
Old Monk Teaches Little Monks | by Sawliniboniso
Bồ-tát đạo là con đường tu tập của một bồ-tát. Bồ-tát là một chúng sinh phát tâm tu tập để thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. “Phát tâm thành tựu giác ngộ” và “vì lợi lạc của tất cả chúng sinh” thường được diễn tả qua hai thành ngữ “phát tâm bồ-đề” và “cứu độ chúng sinh”. Theo tiến trình tu tập thì một bồ-tát phải đạt được giác ngộ viên mãn của một vị Phật trước rồi mới có thể cứu độ chúng sinh. Tuy nhiên, vì giác ngộ có 3 cấp bậc khác nhau: A-la-hán, Bích-chi, và Phật; cho nên trong quá trình tu tập, khi đạt được giác ngộ của một A-la-hán thì bồ-tát đã có đủ năng lực để thuyết pháp độ sinh. Vì thế, có thể tạm chia bồ-tát thành hai hàng: bồ-tát có khả năng độ sinh & bồ-tát chưa có khả năng này.
Bồ-tát Có Khả Năng Độ Sinh: Con đường Bồ-tát có tất cả 10 giai vị; thuật ngữ Phật học gọi là “bhūmi” (地; địa; ground; stage of training). Mỗi địa tương đương với thời gian tu tập 1 ba-la-mật. “Lục độ”—tức 6 ba-la-mật bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ—tương đương với 6 địa đầu tiên. Ở địa thứ 7, bồ-tát thành tựu Phương tiện ba-la-mật. Với ba-la-mật này, bồ-tát đã có thể bắt đầu sự nghiệp độ sinh chứ không phải chờ cho đến khi hoàn tất cả mười địa.
Như vậy, nếu phát nguyện bước đi trên con đường này, chúng ta sẽ nhận được sự dẫn dắt của các bồ-tát từ địa thứ 7 trở lên, cũng như các bồ-tát đã thành Phật nhưng không nhập Vô dư y niết-bàn.
Bồ-tát chưa có khả năng độ sinh là các bồ-tát sơ phát tâm—hay còn gọi là bồ-tát tân học—hoặc đang trải qua một trong sáu địa đầu tiên của Thập địa. Vì chưa thành tựu giác ngộ nên hạng bồ-tát này chưa đủ năng lực để cứu độ bất cứ chúng sinh nào cả, mà chỉ đang “mượn” chúng sinh làm môi trường tu tập.
___________________________________
Photo: Old Monk Teaches Little Monks | by Sawliniboniso