
SỰ CHỜ ĐỢI
Nó không hình không sắc
Tuyệt không có tiếng có lời
Nó không có gì. Chỉ là một sự chờ đợi lặng lẽ
Thế thôi.
Nó là sự chờ đợi từ vô thủy đến vô chung
Ai nấy lần lượt đến với nó, không ai gặp nó
Tất cả đều hướng về nó, như hướng về ý nghĩa cốt tủy của chính mình
Tất cả đi về hướng nó. Nó chờ.
Nó chờ một con kiến, nó chờ một con voi.
Nó chờ một hạt bụi, nó chờ một đoàn quân.
Trên dòng thời gian đang trôi, những kẻ xanh mặt bảo nhau: ‘Nó chờ.’
Những kẻ mặt xám như tro bảo nhau: ‘Nó chờ đấy.’
Những kẻ run rẩy, tắc cổ, nghẹn họng thì thào: ‘Sắp rồi. Nó thôi.’
Trông cái nắn ngoài song cửa, tôi nghĩ: Nó đang chờ.
Nhìn chiếc răng em trắng muốt, tôi thầm nghĩ: Nó đang chờ.
Mắt nhìn con chữ đang thành hình trên giấy, tôi kêu thầm trong trí nhớ: Nó đang chờ.
Sự chờ đợi không lời mỗi lúc một thiết tha
Và mỗi khẩn trương.
TẠ TỪ THÂN XÁC
Ta đến từ đâu, đâu biết được
Đến đây được biết có Mình thôi
Gặp nhau từ thuở ban sơ ấy
Quấn quít nhau không một phút rời.
Tiền thân dù có dù không có
Ta có Mình khi ta có đời
Có Mình, ta có luôn trời đất
Đã tuyệt vời chưa Thân Xác ơi
Một hớp trà thơm, dăm cánh bướm
Là ơn đôi mắt với vành môi.
Ngẫm ra nước biếc cùng mây trắng
Cùng núi cùng sông trải khắp nơi
Nghìn triệu âm thanh muôn vạn sắc
Xác thân vũ trụ đấy mà thôi
Xác thân kề cận cùng thân xác
Vũ trụ cùng ta đôi xứng đôi
Vầy nhau một trận cho tơi tả
Cho lăn lóc đá mẩn mê đời
Trăm năm một kiếp lâu chi mấy
Mà đắn mà đo tiến lại lui
Là sắc là không, hình tướng ấy
Dẫu cho hư ảnh cũng là vui.
Thân Xác tha hồ bao nhiếc móc
Mỗi phân da thịt một linh hồn
Có ai ngửa cổ cười sung sướng
Cổ trắng ngần, ôi… muốn chết luôn
Có ai hất tóc qua vai ấy
Mà đây xao xuyến cả tâm hồn
Bâng quơ một nụ cười ai nở
Làm ai ngồi đứng mãi bôn chôn
Ơi gót chân son từng bước đỏ
Ơi búp tay quỳnh ngón thon thon
Nõn nà một khối: tòa hoan lạc
Nuốt lấy nguồn vui, hôn lại hôn.
Ấm hơi Thân Xác từng quên cả
Hư vô lạnh lẽo buốt càn khôn.
Sáu mươi năm lẻ trên trần giới
Ta luôn có Mình, Mình có ta
Rồi đây cách biệt – muôn đời biệt –
Bỏ tai bỏ mắt ta đi xa
Ta đi xa tít ngoài nhân thế
Ta gởi Mình nơi lòng đất già
Hình hài không có, đời không có
Ta có gì chăng để gọi ta?
Rồi ta sẽ nhớ về mây nước
Nhớ trời đầy bướm đất đầy hoa
Nhớ con suối lượn con chim hót
Nhớ giọt sương mai ánh nắng tà.
– Lang thang đâu đó ngoài vô tận
Một mảnh linh hồn nhớ thịt da.
Võ Phiến tên thật Đoàn Thế Nhơn (sinh 20 tháng 10 năm 1925 tại huyện Phù Mỹ, Bình Định; mất 28 tháng 9 năm 2015 tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ) là một nhà văn Việt Nam. Ông là tác giả của 4 tiểu thuyết, 9 tập tuỳ bút, nhiều tập truyện ngắn, một tập thơ và nhiều tác phẩm phê bình tiểu luận. Ông còn có bút danh là Tràng Thiên.
