìn đúng đắn nhằm chuyển hóa cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động của giới trẻ. Albert Einstein có nói: “Only a life lived for others is a life worthwhile”. Cuộc sống vì người khác là cuộc sống xứng đáng nhất. “Mình phải chuyển đổi các em từ lối suy nghĩ vị kỷ đến vị tha, từ cái hẹp hòi, chỉ biết cho chính mình trong cái “tôi, cái của tôi”, v.v… thành cái của “chung, cái của chúng ta và của tất cả”. Dạy các em phải nhận thức rằng, tự lợi lợi tha. Tự giác và giác tha để cuối cùng được giác hạnh viên mãn.” (trích trong tập Tâm Bút của Trần Trung Đạo).
Về phần tu học cho tuổi trẻ: Trại Tuổi Trẻ Phật Giáo Thế giới do anh Nguyễn Xuân Nam đã đề xướng trong ngày đại hội thường niên của Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức ngày 29 tháng 10 năm 2017 tại chùa Từ Lâm San Jose, được đại hội nhiệt liệt hưởng ứng, anh Nam cũng đã đại diện cho Phật Tử tại San Jose nhận lãnh trách nhiệm tiên phong sẽ tổ chức Trại Tuổi Trẻ Phật Giáo Thế giới đầu tiên, nếu Tổ chức Gia Đình Phật Tử cùng chung tay thực hiện ý nguyện này thì đây là một thành công lớn cho tuổi trẻ GĐPT, sẽ đem lại rất nhiều lợi lạc cho việc giáo dục tuổi trẻ, cho gia đình Phật Tử. Những buổi hội thảo và những trại vui chơi, huấn luyện như vậy rất cần thiết để tạo một nền tảng đạo đức và huân tập những đức tính tốt cho tuổi trẻ. Nếu chúng ta đều có bản lĩnh tốt để thực hiện những ý tưởng đó, chắc chắn hoa trái từ bi sẽ nở rộ, Tổ chức GĐPT phát triển trường tồn,chánh pháp sẽ được xiển dương.
Tóm lại, tuổi trẻ là tuổi đầy nhiệt huyết, cần sự nâng đỡ giáo dục của người lớn, hầu góp phần phát triển nhân cách và đạo đức đúng theo chánh đạo, xiển dương chánh pháp, Trên đây là những phương pháp cụ thể để khai triển những giá trị giáo dục cốt lõi của Phật giáo là: Bi Trí Dũng, Tam Vô Lậu Học hay phương diện Văn Tư Tu, Tài Đức Trí, v.v… chúng ta có thể gieo hạt giống lành cho tuổi trẻ Phật giáo, hầu chuyển hóa và nâng đỡ tuổi trẻ có một hướng đi thánh thiện, thành đạt và có giá trị xứng đáng trong cuộc sống để giúp mình, giúp đời và nối tiếp con đường của Phật tổ đã chỉ dạy.