Võ Phiến là con của ông giáo Đoàn Thế Cần và bà Ngô Thị Cương. Ông có người em ruột là Đoàn Thế Hối (sinh 1932) cũng là nhà văn với bút hiệu Lê Vĩnh Hoà.
Khoảng 1933, bố mẹ cùng em ông xuống Rạch Giá còn ông vẫn ở lại Bình Định với bà nội. Ông theo học trường làng và trung học ở Quy Nhơn.
Năm 1942, ông ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên Những đêm đông được ông viết năm 1943 và đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật.
Năm 1945, Võ Phiến đi bộ đội cho đến năm 1946 thì ông ra Hà Nội học trường Văn Lang. Năm 1948, ông kết hôn với bà Võ Thị Viễn Phố và dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V.
Cuối năm 1954, Võ Phiến ra Huế làm việc tại Nha Thông tin một thời gian rồi chuyển vào lại Quy Nhơn, tại đây ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu là Chữ tình (1956) và Người tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa.
Sau tác phẩm Mưa đêm cuối năm (1958, Sài Gòn), Võ Phiến bắt đầu được biết đến. Ông vào làm việc tại Sài Gòn và cộng tác với các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn, Bách Khoa…
Năm 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông định cư tại Los Angeles, Hoa Kỳ.
Võ Phiến tiếp tục xây dựng nền văn học Việt Nam tại hải ngoại, xuất bản tập san Văn Học Nghệ thuật từ 1978 đến 1979, và từ 1985 đến 1986.
Ông sống tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Ông qua đời lúc 7 giờ tối ngày 28/09/2015 tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổiTác phẩm
Chữ tình (Quy Nhơn, 1956)
TÁC PHẨM
Người tù (Quy Nhơn, 1957)
Mưa đêm cuối năm (Sài Gòn, 1958)
Đêm xuân trăng sáng (Sài Gòn, 1961)
Về một xóm quê (Sài Gòn, 1961)
Giã từ (Sài Gòn, 1962)
Thương hoài ngàn năm (Sài Gòn, 1962)
Thư nhà (Sài Gòn, 1963)
Tiểu thuyết hiện đại (1963)
Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà (dịch Stefan Zweig)
Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại (dịch Andre Mourois)
Truyện hay các nước 1 (dịch với Nguyễn Minh Hoàng)
Truyện hay các nước 2 (dịch với Nguyễn Minh Hoàng)
Một mình (Sài Gòn, 1965)
Tạp bút 1 (Sài Gòn, 1965)
Tạp bút 2 (Sài Gòn, 1965)
Tạp bút 3 (Sài Gòn, 1966)
Đàn ông (Sài Gòn, 1966)
Ảo ảnh (Sài Gòn, 1967)
Phù thế (Sài Gòn, 1969)
Tạp luận (Sài Gòn, 1973)
Chúng ta qua cách viết (Sài Gòn, 1973)
Đất nước Quê Hương (Sài Gòn, 1973)
Ông chồng muôn thuở (dịch Dostoievski)
Thư gửi bạn (Hoa Kỳ, 1976)
Ly hương (viết với Lê Tất Điều, Hoa Kỳ, 1977)
Nguyên vẹn (Hoa Kỳ, 1978)
Lại thư gửi bạn (Hoa Kỳ, 1979)
Văn học Miền Nam, tổng quan (Hoa Kỳ, 1987)
Truyện thật ngắn (Hoa Kỳ, 1991)
Quê (Hoa Kỳ, 1992)
Đối thoại (Hoa Kỳ, 1993)
Viết (Hoa Kỳ, 1993)
Sông và Viết (Hoa Kỳ, 1996)
Thơ thẩn (Hoa Kỳ, 1997)
Văn học Miền Nam, truyện 1 (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, truyện 2 (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, truyện 3 (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, ký (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, tùy bút và kịch (Hoa Kỳ, 1999)
Văn học Miền Nam, thơ (Hoa Kỳ, 1999)
Cảm nhận (Hoa Kỳ, 1999)